Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 9.941
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI
Ngày cập nhật 11/09/2020

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI

Anh Lê Văn Do muốn hòa giải viên thực hiện hòa giải mâu thuẫn giữa ông và người hàng xóm. Ông muốn biết pháp luật quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở?

Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở, như sau:

1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Như vậy, nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên.

Ông Lương Bá là công chức nghỉ hưu, ông muốn làm hòa giải viên ở cơ sở. Ông hỏi Hòa giải viên có các quyền và nghĩa vụ gì?

Điều 9 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định như sau:

Hòa giải viên có các quyền sau đây:

1. Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

3. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.

4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

5. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

6. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

8. Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.

9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 và khoản 7 Điều này.

Điều 10 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định Hòa giải viên có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

2. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

3. Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

4. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

5. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

Như vậy, hòa giải viên có các quyền và nghĩa vụ như đã nêu trên, ông Bá tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Bà Nguyễn Thị Mộng muốn tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, bà muốn biết hòa giải viên đảm bảo tiêu chuẩn gì và việc bầu, công nhận hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định như sau:

Tiêu chuẩn hòa giải viên:

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định bầu, công nhận hòa giải viên như sau:

1. Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 nêu trên có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.

2. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;

b) Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.

3. Kết quả bầu hòa giải viên:

a) Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;

b) Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;

c) Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;

d) Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

Như vậy, hòa giải viên có các tiêu chuẩn  và việc bầu, công nhận hòa giải viên được pháp luật quy định như trên. Bà Mộng tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Phạm Hữu Minh muốn được Tổ hòa giải thực hiện hòa giải ở cơ sở. Ông đề nghị cho biết những vụ việc nào được hòa giải ở cơ sở và những trường hợp nào không được hòa giải ở cơ sở?

Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở như sau:

1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;

đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:

Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;

g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

2. Không hòa giải các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 nêu trên;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 nêu trên;

đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, những vụ việc được hòa giải ở cơ sở và những trường hợp không được hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên, Ông Minh tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Bà Trần Thị Thơ muốn được làm hòa giải viên tổ hòa giải, bà Thơ muốn biết pháp luật quy định như thế nào về tổ hòa giải và trách nhiệm của tổ hòa giải?

Điều 12, Điều 13 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định như sau:

1. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

3. Hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.

Tổ hòa giải có trách nhiệm sau đây:

1. Tổ chức thực hiện hòa giải.

2. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.

3. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

4. Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

5. Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.

Như vậy, tổ hòa giải và trách nhiệm của tổ hòa giải được pháp luật quy định như trên. Bà Thơ tham khảo để thực hiện yêu cẩu của mình.

Ông Dương Thiệu Thanh làm hòa giải viên ở cơ sở cũng được hơn 3 năm. Các hòa giải viên trong Tổ hòa giải muốn bầu ông Thanh làm Tổ trưởng Tổ hòa giải. Ông Thanh muốn biết Tổ trưởng tổ hòa giải có phải do hòa giải bầu không và tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ gì?

Điều 14, Điều 15 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định như sau:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.

2. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.

Tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.

2. Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.

3. Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

4. Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

5. Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

6. Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.

7. Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên, Tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ như đã nêu trên.

Ông Vương Văn Lu là hòa giải viên ở cơ sở của thôn M, xã K, huyện S, tỉnh T.T.Huế. Trong một lần đi thực hiện hòa giải cho người dân không may ông Lu bị tai nạn, ông bị gãy chân và phải nhập viện điều trị hơn nửa tháng. Ông hỏi thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải được quy định như thế nào?

Thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

- Trong trường hợp hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên xem xét, có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện kèm theo hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định hỗ trợ; trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chi tiền hỗ trợ.

Cách thức thực hiện:

- Hồ sơ nộp trực tiếp.

- Nộp qua đường bưu điện.

Thành phần hồ sơ:

- Giấy đề nghị hỗ trợ của hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng có xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại là tổ trưởng tổ hòa giải. Giấy đề nghị hỗ trợ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu hỗ trợ; lý do yêu cầu hỗ trợ;

- Biên bản xác nhận tình trạng của hòa giải viên bị tai nạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

- Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

- Văn bản, giấy tờ hợp lệ về thu nhập thực tế theo tiền lương, tiền công hằng tháng của người bị tai nạn có xác nhận của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp), bao gồm: Hợp đồng lao động, quyết định nâng lương của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động hoặc bản kê có thu nhập thực tế của hòa giải viên bị tai nạn và các giấy tờ chứng minh thu nhập thực tế hợp pháp khác (nếu có);

- Giấy chứng tử (trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng; bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

- Thời hạn UBND cấp xã xem xét, đề nghị UBND cấp huyện giải quyết hồ sơ: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Thời hạn Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Thời hạn UBND cấp xã chi tiền hỗ trợ: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định của UBND cấp huyện.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở

Như vậy, thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải được quy định như trên, ông Lu tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

                Bà Đặng Thị Mây muốn được làm hòa giải viên ở cơ sở ở của xã bà đang ở, huyện K, tỉnh T.T.Huế. Bà muốn biết để được công nhận hòa giải viên bà phải làm như thế nào, nộp những hồ sơ gì, nộp ở đâu, thời hạn giải quyết bao lâu, lệ phí bao nhiêu?

  Thủ tục công nhận hòa giải viên được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

- Trường hợp kết quả bầu hòa giải viên đáp ứng yêu cầu quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3 Điều 8 của Luật hòa giải ở cơ sở, Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên kèm theo biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết bầu hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị công nhận hòa giải viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định;

- Trường hợp số người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thì Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách những người được đề nghị công nhận, trong đó bao gồm những người có số phiếu bằng nhau gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Cách thức thực hiện: Không quy định

Thành phần hồ sơ:

- Danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên (Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN).

- Biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết bầu hòa giải viên (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai; Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu hòa giải viên bằng hình thức bỏ phiếu kín; Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu hòa giải viên bằng hình thức phát phiếu bầu đến hộ gia đình).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý.

Như vậy, để được công nhận hòa giải viên bà Mây phải thực hiện, nộp các hồ sơ như đã nêu trên, thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, không có lệ phí.

Ông Mai Văn Hai là hòa giải viên ở cơ sở được hơn 3 năm, đến nay ông được các hòa giải viên bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải. Ông hỏi, thủ tục công nhận tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện như thế nào?

Thủ tục công nhận tổ tưởng tổ hòa giải được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp bầu tổ trưởng tổ hòa giải, Trưởng ban công tác Mặt trận làm văn bản đề nghị công nhận tổ trưởng tổ hòa giải kèm theo biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết về việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Cách thức thực hiện: Không quy định.

Thành phần hồ sơ:

- Văn bản đề nghị công nhận tổ trưởng tổ hòa giải (Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN).

- Biên bản kiểm phiếu hoặc biên bản về kết quả biểu quyết về việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải (Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu tổ trưởng tổ hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai; Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu tổ trưởng tổ hòa giải viên bằng hình thức bỏ phiếu kín).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Người được công nhận là tổ trưởng tổ hòa giải phải đạt trên 50% số hòa giải viên của tổ hòa giải đồng ý và là người có số phiếu bầu cao nhất.

Như vậy, thủ tục công nhận tổ trưởng tổ hòa giải được pháp luật quy định như trên, ông Hai tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

          Bà Lương Thị Bông đang làm hòa giải viên, vì lý do sức khỏe bà Bông không thể tiếp tục làm hòa giải viên. Bà muốn thôi làm hòa giải viên, bà hỏi thủ tục thôi làm hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Thủ tục thôi làm hòa giải viên được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được đề nghị của tổ trưởng Tổ hòa giải về việc thôi làm hòa giải viên, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố xem xét, xác minh, làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Đối với trường hợp thôi làm hòa giải viên theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 11 của Luật hòa giải ở cơ sở, nếu Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không đồng ý với đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không thống nhất được với nhau về đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải, thì Trưởng ban công tác Mặt trận thông báo với tổ trưởng tổ hòa giải, nêu rõ lý do không đồng ý, đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Trường hợp thôi làm hòa giải viên đối với tổ trưởng tổ hòa giải thì Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hoặc báo cáo về việc thôi làm hòa giải viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Cách thức thực hiện: Không quy định.

Thành phần hồ sơ: Văn bản đề nghị ra quyết định thôi làm hòa giải viên (Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN)/ Báo cáo về việc thôi làm hòa giải viên (Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN) trong trường hợp Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không đồng ý với đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không thống nhất được với nhau về đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hoặc báo cáo về việc thôi làm hòa giải viên.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Việc thôi làm hòa giải viên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Theo nguyện vọng của hòa giải viên;

- Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 của Luật hòa giải ở cơ sở;

- Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 của Luật hòa giải ở cơ sở hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.

Như vậy, thủ tục thôi làm hòa giải viên được pháp luật quy định như trên, bà Bông tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Trương Mạnh Sử là tổ trưởng tổ hòa giải, tổ hòa giải ông đã thực hiện hòa giải được 3 vụ việc, ông muốn thanh toán thù lao cho hòa giải viên. Ông Sử đề nghị cho biết thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên được ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp, quy định như sau:

Trình tự thực hiện:

- Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cách thức thực hiện: Không quy định.

Thành phần hồ sơ:

Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải.

Xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Tổ hòa giải thực hiện trả thù lao cho hòa giải viên theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao.

Lệ phí: Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Điều kiện được hưởng thù lao theo vụ, việc của hòa giải viên:

- Vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc trong trường hợp:

+ Các bên đạt được thỏa thuận;

+ Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải;

+ Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

- Hòa giải viên không vi phạm nghĩa vụ sau:

+ Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật hòa giải ở cơ sở.

+ Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật hòa giải ở cơ sở.

+ Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

+ Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

+ Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

 Như vậy, thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên được pháp luật quy định như trên, ông Sử tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Nguyễn Khá có yêu cầu tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải cho ông, ông muốn biết các bên trong hòa giải có các quyền và nghĩa vụ gì?

Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải như sau:

1. Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

2. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

3. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.

4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

 Như vậy, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải được pháp luật quy định như trên, ông Khá tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Trần Dư là hòa giải viên ở cơ sở, ông muốn được hòa giải vụ việc liên quan đến gia đình ông, nhưng tổ trưởng tổ hòa giải không phân công vì ông có quyền, lợi ích liên quan đến vụ việc. Ông Dư muốn biết tổ trưởng tổ hòa giải không phân công tiến hành hòa giải đúng hay không?

Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định phân công hòa giải viên như sau:

1. Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn hòa giải viên.

2. Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

3. Trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải viên vi phạm nguyên tắc hoạt động hòa giải hoặc nghĩa vụ khác của hòa giải viên thì tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên khác thực hiện việc hòa giải.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc tổ trưởng không phân công ông Dư tiến hành hòa giải vụ việc là đúng vì ông có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải.

Chị Nguyễn Thị Hoa Lan có đơn yêu cầu tổ hòa giải hòa giải vụ việc cho chị, chị Lan hỏi trong quá trình hòa giải hòa giải viên có thể mời người tham gia hòa giải không, thời gian, địa điểm hòa giải là ở đâu?

Điều 19, Điều 20 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định như sau:

1. Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

2. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải.

Địa điểm, thời gian hòa giải:

1. Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

Như vậy, trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời những người trên tham gia hòa giải. Địa điểm, thời gian hòa giải được pháp luật quy định như trên.

                Bà Lương Thị Hoa là người yêu cầu tổ hòa giải hòa giải vụ việc của bà, bà đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về tiến hành hòa giải?

Điều 21 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định tiến hành hòa giải như sau:

1. Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

2. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

3. Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, tiến hành hòa giải được pháp luật quy định như trên, bà Hoa tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông Ngô La đang được hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc của ông, ông muốn biết hòa giải thành được pháp luật quy định như thế nào và thực hiện hòa giải thành như thế nào?

Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định hòa giải thành và thực hiện hòa giải thành như sau:

1. Hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận.

2. Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

a) Căn cứ tiến hành hòa giải;

b) Thông tin cơ bản về các bên;

c) Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

d) Diễn biến của quá trình hòa giải;

đ) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

h) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.

Điều 25 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định thực hiện thỏa thuận hòa giải thành như sau:

1. Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

2. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.

Như vậy, hòa giải thành và thực hiện hòa giải thành được pháp luật quy định như trên, ông La tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Ông La Văn Ha là tổ trưởng tổ hòa giải thôn A, xã M, huyện K, tỉnh T.T.Huế, ông đề nghị cho biết mức chi thù lao cho hòa giải viên đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ việc hòa giải được chi như thế nào?

Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định mức chi đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, quy định như sau:

Nội dung chi:

Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Mức chi:

- Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải):

+ Hòa giải thành: 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải;

+ Hòa giải không thành: 150.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

- Hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở: Mức chi bằng 05 tháng lương cơ sở.

- Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải): 100.000 đồng/tổ hòa giải/tháng.

- Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên: 50.000 đồng/người/buổi.

- Chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên: 10.000 đồng/người/buổi.

Các mức chi khác không được quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và các Nghị quyết có liên quan của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Như vậy, mức chi thù lao cho hòa giải viên đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ việc hòa giải: Hòa giải thành: 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải; hòa giải không thành: 150.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

Ông Lê Thanh Thu được hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc giữa ông và bà Pha. Quá trình hòa giải hai bên không đạt được thỏa thuận và không đi đến thống nhất, vì vậy việc hòa giải không thành. Ông Thu đề nghị cho biết giải quyết trường hợp hòa giải không thành được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 10 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định giải quyết trường hợp hòa giải không thành như sau:

1. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.

2. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản, ghi rõ thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ, việc; yêu cầu của các bên; lý do hòa giải không thành; chữ ký của hòa giải viên.

          Như vậy, giải quyết trường hợp hòa giải không thành được pháp luật quy định như trên, ông Thu tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

         

Bà Phạm Thị Mai Na mới được công nhận hòa giải viên ở cơ sở, bà Na muốn biết sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở gồm có những nội dung gì?

 

Điều 11 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở như sau:

1. Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm nhận vụ, việc hòa giải;

b) Họ, tên, tuổi, địa chỉ của các bên, người có liên quan đến vụ, việc hòa giải;

c) Họ, tên của hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải (nếu có);

d) Nội dung chủ yếu của vụ, việc và yêu cầu của các bên;

đ) Kết quả hòa giải;

e) Chữ ký của hòa giải viên, người chứng kiến việc hòa giải và người được mời tham gia hòa giải (nếu có).

2. Sau khi kết thúc hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung ghi sổ.

3. Tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm lưu giữ, đôn đốc việc ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, những nội dung chủ yếu của sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên, bà Na tham khảo để thực hiện.

Đề nghị cho biết việc biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không?

Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, như sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương;

b) Biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện; hướng dẫn cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;

c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên việc biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở?

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định, như sau:

2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương; hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan cho tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;

b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp xã; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Sở Tư pháp;

c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi cần thiết; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải của xã, phường, thị trấn trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Sở Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Đề nghị cho biết trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như thế nào?

Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định, như sau:

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã) hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở cho cá nhân quy định tại Điều 2 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;

b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận, cho thôi tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên;

c) Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định; thực hiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải tại xã, phường, thị trấn;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của xã, phường, thị trấn khi cần thiết; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Phòng Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Ông Võ Văn Sinh là hội viên hội Cựu chiến binh, ông muốn tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở. Ông Sinh đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở?

Điều 10 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTUMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, quy định mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, như sau:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp ở địa phương mà nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận làm hòa giải viên hoặc tham gia trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở.

Các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia hòa giải ở cơ sở được Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp trên khen thưởng khi tích cực tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm a và Điểm d Khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được pháp luật quy định như trên, ông Sinh tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

 

 

 

Hòa giải liên quan đến việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Thời gian qua, vợ chồng anh Phú có lục đục. Lý do theo anh Phú cho biết: Anh muốn bán căn nhà thuộc sở hữu riêng của anh để làm ăn; tuy nhiên đây cũng là nơi cả gia đình anh đang sinh sống. Chính vì vậy mà vợ anh phản đối và nhiều lần to tiếng, “nói lẫy” với anh. Anh Phú nhờ Tổ hòa giải  hòa giải giúp. Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật gì để hòa giải trong trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng như sau:

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Căn cứ quy định trên, hòa giải viên phân tích để anh Phú hiểu, nếu nhà ở thuộc sở hữu riêng của anh thì anh có quyền quyết định. Tuy nhiên nếu nhà ở đó là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì khi quyết định việc bán nhà phải bảo đảm chổ ở cho vợ chồng.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Ông Thể thế chấp quyền sử dụng mảnh đất 50m2 cho bà Duyên để vay 200 triệu đồng. Hết hạn thế chấp nhưng ông Thế không thanh toán được số tiền đã vay nên bà Duyên đề nghị xử lý tài sản thế chấp theo quy định. Tuy nhiên, khi xử lý tài sản thì không chỉ xử lý mảnh đất mà cả ngôi nhà gắn liền với mảnh đất. Ông Thể không đồng ý vì chỉ thế chấp mảnh đất 50m2 mà không thế chấp ngôi nhà và cho rằng bà Duyên cố ý lừa dối. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Để hòa giải trong trường hợp này, hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 325 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất:

1. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, Hòa giải viên phải căn cứ Điều 325 Bộ luật Dân sự (năm 2015) giải thích cho các bên hiểu quy định về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất. Mặc dù ông Thể chỉ thế chấp 50m2 quyền sử dụng đất mà không thế chấp ngôi nhà và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu ngôi nhà thì tài sản được xử lý bao gồm cả ngôi nhà, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, theo quy định pháp luật thì việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp của ông Thể là đúng pháp luật. Do đó, ông Thể và bà Duyên nên bàn bạc, thỏa thuận về việc xử lý tài sản thế chấp một cách phù hợp, tránh gây ồn ào, mất tình cảm đôi bên. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Chị Linh ký hợp đồng với bà Đào để bán 100 bộ bàn ghế. Đến hạn, chị Linh chỉ giao cho bà Đào 50 bàn ghế. Bà Đào và chị Linh xảy ra tranh chấp vì bà Đào đòi bồi thường thiệt hại do không giao đủ hàng nhưng chị Linh không đồng ý. Trong trường hợp này, hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 352, Điều 353, Điều 360 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ; chậm thực hiện nghĩa vụ; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Điều 352. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Điều 353. Chậm thực hiện nghĩa vụ

1. Chậm thực hiện nghĩa vụ là nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết.

2. Bên chậm thực hiện nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.

Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, hòa giải viên phải căn cứ Điều 352, Điều 353, Điều 360 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để giải thích cho chị Linh hiểu là chị Linh đã vi phạm quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ giao hàng, trong trường hợp này chị Linh phải có nghĩa vụ thông báo cho bà Đào biết để hai bên cùng xử lý. Việc bà Đào yêu cầu bồi thường là đúng quy định của pháp luật. Chị Linh phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tuy nhiên, hòa giải viên có thể đề nghị bà Đào đồng ý để chị Linh tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Bà Thảo là chủ cửa hàng bán quần áo đã đặt ông Lên may 10 bộ quần áo và hẹn 10 ngày sau giao hàng. Đến hạn, ông Lên chưa may xong nhưng không thông báo cho bà Thảo biết. Bà Thảo đề nghị ông Lên bồi thường thiệt hại vì giao hàng không đúng thời hạn đã giao kết nhưng ông Lên không đồng ý. Hai bên xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp này, hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 352, Điều 354, Điều 360 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ; Hoãn thực hiện nghĩa vụ; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Điều 352. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Điều 354. Hoãn thực hiện nghĩa vụ

1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.

2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.

Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, hòa giải viên phải căn cứ Điều 352, Điều 354, Điều 360 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để giải thích cho ông Lên hiểu là ông Lên đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng; trong trường hợp này ông Lên phải thông báo cho bà Thảo biết về việc giao 10 bộ áo, quần không đúng hạn do may không kịp và đề nghị được hoãn thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Việc bà Thảo yêu cầu bồi thường là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hòa giải viên có thể đề nghị bà Thảo đồng ý để ông Lên tiếp tục thực hiện việc giao 10 bộ áo, quần. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Bà Tuyết có đặt ông Duy làm một số hàng mặt hàng cơ khí để giao cho khách nhưng ông Duy giao hàng muộn nên bà không bán được cho khách gây thiệt hại về kinh tế. Do đó, bà Tuyết yêu cầu ông Duy phải bồi thường. Ông Duy giải thích là do xe hỏng nên ông giao hàng muộn. Cả hai bên đều bảo vệ ý kiến của mình. Hòa giải viên sẽ áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải trong trường hợp này?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 351 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ:

1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Như vậy, hòa giải viên phải căn cứ Điều 351 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để giải thích cho hai bên hiểu vi phạm nghĩa vụ giao hàng không đúng thời hạn đã cam kết là do sự kiện bất khả kháng (xe của ông Duy bị hỏng, ông Duy cần phải chứng minh việc này là đúng sự thật). Trong trường hợp này, ông Duy không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà Tuyết. Bà Tuyết nên thông cảm cho ông Duy vì việc chậm giao hàng là do hỏng xe ngoài ý muốn của ông Duy. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền

Hòa giải tranh chấp liên quan đến bảo lưu quyền sở hữu

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Chị Bé mua tủ lạnh tại cửa hàng anh Sum. Do chưa có đủ tiền để trả, chị Bé thỏa thuận với anh Sum trả trước 80% giá trị, 20% còn lại sẽ thanh toán sau một tháng. Hai bên thống nhất và ghi rõ vào hợp đồng mua bán quyền sở hữu tủ lạnh này thuộc về anh Sum cho tới khi chị Bé hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Hết hạn một tháng, chị Bé không thanh toán 20% số tiền còn lại nên anh Sum đòi lại chiếc tủ lạnh. Chị Bé không trả tủ lạnh và xin gia hạn thêm 10 ngày nhưng anh Sum không đồng ý. Hai bên to tiếng xảy ra mâu thuẫn. Trong trường hợp này, hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 331 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định bảo lưu quyền sở hữu:

1. Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.

2. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.

3. Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký».

Điều 332 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định quyền đòi lại tài sản:

Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Như vậy, hòa giải viên phải căn cứ Điều 331, 332 Bộ luật Dân sự (năm 2015) giải thích cho các bên hiểu quy định về bảo lưu quyền sở hữu. Theo đó, trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán. Trường hợp bên mua là chị Bé không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho anh Sum theo thỏa thuận thì anh Sum có quyền đòi lại tài sản. Anh Sum phải hoàn trả cho chị Bé số tiền đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp chị Bé làm mất, hư hỏng tài sản thì anh Sum có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, việc hết hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng chị Bé chưa hoàn thành thì anh Sum có quyền đòi lại tài sản là đúng quy định. Việc chị Bé từ chối giao tài sản là không đúng. Tuy nhiên, hòa giải viên phân tích để anh Sum và chị Bé có thể thực hiện hợp đồng mua bán một cách trọn vẹn. Thực tế, ti vi đó đã được chị Bé thanh toán 80%, số tiền còn chị xin gia hạn thêm thời gian để hoàn thành theo thỏa thuận. Do đó, anh Sum có thể thông cảm và thỏa thuận với chị Bé về việc thanh toán số tiền còn lại một cách hợp lý, bảo đảm quyền lợi của các bên.Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến nhiều người cùng bảo lãnh

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Chị Sương, chị Dung và chị Quế cùng đứng ra bảo lãnh cho chị Mai  vay 300 triệu đồng từ bà Khanh. Phạm vi bảo lãnh là nghĩa vụ trả số tiền gốc 300 triệu đồng, được chia đều cho 3 người. Đến hạn trả nợ, chị Mai không có khả năng trả nợ nên Chị Sương, chị Dung và chị Quế họp bàn về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho chị Mai. Do chị Quế chưa có đủ tiền nên chị Sương thực hiện nghĩa vụ của chị và chị Quế. Riêng chị Dung được bà Khanh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, sau đó bà Khanh vẫn yêu cầu Chị Sương phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ số tiền mà chị Mai đã vay. Chị Sương không đồng ý vì đó không phải là phần nghĩa vụ mà chị thực hiện bảo lãnh. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Trong trường hợp này, hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 338 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định nhiều người cùng bảo lãnh:

Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Điều 341 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:

1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Như vậy, hòa giải viên phải căn cứ Điều 338, 341 Bộ luật Dân sự (năm 2015) giải thích cho các bên hiểu quy định về nhiều người cùng bảo lãnh và miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Khi Chị Sương, chị Dung và chị Quế cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh. Bên có quyền là bà Khanh có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình. Trường hợp chị Dung phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bà Khanh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho chị Dung thì chị Dung không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ 100 triệu đối với bà Khanh. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ tiền vay (số tiền gốc) của chị Mai lúc này là 200 triệu đồng. Số tiền này đã được chị Sương thay mặt những người bảo lãnh trả nợ cho bà Khanh. Do đó, việc bà Khanh yêu cầu chị Sương phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ số tiền gốc 300 triệu đồng là không đúng pháp luật. Để tránh việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài, gây mất trật tự tại khu dân cư, các bên có liên quan nên thỏa thuận việc thực hiện bảo lãnh phù hợp và đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền

òa giải tranh chấp liên quan đến quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Chị An nhận bảo lãnh cho chị Huyền vay 150 triệu đồng của ông Tiên trong thời hạn 12 tháng. Thời hạn vay được 7 tháng thì ông Tiên yêu cầu chị An phải trả tiền vay cho chị Huyền. Chị An không đồng ý vì chưa đến hạn trả nợ và chưa biết chị Huyền có khả năng trả nợ hay không. Tuy nhiên, ông Tiên vẫn nhiều lần đòi nợ chị An nên hai bên xảy ra mâu thuẩn, tranh chấp.  Chị An đã nhờ hòa giải viên H thực hiện hòa giải. Trong trường hợp này, Hòa giải viên H áp dụng quy định nào của pháp luật ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

 Điều 339 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh:

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

2. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

3. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Như vậy, Hòa giải viên phải căn cứ Điều 339 Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích cho các bên hiểu quy định về quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. Trường hợp chị Huyền không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì ông Tiên có quyền yêu cầu bên bảo lãnh là chị An phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận chị An chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho chị Huyền trong trường hợp chị Huyền không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Ông Tiên không được yêu cầu chị An thực hiện nghĩa vụ thay cho chị Huyền khi nghĩa vụ chưa đến hạn. Như vậy, việc ông Tiên nhiều lần đòi chị An trả nợ thay chị Huyền khi chưa đến hạn và chưa biết rõ chị Huyền có khả năng trả nợ hay không là không đúng quy định pháp luật. Để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp và sự bình yên của khu dân cư, ông Tiên không nên đòi nợ chị An khi chưa đến hạn.Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền

Hòa giải tranh chấp liên quan đến bảo lãnh

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Anh Cảnh vay của chị Quyên 100 triệu đồng. Để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, chị Quyên yêu cầu anh Cảnh phải có người bảo đảm. Anh Cảnh đã nhờ anh trai mình là anh Chung đứng ra bảo lãnh. Đến hạn trả nợ, anh Cảnh không có khả năng trả nợ nên anh Chung phải trả thay số tiền vay là 100 triệu đồng. Chị Quyên không đồng ý và yêu cầu anh Chung phải trả cả tiền gốc lẫn tiền lãi. Anh Chung cho rằng, anh chỉ bảo lãnh trả số nợ gốc nên anh chỉ có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi 100 triệu. Hai bên không thống nhất quan điểm nên xảy ra mâu thuẩn, tranh chấp.  Hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải trong trường hợp này ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 335 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về bảo lãnh:

- Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

- Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Điều 336 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về phạm vi bảo lãnh:

- Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

- Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

Như vậy, Hòa giải viên phải căn cứ Điều 329 Bộ luật Dân sự (năm 2015) giải thích cho các bên hiểu quy định về bảo lãnh và phạm vi bảo lãnh. Theo đó, ngay từ đầu các bên phải thống nhất bên bảo lãnh là anh Chung có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, do không cam kết rõ ràng về phạm vi bảo lãnh nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. Để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp của các bên cũng như tránh xung đột, mâu thuẩn kéo dài, anh Cảnh, anh Chung, chị Quyên nên thỏa thuận, thống nhất việc thanh toán tiền lãi một cách hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền

Hòa giải tranh chấp liên quan đến ký cược

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Ông Xá thuê cái máy gặt lúa của bà Huệ với giá 2.000.000 đồng trong thời hạn 10 ngày và sẽ thanh toán khi hết hạn hợp đồng. Đồng thời giao cho bà Huệ  500.000 đồng để ký cược. Sau khi trả lại máy cắt cỏ và thanh toan thì bà Huệ không chịu trả lại tiền ký cược cho ông Xá với lý do bù thêm vào khoản tiền thuê máy vì giá thuê đó là rẻ. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Trong trường hợp này, hòa giải viên D được ông Xá nhờ hòa giải sẽ áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải ? 

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 329 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về ký cược:

1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

2. Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

Như vậy, Hòa giải viên D phải căn cứ Điều 329 Bộ luật Dân sự (năm 2015) giải thích cho các bên hiểu quy định về ký cược. Trường hợp tài sản thuê (máy gặt lúa) được trả lại thì bên thuê là ông Xá được nhận lại tài sản ký cược 500.000 đồng sau khi trả tiền thuê; nếu ông Xá không trả lại tài sản thuê thì bà Huệ (bên cho thuê) có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê. Như vậy, việc bà Huệ không trả lại tiền ký cược cho ông Xá sau khi ông Xá đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền thuê máy gặt lúa và trả lại máy gặt lúa là không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, giữa ông Xá và bà Huệ đã có mối quan hệ tốt đẹp từ trước, để duy trì tình cảm tốt đẹp đó cũng như tránh việc tranh chấp kéo dài, gây tốn kém, mệt mỏi cho các bên, ông Xá và bà Huệ cần trao đổi, thảo thuận việc trả lại tiền ký cược một cách hợp lý. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền

Hòa giải tranh chấp liên quan đến đặt cọc tiền

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Anh Dũng muốn mua cái máy chụp ảnh đời mới giá 10 triệu đồng tại cửa hàng của bà Sen nhưng không mang theo đủ tiền. Vì loại máy chụp ảnh này số lượng có hạn và bán rất chạy, sợ hết hàng nên anh Dũng đặt cọc trước 2   triệu, hôm sau sẽ đến trả đủ tiền để lấy. Bà Sen nhất trí với đề nghị này và hai bên lập văn bản đặt cọc tiền. Đến hẹn, anh Dũng gặp bà Sen đề nghị cho lấy lại tiền cọc vì vợ anh không muốn mua cái máy chụp ảnh đó. Bà Sen không nhất trí và không trả lại tiền cọc cho anh Dũng. Hai bên to tiếng, dẫn đến mâu thuẫn. Anh Dũng đã nhờ hòa giải viên T thực hiện hòa giải. Trong trường hợp này, hòa giải viên T áp dụng quy định nào của pháp luật để tiến hành hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

 Điều 328 Bộ luật Dân sự  (năm 2015) quy định về đặt cọc:

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, Hòa giải viên T phải căn cứ Điều 328 Bộ luật Dân sự (năm 2015) giải thích cho các bên hiểu quy định về đặt cọc. Theo đó, nếu anh Dũng thực hiện giao kết mua máy chụp ảnh giá 10 triệu thì tiền cọc 2 triệu được trả lại cho anh Dũng hoặc được trừ vào 10 triệu mua máy chụp ảnh. Nếu anh Dũng từ chối mua máy chụp ảnh thì 2 triệu tiền cọc thuộc về bên nhận đặc cọc là bà Sen. Ngược lại, nếu bà Sen từ chối bán máy chụp ảnh như đã giao kết thì phải trả cho anh Dũng 2 triệu tiền cọc và trả thêm một số tiền tương đương giá trị tiền cọc là 2 triệu đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Chiếu theo quy định pháp luật, việc anh Dũng từ chối giao kết máy chụp ảnh thì ông sẽ bị mất 2 triệu đồng. Tuy nhiên, vì mối quan hệ hữu nghị giữa bên mua và bên bán, để giữ hòa khí và khách hàng trong làm ăn nên hai bên có thể thỏa thuận về việc mua bán này cũng như vấn đề xử lý tiền cọc một cách hợp lý. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền

Hướng dẫn về quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng anh Hoàng nhờ người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Anh chị nhờ Hòa giải viên tư vấn giúp về quyền, nghĩa vụ của anh chị trong trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào? 

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

1. Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

2. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

3. Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.

4. Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.

5. Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.

Như vậy, Hòa giải viên căn cứ quy định trên để tư vấn giúp vợ chồng anh Hoàng thực hiện đúng quy định khi nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hướng dẫn quy định quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng chị Xuân quyết định mang thai hộ giúp vợ chồng em gái chị. Tuy nhiên, chồng chị Xuân lo lắng vì không biết việc mang thại hộ có tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình không và chị Xuân có được hưởng chế độ thai sản không. Chính vì vậy, chồng chị còn phân vân, chưa thống nhất cho chị Xuân nhận lời giúp đỡ mang thai hộ. Chị Xuân nhờ Hòa giải viên tư vấn giúp, pháp luật quy định những vấn đề này như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 97 Luật  Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

1. Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

2. Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.

3. Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

4. Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

 Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

5. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

Căn cứ quy định trên, hòa giải viên tư vấn để vợ chồng chị Xuân yên tâm. Khi thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chị Xuân được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Hướng dẫn việc tư vấn y tế mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm những nội dung gì?

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng chị Ánh làm hồ sơ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Anh chị được hướng dẫn phải qua tư vấn về y tế. Tuy nhiên, chồng chị Ánh còn ngại nên chưa đi tư vấn như yêu cầu. Chị Ánh hỏi Hòa giải viên về việc tư vấn y tế gồm những nội dung gì? Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật nào để tư vấn cho anh chị trong trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 15 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định nội dung tư vấn về y tế:

1. Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn những nội dung sau đây:

a) Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi;

b) Quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ;

c) Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ;

d) Tỷ lệ thành công của kỹ thuật có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi;

đ) Chi phí điều trị cao;

e) Khả năng đa thai;

g) Khả năng em bé bị dị tật và có thể phải bỏ thai;

h) Các nội dung khác có liên quan.

2. Người mang thai hộ cần được tư vấn những nội dung sau đây:

a) Các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai như sảy thai, thai ngoài tử cung, băng huyết sau sinh và các tai biến khác;

b) Khả năng phải mổ lấy thai;

c) Khả năng đa thai;

d) Khả năng em bé bị dị tật và phải bỏ thai;

đ) Các nội dung khác có liên quan.

Như vậy, Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật nêu trên để tư vấn giúp vợ chồng chị Ánh yên tâm thực hiện tư ván theo hướng dẫn.

Hướng dẫn hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Chị Hằng đề nghị Hòa giải viên tư vấn giúp trường hợp như sau: Chị Hằng có người chị gái là Hoa không thể sinh con. Do đó, hai vợ chồng chị Hoa thường có mâu thuẫn, sống không hạnh phúc. Thương chị, chị Hằng muốn giúp chị Hoa mang thai hộ nhưng không muốn chồng chị biết về việc này? Hồ sơ thực hiện gồm những giấy tờ gì? Hòa giải viên phải tư vấn cho chị Hoa như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:

a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;

d) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;

đ) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

e) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;

g) Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;

h) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.

i) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;

k) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;

l) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;

m) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 nêu trên, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.

Trên đây là quy định về hồ sơ thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hòa giải viên tham khảo để tư vấn cho chị Hằng và vợ chồng chị Hoa thực hiện. Đồng thời, nói rõ việc mang thai hộ phải được chồng người mang thai hộ đồng ý cho mang thai hộ. Việc này phải được thể hiện bằng văn bản (Bản xác nhận), kèm trong hồ sơ. Do đó, chị Hằng phải bàn bạc, thống nhất với chồng trước khi thực hiện.

Kỹ thuật mang thai hộ có được thực hiện tại Huế không?

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng anh Trung muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nhiều người tư vấn, chỉ bệnh viện để vợ chồng anh thực hiện tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chi phí đi lại khá tốn kém và ảnh hưởng đến công việc của anh chị. Chính vì vậy, giữa hai vợ chồng đôi lúc to tiếng, ảnh hưởng đến tình cảm cũng như kết quả thực hiện. Vợ anh Trung đã tìm đến Hòa giải viên để nhờ khuyên giải; đồng thời hỏi xem có thể thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tại Huế không?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 13 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

1. Điều kiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

a) Có ít nhất 01 (một) năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca;

b) Chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;

c) Đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

a) Bệnh viện Phụ sản trung ương;

b) Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế;

c) Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.

3. Sau 01 (một) năm triển khai thực hiện, căn cứ các điều kiện quy định nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ngoài 03 Bệnh viện trên.

Như vậy, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế là bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hướng dẫn quy định về mang thai hộ

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng chị Thoa lấy nhau đã 5 năm nhưng vẫn chưa có con vì chị Thoa bị bệnh tim bẩm sinh. Gia đình bên chồng nhiều lần tỏ thái độ không vừa ý, nói bóng gió xa xôi về việc chị nên ly hôn, để anh tìm người khác có thể sinh con. Chị Thoa rất buồn và cũng muốn chia tay nhưng chồng chị nhất quyết không chịu. Mặc dù vậy, cuộc sống của anh chị cũng không được vui vẻ và khá buồn chán. Chị Thoa đã tìm Hòa giải viên để tư vấn về việc chị có thể nhờ người mang thai hộ không?. Hòa giải viên áp dụng quy định pháp luật gì để tư vấn cho chị Thoa?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Trên đây là điều kiện cơ bản để thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hòa giải viên viện dẫn để tư vấn giúp vợ chồng chị Thoa.

Hướng dẫn kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng anh Tùng đã có một con gái 10 tuổi. Anh chị muốn sinh cháu thứ hai nhưng thời gian trôi qua vẫn chưa thực hiện được. Giữa hai vợ chồng vì vậy mà có mâu thuẫn, tình cảm không trọn vẹn. Vợ anh Tùng đã tìm Hòa giải viên để tâm sự và cho biết, có ý định thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Chị không rõ bệnh viện Nhà nước tỉnh có thực hiện được không? 

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 7 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm:

1. Là một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

a) Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên;

b) Bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi;

c) Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân;

d) Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.

2. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Căn cứ quy định trên, Hòa giải viên tư vấn để vợ chồng anh Tùng đến Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên hoặc các cơ sở y tế nêu trên để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Hướng dẫn xác định cha, mẹ trong trường hợp trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Chị Trang đã 35 tuổi và chưa có chồng, có con. Hiện chị cũng không muốn lấy chồng nhưng lại muốn có con do mình sinh ra bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, chị phân vân vì không biết việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này như thế nào. Chị Trang hỏi Hòa giải viên về vấn đề này. Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật gì để tư vấn giúp chị Trang?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 21 Điều 3 và Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

1. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

2. Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

- Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng như trường hợp xác định cha, mẹ thông thường.

- Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

- Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.

3. Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

Theo quy định trên, Hòa giải viên phân tích để chị Trang hiểu, nếu chị quyết định có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì chị sẽ là mẹ của đứa trẻ được sinh ra. Trong trường hợp này, không đặt vấn đề người cha của đứa trẻ. Chị Trang cần suy nghĩ, cân nhắc để quyết định.

Hướng dẫn về xác định cha, mẹ cho con

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Chị Hoa và anh Sỹ ly hôn được 2 tháng thì chị Hoa biết mình đã có thai. Chị Hoa báo cho anh Sỹ biết và sau khi đứa trẻ chào đời, chị đề nghị anh Sỹ đi khai sinh cho bé và đứng tên cha của bé trong giấy khai sinh. Tuy nhiên, anh Sỹ không đồng ý nhận con vì đã ly hôn. Chị Hoa rất buồn lòng và nhờ chị Thủy là hòa giải viên giúp đỡ. Chị Thủy phải áp dụng quy định pháp luật gì để tư vấn, giúp đỡ cho chị Hoa, anh Sỹ?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Chị Thủy căn cứ quy định trên để phân tích cho anh Sỹ, chị Hoa hiểu, nếu con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân và đó là con chung của hai người. Nếu anh Sỹ không nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Hướng dẫn về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng anh Thanh đang trong giai đoạn làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, hiện tại chị Yến (vợ anh Thanh) chưa tìm được chổ ở mới; trong khi nhà ở thuộc sở hữu riêng của anh Thanh. Chị Yến có đặt vấn đề xin được ở lại nhà cho đến khi chị tìm được nơi ở mới. Anh Thanh phân vân vì không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của hai bên; nhưng đồng thời cũng ngại vì chị Yến không có nơi để ở. Anh nhờ Tổ hòa giải tư vấn giúp pháp luật có quy định về vấn đề này không?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn như sau:

Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, Hòa giải viên căn cứ quy định trên, tư vấn để anh Thanh hiểu, nhà ở thuộc sở hữu riêng của anh và đã đưa vào sử dụng chung; khi ly hôn, nếu vợ anh có khó khăn về chổ ở thì anh tạo điều kiện để chị được ở lại. Thời hạn ở lại là 06 tháng bên kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt; hoặc theo thỏa thuận của các bên.

Hòa giải liên quan đến việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Thời gian qua, vợ chồng anh Phú có lục đục. Lý do theo anh Phú cho biết: Anh muốn bán căn nhà thuộc sở hữu riêng của anh để làm ăn; tuy nhiên đây cũng là nơi cả gia đình anh đang sinh sống. Chính vì vậy mà vợ anh phản đối và nhiều lần to tiếng, “nói lẫy” với anh. Anh Phú nhờ Tổ hòa giải  hòa giải giúp. Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật gì để hòa giải trong trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng như sau:

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Căn cứ quy định trên, hòa giải viên phân tích để anh Phú hiểu, nếu nhà ở thuộc sở hữu riêng của anh thì anh có quyền quyết định. Tuy nhiên nếu nhà ở đó là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì khi quyết định việc bán nhà phải bảo đảm chổ ở cho vợ chồng.

Hướng dẫn về sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Vợ chồng chị Mai cưới gần một năm. Trước khi cưới, anh chị đã thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, qua quá trình chung sống đã phát sinh những vấn đề liên quan đến tài sản không như thỏa thuận ban đầu. Từ đó, giữa hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Chị Mai đã nhờ hòa giải viên hòa giải, tư vấn giúp có thể thay đổi thỏa thuận về tài sản không? Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật nào để thực hiện hòa giải trong trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 17, Điều 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

1. Sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

2. Hậu quả của việc sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng

Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan khi xác lập, thực hiện giao dịch; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để tư vấn, hướng dẫn vợ chồng chị Mai sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của gia đình.

Hướng dẫn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Chị Sang và anh Trí chuẩn bị đăng ký kết hôn. Giữa hai người mong muốn có một cuộc sống độc lập về kinh tế, rõ ràng trong việc sử dụng tài sản của mỗi người. Do đó, họ lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, anh chị vẫn chưa hiểu nội dung thỏa thuận như thế nào và nhờ Hòa giải viên tư vấn, hướng dẫn. Hòa giải viên tư vấn, hướng dẫn cho anh Trí chị Sang như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định  vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận như sau:

1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

2. Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng; giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu.

Căn cứ quy định trên, hòa giải viên tư vấn, hướng dẫn để chị Sang anh Trí lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận đảm bảo quy định pháp luật.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến tài sản chung của vợ chồng

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Anh Hùng vừa trúng thưởng xổ số số tiền khá lớn. Vợ anh yêu cầu anh nhập vào khối tài sản chung để phục vụ nhu cầu đời sống của gia đình. Tuy nhiên, anh Hùng muốn sử dụng vào việc riêng và cho đó là tài sản riêng của anh. Bất đồng quan điểm, hai vợ chồng anh Hùng phát sinh mâu thuẩn, cải vả to tiếng. Người thân của vợ chồng anh Hùng phải nhờ đến sự giúp đỡ của Hòa giải viên. Hòa giải viên phaỉ áp dụng quy định pháp luật gì để hòa giải mâu thuẩn này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng (thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, gồm:

1. Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng).

2. Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

3. Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình, vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, cụ thể:

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

 Căn cứ quy định trên, hòa giải viên phân tích để anh Hùng hiểu, tiền trúng xổ số được xem là tài sản chung của vợ chồng. Vợ chồng có quyền, nghiã vụ trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Hướng dẫn quyền về tài sản chung của vợ chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Chị Thảo được người em tặng cho một sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên, chị Thảo được biết sổ tiết kiệm này là tài sản chung của vợ chồng người em theo thỏa thuận về tài sản. Mặc dù em chị nói đã được sự đồng ý của chồng nhưng chị vẫn chưa dám nhận vì người em rể không trực tiếp xác nhận về việc đồng ý tặng cho chị sổ tiết kiệm. Chị Thảo đề nghị hòa giải viên tư vấn, hướng dẫn, chị có nên nhận sổ tiết kiệm được tặng cho trên không?

 Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 8 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về người thứ ba không ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu như sau:

Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:

1. Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định sau đây mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó:

Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.

Căn cứ quy định trên, hòa giải viên phân tích để chị Thảo hiểu, tài khoản tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng người em. Nếu thật sự vợ chồng người em muốn tặng chị thì phải có đồng ý của hai người. Nếu chỉ có một mình em chị đồng ý và chưa rõ ý người em rể như thế nào, thì nếu thực hiện giao dịch, chị có thể bị coi là không ngay tình và việc tặng cho không thực hiện được.

Hòa giải tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Chị Hằng tìm đến chị Thủy là hòa giải viên đề nghị giúp đỡ trường hợp của gia đình chị. Vụ việc cụ thể như sau: Chồng chị Hằng là người có lối sống trái đạo đức và có thể nói là đồi trụy. Chị muốn ly hôn chồng vì cuộc sống giữa hai người không có hạnh phúc, đồng thời chị cũng không muốn con bị ảnh hưởng bởi lối sống của bố. Chị đã nói với chồng về việc ly hôn, anh đồng ý nhưng đòi quyền nuôi đứa con lớn (6 tuổi), con nhỏ (3 tuổi) sẽ do chị nuôi. Vì người cha có lối sốn không lành mạnh nên chị Hằng không muốn con sống với bố và muốn nuôi hai đứa con. Trước sự việc này, chị Thủy là Hòa giải viên ở cơ sở, phải áp dụng quy định pháp luật gì để hướng dẫn chị Hằng?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 85, 86, 87 Luật Hôn nhân và gia định quy định như sau:

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

2. Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, gồm:

- Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

+ Người thân thích;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức nêu trên yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

3. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên:

- Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.

- Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật Hôn nhân và gi đình trong các trường hợp sau đây:

+ Cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;

+ Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

+ Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

- Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trên đây là các quy định liên quan đến việc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Chị Thủy nghiên cứu để tư vấn, hướng dẫn chị Hằng. Theo đó, chị Hằng có thể yều cầu Tòa án hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên vì cha cháu là người có lối sống đồi trụy. Sau khi đã có quyết định của Tòa án, chị Hằng thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.

òa giải tranh chấp về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Anh Hòa và chị Mơ đã ly hôn. Chị Mơ được Tòa án giao nuôi con chung của hai người và anh Hòa được phép thường xuyên thăm nom con. Tuy nhiên, chị Mơ nhiều lần viện các lý do để cản trở hai cha con gặp nhau. Anh Hòa đã nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ. Tổ hòa giải phải áp dụng quy định pháp luật gì để giải quyết vụ việc này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

 Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

3. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định trên; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Ngoài ra, việc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, hòa giải viên phân tích để chị Mơ hiểu, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm mon, chăm sóc con và người trực tiếp nuôi con không được cản trở quyền này. Đây cũng là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái sau ly hôn. Tất cả đều phải hướng đến vì lợi ích, sự phát triển tốt nhất của con cái. Do đó, chị Mơ không nên cản trở anh Hòa thăm nom con cái. Ngoài ra, hành vi cản trở anh Hòa thăm nom con là vi phạm pháp luật; nếu còn tiếp tục thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến tài sản, con cái khi yêu cầu ly hôn

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 15/11/2017

Anh Ngo và chị Cheo là vợ chồng. Do chung sống với nhau không hạnh phúc, anh Ngo thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn, ham chơi, không lo cho vợ con, chị Cheo đã nhiều lần khuyên giải nhưng anh Ngo vẫn “chứng nào tật nấy”. Chị Cheo quyết định ly hôn. Anh Ngo và gia đình anh Ngo yêu cầu chị Cheo phải trả lại toàn bộ đồ sính lễ và các chi phí liên quan khác; con cái theo cha; nếu chị Cheo kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì. Chị Cheo bức xúc và không đồng ý, chị và gia đình chồng nảy sinh mâu thuẩn, to tiếng. Chị Cheo nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ. Hòa giải viên phải vận dụng quy định pháp luật gì để hòa giải trong trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng được ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, quy định chế độ phụ hệ (khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại toàn bộ đồ sính lễ và các chi phí liên quan khác; sau khi ly hôn, con cái phải theo cha; sau khi ly hôn, nếu người vợ kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì) là quan hệ không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Do đó, tập quán này cần được vận động xóa bỏ.

Mặc khác, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các vấn đề liên quan đến tài sản khi ly hôn được giải quyết theo mục 1 Chương IV, mục 1 Chương V. Trong đó, chia tài sản về cơ bản phải bảo đảm nguyên tắc: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng,…

Đối với con cái, Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Trên đây là một số quy định pháp luật cần lưu ý khi giải quyết tài sản và vấn đề liên quan đến con cái trong ly hôn. Hòa giải viên áp dụng để thuyết phục các bên liên quan thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; đồng thời tiến tới chấm dứt các tập tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Ông Cảnh thế chấp tài sản cho bà Kim để vay tiền đầu tư kinh doanh.. Hai bên thống nhất giao tài sản do người thứ ba giữ là ông Lành. Trong quá trình giữ tài sản, ông Lành đã sử dụng tài sản để phục vụ kinh doanh. Biết được sự việc này, sau khi hết thời hạn thế chấp, ông Cảnh và bà Kim không thanh toán thù lao bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp cho ông Lành. Ông Lành cũng nhất quyết không bàn giao tài sản thế chấp cho ông Cảnh và bà Kim. Hai bên xảy ra mâu thuẫn phải nhờ hòa giải. Hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 324 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp:

1. Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau đây:

a) Được khai thác công dụng tài sản thế chấp, nếu có thỏa thuận;

b) Được trả thù lao và chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;

b) Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp;

c) Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Hòa giải viên phải căn cứ Điều 324 Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích cho các bên hiểu về quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Theo đó, ông Lành được khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu có thỏa thuận với ông Cảnh và bà Kim. Tuy nhiên, ông Lành đã không thỏa thuận mà tự ý sử dụng tài sản thế chấp là không đúng. Bên cạnh đó, ông Lành cũng có quyền được trả thù lao và chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp và có nghĩa vụ giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp. Về phía ông Cảnh và bà Kim, Hòa giải viên nêu rõ, mặc dù ông Lành sử dụng tài sản thế chấp mà không được sự đồng ý của hai ông là chưa phù hợp nhưng ông Lành có các quyền của người thứ ba giữ tài sản thế chấp theo quy định. Mặt khác, việc sử dụng tài sản thế chấp chưa gây ra hậu quả và cũng không làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp nên có thể thông cảm, chấp nhận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ của bên thế chấp

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Để có thêm vốn mở rộng kinh doanh, ông Sinh đã dùng máy xay lúa để thế chấp vay 200 triệu đồng từ bà Quy. Trong quá trình sử dụng, máy xay có nguy cơ hư hỏng, giảm sút giá trị. Qua kiểm tra, bà Quy yêu cầu ông Sinh ngưng sử dụng hoặc có giải pháp để bảo toàn giá trị tài sản nhưng ông Sinh vẫn chậm thực hiện. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Bà Quy đã nhờ hòa giải viên Mạnh thực hiện hòa giải. Trong trường hợp này, hòa giải Miên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 320 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định nghĩa vụ của bên thế chấp:

1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.

3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

4. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

7. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ các trường hợp sau đây :

- Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Điều 323 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định quyền của bên nhận thế chấp:

1. Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.

2. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.

3. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.

4. Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.

5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

7. Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, Hòa giải viên Mạnh phải căn cứ Điều 320, Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015 để thực hiện hòa giải.

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến quyền của bên thế chấp

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Ông Toản thế chấp nhà kho của mình cho ông Đan. Trong thời gian thế chấp, ông Toản cho người khác thuê làm kho hàng hóa nhưng không thông báo cho ông Đan biết. Sau khi biết được sự việc, ông Đan yêu cầu ông Toản chấm dứt việc cho thuê nhà kho nhưng ông Toản không đồng ý. Hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Ông Đan đã nhờ hòa giải viên can thiệp. Trong trường hợp này, hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 321 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định quyền của bên thế chấp:

1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.

2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.

3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

Như vậy, trong trường hợp này, hòa giải viên căn cứ Điều 321 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để thực hiện hòa giải.

Hòa giải tranh chấp liên quan đến thế chấp tài sản

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Để có vốn làm ăn, ông Kiên thế chấp xe ô tô cho bà Hương để vay 200 triệu đồng. Trong một lần sử dụng, xe ô tô của ông Kiên bị tai nạn và được chi trả bảo hiểm vật chất. Sau khi biết sự việc, bà Hương yêu cầu ông Kiên thanh toán số tiền chi trả bảo hiểm vật chất xe ô tô mà ông Kiên đã nhận. Tuy nhiên,  ông Kiên không đồng ý. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Bà Mai đã nhờ hòa giải viên ở phường là anh T. Trong trường hợp này, anh T phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hào giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 317 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về thế chấp tài sản:

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Điều 318 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định tài sản thế chấp:

1. Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

b) Căn cứ về đạo đức, văn hóa, truyền thống: Vì sự bình yên của khu dân cư, vì mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị giữa các bên.

Như vậy, Hòa giải viên T phải căn cứ Điều 317, Điều 318 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để giải thích cho hai bên hiểu về thế chấp tài sản và tài sản thế chấp. Trong trường hợp cụ thể này, khi bà Hương nhận thế chấp xe ô tô của ông Kiên thì phải báo với tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng thế chấp. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp là bà Hương. Tuy nhiên, bà Hương đã không thông báo cho tổ chức bảo hiểm về vấn đề này nên tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và ông Kiên có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp là bà Hương. Như vậy, nếu ông Kiên không thanh toán số tiền chi trả bảo hiểm vật chất xe ô tô cho bà Hương là không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến quyền của bên cầm cố

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Anh Xung cầm cố chiếc máy điện thoại cho ông Danh. Đến hạn thanh toán, anh Xung lấy lại tài sản cầm cố thì ông Danh nói tài sản đã bị mất nên đề nghị trả bằng chiếc điện thoại khác. Anh Xung không đồng ý và hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Ông Danh đã nhờ hòa giải viên tư vấn để tìm hiểu trong trường hợp này phải áp dụng quy định nào của pháp luật để giải quyết ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

 Điều 312 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định quyền của bên cầm cố:

- Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp có thỏa thuận bên nhận cầm cố được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố mà việc sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

- Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.

- Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.

- Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Điều 313 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định nghĩa vụ của bên nhận cầm cố:

- Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

- Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

- Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Như vậy, Hòa giải viên căn cứ Điều 312, Điều 313 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để giải thích cho hai bên hiểu về quyền của bên cầm cố và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản. Trong đó, ông Danh là bên nhận cầm cố tài sản phải có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố anh Xung là bên cầm cố có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố. Trong trường hợp này, ông Danh đã làm mất chiếc máy điện thoại là tài sản cầm cố của anh Xung và đề nghị được trả bằng một máy điện thoại khác. Như vậy, ông Danh cũng đã nhận biết lỗi của mình và đề nghị phương thức bồi thường. Về phía anh Xung, chiếc máy điện thoại bị mất không phải do lỗi cố ý của ông Danh; sự việc cũng đã rồi, anh không nên căng thẳng mà cùng thỏa thuận về việc bồi thường với ông Danh một cách thỏa đáng, hợp lý.Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến cầm cố tài sản

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Ông Đàn thỏa thuận với anh Linh cầm cố máy vi tính với giá 5 triệu đồng. Đến hạn, Ông Đàn đến lấy máy thì anh Linh đề nghị ông Đàn thanh toán chi phí bảo quản máy vi tính. Ông Đàn không đồng ý thanh toán chi phí này nên anh Linh cũng nhất quyết không giao máy vi tính. Hai bên xảy ra mâu thuẫn nên ông Đàn đã nhờ hòa giải viên hòa giải. Hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

 Điều 309 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về cầm cố tài sản: Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Điều 311 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định nghĩa vụ của bên cầm cố:

- Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận.

- Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố.

- Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 314 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định quyền của bên nhận cầm cố:

- Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.

- Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

- Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.

- Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

Như vậy, Hòa giải viên căn cứ Điều 309, Điều 311, Điều 314 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để giải thích cho hai bên hiểu quy định về cầm cố tài sản và nghĩa vụ của bên cầm cố, quyền của bên nhận cầm cố tài sản. 

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến địa điểm thực hiện nghĩa vụ

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Anh Quyền nhận lời chuyển hàng từ nhà xe về tận nhà cho bà Dung.. Tuy nhiên, đến ngày giao hàng thì bà Dung thay đổi địa điểm mà không thông báo trước cho anh Quyền biết. Khi thanh toán, anh Quyền yêu cầu bà Dung phải thanh toán thêm chi phí tăng lên do thay đổi địa điểm nhưng bà Dung không đồng ý. Hai bên xảy ra tranh chấp. Anh Quyền đã nhờ hòa giải viên Hiếu hòa giải. Vậy, Hòa giải viên Hiếu phải áp dụng quy định nào của pháp luật để giải thích cho hai bên hiểu ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

 

Điều 277 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về địa điểm thực hiện nghĩa vụ:

1. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận.

2. Trường hợp không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ được xác định như sau:

a) Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản;

b) Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.

Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, Hòa giải viên Hiếu căn cứ Điều 277 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về địa điểm thực hiện nghĩa vụ để giải thích cho hai bên hiểu: Địa điểm thực hiện nghĩa vụ giao nhận hàng do các bên thỏa thuận. Khi bà Dung thay đổi địa địa điểm giao nhận hàng thì phải báo cho anh Quyền biết và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo đó, bà Dung đã có lỗi khi không thông báo cho anh Quyền biết về việc thay đổi địa điểm và thỏa thuận chi phí tăng lên. Tuy nhiên, sự việc đã rồi, hai bên nên thỏa thuận để thực hiện nghĩa vụ một cách thỏa đáng và đúng pháp luật với mức chi phí tăng lên hợp lý. Qua sự việc này, các bên rút kinh nghiệm để giữ gìn tình cảm hai bên cũng như những lần hợp tác làm ăn sau này không phát sinh tranh chấp, có thể duy trì làm ăn lâu dài với nhau. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Bà Duyên và bà Tình là hàng xóm của nhau. Do bà Ngà đi thăm người thân 4 ngày ở quê nên có nhờ bà Duyên dọn nhà cửa với giá 200.000 đồng nhưng không nói rõ thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, bà Duyên đã tiến hành công việc mà không báo cho bà Tình biết. Tuy nhiên, bà Tình biết nhưng không có ý kiến. Sau khi hoàn tất công việc, bà Duyên đề nghị thanh toán tiền công nhưng bà Tình không thanh toán với lý do không biết bà Duyên đã dọn nhà khi nào. Hai bên xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn nên đã nhờ hòa giải viên K hòa giải. Trong trường hợp này, hòa giải viên K áp dụng quy định nào để hòa giải cho bà Duyên và bà Tình?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 278 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ:

1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.

Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.

3. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 nêu trên thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.

Như vậy, Hòa giải viên K căn cứ Điều 278 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ để giải thích cho hai bên hiểu: Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận. Bên có nghĩa vụ là bà Duyên phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn. Tuy nhiên, trường hợp bà Duyên đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền là bà Tình đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn. Do đó, về lý bà Tình phải thanh toán tiền công cho bà Duyên. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phan Văn Quả

Hòa giải tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 14/11/2017

Chị Linh ký hợp đồng với bà Đào để bán 100 bộ bàn ghế. Đến hạn, chị Linh chỉ giao cho bà Đào 50 bàn ghế. Bà Đào và chị Linh xảy ra tranh chấp vì bà Đào đòi bồi thường thiệt hại do không giao đủ hàng nhưng chị Linh không đồng ý. Trong trường hợp này, hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 352, Điều 353, Điều 360 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ; chậm thực hiện nghĩa vụ; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Điều 352. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Điều 353. Chậm thực hiện nghĩa vụ

1. Chậm thực hiện nghĩa vụ là nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết.

2. Bên chậm thực hiện nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.

Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, hòa giải viên phải căn cứ Điều 352, Điều 353, Điều 360 Bộ luật Dân sự (năm 2015) để giải thích cho chị Linh hiểu là chị Linh đã vi phạm quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ giao hàng, trong trường hợp này chị Linh phải có nghĩa vụ thông báo cho bà Đào biết để hai bên cùng xử lý. Việc bà Đào yêu cầu bồi thường là đúng quy định của pháp luật. Chị Linh phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tuy nhiên, hòa giải viên có thể đề nghị bà Đào đồng ý để chị Linh tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền

 

 

Hòa giải tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Anh An và chị Bình có lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nội dung: Anh An chuyển nhượng cho chị Bình 120m2 đất, chị Bình phải trả cho anh An 300 triệu đồng (thanh toán làm 3 lần, mỗi lần 100 triệu đồng). Hợp đồng nói trên được Ủy ban nhân dân xã xác nhận. Chị Bình đã thanh toán được 200 triệu đồng và được anh An tạm giao đất để sử dụng, mặc dù, anh An và chị Bình chưa làm các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Đến hạn thanh toán số tiền còn lại nhưng chị Bình không có khả năng chi trả nên hai bên xảy ra tranh chấp. Là hòa giải viên, ông Hùng phải vận dụng quy định nào của pháp luật để giải quyết trường hợp này?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Như vậy, ông Hùng có thể vận dụng quy định của pháp luật nêu trên để tiến hành hòa giải vụ việc giữa anh An và chị Bình. Trường hợp, ông Hùng hòa giải không thành thì ông Hùng hướng dẫn hai bên tranh chấp gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Nếu việc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã cũng không thành, anh An có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết.

Vận động, thuyết phục về tháo dỡ việc lấn chiếm đường

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Nhà bà Sương xây dựng 3 tầng, tầng 1 xây dựng đúng với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ tầng 2 đến tầng 3 xây dựng lấn chiếm không gian 0,8m x 5m (bề ngang) x 10m (chiều cao) tới đường liên thôn và hành lang đường điện gây bức xúc trong khu dân cư. Là hòa giải viên nơi gia đình bà Sương cư trú, chị Thu phải vận dụng quy định nào của pháp luật để vận động, thuyết phục gia đình bà Sương tháo dỡ việc lấn chiếm?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 174 Bộ luật dân sự 2015 năm quy định nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng;

Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai.

Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

Như vậy, việc xây nhà lấn chiếm không gian 0,8m x 5m (bề ngang) x 13m (chiều cao) của đường liên thôn, làm ảnh hưởng tới không gian khu dân cư và hành lang đường điện của gia đình bà Sương là vi phạm pháp luật. Chị Thu có thể vận dụng các quy định của pháp luật nêu trên để thuyết phục, vận động gia đình bà Sương tháo dỡ phần lần chiếm.

Hòa giải tranh chấp về quy định mốc giới ngăn cách các bất động sản

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Theo như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Cang thì đường ranh giới giữa đất nhà ông Cang và gia đình ông Chinh ở kế bên là một đường thẳng. Hai bên đã thỏa thuận mỗi bên xây 1 nửa tường rào (tính theo chiều dài đường ranh giới). Ông Cang đã xây xong phần của mình theo thỏa thuận. Gia đình ông Chinh tiến hành xây một nửa tường rào còn lại nhưng lại xây theo đường gấp khúc và lấn sang bên phía đất gia đình ông Cang khoảng 40cm. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Là Hòa giải viên, bà Nhị có thể vận dụng quy định nào của pháp luật để giải quyết trường hợp này?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 174 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng:

Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

Điều 176  Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mốc giới ngăn cách các bất động sản:

1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

3. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.

Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.

Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.

9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.

10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Điều 206 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, như sau:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.

Như vậy, việc gia đình ông Chinh xây tường rào theo đường gấp khúc và lấn sang đất nhà ông Cang 40 cm là vi phạm quy định pháp luật. Bà Nhị có thể vận dụng quy định của pháp luật nêu trên để giải thích, hòa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình ông Cang, ông Chinh; vận động ông Chinh xây lại tường rào như đã thỏa thuận.

Giải thích, hướng dẫn về quy định trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Ủy ban nhân dân huyện T quyết định thu hồi đất trồng rừng đã giao cho hộ gia đình bà Giáo do hộ gia đình bà Giáo có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Hộ gia đình bà Giáo khiếu nại việc thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện T. Ủy ban nhân dân huyện T tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Giáo. Hộ gia đình bà Giáo tiếp tục phản đối vì cho rằng khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì gia đình bà không phải thực hiện quyết định thu hồi đất. Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì hộ gia đình bà Giáo có phải thực hiện quyết định thu hồi đất không? Là hòa giải viên tại địa phương, ông Hiếu có thể vận dụng quy định nào của pháp luật để thuyết phục, giải thích cho hộ gia đình bà Giáo hiểu và chấp hành quyết định thu hồi đất? 

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

 Khoản 6 Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).

Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, theo quy định trên, trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì hộ gia đình bà Giáo vẫn phải thực hiện quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện T. Ông Hiếu có thể vận dụng quy định của pháp luật nêu trên để giải thích, thuyết phục cho hộ gia đình bà Giáo hiểu và chấp hành quyết định thu hồi đất.

Tư vấn về quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Gia đình ông Phan có 1.550 m² đất tại phường T, thị xã H, tỉnh P. Diện tích đất này nhà ông Phan đã được Ủy ban nhân dân thị xã H cấp sổ đỏ năm 2008 và bị Ủy ban nhân dân thị xã H thu hồi vào tháng 10/2017 với lý do để làm đường giao thông liên tỉnh. Gia đình ông Phan đã khiếu nại nhưng bị Ủy ban nhân dân thị xã H bác đơn. Muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng ông Phan không biết phải khiếu nại đến cơ quan nào. Ông Phan đã nhờ bà Quỳnh là hòa giải viên của phường T tư vấn. Trong trường hợp này, bà Quỳnh phải vận dụng quy định nào của pháp luật để hướng dẫn cho ông Phan?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 204 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

2. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. 

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

3. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Như vậy, trường hợp khiếu nại của ông Phan đã được Ủy ban nhân dân thị xã H giải quyết khiếu nại lần đầu (Quyết định bác đơn). Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Ủy ban nhân dân thị xã H thì ông Phan có quyền khiếu nại lần hai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh P hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Với quy định của pháp luật nêu trên, hòa giải viên có thể vận dụng để tư vấn cho ông Phan.

Hướng dẫn, giải thích về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Hộ gia đình nhà ông Ánh bị thu hồi đất ở và được bồi thường bằng tiền theo giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại thời điểm thu hồi đất. Ông Ánh không đồng ý với quyết định này và cho rằng Nhà nước thu hồi đất của gia đình ông thì bắt buộc phải bồi thường bằng việc giao đất khác cho gia đình ông. Là hòa giải viên ở địa phương nơi ông Ánh cư trú, chị Minh có thể vận dụng quy định nào của pháp luật để giải thích cho ông Ánh? 

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định của Luật Đất đai thì được bồi thường.

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu không có đất để bồi thường cho hộ gia đình ông Ánh thì việc Nhà nước bồi thường bằng tiền đối với hộ gia đình ông Ánh là phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, chị Minh có thể áp dụng quy định của pháp luật nêu trên để giải thích cho ông Ánh.

Hướng dẫn, tư vấn về chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Hộ gia đình bà Liên đang sử dụng 5.000mđất trồng lúa tại xã C, huyện N, tỉnh K. Diện tích đất này của gia đình bà được giao từ năm 1993. Nay, bà Liên muốn đổi diện tích đất trên để lấy 5.000 mđất trồng rau màu của bà Xuyến ở huyện P liền kề thì có được không? Là hòa giải viên, anh T có thể vận dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn trường hợp này?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điểm b khoản 1 Điều 179 Luật đất đai năm 2013 quy định:

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác.

Điều 190 Luật Đất đai năm 2013 quy định điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, như sau:

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

Căn cứ vào các quy định pháp luật trên, bà Liên không được chuyển đổi 5.000m2 đất nông nghiệp của mình để lấy 5.000m2 đất trồng rau màu của bà Xuyến, vì 5.000m2 đất nông nghiệp của bà Liên nằm khác huyện với bà Xuyến.

Như vậy, anh T có thể vận dụng quy định của pháp luật nêu trên để giải thích, tư vấn cho bà Liên về vấn đề này.

Hướng dẫn,tư vấn về hợp đồng chuyển chuyển nhượng đất viết tay có người làm chứng

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 24/11/2017

Ông Tiến muốn nhận chuyển nhượng lô đất có diện tích 300mtừ vợ chồng bà Phạm Lương và ông Nguyễn Thanh bằng hợp đồng viết tay có ông Vinh, là hàng xóm ký làm chứng. Ông Tiến đến nhờ anh Bình là hòa giải viên của thôn tư vấn về vấn đề này? Vậy, anh Bình phải vận dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn cho ông Tiến?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điểm a, điểm d khoản 3 Điều 167 của Luật Đất đai năm 2013 quy định:

Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Việc ông Tiến nhận chuyển nhượng lô đất có diện tích 300mtừ vợ chồng bà Phạm Lương và ông Nguyễn Thanh bằng hợp đồng viết tay có ông Vinh ký làm chứng là không có giá trị pháp lý hay nói cách khác là không được pháp luật công nhận. Do đó, muốn hợp pháp hóa việc nhận chuyển nhượng lô đất này, ông Tiến phải cùng vợ chồng bà Phạm Lương và ông Nguyễn Thanh ký hợp đồng được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc được chứng thực tại Ủy ban nhân dân  cấp xã.

Như vậy, anh Bình có thể vận dụng quy định của pháp luật nêu trên để tư vấn cho ông Tiến.

Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Tổ hòa giải ở cơ sở và tại Ủy ban nhân dân xã khác nhau như thế nào? Tại sao Tòa án không chấp nhận biên bản hòa giải không thành của Tổ hòa giải?

Description: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fonttang.pngDescription: https://stp.thuathienhue.gov.vn/Images/fontgiam.pngNgày cập nhật 21/10/2015

Gia đình chị Hoa có tranh chấp đất đai với gia đình hàng xóm. Sau nhiều lần hòa giải ở cơ sở không thành (có lập biên bản), chị Hoa gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân để giải quyết. Tuy nhiên, hồ sơ khởi kiện của chị không được Tòa án thụ lý và yêu cầu chị phải qua thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã. Chị Hoa đề nghị cho biết, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Tổ hòa giải ở cơ sở và tại Ủy ban nhân dân xã khác nhau như thế nào? Tại sao Tòa án không chấp nhận biên bản hòa giải không thành của Tổ hòa giải?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 202 và 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:

Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì đương sự có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định cụ thể tại Luật Đất Đai.

Theo các quy định trên, chị Hoa cần phân biệt rõ việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Tổ hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo đó, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Tổ hòa giải ở cơ sở chỉ mang tính chất “khuyến khích”, nghĩa là có thể thực hiện hòa giải hoặc không thực hiện hòa giải tại Tổ hòa giải ở cơ sở. Còn hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện nghiêm túc, bảo đảm trình tự, thủ tục, thời hạn. Từ sự khác nhau như trên, việc Tòa án từ chối thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai của chị Hoa là có căn cứ.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày