Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.989.238
Truy cập hiện tại 1.140
12 tình huống hòa giải liên quan đến hòa giải trong lĩnh vực y tế
Ngày cập nhật 09/12/2022

 

1. Bà Khánh là chủ cơ sở hỏa táng trên địa bàn. Vừa qua, một số gia đình có người thân qua đời, muốn đưa tới cơ sở của bà để hỏa táng, tuy nhiên bà được biết lý do những người này người chết là vì nhiễm HIV/AIDS. Bà băn khoăn không biết có nên đồng ý tiếp nhận hỏa táng hay không nên đã hỏi hòa giải viên tại địa phương. Vậy trường hợp này nếu bà Khánh từ chối hỏa táng thì có phù hợp quy định pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 1, Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học;

b) Cản trở học sinh, sinh viên, học viên tham gia hoạt động, dịch vụ của cơ sở giáo dục vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV;

c) Cản trở tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV;

d) Từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

….

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiếp nhận, thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt của người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại các điểm b, c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

c) Buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều này;

d) Buộc điều chuyển lại vị trí công tác đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

đ) Buộc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

e) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;

g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được thì buộc tiêu hủy sản phẩm truyền thông.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên giải thích để bà Khánh hiểu: nếu bà từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời buộc tiếp nhận, thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt của người nhiễm HIV.

2. Ông Đính là người giám hộ theo pháp luật của cháu Ân. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, cháu Ân đã bị bạn bè xấu rủ rê và không may bị nhiễm HIV. Biết được việc này, ông Đính rất tức giận và quyết định không nuôi dưỡng, chăm sóc Ân nữa và bỏ rơi Ân tại một ngôi chùa gần nhà. Trường hợp này, hòa giải viên địa phương nên xử lý như thế nào?

Trả lời

Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV như sau:

…2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người lao động dự tuyển, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng theo quy định của Chính phủ;

b) Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;

c) Từ chối tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV;

d) Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được giám hộ nhiễm HIV;

đ) Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV;

e) Phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV;

g) Bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV.

Như vậy, hòa giải viên cần căn cứ quy định trên để giải thích cho ông Định hiểu: nếu ông bỏ rơi cháu Ân (người được giám hộ do nhiễm HIV) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Anh Tú là công nhân của nhà máy sản xuất xi măng của địa phương. Vừa qua, anh biết mình bị lây nhiễm HIV do lây từ vợ anh. Sau khi biết tin anh Tú bị nhiễm HIV, ông Cấn – giám đốc nhà máy rất lo lắng và muốn sa thải anh. Ông tìm hòa giải viên tại địa phương để tư vấn, trường hợp này nếu ông chấm dứt hợp đồng lao động với anh Tú thì có bị xử phạt hay không?

Trả lời:

Khoản 3, Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;

b) Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;

c) Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;

d) Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;

đ) Sử dụng hình ảnh, thông điệp truyền thông có tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiếp nhận, thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt của người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại các điểm b, c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

c) Buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều này;

d) Buộc điều chuyển lại vị trí công tác đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

đ) Buộc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

e) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;

g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được thì buộc tiêu hủy sản phẩm truyền thông.

Như vậy, hòa giải viên giải thích cho ông Cấn biết: căn cứ quy định nêu trên, ông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do anh Tú nhiễm HIV và đồng thời buộc ông phải tiếp nhận người nhiễm HIV tiếp tục làm việc tại nhà máy.

4. Anh Hùng là người dân sinh sống tại địa phương. Anh cho biết gần đây có nhiều thanh niên nghi nhiễm HIV có hành vi xin tiền người dân, nếu không cho tiền thì có hành vi đe dọa truyền HIV. Anh hỏi các hòa giải viên tại địa phương trường hợp này, các thanh niên trên có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Điều 24 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định khác về phòng, chống HIV/AIDS như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đe dọa truyền HIV cho người khác;

b) Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Như vậy, hòa giải viên căn cứ quy định nêu trên để cung cấp cho anh Hùng được biết, với hành vi đe dọa truyền HIV cho người khác, các thanh niên này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

5. Bà Mai tới hiệu thuốc để mua thuốc do bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên sau khi về nhà, bà kiểm tra lại thì phát hiện có một loại thuốc trong đơn đã bị đổi bằng một loại thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng với thuốc cũ. Bà tìm đến ông Sinh, hòa giải viên của địa phương để hỏi hành vi này của người bán thuốc có bị xử lý theo quy định pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 52 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm các quy định về hành nghề dược (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định của pháp luật;

b) Không chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa;

c) Chưa hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất;

d) Thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng khi chưa có sự đồng ý của người mua.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên giải thích để bà Mai biết: đối với hành vi thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng khi chưa có sự đồng ý của bà Mai thì người bán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

6. Em Linh vừa hoàn thành chứng chỉ hành nghề dược, tuy nhiên do sức khỏe không đảm bảo nên em chưa thể hành nghề. Biết được điều này, chị Hoa ngỏ lời muốn mượn chứng chỉ của em để hành nghề dược tại cơ sở bán thuốc. Em băn khoăn với lời đề nghị này nên đã hỏi hòa giải viên của địa phương để tư vấn. Vậy, trường hợp này hòa giải viên xử lý như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2, Khoản 5 Điều 52 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm các quy định về hành nghề dược (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) như sau:

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giả mạo một trong các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược;

b) Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược tại vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định của pháp luật;

c) Chịu trách nhiệm chuyên môn từ hai cơ sở kinh doanh dược trở lên hoặc tại hai địa điểm kinh doanh dược trở lên;

d) Hành nghề dược không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật;

đ) Cơ sở đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược không đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật;

e) Cơ sở tổ chức thi xét cấp chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật;

g) Cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm g khoản 2 và khoản 3 Điều này (nếu có);

b) Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dược đối với hành vi quy định tại các điểm b, c khoản 1, các điểm a, g khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên giải thích để em Linh hiểu: nếu em cho chị Hoa mượn chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược thì em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời em bị buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.

7. Do chưa tốt nghiệp cấp 3 nên chị Ly không xin được việc trong thành phố. Sau khi lấy chồng, chị đã đến quầy thuốc do mẹ chồng chị mở để bán thuốc mặc dù chị không hề có bằng cấp gì. Phát hiện ra điều này, một số người dân đã nhờ hòa giải viên tới can thiệp. Vậy, trường hợp này, hành vi củ chị Ly bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về bán lẻ thuốc, dược liệu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán dược liệu đã qua sơ chế không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Người trực tiếp tham gia bán lẻ thuốc không có bằng cấp chuyên môn theo quy định của pháp luật;

c) Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật;

d) Mua, bán thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ 3 theo quy định của pháp luật;

đ) Không ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm, không ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng;

e) Không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật;

g) Không hợp tác hoặc cản trở cơ quan kiểm tra chất lượng lấy mẫu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc để kiểm tra chất lượng.

Như vậy, hòa giải viên cần giải thích để chị Ly biết: chị sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng do trực tiếp tham gia bán lẻ thuốc không có bằng cấp chuyên môn theo quy định của pháp luật.

8. Chị Loan phàn nàn với hòa giải viên của địa phương về việc bà Huệ - chủ cơ sở bán thuốc lẻ nơi chị đến mua thuốc không bố trí khu vực riêng cho các sản phẩm không phải là thuốc và cơ sở này thường để lẫn sản phẩm không phải là thuốc như mỹ phẩm…cùng với thuốc. Trường hợp này, bà Huệ có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về bán lẻ thuốc, dược liệu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) như sau:

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thay đổi vị trí cơ sở bán lẻ thuốc tại cùng địa điểm kinh doanh hoặc mở rộng cơ sở bán lẻ thuốc hoặc sửa chữa, thay đổi lớn về cấu trúc cơ sở bán lẻ thuốc mà cơ sở bán lẻ thuốc không báo cáo về sự thay đổi kèm theo tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi theo quy định của pháp luật;

b) Không có khu vực riêng cho các sản phẩm không phải là thuốc hoặc không có biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc" hoặc để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật;

c) Mua, bán thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ 2 theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cung cấp cho chị Loan được biết: trường hợp bà Huệ - chủ cơ sở bán lẻ không bố trí khu vực riêng cho các sản phẩm không phải là thuốc hoặc để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

9. Ông Thu là chủ cơ sở bán lẻ thuốc của địa phương. Vừa qua, ông nhận được thông báo từ cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thu hồi, không bán một số loại thuốc do Công ty A sản xuất, cung cấp do không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên ông lo lắng mình sẽ bị lỗ vốn nên chần chừ không thực hiện. Ông hỏi hòa giải viên địa phương hành vi của mình có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về bán lẻ thuốc, dược liệu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) như sau:

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thu hồi thuốc, dược liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

b) Không có phòng riêng để pha chế hoặc không có nơi rửa dụng cụ pha chế đối với cơ sở bán lẻ thuốc có tổ chức pha chế theo đơn;

c) Không có kho bảo quản đối với cơ sở bán lẻ thuốc có đăng ký kho bảo quản hoặc bảo quản không đúng điều kiện ghi trên nhãn hoặc không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc;

d) Lưu trữ, bán lẻ thuốc không thuộc phạm vi kinh doanh được ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; thuốc sử dụng cho chương trình mục tiêu quốc gia; thuốc viện trợ và thuốc khác không được bán theo quy định của pháp luật;

đ) Bán lẻ vắc xin hoặc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc;

e) Không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật;

g) Không có thiết bị, không triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, không thực hiện kết nối mạng, không bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra theo quy định của pháp luật, trừ cơ sở bán lẻ dược liệu;

h) Không chuyển thông tin hoặc chuyển thông tin không đầy đủ về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật, trừ cơ sở bán lẻ dược liệu;

i) Cơ quan có thẩm quyền kết luận cơ sở chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc

Như vậy, hòa giải viên căn cứ quy định nêu trên để giải thích cho ông Thu được biết: ông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thu hồi thuốc, dược liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyềnh

10. Anh Nam là người dân sống trên địa bàn. Vừa qua anh phát hiện một số cá nhân có hành vi mua bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc không còn nguyên vẹn bao bì thương phẩm của nhà sản xuất. Anh muốn hỏi hòa giải viên địa phương, hành vi này có bị xử lý theo quy định pháp luật không?

Trả lời

Điều 64 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về bao bì, nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhập khẩu, mua, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc không còn nguyên vẹn bao bì thương phẩm của nhà sản xuất, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật;

b) Nhập khẩu dược liệu không ghi xuất xứ của dược liệu trên bao bì ngoài của dược liệu.

Căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cung cấp thông tin cho anh Nam biết với hành vi mua, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc không còn nguyên vẹn bao bì thương phẩm của nhà sản xuất, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật, các cá nhân đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

11. Anh Lý là chủ cơ sở sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên, các sản phẩm của anh được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, vừa qua, một số công nhân phát hiện nguyên liệu để sản xuất đã hết hạn sử dụng và đề nghị anh tiêu hủy. Tuy nhiên anh không đồng ý nên các công nhân đã nhờ hòa giải viên đến giải quyết. Vậy, trường hợp này, hành vi của anh Lý có bị xử lý theo quy định pháp luật hay không?

Trả lời:

Khoản 1, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 70 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về sản xuất mỹ phẩm (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) như sau:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (CGMP-ASEAN);

b) Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm;

c) Sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất mỹ phẩm;

d) Sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng;

đ) Sản xuất không đúng địa điểm ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

e) Sản xuất không đúng phạm vi ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

g) Sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này. Trường hợp sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn về khối lượng, thể tích đóng gói quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thì không buộc tiêu hủy;

b) Buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c, đ, e khoản 1 và các điểm b, c khoản 2 Điều này.

5. Trong trường hợp có từ 02 sản phẩm mỹ phẩm trở lên vi phạm thuộc cùng một hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 Điều này và được phát hiện trong cùng một lần thanh tra, kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cần giải thích cho anh Lý hiểu: nếu anh sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm, anh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, đồng thời buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm.

12. Chị Nhi muốn mở một cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhưng đến nay chị vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất. Chị nóng lòng muốn đưa vào thị trường những loại mỹ phẩm do chị sản xuất nên dự tính vẫn tiến hành sản xuất mỹ phẩm. Biết được điều này, chồng chị đã nhờ bà Như là hòa giải viên địa phương đến để khuyên can. Trường hợp này, hòa giải viên cần giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 70 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về sản xuất mỹ phẩm (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) như sau:

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

b) Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

c) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp bổ sung phạm vi hoạt động trong giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ và e khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và g khoản 1 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này. Trường hợp sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn về khối lượng, thể tích đóng gói quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thì không buộc tiêu hủy;

b) Buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm  mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c, đ, e khoản 1 và các điểm b, c khoản 2 Điều này.

5. Trong trường hợp có từ 02 sản phẩm mỹ phẩm trở lên vi phạm thuộc cùng một hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 Điều này và được phát hiện trong cùng một lần thanh tra, kiểm tra thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.

Căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cần giải thích để chị Nhi hiểu chị sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm và buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm này.

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày