Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 19.517
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày cập nhật 28/12/2023

Ngày 31 tháng 10 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 178/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 10 năm 2023.

 

Chính phủ quy định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như sau:

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến

Nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 49-KL/TW, Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ ở tất cả các cấp, các ngành để tạo sự thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vận tải đường sắt đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, môi trường và đối ngoại. Công tác tuyên truyền Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ tiến hành với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng để tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, tiềm năng, lợi thế của vận tải đường sắt, đổi mới tư duy và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về nhiệm vụ phát triển vận tải đường sắt, phát triển khoa học, công nghệ, nhân lực xây dựng hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, phân bổ nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vận tải đường sắt.

Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW về phát triển giao thông vận tải đường sắt phù hợp với thực tiễn của ngành, địa phương.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành đường sắt (sửa đổi Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan) theo hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển; đa dạng hóa, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để đầu tư, phát triển công nghiệp, nguồn nhân lực cho đường sắt. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để tạo môi trường thuận lợi, thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đường sắt; nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục đầu tư. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong đầu tư, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ đường sắt; ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm để phát triển khoa học, công nghệ đường sắt.

3. Hoàn thiện quy hoạch phát triển đường sắt và các quy hoạch liên quan

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng bộ với các quy hoạch ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải và các quy hoạch ngành khác có liên quan; triển khai lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm liên kết, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo không gian phát triển, gắn kết các tuyến đường sắt với các hành lang kinh tế, các trung tâm kinh tế, đầu mối vận tải trong nước, các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm logistics lớn, trung tâm bưu chính.

4. Huy động nguồn lực để đầu tư giao thông vận tải đường sắt

Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm ưu tiên đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn nhà nước hợp lý cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt để thực hiện các mục tiêu quy hoạch đến năm 2030 (nhất là mục tiêu triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam). Ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Xây dựng phương án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn vay ưu đãi, phát hành trái phiếu trong nước, quốc tế để đầu tư các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số quy định đặc thù (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP, cho phép áp dụng loại hợp đồng BT, ưu đãi, bảo đảm đầu tư chia sẻ rủi ro phù hợp) để thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư từng dự án cụ thể.

5. Phát triển công nghiệp đường sắt

Xây dựng nền tảng để phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng đồng bộ, hiện đại với các ngành công nghiệp khác; các hợp đồng liên doanh, liên kết với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải có cam kết chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp trong nước từng bước tự chủ trong bảo trì, sản xuất một số loại phương tiện, vật tư, trang thiết bị trong lĩnh vực đường sắt.

6. Phát triển nguồn nhân lực đường sắt

Xây dựng kế hoạch hợp tác với các nước đào tạo nhân lực đường sắt tại nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 - 2030, bắt đầu triển khai từ năm 2024. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo nhân lực chuyên sâu phục vụ công tác quản lý, xây dựng, vận hành thông qua các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo (viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp…).

7. Kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt

Xây dựng, triển khai đề án về mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Xây dựng, triển khai đề án nâng cao năng lực, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt.

8. Củng cố, nâng cao năng lực doanh nghiệp vận tải đường sắt

Đẩy mạnh xã hội hóa, cổ phần hóa, thoái vốn trong kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt. Tổ chức bộ máy tinh gọn, cải thiện hệ thống quản lý hoạt động của mạng lưới đường sắt, tối ưu hóa chi phí vận hành, nâng cao sức cạnh tranh của vận tải đường sắt.

9. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt

Tăng cường liên danh, liên kết với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về thi công xây dựng, bảo trì công trình; đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Triển khai đặt hàng các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ về đường sắt. Đưa điều kiện chuyển giao công nghệ vào các hợp đồng của các dự án đầu tư đường sắt.

10. Thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế

Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế tại các khuôn khổ đa phương như Tổ chức đường sắt quốc tế (UIC), Hiệp hội đường sắt quốc tế (OSJD), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Tổ chức liên chính phủ về vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường sắt (OTIF)...; lồng ghép, quảng bá, giới thiệu về lĩnh vực đường sắt trong hoạt động tiếp xúc, thông tin đối ngoại. Mở rộng hợp tác quốc tế về đường sắt trong khối ASEAN và các nước, đặc biệt là các nước có đường sắt phát triển để học tập, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm phát triển, quản lý xây dựng, vận hành, khai thác hệ thống giao thông đường sắt.

Đàm phán và thống nhất với phía Trung Quốc về điểm nối ray ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), phối hợp triển khai xây dựng để tăng cường kết nối tạo thuận lợi cho vận tải đường sắt qua biên giới, nâng cao hiệu suất vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc.

11. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác đầu tư, phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác đầu tư, phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về trật tự, an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, dọc hành lang đường sắt.

12. Nghiên cứu, lựa chọn phương án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị

Tổ chức tham khảo kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và bài học từ việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam, làm cơ sở triển khai đầu tư, vận hành khai thác, quản lý hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị (đặc biệt các tuyến có nhu cầu vận tải lớn tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh)./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày