Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 17.966
Câu chuyện pháp luật: Vợ chồng phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo của nhau
Ngày cập nhật 11/10/2022

Gia đình của chị Lan vốn theo đạo Phật, từ nhỏ, chị đã thường xuyên cùng bố mẹ đi lễ chùa, do đó, đối với chị, việc ăn chay hay soạn bàn thờ cúng, lễ chùa đều là những chuyện rất quen thuộc. Sau khi kết hôn với anh Phúc, chị Lan vẫn giữ nếp cũ, thỉnh thoảng, chị còn đề nghị chồng cùng mình đi chùa lễ bái. Mới đầu, anh Phúc cũng vui vẻ đồng ý đi với chị, anh nghĩ dù gì vợ anh cũng rất hiền lành, việc lễ chùa cũng là việc tốt, trong gia đình dù sao cũng nên có thờ có thiêng. Tuy nhiên, càng về sau, anh Phúc cảm thấy việc thờ cúng, lễ chùa của chị Lan khá ảnh hưởng tới sinh hoạt gia đình. Đầu tiên là việc chị Lan muốn anh Phúc ăn chay cùng mình, lúc đầu chỉ ăn chay vào những ngày rằm, ngày giỗ chạp, nhưng càng về sau, chị Lan yêu cầu anh Phúc cùng ăn chay trong một tuần liền. Vốn là lao động chân tay, thường xuyên làm việc vất vả, nặng nhọc nên việc ăn chay không đủ đảm bảo sức khỏe của anh Phúc. Sau này, việc đi lễ chùa của chị Lan dày đặc hơn, thậm chí có lần mải đi chùa, chị đã quên không đón con, khiến anh phải bỏ dở việc ở công trường để tất tả đi đón cháu. Chưa kể, trong nhà hễ có việc gì, chị Lan đều mời các sư thầy trong chùa về cúng bái linh đình, vô cùng tốn kém, trong khi điều kiện kinh tế của gia đình đang khó khăn.

 

Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, khi một ngày anh Phúc đi làm trở về nhà. Anh giật mình khi thấy chị Lan bày trong nhà rất nhiều mâm cúng, vàng mã và hương, hoa khắp nơi trong nhà. Hỏi ra mới biết ngày mai chị Lan có hẹn cùng mấy chị bạn trong xóm cũ đi chùa để cúng giải hạn. Anh Phúc cau mày hỏi chị Lan:

- Em lấy tiền đâu ra để mua những thứ này vậy?

- À, em lấy tạm tiền sinh hoạt tháng này anh mới đưa hôm qua để mua đồ đấy, tháng này nhà ta chịu khó ăn uống đạm bạc nhé - chị vô tư trả lời.

Lúc này, anh Phúc không kiềm chế cơn giận của mình được nữa, anh vung tay lên tát chị Lan một cái. Bị đánh bất ngờ, chị Lan loạng choạng ngã xuống, chị ôm mặt gào khóc. Anh Phúc chưa hết giận, anh đem toàn bộ mâm quả bày trên bàn hất đổ ra sân, anh cấm chị từ nay trở đi không được đi lễ chùa, không được ăn chay, cúng bái nữa, nếu không anh sẽ làm thủ tục ly hôn với chị. Cứ như vậy, hai vợ chồng, một bên gào khóc, một bên đập phá, ồn ào cả một xóm.

Mâu thuẫn chỉ dừng lại khi hàng xóm kịp thời báo bà Tâm (tổ trưởng tổ dân phố, đồng thời là hòa giải viên của địa phương) tới để can ngăn, giải quyết. Biết được nguyên nhân ngọn ngành sự việc, bà Tâm đề nghị tất cả mọi người trong xóm về nhà nghỉ ngơi, tránh tập trung đông người thêm ồn ào. Sau khi mọi người ra về, bà phụ chị Lan một tay dọn dẹp một số thứ, cũng là để thời gian cho anh Phúc bình tĩnh, nguôi giận, lúc này bà Lan mới lên tiếng:

- Trong chuyện này, tôi không bênh ai vì ai cũng có điều chưa đúng. Chị Lan vốn theo đạo Phật, đi lễ chùa, cúng bái là điều dễ hiểu, nhưng chị Lan phải tùy vào điều kiện của mình và thời gian chăm sóc gia đình, chồng con. Chị nên điều tiết việc thờ cúng như thế nào để văn minh, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, chứ không nên để trở thành “mê tín dị đoan”, ảnh hưởng tới cuộc sống của mình và người thân.

Ngừng một chút, bà Tâm nói tiếp, bà rất thông cảm với việc anh Phúc giận chị Lan vì đã tiêu hết số tiền sinh hoạt, tuy nhiên, việc anh Phúc đánh chị Lan, cấm đoán chị không được theo đạo Phật là hoàn toàn sai. Ngày 11 tháng 8 năm 2022 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND về triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Kế hoạch nhằm tập trung tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống; phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Theo đó, Tiêu chí ứng xử chung trong dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm các nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Trong đó, “Tôn trọng” là việc “Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.” Anh Phúc có thể lên tiếng, góp ý để chị Lan phải điều chỉnh tín ngưỡng của mình cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, chứ không nên ép buộc, ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng của vợ mình.

Nghe bà Tâm khuyên giải, hai vợ chồng anh Phúc chị Lan cũng đã hiểu ra cái sai của mình, anh Phúc đỡ vợ đứng dậy và xin lỗi chị. Chị Lan cũng hứa với anh Phúc từ nay về sau sẽ chuyên tâm chăm sóc gia đình, không mải chú tâm vào việc thờ cúng, lễ chùa như trước nữa.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày