Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 2.185
Một số điểm mới nổi bật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013
Ngày cập nhật 16/04/2024

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được Luật Đất đai năm 2024 quy định thành 01 chương mới (Chương 7) so với Luật Đất đai năm 2013, từ Điều 91 đến Điều 111.

 

Ngoài những nội dung đã quy định tại Luật Đất đai năm 2013, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đấttheo Luật Đất đai năm 2024 có thêm những nội dung mới, phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo cho người bị thu hồi đất có thêm điều kiện để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống cũng như đẩy nhanh quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án đảm bảo tiến độ.Một số nội dung cụ thể như sau:

1. Về quy định bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở:

Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 91, khoản 1 Điều 96, khoản 1 Điều 98, khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai 2024. Luật Đất đai năm 2013 không quy định nội dung này.

Quy định này đã tháo gỡ bất cập lâu nay thường gặp phải trong thực tế đó là người bị thu hồi đất nông nghiệp với diện tích lớn có nhu cầu được bồi thường theo loại đất khác hoặc bằng nhà ở để có thể chủ động giải quyết sinh kế của hộ gia đình nhưng không có quy định để thực hiện. Mặc dù các quy định trước đây khi thu hồi đất nông nghiệp thì người bị thu hồi đất ngoài việc được bồi thường bằng tiền thì còn được hỗ trợ tiền để ổn định đời sống tùy theo tỷ lệ % đất nông nghiệp bị thu hồi trên tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng; được hỗ trợ tiền để chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trong hạn mức giao đất.

Tuy nhiên, trong thực tế việc hỗ trợ tiền để chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là với những người đang sử dụng đất nông nghiệp nhưng đã lớn tuổi, đã qua độ tuổi để chuyển đổi sang những ngành nghề có tính kỹ thuật hoặc những ngành nghề cần đến yếu tố tuổi tác, sức khỏe. Việc hỗ trợ tiền để người bị thu hồi đất chủ động chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với một số hộ gia đình chưa có kế hoạch cụ thể để sử dụng số tiền hỗ trợ vào mục đích hợp lý dẫn đến tình trạng sau một thời gian bị thu hồi đất số tiền hỗ trợ chưa được sử dụng vào các mục đích cần thiết thì đã bị hao hụt phần lớn do người dân tiêu xài, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng không quá cấp bách để phục vụ cho nhu cầu đời sống, sinh hoạt của gia đình (mua xe gắn máy, điện thoại, các thiệt bị nghe nhìn trong gia đình…), không đạt được mục tiêu của số tiền hỗ trợ theo quy định.

Hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở. Quy định này đã tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất có thể chuyển đổi qua kinh doanh, buôn bán trong gia đình tại vị trí đất, nhà được bố trí mới, hoặc cho thuê lại nhằm có kinh phí phục vụ lâu dài cho đời sống gia đình…

Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 111 Luật Đất đai năm 2024 có quy định: “Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, nếu đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định tại Điều 95 của Luật này mà có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư”.Quy định này đã tháo gỡ việc bố trí tái định cư cho hộ gia đình bị thu hồi đất có nhà ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất tại vị trí có nhà.Nhưng trong cùng dự án, hộ gia đình này có các thửa đất nông nghiệp, phi nông nghiệp khác bị ảnh hưởng, đủ điều kiện bồi thường về đất thì thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở để hộ gia đình có đất ở, nhà ở mới tái định cư sau khi bị giải tỏa để hộ gia đình có nơi ở mới, ổn định cuộc sống.

2. Quy định về thời điểm bố trí tái định cư so với thời điểm thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Khoản 3 Điều 80 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật này”;

Và khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai năm 2024 quy định:“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”.

Các quy định nêu trên đều nêu rõ trường hợp phải bố trí tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thì phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện bố trí tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất.

Quy định này đã có sự khác biệt so với điểm a khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng 01 ngày.

Thực tế, khi thực hiện thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013 thì việc bố trí tái định cư thường chậm hơn so với thời điểm thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (chưa phê duyệt phương án tái định cư và bố trí tái định cư) do đa số các khu tái định cư được đầu tư không theo kịp tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án. Mặt khác, do áp lực giải ngân vốn đầu tư công nên thông thường các địa phương đều thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trước để giải ngân kinh phí chi trả cho người bị ảnh hưởng, việc phê duyệt phương án tái định cư và bố trí tái định cư thực hiện sau.

Quá trình thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013 như trên đã xảy ra một số bất cập như đất của người dân đã bị thu hồi (mất quyền sử dụng đất tại nơi ở cũ nhưng không đồng thời được cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại nơi ở mới), người dân chưa có các giấy tờ pháp lý về nhà, đất tại nơi ở mới để có thể thực hiện một số quyền của người sử dụng đất như thế chấp vay vốn để tạo lập chỗ ở tại nơi tái định cư đối với trường hợp được giao đất tái định cư hoặc xử lý một số công việc trong gia đình sau khi bị giải tỏa…

Một nội dung bất cập khác khi thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trước khi phê duyệt phương án tái định cư và bố trí tái định cư đó là vướng mắc trong việc xác định đơn giá giao đất tái định cư so với đơn giá đất bồi thường. Trường hợp thực hiệnthu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí tái định cư cùng thời điểm thì đơn giá đất bồi thường, đơn giá giao đất tái định cư sẽ được xác định cùng thời điểm, đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của việc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ so với thời điểm phê duyệt phương án tái định cư và bố trí tái định cư nên giá đất bồi thường và giá đất tái định cư có sự “vênh nhau” khi xác định, điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Quy định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí tái định cư phải hoàn thành trước khi thực hiện thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2024 đã tháo gỡ các bất cập như đã nêu ở trên, đảm bảo cho người bị thu hồi đất có nơi ở ổn định trước khi nhà nước thu hồi đất, đảm bảo đơn giá đất tái định cư được xác định đồng bộ với đơn giá bồi thường về đất.

3.Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với dự án đầu tư có áp dụng chính sách đặc thù:

Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Đất đai năm 2024 (dự án đầu tư do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư phải thu hồi đất mà làm di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng) mà cần có chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thìHội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Theo các quy định trước đây, các dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tưmà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng mà cần có chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thẩm quyền quyết định chính sách đặc thù này là Thủ tướng Chính phủ (Điều 17 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất). Tại địa bàn tỉnh có dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đang thực hiện theo quy định này.

Hiện tại, Luật Đất đai năm 2024 đã phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.Quy định nêu trên đã tạo tính chủ động rất cao cho các địa phương có dự án triển khai để quy định chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế; các đơn vị tham mưu trình HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù cũng có cơ sở thực tế để thẩm định các nội dung cần thiết hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương; việc bổ sung, sửa đổi các chính sách đặc nếu cần thiết cũng sẽ giảm bớt thời gian trong quá trình thực hiện do đã giao quyền chủ động về cho các địa phương sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án này.

Trên đây là một số nội dung mới, nổi bật về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013 có tác động tích cực, nhất định đến quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày