Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 17.215
Phương hướng công tác trọng tâm phòng, chống ma tuý năm 2024 trên đại bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 20/01/2024

Năm 2023, trong bối cảnh thích ứng, bình thường sau đại dịch, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quy mô quốc gia và quốc tế, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã tập trung tham mưu Thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh, chỉ đạo huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và Nhân dân, đặc biệt thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong tổ chức thực hiện chuyển hóa tình hình ma túy, làm sạch ma túy tại 18/18 xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới, tổ chức nhân rộng làm sạch ma túy tại các địa bàn ma túy cấp huyện góp phần quan trọng tăng 05 địa bàn không có ma túy. Các mặt công tác phòng, chống ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực:

 Công tác tuyên truyền phòng chống ma tuý được tập trung đẩy mạnh, đa dạng về nội dung và hình thức phong phú, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân và huy động các ban ngành, hệ thống chính trị trong công tác phòng chống ma túy. Công tác phối hợp với thực hiện công tác xây dựng mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự (phòng chống ma túy) được quan tâm, đẩy mạnh, số lượng và chất lượng được nâng lên.

Công tác đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy thực hiện linh hoạt, phù hợp tình hình hoạt động của tội phạm, tập trung triệt phá các nhóm, đối tượng mua bán, tàng trữ ma tuý tổng hợp; lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ… để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được nguồn “cung” ma túy vào địa bàn, không để ma tuý thâm nhập qua tuyến biên giới, hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp, lây lan trong trường học, xảy ra tình trạng trồng cây có chứa chất ma tuý. Công tác lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện, cai nghiện được tập trung chỉ đạo, thực hiện.

Thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là xu hướng hình thành các đường dây mua bán trái phép ma tuý tổng hợp, sự gia tăng người nghiện..., đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp cho công tác phòng, chống ma tuý trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả công tác này trong năm 2024, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp và huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác phòng chống ma túy. Tập trung thực hện hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 12/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai nhân rộng công tác chuyển hóa tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham mưu Ủy ban nhân tỉnh chỉ đạo phục vụ Đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023.

2. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy

 Chú trọng đa dạng hóa phương thức thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ vào công tác tuyên truyền, phát huy thế mạnh Internet như thành lập các trang Facebook, Zalo để tuyên truyền phòng chống ma túy, hỗ trợ tư vấn người nghiện, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm ma túy; xây dựng chuyên mục, tin, bài, phim ngắn, video clip, thông tin dưới dạng đồ họa để đăng tải, tuyên truyền, cảnh báo trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội, ứng dụng Hue-S...;Tham mưu duy trì, củng cố, xây dựng các mô hình phòng, chống ma túy phù hợp nhằm phát huy vai trò và huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong công tác phòng chống ma túy.

3. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy

 Các lực lượng chuyên trách triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm, dự báo chính xác tình hình dịch chuyển của tội phạm ma túy, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý, triệt phá làm “sạch các tụ điểm, điểm bán lẻ ma túy”, điểm tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, các ổ nhóm tàng trữ, sử dụng ma túy, các địa bàn phức tạp về ma túy, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm hoạt động phạm tội ma túy. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định công tác điều tra, truy tố, xét xử; không để oan, sai, sót lọt tội phạm; không để xảy ra sai phạm trong công tác tố tụng.

4. Công tác kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất và ma tuý, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, không để tội phạm ma túy lợi dụng sơ hở để hoạt động mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất ma túy trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong đó  tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần điều trị; các doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

5. Công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai nghiện

Thường xuyên rà soát, thống kê người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý, hiện có tại địa phương, kiềm chế “nguồn cầu” ma túy. Tích cực tiến hành công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường thị trấn; cai nghiện bắt buộc trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành có liên quan trong lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện đối với các đối tượng sử dụng ma túy ma túy; có biện pháp quản lý đặc biệt đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện mất kiểm soát hành vi, loạn thần, “ngáo đá”; lập hồ sơ đưa người nghiện đủ điều kiện đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, điều trị loạn thần, không để các đối tượng gây án. Trong đó:

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc, tự nguyện cho người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức cai nghiện tại xã, phường, thị trấn, gia đình có hiệu quả; thực hiện hỗ trợ sau cai nghiện ma túy; phòng, chống tái nghiện ma túy tại cộng đồng. Thực hiện công tác xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng. Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; thực hiện đa dạng hình thức huy động, sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện, lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

- Sở Y tế tiếp tục tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn để xác định tình trạng nghiện ma tuý nhằm phục vụ, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tại Bệnh viện tâm thần...

- Công an tỉnh chỉ đạo phối hợp tổ chức rà soát, lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện số đối tượng mới phát hiện để đề nghị áp dụng các biện pháp giáo dục, quản lý; nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; phối hợp vận động người nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Methadone; đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở điều trị.

6. Công tác phòng, chống trồng cây có chứa chất ma túy

 Tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm, vận động tuyên truyền nhân dân, đặc biệt là già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn miền núi chấp hành nghiêm túc việc không trồng cây có chất ma tuý.

 Quan tâm phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo đồng bào dân tộc ở các vùng biên giới, không để tội phạm ma túy lợi dụng để hoàn cảnh để lôi kéo, trồng cây có chứa chất ma túy, thuê vận chuyển ma túy qua biên giới.

7. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy

Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát, thống kê từng loại mô hình về phòng, chống ma tuý trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học... để đánh giá hiệu quả hoạt động; tiếp tục tham mưu duy trì, củng cố, xây dựng các mô hình phòng, chống ma túy phù hợp nhằm phát huy vai trò và huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong công tác phòng chống ma túy.

8. Công tác hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy

Thực hiện tốt thoả thuận hợp tác đã ký kết về phòng chống các loại tội phạm trong đó có tội phạm về ma tuý, thông qua các Hội nghị giao ban luân phiên định kỳ nhằm thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của các loại tội phạm nói chung, tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý nói riêng. Hàng năm, tổ chức các đoàn công tác sang thăm, làm việc phục vụ công tác phối hợp phòng chống tội phạm.

Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và Công an huyện A Lưới tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì việc giao ban định kỳ giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện với các tỉnh, huyện biên giới với nước Lào. Triển khai hội nghị cấp tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày