Trong hoàn cảnh đó, chị Hạnh quá bức xúc do công sức lao động làm ra nhưng mẹ chồng nắm giữ và lại bị chửi mắng, nên chán nản muốn ly hôn với chồng vì không thể sống dưới áp lực của bố mẹ chồng nhưng còn thương chồng nên đã nhờ chị Lan là hòa giải viên của thôn để được tư vấn, tìm cách giải quyết việc gia đình. Chị Lan hứa sẽ giúp chị nói chuyện với cả gia đình.
Sau khi tìm hiểu, chị Lan đã xác định được mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Tuyền, chị Hạnh và ông Bảy, bà Cúc có nguyên nhân sâu xa là vì vợ chồng chị Hạnh lấy nhau đã nhiều năm lại chưa có con. Từ đó, chị Lan phân tích, thuyết phục các bên hiểu rõ điều hay, lẽ phải. Rằng cuộc sống vốn khó khăn, mọi người cần phải yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vun đắp, xây dựng cuộc sống gia đình.
Đối với bà Cúc, chị Lan phân tích giúp bà hiểu, là mẹ chồng, bà nên coi con dâu như con đẻ, nên thông cảm và hiểu cho con dâu của mình còn “trẻ người non dạ”. Bà nên có lòng vị tha, độ lượng, không nên cay nghiệt, khắt khe với con dâu. Con dâu có điều gì không phải, bà nên tận tình dạy bảo, chỉ ra những điều hay, lẽ phải giúp con dâu nhận ra cái sai của mình để tự sửa chữa. Cha mẹ cần làm gương tốt cho con trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con; truyền dạy kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa.
Về phía chị Hạnh, chị Lan cũng phân tích cho chị thấy, việc chị cư xử thiếu lễ phép với mẹ chồng là sai. Phận làm con, chị phải có biểu hiện yêu quý, kính trọng, hiếu thảo, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ chồng cũng như cha mẹ đẻ, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Chị phải hiểu rằng, nếu không có cha mẹ chồng thì làm sao có chồng của mình ngày hôm nay. Nếu trong lúc nóng giận, mẹ chồng có thái độ hoặc lời nói không đúng thì lựa lúc mẹ chồng vui vẻ, chị hãy giải thích để mẹ chồng hiểu và thông cảm. Đối với việc vợ chồng chị chậm có con, chị hãy cùng chồng phân tích để mẹ chồng chị hiểu đây là điều không ai mong muốn, anh chị cũng mong được làm cha, làm mẹ, cũng muốn bà có cháu để ẵm bồng, để xây dựng gia đình hạnh phúc và anh chị đang tìm cách chữa trị để sớm hoàn thành tâm nguyện của bản thân và gia đình.
Chị Lan cũng đã căn cứ vào quy định của pháp luật để phân tích tình tiết sự việc, giải thích, thuyết phục để các bên hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái và quyền, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, quyền có tài sản riêng do công sức lao động tạo ra. Cụ thể, chị Lan đã nêu rõ các điều khoản quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình như: Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ“ Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” (Điều 69); Quyền và nghĩa vụ của con“Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình“ (khoản 2 Điều 70); Quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình “Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ; trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình.” (khoản 1, khoản 2 Điều 103).
Ngoài ra, Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền có tài sản riêng của con“ Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con; Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập; Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định” .
Sau khi nghe chị Lan giải thích có lý, có tình, ông Bảy, bà Cúc nhận ra mình đã sai, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con cái. ông Bảy, bà Cúc hứa với chị Lan, từ nay trở đi gia đình ông bà không để xảy ra sự việc như trên. Ông bà cho hai vợ chồng con trai sinh hoạt riêng, không can thiệp vào cuộc sống riêng tư. Bên cạnh đó, chị Hạnh thấy rằng mình cũng có lỗi và đã xin lỗi bố mẹ chồng và chồng, chị hứa từ nay trở đi sẽ không để xảy ra sự việc như trên, gây mất đoàn kết gia đình, trật tự an ninh thôn xóm. ông Bảy, bà Cúc và vợ chồng anh Tuyền, chị Hạnh vui vẻ, hòa thuận cảm ơn chị Lan đã phân tích, giải thích tháo gỡ được mâu thuẫn trong gia đình lâu nay./.