Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 7.683
Đề cương giới thiệu Luật Doanh nghiệp năm 2020
Ngày cập nhật 08/09/2020

Đề cương giới thiệu Luật Doanh nghiệp năm 2020

 

Ngày 17/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT[1]

Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng. So với năm 2014 (trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực), số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,75 lần (so với 74.842 doanh nghiệp năm 2014) và số vốn đăng ký thành lập mới tăng gấp 3,4 lần (so với 432.286 tỷ đồng năm 2014). Một số nội dung quan trọng của Luật như đăng ký doanh nghiệp, bảo vệ cổ đông thiểu số được ghi nhận đã có thay đổi mạnh mẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2019 đã tăng 21 hạng, hiện xếp hạng 104/190 (từ hạng 125/190 năm 2014); tổng thời gian thực hiện thủ tục này giảm từ 34 ngày xuống chỉ còn 17 ngày. Quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89/190 quốc gia (tăng 28 hạng so với năm 2014 và90 hạng so với năm 2013).

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung cần được sửa đổi để phù hợp với các luật mới ban hành gần đây.Quan trọng hơn, một số nội dung của Luật cần được hoàn thiện thêm nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ và nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt khu vực và quốc tế. Các khiếm khuyết cần khắc phục và các nội dung cần nâng cao chất lượng hơn nữa bao gồm như sau:

Một là, quá trình khởi sự kinh doanh và gia nhập thị trường hiện đang xếp hạng ở mức thấp so với một số quốc gia trong khu vực và thế giới, bao gồm 8 thủ tục và tổng thời gian thực hiện khoảng 17 ngày. Trong đó, một số thủ tục hành chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí như: thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44) hoặc thủ tục đăng ký kinh doanh (Điều 27) chưa hoàn toàn điện tử (vẫn phải nộp hồ sơ giấy) đã góp phần làm chậm quá trình gia nhập thị trường.

Hai là, một số quy định của Luật về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình; ngược lại, tạo thêm rào cản hoặc bị cổ đông lớn và công ty lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông nhỏ. Cụ thể, Luật quy định một số yêu cầu, điều kiện gây khó khăn cho cổ đông tiếp cận thông tin về hoạt động công ty và thực hiện quyền quan trọng, như: triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, khởi kiện người quản lý công ty trong trường hợp họ lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty, cổ đông,...Ngoài ra, một số quy định khác của Luật về quản trị doanh nghiệp cũng chưa phù hợp với thực tiễn, như: yêu cầu kiểm soát viên công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên đã có chứng chỉ hành nghề là yêu cầu cao hơn so với thực tế do số lượng kiểm toán viên, kế toán viên đã có chứng chỉ này là không nhiều.

Ba là, quy định về tổ chức lại doanh nghiệp còn có một số bất cập, hạn chế, như: quy định về chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp không bao quát được hết các phương thức, các trường hợp chia, tách doanh nghiệp trên thực tế; dẫn đến hạn chế quyền, lựa chọn của doanh nghiệp trong tổ chức lại doanh nghiệp. Đồng thời, các quy định về hợp nhất, sáp nhập không còn tương thích với quy định mới của Luật Cạnh tranh năm 2018.

Bốn là, về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ ở nước ta. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 12-NQ/TW) đã chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo: doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước.Đồng thời, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 2/10/2017 của Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để quy định tại Luật Doanh nghiệp về nội dung này.

Do đó, các quy định về tổ chức quản trị của Luật Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối cũng cần được rà soát lại, bổ sung, sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Năm là, về đăng ký và tổ chức hoạt động của hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh hiện nay được đăng ký và tổ chức hoạt động theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đánh giá các quy định này đã cho thấy một số khiếm khuyết như: hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động... Chính hạn chế pháp lý này dẫn đến hộ kinh doanh không tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh; do đó, không phát huy hết được lợi ích và tiềm năng phát triển khu vực hộ kinh doanh.

Từ những phân tích nêu trên về bất cập, khiếm khuyết của Luật, thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ YÊU CẦU XÂY DỰNG LUẬT

1. Mục tiêu xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung)

Mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Các mục tiêu cụ thể bao gồm:

- Tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

- Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

- Nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế.

- Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

2. Quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật

- Tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.

- Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung của Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đầy đủ các Nghị quyết số 02/NQ-CP và 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

III. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT

1. Kết cấu của Luật

Luật gồm 10 chương, 218 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

Chương 1 (từ Điều 1 đến Điều 16) về những quy định chung, quy định: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng Luật Doanh nghiệp và luật khác; giải thích từ ngữ; bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp; quyền của doanh nghiệp; nghĩa vụ của doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức; trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương 2 (từ Điều 17 đến Điều 45) về thành lập doanh  nghiệp, quy định: quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp; hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp; hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân; hồ sơ đăng ký công ty hợp danh; hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn; hồ sơ đăng ký công ty cổ phần; nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; điều lệ công ty; danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần; trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp; tài sản góp vốn; chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn; định giá tài sản góp vốn; tên doanh nghiệp; những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp; tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp; tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; tên trùng và tên gây nhầm lẫn; trụ sở chính của doanh nghiệp; dấu của doanh nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; thông báo địa điểm kinh doanh.

Chương 3 (từ Điều 46 đến Điều 87) về công ty trách nhiệm hữu hạn, gồm 2 mục về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Mục 1 quy định: công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; sổ đăng ký thành viên; quyền của thành viên Hội đồng thành viên; nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên; mua lại phần vốn góp; chuyển nhượng phần vốn góp; xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt; cơ cấu tổ chức quản lý công ty; hội đồng thành viên; Chủ tịch Hội đồng thành viên; triệu tập họp Hội đồng thành viên; điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên; nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; biên bản họp Hội đồng thành viên; thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản; hiệu lực nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; Giám đốc, Tổng giám đốc; tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc; Ban kiểm soát, Kiểm soát viên; tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác; hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận; tăng, giảm vốn điều lệ; điều kiện để chia lợi nhuận; thu hồi phần vốn góp đã hoàn trả hoặc lợi nhuận đã chia; trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên; khởi kiện người quản lý; công bố thông tin.

Mục 2 quy định: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; góp vốn thành lập công ty; quyền của chủ sở hữu công ty; nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty trong một số trường hợp đặc biệt; cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu; hội đồng thành viên; Chủ tịch công ty; Giám đốc, Tổng giám đốc; trách nhiệm của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác, Kiểm soát viên; tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của người quản lý công ty và Kiểm soát viên; cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu; hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan; tăng, giảm vốn điều lệ.

Chương 4 (từ Điều 88 đến Điều 110) về doanh nghiệp nhà nước, quy định: doanh nghiệp nhà nước; áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu tổ chức quản lý; hội đồng thành viên; quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên; tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên Hội đồng thành viên; miễn nhiệm, cách chức thành viên Hội đồng thành viên; Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên; trách nhiệm của Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên; chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên; Chủ tịch công ty; Giám đốc, Tổng giám đốc và Phó giám đốc, Phó Tổng giám đốc; tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc; miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty, Kế toán trưởng; Ban kiểm soát, Kiểm soát viên; nghĩa vụ của Ban kiểm soát; quyền của Ban kiểm soát; chế độ làm việc của Ban kiểm soát; trách nhiệm của Kiểm soát viên; miễn nhiệm, cách chức Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên; công bố thông tin định kỳ; công bố thông tin bất thường.

Chương 5 (từ Điều 111 đến Điều 176), quy định về công ty cổ phần: công ty cổ phần; vốn của công ty cổ phần; thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; các loại cổ phần; quyền của cổ đông phổ thông; cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết; cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức; cổ phần ưu đãi hoàn lại và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại; nghĩa vụ của cổ đông; cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập; cổ phiếu; sổ đăng ký cổ đông; chào bán cổ phần; chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; chào bán cổ phần riêng lẻ; bán cổ phần; chuyển nhượng cổ phần; chào bán trái phiếu riêng lẻ; trình tự, thủ tục chào bán và chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ; quyết định chào bán trái phiếu riêng lẻ; mua cổ phần, trái phiếu; mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông; mua lại cổ phần theo quyết định của công ty; điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại; trả cổ tức; thu hồi tiền thanh toán cổ phần được mua lại hoặc cổ tức; cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần; quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông; cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông; danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông; chương trình và nội dung họp Đại hội đồng cổ đông; mời họp Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông; điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông; thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông; điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua; thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông; biên bản họp Đại hội đồng cổ đông; yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông; hiệu lực của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị; nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị; cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch Hội đồng quản trị; cuộc họp Hội đồng quản trị; Biên bản họp Hội đồng quản trị; quyền được cung cấp thông tin của thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị; Ủy ban kiểm toán; Giám đốc, Tổng giám đốc công ty; tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc; công khai các lợi ích liên quan; trách nhiệm của người quản lý công ty; quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc; chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan; Ban kiểm soát; tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên; quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát; quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát; tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Kiểm soát viên; trách nhiệm của Kiểm soát viên; miễn nhiệm, bãi nhiệm Kiểm soát viên; trình báo cáo hằng năm; công khai thông tin.

Chương 6 (từ Điều 177 đến Điều 187) về công ty hợp danh, quy định: công ty hợp danh; thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; tài sản của công ty hợp danh; hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh; quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh; Hội đồng thành viên; triệu tập họp Hội đồng thành viên; điều hành kinh doanh của công ty hợp danh; chấm dứt tư cách thành viên hợp danh; tiếp nhận thành viên mới; quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn.

Chương 7 (Từ Điều 188 đến Điều 193) về doanh nghiệp tư nhân, quy định: doanh nghiệp tư nhân; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân; quản lý doanh nghiệp tư nhân; cho thuê doanh nghiệp tư nhân; bán doanh nghiệp tư nhân; thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt.

Chương 8 (từ Điều 194 đến Điều 197) về nhóm công ty, quy định: Tập đoàn kinh tế, tổng công ty; công ty mẹ, công ty con; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con; báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty con.

Chương 9 (từ Điều 198 đến Điều 214) về tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp, quy định: chia công ty; tách công ty; hợp nhất công ty; sáp nhập công ty; chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; cuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh; tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh; các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp; trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp; giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án; hồ sơ giải thể doanh nghiệp; các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; phá sản doanh nghiệp.

Chương 10 (từ Điều 215 đến Điều 218) về điều khoản thi hành, quy định: trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan đăng ký kinh doanh; điều khoản thi hành; quy định chuyển tiếp.

2. Một số nội dung chủ yếu của Luật

2.1. Thành lập doanh nghiệp

a) Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật, trừ trường hợp sau đây:

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

+ Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

b) Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật, trừ trường hợp sau đây: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

 c) Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây: Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính; đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

 Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, liên thông trong đăng ký doanh nghiệp.

d) Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật

 Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

đ) Tên doanh nghiệp

-  Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: Loại hình doanh nghiệp; tên riêng.

Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

- Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:  Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký; sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

- Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

 - Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.

- Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm: Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký; tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký; tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó; tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”; tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”; tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

Một số trường hợp không áp dụng đối với công ty con của công ty đã đăng ký.

- Dấu của doanh nghiệp: Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

2.2. Công ty Trách nhiệm hữu hạn

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

 - Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

 Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định.

- Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp: Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

 Sau thời hạn quy định mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau: thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty; thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp; phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

 Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.

b)  Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định.

- Góp vốn thành lập công ty: Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết

 Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.

 Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định.

2.3. Doanh nghiệp Nhà nước

a)  Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:  Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

 Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

 b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

2.4. Công ty cổ phẩn

a) Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ các trường hợp sau đây: (i)Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó. (ii) Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

b)  Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.

 Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.

 Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.

 Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây: Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông; Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định; vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định.

2.5. Công ty hợp danh

a)  Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

b) Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

c)  Hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh:

- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

- Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

- Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

2.6. Doanh nghiệp tư nhân

a) Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

b)  Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

2.7. Tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp

a) Chia công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

b) Tách công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có); đồng thời đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được tách.

c) Hợp nhất công ty: Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

c) Sáp nhập công ty: Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

d) Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần: Doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây: (i) Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác; (ii) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn; (iii) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác; (iiii) Kết hợp các phương thức nêu trên và các phương thức khác.

 Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

đ) Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây: (i) Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại; (ii) một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty; (iii) công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

Việc chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn đầu tư phải thực hiện theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công ty chỉ còn lại một cổ đông hoặc hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, công ty gửi hồ sơ chuyển đổi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

e) Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây: (i) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác; (ii) chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn; (iii) chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn; (iiii) công ty chỉ còn lại 02 cổ đông; (iiiii) kết hợp 03 phương thức đầu tiên và các phương thức khác.

 Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

h) Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

- Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 nêu trên và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

g) Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh

Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây: Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật; tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

i) Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

- Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

+ Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

+ Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

+ Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

+ Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

- Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

k) Phá sản doanh nghiệp

Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

2.8. Điều khoản thi hành và áp dụng chuyển tiếp

a) Điều khoản thi hành

 Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Thay thế cụm từ “doanh nghiệp nhà nước” bằng cụm từ “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 35 và điểm k khoản 1 Điều 37 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13; điểm a khoản 3 Điều 23 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14; điểm b khoản 2 Điều 74 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2019/QH14; điểm a khoản 2 Điều 43 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 50/2019/QH14; Điều 19 của Luật Tố cáo số 25/2018/QH14; các điều 3, 20, 30, 34, 39 và 61 của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14.

 Chính phủ quy định việc đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh.

 Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

b) Quy định chuyển tiếp

- Các công ty không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước nắm giữ thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 không phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của Luật này nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

- Đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và người đại diện theo ủy quyền mà không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm b khoản 5 Điều 14, khoản 3 Điều 64, khoản 3 Điều 93, khoản 3 Điều 101, các điểm a, b và c khoản 3 Điều 103, điểm d khoản 1 Điều 155, điểm b khoản 5 Điều 162 và khoản 2 Điều 169 của Luật này được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

 3. Một số nội dung mới của Luật

- Luật quy định tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

- Bãi bỏ bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp. Theo đó, dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

 - Bổ sung thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp, cụ thể:  

+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

+ Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);

+ Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trên cở sở đó, cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp (Luật hiện hành quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

- Bổ sung quy định chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết. Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Quy định trên nhằm thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh.

- Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh (Luật hiện hành quy định chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH).

- Bổ sung quy định thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 193).

 

 

 

 


[1] Tờ trình số 533/TTr-CP ngày 28 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày