Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 19.206
Câu chuyện pháp luật: Cùng chia sẻ để gia đình thêm hạnh phúc
Ngày cập nhật 11/10/2022

Vợ chồng ông Thái sinh được hai người con là anh Vinh và chị Tâm. Do anh Vinh là con trai, lại là con út nên luôn được bố mẹ chiều chuộng hơn. Từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ có anh Vinh được đi học, chị Tâm ở nhà phụ giúp bố mẹ trông nom hàng quán. Sau này, khi anh Vinh lên đại học cũng là một tay chị Tâm quán xuyến nhà cửa, buôn bán để kiếm thêm thu nhập, thay bố mẹ nuôi anh Vinh ăn học.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Vinh ở lại thành phố làm việc. Tuy được bố mẹ nuông chiều nhưng anh Vinh vẫn luôn ngoan ngoãn, hiếu thuận, đặc biệt anh rất yêu thương chị gái mình. Anh luôn tâm niệm, chị Tâm là người đã thay bố mẹ đã già yếu để chăm sóc, nuôi dưỡng mình, anh có được ngày hôm nay, đều là một tay chị quan tâm, lo lắng, vì không được học đến nơi đến chốn nên không có công việc ổn định, cuộc sống bây giờ của chị khá khó khăn, mọi nguồn thu đều trông chờ vào hàng quán nhỏ của bố mẹ để lại. Thế nên, khi anh Vinh có thu nhập tốt hơn, hàng tháng, anh đều gửi một khoản tiền về cho bố mẹ và chị Tâm để sinh hoạt đều đặn.

Tuy nhiên, khi anh Vinh lập gia đình, chị Hoa (vợ anh) lại cảm thấy khó chịu vì tháng nào chồng cũng gửi tiền về cho chị gái. Chị bắt đầu soi xét, so đo với anh Vinh, thậm chí có lần, khi chị Tâm lên thành phố thăm em trai, chị Hoa đã bóng gió:

- Chị Tâm đến chơi đấy à, tiếc quá anh Vinh nhà em lại đi vắng, dạo này công việc khó khăn quá, chắc tháng này tụi em gửi tiền trễ, chị thông cảm nhé.

- Chị lên thăm hai em và các cháu thôi mà, tiền bạc gì đâu em, chị cũng không khó khăn lắm – chị Tâm ngập ngừng.

Nghe chị Tâm nói thế, chị Hoa được đà trách:

- Thế à chị, nhưng tụi em thì khó lắm, nuôi hai đứa con ăn học ở thành phố cũng chẳng dễ dàng gì. Tháng nào cũng mất vài triệu gửi về quê càng thiếu hơn chị ạ.

Chị Tâm hiểu ý của chị Hoa, chị chỉ thở dài và không nói gì thêm. Chị tự nhủ từ nay sẽ không nhận tiền của anh Vinh.

Một thời gian, anh Vinh vẫn gửi tiền về cho chị Tâm nhưng chị luôn chuyển khoản trả lại cho anh với lý do gần đây hàng quán đắt khách nên không cần anh phụ giúp. Anh Vinh dù khá thắc mắc nhưng nghĩ chị em với nhau, có lẽ chị Tâm làm ăn được hơn ngày trước nên anh cũng không hỏi gì thêm.

Tuy nhiên, vài tháng trôi qua, không thấy chị Tâm lên thành phố thăm mình, anh Vinh quyết định về thăm bố mẹ và chị. Vừa về tới nhà, anh ngạc nhiên khi thấy trời đã tối nhưng chị Tâm đang chong đèn ngồi đan rổ trước sân. Anh hỏi chị:

- Sao chị không đi nghỉ sớm đi, còn ngồi đan thêm rổ làm gì? Em tưởng dạo này chị buôn bán được lắm mà chị.

Chị Tâm thở dài nói với anh Vinh, việc buôn bán dạo này không tốt vì mọi người đều chỉ thích vào siêu thị mua sắm, vừa nhiều hàng hoá lại vừa mát mẻ, sạch sẽ. Có điều, dù khó khăn, chị cũng không muốn làm phiền chú thím vì sợ chú thím không đủ tiền trang trải trên thành phố.

Anh Vinh nghe vậy cảm thấy rất buồn, anh thầm hiểu có lẽ vợ mình đã có điều gì chưa đúng với chị. Anh nói với chị Tâm, ngày xưa nhờ có chị thay bố mẹ nuôi em ăn học nên em mới có ngày hôm nay. Bây giờ, có được chút thành công, anh muốn được góp một phần chia sẻ, phụ giúp chị chăm sóc bố mẹ. Chị Tâm cảm thấy những lời anh Vinh nói rất đúng nhưng cứ nghĩ về chị Hoa, chị Tâm lại buồn lòng. Để tránh cho gia đình em trai gây gổ nhau, chị vẫn nhất quyết từ chối.

Sau lần về quê thăm nhà, anh Vinh trở nên buồn bực, anh ít nói và trầm lắng hơn. Chị Hoa nhìn thấy hết những biểu hiện đó của anh Vinh, chị đoán rằng có lẽ vì những lời nói của mình đã ảnh hưởng chung đến cả gia đình, trong lòng chị dù cảm thấy có chút áy náy nhưng chị vẫn không đồng ý việc anh Vinh hỗ trợ cho gia đình. Anh Vinh tuy buồn phiền vợ nhưng anh cũng không muốn nói gì thêm vì lo lắng ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng.

Cho tới một hôm, anh nghe hàng xóm gọi điện báo tin chị Tâm vì làm việc quá sức mà bị ngất xỉu, đang nằm tại bệnh viện của huyện. Nghe tin, vợ chồng anh Vinh hoảng hốt, đón xe về nhà ngay trong đêm. Ngồi trên xe, nhớ đến ngày còn nhỏ anh luôn được chị đưa đón, chăm sóc mình, những ngày anh đi học đại học, tuần nào chị cũng đón xe lên thăm anh, mỗi lần như thế, chị đem theo biết bao nhiêu thứ, có món gì ngon cũng chỉ để dành cho anh. Càng nghĩ, nước mắt anh lăn dài trên má lúc nào không hay. Chị Hoa ngồi bên cạnh chồng, dù không nói nhưng chị cũng hiểu được trong lòng anh đang nghĩ gì, những câu chuyện ngày bé của anh Vinh chị đều biết hết. Đột nhiên một cảm giác hối hận xuất hiện trong đầu chị, chị thấy bản thân mình thật sự đã quá ích kỷ rồi. Chị khẽ nắm tay anh Vinh và nói:

- Chị Tâm thật tội quá anh ạ, từ nay, vợ chồng mình không chỉ gửi tiền mà còn phải thường xuyên về thăm bố mẹ và chị hơn nữa anh nhé. Hôm qua, em đọc được trên báo, tỉnh mình vừa ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó, nguyên tắc chung trong ứng xử gia đình là “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”. Như vậy, đã là người một nhà, là gia đình của nhau, thì cần phải chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, phải không anh?

Nghe vợ mình thủ thỉ như vậy, trong lòng anh Vinh cảm thấy rất hạnh phúc, cuối cùng thì vợ mình cũng đã hiểu được những tâm sự trong lòng anh và cùng anh vun đắp, chia sẻ những niềm vui, phiền muộn trong cuộc sống, như vậy mới thực sự là một gia đình hạnh phúc.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày