Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 1.575
Thừa Thiên Huế chỉ đạo tăng cường công tác giám định tư pháp
Ngày cập nhật 18/04/2022

Ngày 12 tháng 4 năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công văn số 3486/UBND-TP chỉ đạo tăng cường công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. 

 

Thời gian qua, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của các cơ quan, ban, ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt được những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác quản lý nhà nước, phối hợp giữa các cơ quan có lúc chưa đồng bộ, thường xuyên, một số cơ quan chuyên môn chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác giám định tư pháp theo quy định của pháp luật; một số giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức pháp luật, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc chưa phát huy trách nhiệm trong giám định tư pháp,… Những khó khăn, hạn chế nêu trên chủ yếu do đặc thù của công tác giám định tư pháp là nhiệm vụ khó, phức tạp, trong khi yêu cầu trách nhiệm cao, không chỉ kiến thức nghiệp vụ chuyên môn mà cả kiến thức pháp luật nên việc thu hút nguồn nhân lực và việc xã hội hóa trong lĩnh vực này không thuận lợi; trang thiết bị trong lĩnh vực giám định tư pháp có giá thành cao nên việc trang cấp đầy đủ, bảo đảm cho hoạt động giám định còn hạn chế,…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị quan tâm, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Các Sở, ngành cần quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp. Đặc biệt, chú trọng thông tin, tuyên truyền nội dung Điều 4 và khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), cụ thể:

Điều 4. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động giám định tư pháp

1. Cá nhân, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cá nhân, tổ chức khác có trách nhiệm tạo điều kiện để người giám định tư pháp thực hiện giám định theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Điều 20. Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

2….

Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này không thuộc danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu”.

- Sở Tư pháp: Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật chung về giám định tư pháp cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giám định tư pháp, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế, có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp bố trí kinh phí bảo đảm chi hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia; tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp thuộc ngành quản lý; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định. Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện giám định tư pháp theo vụ việc ngoài danh sách đã công bố để thực hiện giám định. Tích cực phối hợp với người trưng cầu giám định trong quá trình tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định để hoàn thành tốt nhiệm vụ, hạn chế tối đa việc từ chối giám định theo trưng cầu của người trưng cầu giám định. Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn công tác báo cáo, thống kê định kỳ 6 tháng, năm theo quy định, gửi Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương, đồng thời gửi bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đề xuất trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét.

- Đề nghị các cơ quan tố tụng căn cứ danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Uỷ ban nhân dân tỉnh để lựa chọn, quyết định việc trưng cầu giám định. Thường xuyên, tích cực phối hợp, hỗ trợ cá nhân, tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám định.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày