Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 7.877
Tình hình phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021
Ngày cập nhật 14/10/2021

Thừa Thiên Huế có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (06 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố), 141 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 39 phường và 7 thị trấn), bao gồm 14 đô thị ( 01 đô thị loại I, 03 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 54%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%.

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, dưới tác động  tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 đạt 2,22%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.450 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 9.123,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 5,64%. Tuy nhiên do bùng phát dịch Covid-19 trở lại (lần thứ 4) nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội đặc biệt là văn hóa, du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong những năm qua, với sự phát triển về kinh tế - xã hội, số lượng các ngành nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lĩnh vực kinh tế trọng điểm ngày càng nhiều; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh; nhiều khu công nghiệp, khu dân cư mới mọc lên; các khu dân cư cũ ngày càng đông đúc, trong đó không ít khu vực có lối đi chật hẹp, một vài bộ phận người dân chưa ý thức, thiếu cảnh giác trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ và các sự cố, tai nạn ngày càng gia tăng. Ngoài ra do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây ra những vụ cháy rừng trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu và đời sống, kinh tế của địa phương. Trong khi đó các điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 7.820 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; trong đó có 625 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Cơ quan Công an quản lý phòng ngừa cháy nổ 1.526 cơ sở; Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, phòng ngừa cháy nổ 6.294 cơ sở. So với năm 2020 tăng 5.370 cơ sở (chủ yếu thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã).

Từ ngày 15/8/2020 đến 14/8/2021, xảy ra 69 vụ cháy, không xảy ra các vụ nổ. Bao gồm 26 vụ cháy dân sự và 43 vụ cháy rừng (giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ 14/40 ≈ 35%). Thiệt hại tài sản khoảng 12,712 tỷ đồng và trên 541,087 ha rừng, không có thiệt hại về người.

Trong số 26 vụ cháy trong dân sự, có 10 vụ cháy nhà ở đơn lẻ, 05 vụ cháy phương tiện giao thông, 04 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất- kinh doanh, 01 vụ cháy ki- ốt trong chợ, 01 vụ cháy cơ sở ép gỗ trấu, 02 vụ cháy nhà kho, 02 vụ cháy thiết bị truyền tải điện, 01 vụ chập điện gây cháy trong khách sạn.

Địa bàn xảy ra bao gồm 22 vụ ở thành thị, 04 vụ ở nông thôn.

Quá trình điều tra ban đầu, xác định nguyên nhân cháy bao gồm 18 vụ do chập điện, 02 vụ do sơ xuất bất cẩn sử dụng lửa, 01 vụ tự đốt. Hiện tiếp tục điều tra nguyên nhân 04 vụ; quá trình điều tra, không đủ tài liệu kết luận nguyên nhân cháy 01 vụ.

Trong năm, xảy ra 01 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng (khoảng 12 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 1/26 ≈  4%  tổng số vụ cháy trong dân sự.

Vụ cháy xảy ra khoảng 17h ngày 05/5/2021 tại nhà máy sản xuất bao bì Carton- ống côn thuộc công ty Cổ phần đầu tư dệt may Thiên An Phát, đường số 1, khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế; diện tích cháy gồm 4.500m2.

Sau khi vụ cháy xảy ra, Ban chỉ đạo PCCC đã tiến hành họp, chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân cháy, chấn chỉnh ngay các sơ hở trong quản lý PPCC; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng tham gia thực hiện có hiệu quả công tác PCCC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khắc phục các kiến nghị của cơ quan chức năng về đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh, xử lý các sai phạm theo quy định.

Lực lượng PCCC Công an tỉnh bám sát Nghị quyết của Công an tỉnh về “tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy và trách nhiệm của người đứng dầu trong công tác quản lý cán bộ, chiến sỹ” để chỉ đạo, chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ có liên quan trong việc tổ chức công tác PCCC, nhất là rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, thiếu sót, sơ hở trong quản lý nhà nước cũng như hoạt động nghiệp vụ tại địa bàn xảy ra vụ cháy trên, không để xảy ra tình trạng tương tự về sau.

Tình hình cháy trong khu dân cư (nhóm đối tượng nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh) vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy xảy ra chiếm tỷ lệ cao so với tổng số vụ cháy trong dân sự (14/26 vụ, tỷ lệ 53,8%). Ngoài ra do đặc thù khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên nắng nóng, hanh khô kéo dài, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lớn nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy lớn.

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng các kế hoạch PCCC của UBND, của Công an tỉnh, lực lượng PCCC chủ động làm tốt công tác phòng cháy và duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực về lực lượng và phương tiện của 04 lực lượng PCCC, trong đó chủ công là Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh. Vì vậy, công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng chiến thuật góp phần hạn chế thấp nhất về thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) công an tỉnh tham gia cứu nạn, cứu hộ 44 vụ (trong đó 28 vụ liên quan đuối nước, 11 vụ tai nạn giao thông, 01 vụ sạt lở đất, 01 vụ kẹt thang máy, 01 vụ cây đổ, 01 vụ vỡ đường ống cấp nước Nhà máy thủy điện). Kết quả đã cứu được 07 người thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, đưa 11 người bị thương đến nơi an toàn; tìm thấy 35 thi thể (riêng vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, đã tìm thấy 6 thi thể, còn 11 người mất tích chưa tìm thấy; sạt lở tại Trạm quản lý và bảo vệ rừng Tiểu khu 67 tìm thấy thi thể 13/13 cán bộ chiến sỹ). Trong các tháng cuối năm 2020, tình hình bão lũ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế diễn biến phức tạp dẫn đến xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, lật ghe… làm chết và mất tích nhiều người, thời tiết bất lợi gây khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ.

Trong thời gian tới, đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ đặc biệt là cháy lớn do: khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, hanh khô kéo dài; nhiều địa bàn cách trở, ở vùng sâu, vùng xa có tuyến giao thông chưa thuận lợi; nhu cầu sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng...) ngày càng gia tăng; với địa bàn được xác định là trọng điểm về an ninh chính trị, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá, bạo động, gây cháy, nổ ở các mục tiêu trọng điểm, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI; số lượng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ngày càng gia tăng đi kèm với tình trạng xuống cấp, lạc hậu của hệ thống dây chuyền công nghệ, nhà xưởng; một số loại hình cơ sở như: trường học, chợ truyền thống, khu dân cư tập trung có nguy cơ cháy, nổ cao và chung cư cũ hiện đang xuống cấp, mất an toàn về PCCC; tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều khu dân cư, khu đô thị tập trung với các cơ sở cao tầng trong khi phương tiện chữa cháy, công nghiệp hóa được trang bị chưa thể đảm bảo khả năng cứu chữa...

Vì vậy, đề nâng cao hiệu quả công tác phong cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

- Triển khai xây dựng các nội dung liên quan hạ tầng PCCC trên địa bàn tỉnh theo nội dung Quyết định số 2231/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ năm 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

- Triển khai có hiệu quả nội dung Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 26/8/2021 và  Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 26/8/2021 của HĐND tỉnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo yêu cầu công tác PCCC&CNCH .

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các sở, ban, ngành, cá nhân, tổ chức, cơ quan trong triển khai, tổ chức chức thực hiện nhiệm vụ PCCC đã được giao; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý nhà nước về PCCC&CNCH .

 

(Theo báo cáo số 362/BC-UBND ngày 11/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày