Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 2.225
Đề cương giới thiệu Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019
Ngày cập nhật 09/09/2020

Đề cương giới thiệu Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nam khóa IX thông qua ngày 27/8/1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 09/9/1996. Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng dự bị động viên, như: Luật quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể ở một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất: Từ năm 1996 đến nay, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị với nhiều chủ trương, quan điểm mới về lực lượng dự bị động viên cần phải được thể chế hóa như:

Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05/10/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên “tổ chức xây dựng các đơn vị dự bị động viên có chất lượng toàn diện, chú trọng nâng cao chất lượng về chính trị, không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân nhân dự bị; quản lý và huấn luyện chặt chẽ, bảo đảm vũ khí trang bị, vật chất hậu cần để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trong mọi tình huống diễn ra trên địa bàn và kịp thời bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội theo yêu cầu”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, xác định rõ và đồng bộ phương hướng, mục tiêu, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu về xây dựng khu vực phòng thủ: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và lực lượng dự bị động viên. Coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục và huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương...”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã có sự phát triển về phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng dự bị động viên nói riêng: “Tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh tổ chức quân đội để có cơ cấu cân đối giữa các quân, binh chủng, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng thường trực và dự bị động viên. Tổ chức quân đội theo hướng tinh, gọn, cơ động, có sức chiến đấu cao... Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao”.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa...” và khẳng định: “... Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, chủ động chuẩn bị lực lượng và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia trong mọi tình huống…”.

Thứ hai: Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, về xây dựng lực lượng dự bị động viên; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số quy định khác liên quan đến lực lượng dự bị động viên. Trong khi đó, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14); “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” (Điều 66). Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền về an sinh xã hội của công dân tại Điều 34. Theo đó công dân có quyền bảo đảm an sinh xã hội, đây là điểm mới về quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và mở rộng đối tượng bao phủ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 58 “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân...”. Để mọi công dân được bảo đảm quyền này, khoản 2 Điều 59 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người tàn tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn”. Kết nối các quy định này trong Hiến pháp 2013, có thể khẳng định rằng đây là quy định thể hiện bước phát triển mới về quyền con người của công dân về an sinh xã hội nói chung và về bảo hiểm xã hội, BHYT nói riêng.

Thứ ba: Luật bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư số 17/2014/TT-BTP, ngày 13/8/2014 quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, cụ thể như sau:

Quá trình lập đề nghị xây dựng dự án Luật: Đã tổ chức rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan, xác định cơ bản dự án Luật không có tác động nhiều về giới. Tuy nhiên, trong mỗi chính sách xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đều lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Như, xây dựng chính sách huy động lực lượng dự bị động viêntrong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Huy động lực lượng dự bị động viên phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội khi chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. 

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khảo sát toàn diện và nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới để xây dựng chính sách cho lực lượng dự bị động viên; đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập với sự tham gia của đại diện 16 bộ; trong đó tỷ lệ nữ là 4/38 đồng chí đạt 10,5%.

Thứ tư: Qua Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trên phạm vi cả nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nổi bật là: Thực hiện chế độ nền nếp đăng ký, quản lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 năm/lần đối với sĩ quan dự bị đã sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên và tổ chức sinh hoạt toàn thể sĩ quan dự bị ở nhiều địa phương chưa thực hiện được; việc triển khai đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân chưa thực sự hiệu quả, các chủ phương tiện chưa tự giác chấp hành việc đăng ký, quản lý của cơ quan quân sự địa phương, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Nguồn quân nhân dự bị tuy nhiều nhưng phân bố không đều; tập trung nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, các thành phố lớn; các tỉnh miền Núi, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam việc tổ chức các đơn vị dự bị động viên gặp khó khăn do chất lượng chuyên nghiệp quân sự của quân nhân dự bị đạt thấp. Sĩ quan dự bị thiếu so với yêu cầu do đầu vào hạn chế, số giải ngạch nhiều hơn số đăng ký vào ngạch; đào tạo sĩ quan dự bị chưa đáp ứng được nhu cầu do nguồn kinh phí hạn hẹp; chất lượng sĩ quan dự bị thấp, chủ yếu là đào tạo từ hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, thời gian đào tạo ngắn, việc đào tạo, bổ túc, theo chức vụ chưa làm thường xuyên nên năng lực chỉ huy, huấn luyện, quản lý đơn vị dự bị động viên còn hạn chế. Công tác đào tạo Hạ sĩ quan chỉ huy, đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật mới bảo đảm yêu cầu hiện tại của đơn vị; chưa đáp ứng cho công tác tạo nguồn động viên ở địa phương theo khu vực vùng, miền.

Thực tiễn đòi hỏi, huy động lực lượng dự bị động viên tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định trong Pháp lệnh.

Việc bảo đảm doanh trại, thao trường, bãi tập cho huấn luyện tập trung đơn vị dự bị động viên gặp nhiều khó khăn; các đơn vị bộ đội địa phương cơ bản chưa có doanh trại, thao trường, bãi tập để tổ chức huấn luyện; một số đơn vị tổ chức huấn luyện phải ở nhờ trường học, hội trường ủy ban để làm nơi ăn, nghỉ cho quân nhân dự bị trong thời gian huấn luyện (sáng đi tối về hoặc ở trong nhà dân), do đó chưa kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện của đơn vị dự bị động viên.

Chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội, chưa bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng được hưởng trong cùng hoàn cảnh, cùng điều kiện và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật dân quân tự vệ quy định chế độ được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ từ cấp tiểu đội, khẩu đội trở lên). Mặt khác, Pháp lệnh chưa quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động phục vụ nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; chưa quy định chế độ, chính sách đối với chủ phương tiện khi có phương tiện được huy động.

Thứ năm: Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh. Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh. Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh nâng thành Luật lực lượng dự bị động viên tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xuất phát từ những vấn đề trên, việc xây dựng Luật lực lượng dự bị động viên là hết sức cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

1. Mục đích

Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Quan điểm

- Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; thống lĩnh của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân; sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ; sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng dự bị động viên.

- Thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về xây dựng Quân đội nhân dân: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lực lượng dự bị động viên, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

- Bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch và dễ tiếp cận; tiếp thu những ý kiến hợp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình soạn thảo.

- Phù hợp với xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế; trên cơ sở giữ vững nguyên tắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không để bị phụ thuộc, lệ thuộc vừa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực của đất nước trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

1. Bố cục       

Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019, gồm: 5 Chương, 41 Điều.

Chương I: Những quy định chung (gồm 07 điều, từ Điều 01 đến Điều 07).

Chương II: Xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên (gồm 21 điều, từ Điều 8 đến Điều 28).

Chương III:  Chế độ, chính sách và kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên (gồm 06 điều, từ Điều 29 đến Điều 34).

Chương IV: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên (gồm 06 điều, từ Điều 35 đến Điều 40).

Chương V: Điều khoản thi hành (gồm 01 điều, Điều 41).

          2. Những nội dung cơ bản của Luật Lực lượng dự bị động viên

          Ngày 26 tháng 11 năm 2019, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên số 53/2019/QH14.

          Luật Lực lượng dự bị động viên nhằm thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996, là cơ sở vững chắc góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

          Luật Lực lượng dự bị động viên đã tạo khung hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên hung hậu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một số nội dung chưa quy định cụ thể tại Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996, nay đã được quy định cụ thể trong Luật Lực lượng dự bị động viên, như: Quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân dự bị, của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị; trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên khi thi hành lệnh thiết quân luật, để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

          2.1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

          Điều này xác định các vấn đề Luật điều chỉnh: “Luật này quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên”; so với Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996, đây là điều luật mới được bổ sung, bảo đảm kỹ thuật xây dựng văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Nội dung quy định tại Điều này xác định đối tượng mà các quy định của Luật tác động tới. Nội dung điều luật đã liệt kê cụ thể các đối tượng áp dụng, bảo đảm kỹ thuật soạn thảo văn bản.

2.2. Trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên quy định tại Điều 4 Luật Lực lượng dự bị động viên

1. Quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:

- Kiểm tra sức khỏe;

- Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

- Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao;

- Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

2. Quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:

- Thực hiện quy định tại khoản 1 nêu trên;

- Nắm tình hình số lượng, chất lượng đơn vị; duy trì đơn vị sinh hoạt theo chế độ và thực hiện chế độ báo cáo;

- Quản lý, chỉ huy đơn vị khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

- Quản lý, chỉ huy đơn vị để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân

2.3. Quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị; bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra (Điều 5, Điều 6).

Nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị, cụ thể như sau:

- Chủ phương tiện kỹ thuật dự bị có nghĩa vụ chấp hành quyết định huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị; được hoàn trả phương tiện kỹ thuật dự bị, thanh toán các khoản chi phí và bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra.

- Người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị có nghĩa vụ chấp hành quyết định huy động; được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật này.

Quy định về bồi thường thiệt hại, đồng thời viện dẫn mức bồi thường, việc chi trả mức bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản đảm bảo rõ rang, minh bạch và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đúng quy định của Hiến pháp về quyền và tài sản của công dân. Cụ thể như sau:

- Chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Phương tiện kỹ thuật dự bị bị hư hỏng, bị mất hoặc bị tiêu hủy;

b) Thiệt hại về thu nhập do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị trực tiếp gây ra.

- Người có thẩm quyền quyết định huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường và việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Trường hợp phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động là tài sản nhà nước giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bị hư hỏng, bị mất hoặc bị tiêu hủy thì được bố trí kinh phí để sửa chữa hoặc mua mới theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

          2.4. Quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên như sau (Điều 7 Luật Lực lượng dự bị động viên):

- Trốn tránh thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động.

- Chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

- Huy động, điều động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch được phê duyệt.

- Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

2.5. Về kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên (Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật Lực lượng dự bị động viên)

Luật quy định cụ thể thẩm quyền lập kế hoạch; nội dung kế hoạch; thẩm định và phê duyệt kế hoạch; rà soát, điều chỉnh, lập mới kế hoạch nhằm bảo đảm thống nhất hệ thống kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của các cấp từ Trung ương đến địa phương, cũng như trong quân đội được giao bảo đảm tính kế hoạch trong xây dựng lực lượng dự bị động viên từ thời bình để sẵn sang bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội khi có tình huống xảy ra kịp thời, hiệu quả.

Thẩm quyền lập kế hoạch:

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập Kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của đơn vị.

-  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của địa phương.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của đơn vị Quân đội nhân dân.

Nội dung kế hoạch:

- Nội dung kế hoạch xây dựng lực lượng dự bị động viên bao gồm:

a) Tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên;

b) Quản lý đơn vị dự bị động viên;

c) Tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị;

d) Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

đ) Công tác đảng, công tác chính trị;

e) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính.

- Nội dung kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm:

a) Thông báo quyết định huy động, lệnh huy động;

b) Tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị;

c) Công tác đảng, công tác chính trị;

d) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính;

đ) Chỉ huy, điều hành việc huy động lực lượng dự bị động viên;

e) Bảo vệ trong quá trình tập trung, vận chuyển, giao nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị.

- Nội dung kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên bao gồm:

a) Quyết định về việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận lực lượng dự bị động viên;

b) Tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị;

c) Công tác đảng, công tác chính trị;

d) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính.

Thẩm định và phê duyệt kế hoạch:

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.

- Bộ Quốc phòng thẩm định; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- Ban chỉ huy quân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thẩm định; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của đơn vị thuộc quyền.

- Cơ quan Bộ Quốc phòng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của quân khu, kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

- Cơ quan quân khu thẩm định; Tư lệnh Quân khu phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về kế hoạch và đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan có liên quan thẩm định; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Cơ quan cấp trên trực tiếp thẩm định; Thủ trưởng cấp trên trực tiếp, phê duyệt kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của đơn vị thuộc quyền trong Quân đội nhân dân.

Rà soát, điều chỉnh, lập mới kế hoạch:

- Hằng năm, cơ quan, đơn vị được giao lập kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên phải rà soát kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 10 của Luật này quyết định việc điều chỉnh, hoặc lập mới kế hoạch trong trường hợp quy định dưới đây.

- Kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên được điều chỉnh trong trường hợp có sự thay đổi nội dung nhưng chưa đến mức phải lập mới.

- Kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên được lập mới trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi chỉ tiêu về quân nhân dự bị hoặc phương tiện kỹ thuật dự bị từ 30% trở lên;

b) Thay đổi địa phương giao hoặc đơn vị nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị.

2.6. Đăng ký quản lý quân nhân dự bị  và phương tiện kỹ thuật dự bị (Điều 12, Điều 13 Luật Lực lượng dự bị động viên)

Luật quy định việc việc đăng ký quản lý quân nhân dự bị của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện và phương tiện kỹ thuật dự bị trên cơ sở cơ quan đăng ký quyền sở hữu phương tiện, quy định cụ thể như sau:

- Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân cư trú tại địa phương.

Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký quân nhân dự bị tại nơi cư trú.

- Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện quản lý quân nhân dự bị cư trú tại địa phương.

- Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

- Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký quân nhân dự bị của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quy định nêu trên.

Về quy định việc việc đăng ký quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị, Luật quy định trên cơ sở cơ quan đăng ký quyền sở hữu phương tiện, định kỳ hằng năm cung cấp thông tin đăng ký phương tiện kỹ thuật dự bị; tạo điều kiện thuận lợi, tránh gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức trong đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị. Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị trong Luật không ảnh hưởng đến quyền của công dân về tài sản.

Tùy theo tính chất nhiệm vụ của lực lượng dự bị động viên và tình hình phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, dân sự trong thời kỳ, giai đoạn mà yêu cầu huy động phương tiện kỹ thuật dự bị khác nhau. Để bảo đảm sự linh hoạt, chủ động và bí mật trong tác chiến, nên Luật giao Chính phủ quy định danh mục phương tiện kỹ thuật dự bị và việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị.  Cụ thể:

- Cơ quan đăng ký quyền sở hữu phương tiện hàng không dân dụng, phương tiện hàng hải, phương tiện thủy nội địa của Bộ Giao thông vận tải và cơ quan đăng ký tàu công vụ thủy sản, tàu kiểm ngư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm định kỳ hằng năm cung cấp thông tin đăng ký phương tiện kỹ thuật dự bị cho Bộ Quốc phòng để đăng ký, quản lý.

- Cơ quan đăng ký quyền sở hữu phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cơ quan quản lý phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị vật tư y tế ở địa phương có trách nhiệm định kỳ hằng năm cung cấp thông tin đăng ký phương tiện kỹ thuật dự bị cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chủ phương tiện để đăng ký, quản lý.

- Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức định kỳ hằng năm báo cáo, cung cấp thông tin về phương tiện kỹ thuật dự bị không thuộc trường hợp quy định nêu trên cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chủ phương tiện hoặc nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở để đăng ký, quản lý.

- Chính phủ quy định Danh mục phương tiện kỹ thuật dự bị và việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị.

2.7. Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (Điều 17 Luật Lực lượng dự bị động viên)

Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trên cơ sở đã đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên. Luật quy định độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình nhằm bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng của quân nhân dự bị để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Khi có chiến tranh, việc gọi quân nhân dự bị vào phục vụ tại ngũ được thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự. Quy định cụ thể về độ tuổi như sau:

- Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:

+ Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;

+  Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

2.8. Thẩm quyền sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị vào đơn vị dự bị động viên (Điều 19 Luật Lực lượng dự bị động viên)

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân có chỉ tiêu tiếp nhận lực lượng dự bị động viên thực hiện việc sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị vào đơn vị dự bị động viên.

2.9. Bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ; giáng chức, cách chức; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; tước danh hiệu quân nhân, giải ngạch đối với quân nhân dự bị (Điều 20 Luật Lực lượng dự bị động viên)

- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ; giáng chức, cách chức; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; giải ngạch sĩ quan dự bị thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Việc phong, thăng quân hàm và giải ngạch quân nhân chuyên nghiệp dự bị thực hiện theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

- Việc bổ nhiệm chức vụ; giáng chức, cách chức; phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm; tước danh hiệu quân nhân và giải ngạch hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị thực hiện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

2.10. Tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị (Điều 21 Luật Lực lượng dự bị động viên)

- Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dự bị hằng năm.

- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định số lượng từng nhóm, ngành sĩ quan dự bị cần đào tạo giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.

- Chính phủ quy định đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị.

2.11. Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên (Điều 22 Luật Lực lượng dự bị động viên)

- Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên hằng năm cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Việc gọi quân nhân dự bị huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Quân nhân dự bị được hoãn tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp sau đây:

+ Trùng với thời gian thi tuyển công chức, viên chức; thi nâng bậc thợ, nâng ngạch công chức, viên chức; thi kết thúc học kỳ, thi kết thúc khóa học được cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận;

+ Bị ốm đau hoặc hoàn cảnh gia đình, bản thân khó khăn đột xuất không thể tham gia, được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi quân nhân dự bị cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định điều động có thời hạn phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều động số lượng, thời hạn phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên phục vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc điều động từng phương tiện kỹ thuật dự bị.

- Việc huấn luyện đơn vị dự bị động viên thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện tại cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.

Việc huấn luyện đơn vị dự bị động viên không thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh quy định nêu trên.

2.12. Các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 24 Luật Lực lượng dự bị động viên)

Luật quy định trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996, đồng thời bổ sung huy động khi thi hành lệnh thiết quân luật; huy động để phòng, chống khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018 và quy định của pháp luật có liên quan.

Các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên, quy định cụ thể như sau:

- Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.

- Khi thi hành lệnh thiết quân luật.

- Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.

- Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

2.13. Huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ (Điều 25 Luật Lực lượng dự bị động viên)

- Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị huy động ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh huy động đơn vị dự bị động viên ở từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lệnh huy động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc huy động lực lượng dự bị động viên được quy định như sau:

+ Người có thẩm quyền theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự quyết định gọi quân nhân dự bị nhập ngũ;

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định điều động phương tiện kỹ thuật dự bị trong đơn vị dự bị động viên do cơ quan mình xây dựng;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định huy động phương tiện kỹ thuật dự bị ở địa phương; trường hợp đơn vị Quân đội nhân dân không có người vận hành, điều khiển thì được quyết định huy động người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc huy động phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị.

2.14. Huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ (Điều 26 Luật Lực lượng dự bị động viên)

- Huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ bao gồm những trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 24 của Luật Lực lượng dự bị động viên (các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên).

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định huy động quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị trong trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 24 của Luật này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc huy động quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị.

- Người chỉ huy đơn vị Quân đội nhân dân được giao quản lý địa phương thiết quân luật quyết định huy động quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị.

2.15. Thông báo quyết định, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 27 Luật Lực lượng dự bị động viên)

- Quyết định, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên phải thông báo đúng thời hạn, chính xác. Việc thông báo được tiến hành theo hệ thống hành chính từ trung ương đến cơ sở và từ Bộ Quốc phòng đến cơ quan quân sự các cấp, đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân.

- Trách nhiệm thông báo quyết định, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên được quy định như sau:

+ Bộ Tổng Tham mưu thông báo lệnh huy động đơn vị dự bị động viên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và chỉ đạo việc thông báo lệnh huy động đến cơ quan quân sự địa phương, đơn vị cơ sở của Quân đội nhân dân;

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thông báo quyết định huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ đến đơn vị thuộc quyền và chỉ đạo việc thông báo quyết định huy động đến đơn vị cơ sở;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo quyết định huy động lực lượng dự bị động viên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đến cơ quan, đơn vị thuộc quyền, các đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thông báo lệnh huy động đơn vị dự bị động viên của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và lệnh gọi sĩ quan dự bị nhập ngũ của cấp có thẩm quyền đến cơ quan quân sự cấp huyện;

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo quyết định huy động quân nhân dự bị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đến Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cơ quan quân sự cấp huyện thông báo quyết định huy động phương tiện kỹ thuật dự bị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lệnh gọi sĩ quan dự bị nhập ngũ của cấp trên và thông báo lệnh gọi quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị nhập ngũ của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện đến Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức có liên quan;

+ Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển lệnh gọi nhập ngũ của cấp trên đến từng quân nhân dự bị, quyết định huy động phương tiện kỹ thuật dự bị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đến từng chủ phương tiện kỹ thuật dự bị;

+ Cơ quan quân sự địa phương và đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân có nhiệm vụ giao nhận lực lượng dự bị động viên phải thông báo cho nhau về việc giao nhận lực lượng dự bị động viên.

- Thời hạn hoàn thành thông báo quyết định huy động và lệnh huy động quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị được xác định trong kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thông báo quyết định, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên.

2.16. Về chế độ chính sách cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật Lực lượng dự bị động viên)

Luật quy định chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp vào đơn vị dự bị động viên, quân nhân dự bị được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên, cụ thể như sau:

“1. Quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp.

2. Quân nhân dự bị được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng hoặc tương đương trở lên được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị và thôi hưởng phụ cấp quy định tại khoản 1 nêu trên.

3. Chính phủ quy định mức phụ cấp, điều kiện và thời gian được hưởng phụ cấp.”

Quy định chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ, trong đó quy định chế độ tiền lương và phụ cấp, cụ thể như sau:

- Chế độ tiền lương và phụ cấp đối với quân nhân dự bị được quy định như sau:

+ Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Trường hợp mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị Quân đội nhân dân trả phần chênh lệch;

+ Quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng theo quy định tại điểm a khoản này được đơn vị Quân đội nhân dân cấp một khoản phụ cấp theo ngày làm việc trên cơ sở mức tiền lương cơ bản của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tại ngũ hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.

- Quân nhân dự bị được cấp hoặc mượn quân trang, đồ dùng sinh hoạt và bảo đảm tiền ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

- Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc được nghỉ bù vào thời gian thích hợp.

- Quân nhân dự bị khi thực hiện nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

- Quân nhân dự bị khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng chế độ, chính sách như đối với người lao động làm cùng công việc.

- Quân nhân dự bị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ.

 Quy định chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị được hưởng như sau: Gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ theo quy định của Chính phủ.

Chế độ, chính sách đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian được huy động, quy định cụ thể như sau:

- Người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị được bảo đảm tiền ăn tương đương với tiền ăn của chiến sĩ bộ binh; trường hợp bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, chết, bị suy giảm khả năng lao động hoặc khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách như đối với quân nhân dự bị.

- Người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, làm việc trả nguyên lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe; trường hợp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được đơn vị Quân đội nhân dân chi trả tiền công lao động cho ngày làm việc tính theo mức thu nhập trung bình 03 tháng liền kề của công việc mà người đó thực hiện trước khi được huy động, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe.

Việc quy định các chính sách, chế độ như trên được rà soát chặt chẽ, đầy đủ đối tượng, trách nhiệm, quyền lợi, thể hiện cụ thể quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng được hưởng, thống nhất các quy định của pháp luật. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ, chính sách nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ, từng giai đoạn để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

          2.17. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức (Điều 40 Luật lực lượng dự bị động viên)

          Luật quy định cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ. Việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm quyền lợi của quân dân dự bị khi thực hiện các nhiệm vụ. Việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm quyền lợi của quân nhân dự bị khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để quân nhân dự bị yên tâm tư tưởng phục vụ trong ngạch dự bị: “Cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ.”

       

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày