Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 5.212
Một số kết quả 10 năm thực hiện chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 24/09/2012

Thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN ngày 02/10/2002 của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp triển khai thực hiện Chương trình và đạt một số kết quả như sau:

Ngày 14/10/2003, Giám đốc Sở Tư pháp và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ ký kết Kế hoạch liên ngành số 16/KHLN-TP-PN về Phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo được cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với  Hội Liên hiệp phụ nữ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý  tận cơ sở. Năm 2007, 2008 trên cơ sở Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ và Liên Đoàn Lao động tỉnh tham mưu ký kết Chương trình phối hợp số 486/CTPH-TGPL ngày 20/11/2007 về Chương trình phối hợp thực hiện lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Thông qua chương trình ký kết, đã tạo được thuận lợi trong việc phối hợp, tổ chức trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, đảm bảo việc lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý được thường xuyên, liên tục vì mục tiêu bình đẳng giới. Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp phụ nữ và trẻ em trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật, góp phần xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội cho phụ nữ và nam giới có vị thế bình đẳng như nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Căn cứ các kế hoạch, chương trình ký kết Sở Tư pháp, Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Liên Đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động:
- Sở Tư pháp chủ trì, chỉ đạo Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung tâm trợ giúp pháp lý phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai việc tổ chức tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các cán bộ chủ chốt của ngành Tư pháp và Hội phụ nữ các cấp, cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại cơ sở;  trong đó chú trọng các văn bản pháp luật liên quan đến Phụ nữ và trẻ em.  Chủ động, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Liên Đoàn lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho các Đại biểu là đại diện Lãnh đạo Liên đoàn lao động lao động tỉnh và Chủ tịch liên đoàn cấp huyện, các Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ cấp huyện, Các đại biểu là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các trưởng phòng Tư pháp, Tổ trưởng tổ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý của 09 huyện, thành phố Huế.
- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp chủ động phối hợp phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện các Chương trình đã ký kết với Sở Tư pháp; xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho Phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ.
- Liên Đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Công đoàn các cấp, phối hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng trợ giúp pháp lý cho các Doanh nghiệp có nhiều lao động nữ, tạo điều kiện cho lao động nữ được tiếp cận với pháp luật để nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.
 - Liên ngành kết Sở Tư pháp, Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Liên Đoàn Lao động tỉnh chủ động phối hợp với Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Văn hóa thể thao và du lịch; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban dân tộc; Đài phát thanh và Truyền hình tại Huế; Báo Thừa Thiên Huế thực hiện đưa tin, bài, các chuyên mục pháp luật để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua 10 năm triển khai Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại địa phương, Liên ngành đã chú trọng thực hiện đưa vào các mô hình: Trợ giúp pháp lý lưu động; sinh hoạt Câu lạc bộ Phụ nữ; Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, thông qua các mô hình này nhằm đưa pháp luật về  với cộng đồng dân cư nói chung và Phụ nữ, trẻ em nói riêng được các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể quan tâm giúp Hội Phụ nữ các cấp tiếp cận pháp luật được dễ dàng thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, việc lồng ghép tư vấn pháp luật với tuyên truyền pháp luật đã nâng cao nhận thức về giới, hạn chế bạo lực gia đình, giúp chính quyền tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật, hạn chế được tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp kéo dài, bảo đảm tình hình chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các hoạt động trên, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm TGPL chủ động phối hợp với Hội phụ nữ các cấp, khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái, và xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý lưu động, thực hiện việc tư vấn pháp luật và tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ và trẻ em gái trên 100 xã của các huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền... trong đó có phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số hai huyện Nam Đông và A Lưới.
Từ năm 2002 đến tháng 6/2012, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý hơn 13.000 vụ việc, trong đó thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là 4.970 vụ việc. 6 tháng đầu năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ và Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện 04 đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho trẻ em và phụ nữ tại các xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, xã Lộc Trì và Lộc Điền huyện Phú Lộc. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã thu hút hơn 350 lượt người nghe và hướng dẫn trên 50 vụ việc liên quan đến các lĩnh vực Dân sự, hình sự, Hôn nhân và gia đình… Hội Liên hiệp phụ nữ tích cực phối hợp liên ngành tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn, hội thảo, diễn đàn, sinh hoạt câu lạc bộ, giới thiệu văn bản pháp luật cho trên 120.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Hội đã chỉ đạo xây dựng được trên 90 Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và 80 địa chỉ tin cậy  để hỗ trợ kịp thời tại cộng đồng; Liên ngành đã thực hiện cấp phát hơn 300 quyển sách “Pháp luật với công dân”, hơn 100 quyển “Bạn và những điều cần biết về pháp luật”; hơn 400 quyển sách “Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới”, hơn 1.000 quyển sách “Hỏi - đáp pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình”, hơn 250 quyển “Luật bình đẳng giới và các văn bản thi hành” do TW Hội cung cấp, đã chuyển đến Hội phụ nữ huyện và cơ sở đưa vào tủ sách cơ sở  để sử dụng làm tài liệu tuyên truyền cho hội viên phụ nữ. Ngoài ra, các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, Liên ngành đã cấp, phát miễn phí trên 60.000 tờ gấp, tờ rơi về quyền trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình; ...đến tận cán bộ hội viên.
Liên ngành Sở Tư pháp-Hội Liên hiệp Phụ nữ-Liên Đoàn Lao động tỉnh đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi Tìm hiểu pháp luật như: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Pháp luật với  người lao động; Luật Phòng chống ma túy; Cuộc thi hòa giải viên giỏi; Hội thi Công chức Tư pháp-Hộ tịch giỏi; Hội thi Chủ tịch xã với pháp luật…luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương quan tâm và đông đảo chị em hưởng ứng, tham gia;   đã phối hợp tổ chức 05 lớp tập huấn cho gần 1000 lượt cán bộ nữ lãnh đạo các cấp Hội, các ban, ngành cấp tỉnh huyện và thành phố Huế; Trung tâm trợ giúp pháp lý và Hội phụ nữ các cấp tổ chức được 38 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý tại cơ sở.  Hội LHPN tỉnh đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên phụ nữ thông qua cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch”, qua hình thức sinh hoạt các mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Gia đình hạnh phúc", "Phòng chống tệ nạn xã hội", "Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”” Nam nông dân mẫu mực” “Phụ nữ 4 chuẩn mực”.
Phối hợp với UBND xã, phường, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở với số lượng phát thanh là 42.520 chương trình; ký hợp đồng với Báo Thừa Thiên Huế với số lượng đăng tải 3.961 bài viết, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đã thực hiện, phát sóng với số lượng 4.312 tin, bài về các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và giới thiệu chuyên mục “Văn bản pháp luật”; xây dựng trang chuyên đề về hoạt động của ngành Tư pháp- Phụ nữ, trong đó, có chuyên mục tìm hiểu pháp luật đối với  phụ nữ đã mang lại hiệu quả thiết thực./.
 

Võ Thị Xuân Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày