Ngày 22 tháng 8 năm 2022, Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 125/UBND-BCĐ triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” với nội dung, cụ thể:
1. Vai trò, nhiệm vụ của Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là tổ chức tự quản thực hiện phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy của nhiều hộ dân sống gần nhau với nhiệm vụ giúp đỡ, vận động mọi người trong tổ thực hiện đầy đủ điều kiện an toàn về PCCC và tự trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình; trang bị các phương tiện (chuông báo cháy, kẻng báo cháy….) để thông báo các thành viên khi có cháy xảy ra tại hộ gia đình mình; tham gia hỗ trợ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có cháy xảy ra tại hộ gia đình các thành viên.
2. Cơ cấu tổ chức của Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH
- Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH được thành lập ở các khu dân cư, thôn, Tổ dân phố; mỗi tổ có ít nhất 15 hộ dân. Ở những địa bàn dân cư thưa, sống không tập trung, tuỳ theo điều kiện để thành lập Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH nhưng không dưới 5 hộ dân. Các Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH trong một khu dân cư, thôn, tổ dân phố được gọi theo số thứ tự, từ tổ số 1 cho đến số của tổ cuối cùng.
- Việc thành lập Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH được thống nhất giữa các hộ gia đình dựa trên quy ước, có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn (Có Mẫu quy ước kèm theo). Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn lập danh sách các Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH trong khu dân cư; Trưởng Công an xã, phường, thị trấn báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét và ký quyết định thành lập và quyết định ban hành quy chế hoạt động của Tổ liên gia (Có Mẫu quyết định kèm theo).
3. Mỗi Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH bầu 1 Tổ trưởng và từ 1 đến 2 Tổ phó để nhắc nhở các thành viên nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện các biện pháp an toàn để phòng ngừa, hạn chế các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra; thống nhất về hình thức thông báo khi có cháy để tham gia hỗ trợ lẫn nhau (chuông báo cháy, kẻng báo cháy….). Khuyến khích, vận động các hộ gia đình cán bộ, đảng viên, lực lượng Công an, Quân đội, lực lượng cốt cán cư trú tại khu dân cư (Bí thư, Tổ trưởng, Trưởng thôn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Ban công tác mặt trận…) kiêm nhiệm Tổ trưởng, Tổ phó.
4. Việc bầu Tổ trưởng, Tổ phó Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH do Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn thống nhất với lực lượng Cảnh sát khu vực giới thiệu, các hộ gia đình trong tổ bầu. Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn lập danh sách và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận (Có Mẫu quyết định kèm theo). Nhiệm kỳ của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH do các thành viên trong Tổ thống nhất, nhưng không dưới 1 năm. Các thành viên Tổ liên gia là đại diện các hộ gia đình trong tổ.
5. Tổ trưởng, Tổ phó tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH gương mẫu chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy tại hộ gia đình và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; thường xuyên tự kiểm tra để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy, nổ trong sinh hoạt hàng ngày tại hộ gia đình; nhắc nhở người thân và nhân dân tại nơi cư trú; cán bộ, đảng viên nơi đang công tác nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện các biện pháp an toàn để phòng ngừa, hạn chế các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra; quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn tại khu dân cư, nơi cư trú thực hiện các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; vận động người thân tham gia lực lượng dân phòng tại địa phương khi có yêu cầu. Tích cực tham gia phối hợp, hỗ trợ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có cháy, nổ xảy ra.
6. Hoạt động của Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH
- Tổ liên gia liên gia an toàn PCCC tổ chức họp định kỳ mỗi quý một lần. Các thành viên trong tổ có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi họp tổ. Các buổi họp tổ có thể mời Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, lực lượng dân phòng, Cảnh sát khu vực tham dự.
- Nội dung họp tổ gồm: Thông báo tình hình liên quan đến an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; triển khai các quy định của pháp luật về PCCC; tình hình đảm bảo an toàn PCCC tại hộ gia đình các thành viên. Nội dung họp tổ có thể kết hợp với các nội dung khác do Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, lực lượng dân phòng, Cảnh sát khu vực, Công an xã triển khai.
- Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ PCCC&CNCH được UBND cấp xã, lực lượng Công an, dân phòng tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC&CNCH; được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể hỗ trợ, tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư.
- Khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn tại bất kỳ hộ gia đình nào trong Tổ liên gia, các bước xử lý như sau:
+ Người phát hiện cháy, nổ, tai nạn, sự cố ấn chuông báo động cho các hộ gia đình biết; báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (qua số máy 114 hoặc App báo cháy 114), UBND hoặc Công an cấp xã.
+ Thành viên của các hộ gia đình trong Tổ liên gia sử dụng phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ của gia đình mình tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn.
+ Tổ trưởng Tổ liên gia chỉ huy chữa cháy, cứu người bị nạn, thông báo cho lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; báo cáo tình hình vụ việc và bàn giao lại quyền chỉ huy khi lực lượng dân phòng, Công an cấp xã, hoặc Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt.
7. Địa bàn chọn làm điểm thực hiện
- Tổ dân phố 1, phường Phước Vĩnh,Thành phố Huế;
- Tổ dân phố 4, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ;
- Tổ dân phố 8, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà;
- Thôn Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền;
- Thôn Đồng Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang;
- Thôn Xuân Lai, xã Lộc An, huyện Phú Lộc;
- Tổ dân phố Vĩnh Hoà, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền;
- Tổ dân phố 5, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới;
- Tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông.
Kế hoạch có hiệu lực từ ngày 22 tháng 8 năm 2022./.