Ông năm nay đã 67 tuổi, sau khi nghỉ hưu thì ông tham gia vào Ban công tác Mặt trận Tổ dân phố nơi đang sinh sống, được tiếp cận với nhiều người, nhiều hoàn cảnh gia đình, ông hầu như nắm rõ từng hộ dân ở đây. Với bản tính hiền hòa, gần gủi, nhiệt tình, sẵng sàng hỗ trợ người dân trong mọi việc, ông được bà con tín nhiệm, thường tìm đến để nhờ ông tư vấn, hỗ trợ khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Trong khung cảnh náo nhiệt của phố phường, ông Nhân để ý một cậu bé mang đồng phục học sinh, đeo ba lô, dường như đi học về, chầm chậm bước trên vỉa hè. Ông nhớ không nhầm thì cậu đã đi qua đi lại đoạn đường trước nhà ông có đến 5-6 lượt. Nhìn cậu có vể như đang nhiều suy nghĩ, không hợp với độ tuổi vô tư này. Ông Nhân vừa nghĩ vừa cố nhớ xem cậu bé là con nhà ai ở đây.
Ông Nhân bước ra đường, đợi cậu bé đi đến gần thì cất tiếng: Này cháu, có phải cháu là con ông Hoàng bà Hoa ở đầu đường kia không?
Cậu bé đứng lại, nhìn ông với ánh mắt thăm dò: Dạ!
Ông Nhân tiếp: Thế cháu có bận việc gì không? Có đi học thêm bây giờ không?
Cậu bé đáp ngắn gọn: Dạ không.
Để có thể nói chuyện nhiều hơn, ông Nhân “rủ rê”: Ở đây gió mát, cháu ngồi đây nói chuyện với ông tí cho vui. Trong nhà ông có chai nước ngọt mát lắm, để ông vào lấy ra uống. Ông Nhân vừa nói vừa ấn vai cậu bé ngồi xuống trước bậc thềm nhà, còn mình thì chạy vào nhà lấy nước ngọt. Cậu bé tần ngần giây lát nhìn theo ông Nhân rồi ngồi xuống đợi.
Ông Nhân vừa thở vừa ngồi xuống, mở một lon nước Coca mát lạnh đưa cậu bé uống, ông cũng có một cốc nước suối mang theo. Đợi cậu bé uống một hơi dài thật “đã khát”, ông nhân mở lời: “Cháu tên gì? Học lớp mấy rồi, đi học sao không về nhà mà còn lang thang ở đây?”
Cậu bé không trả lời thẳng câu hỏi của ông Nhân mà hỏi lại: Dạ cháu tên Long, học lớp 7. Ông có phải là ông Nhân “vui vẻ” mà mọi người vẫn hay bảo phải không ạ?
Ông Nhân cười to: uh, ông là ông Nhân “vui vẻ”. Thế cháu có chuyện gì kể ông nghe, xem ông có giúp được gì không?
Dạ,… cậu bé hơi ngần ngừ. Ông Nhân hứa: Chuyện của người khác, ông nghe để giúp được gì thì giúp, không kể qua kể lại với ai bao giờ đâu.
Cậu bé yên lòng: Ông biết tại sao nãy giờ cháu đi qua đi lại nhà ông không? Vì cháu định vào gặp ông những còn ngại, không ngờ là ông đã chủ động gặp cháu. Cháu đi học về từ chiều, vừa vào nhà thì mẹ cháu cũng vừa về tới. Mẹ không hỏi han gì cả thì bảo cháu tranh thủ nấu cơm, nhặt rau giúp mẹ. Cháu đang định thay áo quần rồi làm thì mẹ cứ hối thúc cháu, mẹ nghe điện thoại của ai đó, xong thì cứ cằn nhằn “đang giai đoạn khó khăn mà cứ tiền, tiền, tiền, bực hết cả mình, cái gì cũng réo”. Rôi mẹ quay sang cháu mắng xối xả “đi học về không lo làm giúp việc nhà, còn đứng đó làm chi nữa, tranh thủ ăn uống còn học bài, lo mà sống cho đàng hoàng, đừng có ăn chơi đua đòi”. Cháu giận quá, cháu có làm gì đâu mà mẹ mắng cháu vậy chứ. Vậy nên cháu bỏ đi khỏi nhà luôn.
Ông Nhân chăm chú lắng nghe, gật gật đầu. Ông đã dần dần đoán ra sự việc. Gia đình ông Hoàng bà Hoa là gia đình cán bộ, thuộc diện “gia đình văn hoá”, ông bà ít khi “to tiếng”, ồn ào, sống ở tổ dân phố này không có điều tiếng gì. Cậu bé đang tuổi lớn, độ tuổi “dậy thì” mà mọi người vẫn bảo là rất “nhạy cảm và khó bảo”, lớn không ra lớn, nhỏ không ra nhỏ. Nắm bắt tâm lý cậu bé và xác định sự việc không có gì nghiêm trọng, không phải xuất phát từ sự mâu thuẫn mà do nhận thức của tuổi mới lớn chưa đầy đủ, ông Nhân nhẹ nhàng: Cháu có biết tại sao người lớn có những lúc nổi giận vậy không? Không đợi Long trả lời, ông Nhân tiếp: Người lớn gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm cháu ah, trách nhiệm nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội, trách nhiệm với cha mẹ già, nay ốm mai đau, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, phải làm tròn trách nhiệm trong công việc, nhiều thứ lắm. Người lớn cũng là con người mà, cháu cứ nghĩ xem, cố gắng lắm, kiềm chế lắm, cũng có lúc “tràn” ra, cũng có lúc bộc phát ra. Vì vậy, nhiều khi mình vô tình là người “hứng đạn” nhưng nếu mình thấu hiểu được thì mình sẽ dễ dàng thông cảm hơn và thương cha mẹ hơn phải không cháu, tất cả cũng vì nặng gánh quá mà thôi.
Long lắng nghe chăm chú. Ông Nhân tiếp: Cháu có nghe câu “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” không? Với cha mẹ, con cái là tất cả cháu ah. Mình là con, mình cũng hiểu cho cha mẹ. Vừa rồi, tỉnh Thừa Thiên Huế có ban hành tiêu chí ứng xử của con, cháu với cha mẹ, với ông bà, ông nhớ là có nội dung: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Rồi học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính. Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống. Gia đình cháu là gia đình văn hoá, cha mẹ cháu cũng là những con người sống có văn hoá, được mọi người tôn trọng, cháu cũng vậy nhé, cũng là một người con biết yêu thương, quan tâm đến cha mẹ.
Ông Nhân quay sang nhìn Long: Theo cháu thì giờ này mẹ cháu đang làm gì, ba cháu đang làm gì?
Nhân ngẩn ra: Dạ cháu không biết, mẹ cháu chắc đang nấu ăn, ba cháu có lẽ chưa về.
Ông Nhân mỉm cười: Không đâu, giờ này ba mẹ cháu đang chạy đi tìm cháu đó, và hai người đang rất lo lắng, ông chắc chắn là như vậy. Cháu còn nhớ chuyện cổ tích đã từng học khi nhỏ không, câu chuyện “Sự tích cây vú sữa” đó. Cháu mau về nhà đi, và nhớ lời ông, mình phải yêu thương, quan tâm, chia sẽ với cha mẹ, một cách thật sự thấu hiểu, cháu nhé.
Long nhìn ông đầy cảm phục, gật đầu và khẻ nói “Cháu cảm ơn ông” rồi chạy như bay về nhà./.