Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 2.310
Công tác rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai được giao quy định chi tiết tại Luật đất đai năm 2024
Ngày cập nhật 16/04/2024

Tại kỳ họp bất thường lần 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương và 260 điều với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.

Luật Đất đai năm 2024 quy định hiệu lực sớm đối với Điều 190 và Điều 248  từ ngày 01/4/2024. Như vậy, Luật Đất đai mới nhất áp dụng trong năm 2024 vẫn là Luật Đất đai năm 2013. Riêng Điều 190 và Điều 248 của Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

Tuy nhiên, với mong muốn đưa Luật Đất đai 2024 sớm áp dụng vào cuộc sống so với kế hoạch đã đề ra, ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công văn 202/TTg-NN về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trước ngày 31/3/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, trình Chính phủ về dự thảo tờ trình của Chính phủ (kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội) trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức thi hành Luật Đất đai bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật; nâng cao nhận thức về Luật Đất đai và trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Đất đai.

Yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai. Xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành. Thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Đất đai.

Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai: Thủ tướng Chính phủ phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, cụ thể:

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành: (i) 06 Nghị định bao gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (thời hạn ban hành 5/2024); Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai (thời hạn ban hành 5/2024); Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (thời hạn ban hành 5/2024); Nghị định quy định về giá đất (thời hạn ban hành 5/2024); Nghị định quy định về lấn biển (thời hạn ban hành 3/2024); Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (thời hạn ban hành 5/2024). (ii) Ban hành theo thẩm quyền 04 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai: Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Thời hạn ban hành các thông tư này là tháng 5/2024.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 02 nghị định (Nghị định quy định về quỹ phát triển đất; Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) và ban hành theo thẩm quyền 01 thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 01 nghị định để quy định chi tiết Luật Đất đai (Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa); cập nhật bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nội dung được giao tại Điều 248 Luật Đất đai.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 quyết định để quy định chi tiết Luật Đất đai (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi).

Bộ Nội vụ ban hành 01 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai (Thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền trong tháng 5/2024.

Đối với dự thảo Nghị định quy định lấn biển theo nhiệm vụ được giao tại Điều 190 Luật Đất đai năm 2024: Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành Nghị định theo trình tự rút gọn để đảm bảo có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai; rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai thuộc lĩnh vực mình phụ trách, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai.

Qua rà soát, Sở Tư pháp nhận thấy Luật Đất đai năm 2024 có 09 nội dung giao UBND cấp tỉnh phải quy định chi tiết và 03 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND cấp tỉnh. Điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của các cơ quan được phân công soạn thảo và Sở Tư pháp trong quá trình xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 để sớm đưa Luật nào vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, ngày 09 tháng 4 năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Theo đó quy định nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai như sau: Hình thức, nội dung, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp, thời hạn trình UBND tỉnh được quy định chi tiết, cụ thể theo Danh mục (09 quyết định của UBND và 03 nghị quyết thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh). Các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo khẩn trương xây dựng dự thảo theo đúng trình tự, thủ tục đảm bảo theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đối với văn bản quy phạm pháp luật) và theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh (đối với văn bản hành chính cá biệt) để tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành theo đúng thời hạn đã quy định.

Ngoài nhiệm vụ được giao quy định chi tiết, các sở, ban, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành rà soát các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, bảo đảm sự phù hợp và kịp thời triển khai thi hành Luật đất đai, các nghị định và thông tư sau khi được ban hành (hiện nay số lượng văn bản liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường là 87 văn bản QPPL đang còn hiệu lực pháp luật, (trong đó 20 nghị quyết, 05 chỉ thị và 62 quyết định).

Mong rằng kết quả của Hội nghị này sẽ góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, góp ý, thẩm định đối với các văn bản của địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng tinh thần và yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng tham mưu của các sở, ban, ngành để đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo hiểu đúng và áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai năm 2024, từ đó góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của nguồn lực đất đai, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thừa Thiên Huế./.

 

Nguyễn Thị Thủy Phương – Trưởng phòng XDKTVBQPPL
Các tin khác
Xem tin theo ngày