Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.870.365
Truy cập hiện tại 2.670
Công tác Trợ giúp pháp lý với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 30/10/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (được ban hành theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ) có đối tượng thụ hưởng là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế -  xã hội trên địa bàn nông thôn.

Chương trình hướng tới hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 Trong tổng số 11 nội dung thành phần của Chương trình có nhiệm vụ trợ giúp pháp lý thuộc nội dung thành phần số 8, trong đó, nội dung trợ giúp pháp lý là “Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý”.

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2021 - 2025) được ban hành kèm theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định trợ giúp pháp lý là nội dung tiêu chí 16.3 thuộc tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Góp phần triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản liên quan gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình trợ giúp pháp lý cho các đối tượng, như: người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em, chương trình phối hợp HIV/AIDS,...[1]

Sở Tư pháp phát động phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức xaay dựng nông thôn mới” với các hoạt động cụ thể, gắn các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới với nhiệm vụ chính trị của Sở, của Ngành.

Thừa Thiên Huế gồm một thành phố loại I trực thuộc tỉnh, 2 thị xã và 6 huyện, trong đó có 02 huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới; 141 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 39 phường và 7 thị trấn). Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh sách các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế có huyện A Lưới là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang. ven biển, hải đảo là 7 xã. Vói đặc điểm vùng nông thôn chiếm đa số 95/141 đơn vị hành chính cấp xã; hơn 544 nghìn người sinh sống ở vùng nông thôn (chiến tỷ lệ gần 47,2%); có 03 dân tộc được xem là người bản địa sinh sống (Cơ tu, Tà ôi, Vân Kiều); có 12 xã biên giới giáp với CHDCND Lào.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là huyện nghèo A Lưới, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Phấn đấu đến năm 2025 có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Trong đó, số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 34 xã, số đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 9 xã), 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (trong đó có 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao ); giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%, 4 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 2,0-2,2%.

Để góp phần thiết thực vào công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh, công tác trợ giúp pháp lý tập trung vào các nhiệm vụ như sau:

- Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Sở Tư pháp tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý trên Bản tin tư pháp với chuyên mục “Câu chuyện pháp luật” được phát hành định kỳ hàng quý, thực hiện đăng tải tin, bài, hoạt động trợ giúp pháp lý trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật[2]. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tổ chức thực hiện truyền thông trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn, cấp phát tài liệu miễn phí cho người dân, đồng thời lồng ghép tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật cho nhiều trường hợp có vướng mắc về pháp lý[3]. Cấp phát hộp tin, tờ gấp pháp luật đến các cơ quan tiến hành tố tụng, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin đến người dân kịp thời. Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư và Hội Luật gia tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và hoạt động trợ giúp pháp lý nói riêng[4]

Qua hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, thông tin về trợ giúp pháp lý được truyền tải rộng rải đến tận thôn, xóm, bản, đa số người dân đều nắm bắt về đối tượng và quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định. Nhận thức về quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý – chủ yếu là các đối tượng yếu thế được nâng cao, nhiều trường hợp chủ động đề nghị được trợ giúp pháp lý. Từ đó, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý, đảm bảo tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

- Xây dựng, lấy cơ sở là trung tâm trong việc bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người dân

Xác định cơ sở là nơi gần dân nhất, nắm bắt tình hình đời sống dân cư, các sự việc xảy ra trên địa bàn sớm nhất; là nơi mà người dân thường nghĩ tới, tìm tới trước nhất. Vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý chú trọng khâu nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở, tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người thuộc diện trợ giúp pháp lý liên hệ với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý/người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương.

Nhiều hình thức được áp dụng đa dạng, như: Kết hợp qua hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, gửi tờ rơi, tờ gấp đến các đối tượng...

- Cử trợ giúp viên trực tại trụ sở các Tòa án nhân dân trên địa bàn

Thực hiện Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC, ngày 19/5/2022 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao về chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch phối hợp số 2363/KH-STP-TAND ngày 25/11/2022 về cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua gần 01 năm triển khai thực hiện, các trợ giúp viên trực tại trụ sở các Toà án nhân dân đã tiếp nhận, giải thích cho người dân về quyền được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người thuộc diện trợ giúp pháp lý thực hiện các thủ tục để được trợ giúp pháp lý kịp thời. Qua đó, tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý của người dân vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa kịp thời tiếp cận trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương

Để thông tin về trợ giúp pháp lý đến được với người dân, nhất là những trường hợp thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý đang gặp vấn đề cần được trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng để thông tin kịp thời cung cấp thông tin cho người thuộc đối tượng được trợ giúp và Trung tâm trợ giúp pháp lý để tiến hành các hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật.

- Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá

Công tác kiểm tra, giám sát trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên thông qua hoạt động quản lý của Sở đối với đơn vị sự nghiệp, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng, quý, năm và các phiên họp chuyên đề, đột xuất. Việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp tiến hành hàng năm theo kế hoạch, với chỉ tiêu đề ra là đánh giá 10% số lượng hồ sơ trong năm. Kết thúc hoạt động đánh giá có Báo cáo kết quả đánh giá và thông báo Trung tâm Trợ giúp pháp lý để thực hiện khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Từ những hoạt động triển khai, nhận thức của người dân về trợ gúp pháp lý và quyền được trợ gúp pháp lý ngày càng cao. Số vụ việc trợ giúp pháp lý tăng qua từng năm, năm 2022 là 552 vụ việc, 6 tháng đầu năm 2023 là 226 vụ việc (tăng 26% so với 6 tháng đầu năm 2022). Bên cạnh kết quả đạt được, công tác trợ giúp pháp lý góp phần xây dựng nông thôn mới còn một số tồn tại, hạn chế, như: Đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý nhưng một số bà con không thành thạo tiếng phổ thông, đa số trợ giúp viên không biết tiếng dân tộc nên khó khăn trong việc giao tiếp; nhận thức về pháp luật của một số người dân chưa cao, nhất là liên quan đến các quyền của trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu do những xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đa số là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đời sống người dân chưa cao nên việc quan tâm, tìm hiểu pháp luật và quyền được trợ giúp pháp lý còn hạn chế; thiếu trợ giúp viên thành thạo tiếng dân tộc; nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác trợ giúp pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu,…

Từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, góp phần xây dựng nông thôn mới, kiến nghị Bộ Tư pháp có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ Tướng Chính phủ bổ sung nội dung Trợ giúp viên pháp lý được đào tạo tiếng dân tộc thiểu số tại Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo; bố trí kinh phí bảo đảm cho hoạt động phổ biến pháp luật nói chung và truyền thông về trợ giúp pháp lý nói riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.

 


[1] Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 15/02/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022-2030,…

[2] Các câu chuyện pháp luật đã đăng tải trong năm 2022 và 2023: Dũng cảm lên tiếng để đẩy lùi bạo lực gia đình; chính sách xoá đói, giảm nghèo; chỉ vì hay ghen; hiệu quả từ trợ giúp pháp lý lưu động; lời nhắn nhủ yêu thương; giấc mơ về tương lai.

[3] Năm 2022: thực hiện truyền thông tại 44 thôn thuộc 19 xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền với 1.306 lượt người tham gia; cấp phát miễn phí khoảng 51.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân; tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hơn 234 trường hợp. 6 tháng đầu năm 2023: truyền thông tại 09 thôn nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện A Lưới, 07 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thuộc các huyện Phong Điền, Phú Vang và Phú Lộc, phối hợp với Hội người Khuyết tật huyện A Lưới truyền thông về TGPL cho Hội viên của Hội (tổng số người tham dự là 718 người); cấp phát miễn phí hơn 9.650 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân; tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hơn 120 trường hợp.

[4] Năm 2022, Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh  tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cán bộ, nhân dân tại địa bàn thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế; năm 2013 (nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 08/3/2023), Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cho cán bộ, Nhân Dân tại địa bàn Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; hàng năm, Hội Luật gia tỉnh phối hợp với các xã, phường, thị trấn tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp tư vấn pháp luật cho cán bộ, người dân, năm 2022 và 2023, Hội đã phối hợp thực hiện 46 cuộc với hơn 4.000 lượt người.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày