1. Anh An và chị Hương kết hôn được 7 năm và có 02 người con, 01 trai, 01 gái. Kể từ khi chị Hương sinh cháu thứ hai, anh An cứ ghen bóng, ghen gió và nghi ngờ cho rằng bé gái không phải con của anh. Anh thường xuyên, gây gỗ, xỉ vả chị, cuộc sống của vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Trong trường hợp này, là hòa giải viên, phải thực hiện hòa giải như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xác định cha, mẹ, như sau:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Như vậy, hòa giải viên căn cứ quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình để anh An hiểu hành vi không thừa nhận con mình là không đúng quy định của pháp luật. Hòa giải viên cần giải thích, thuyết phục để anh An hiểu rằng con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Việc anh An không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
2. Ông Bân và bà Loan kết hôn với nhau được hơn 10 năm, có 4 người con, 03 trai và 01 gái. Ông Bân hay có sự phân biệt giữa con trai và con gái, ông nói với vợ là cho con trai đi học, còn con gái thì học ít cũng được, bất cứ làm việc gì hay cho gì ông đều ưu tiên cho con trai hơn. Bà Loan không đồng ý và nói với ông con gái, con trai đều đối xử như nhau, thì ông lại la mắng, chửi vợ và con gái. Vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, cãi vã thường xuyên về vấn đề này. Trong trường hợp này, là hòa giải viên, phải thực hiện hòa giải như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, hòa giải viên căn cứ quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình để giải thích cho ông Bân hiểu cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên và không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới để con trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
3. Ông Hồng và bà Tiên kết hôn được hơn 17 năm và có 01 người con gái 16 tuổi là cháu Bông. Cháu Bông được ông bà nội cho riêng số tiền là 100 triệu đồng, hiện nay cháu đang nhờ bố mẹ quản lý. Đang là thời gian nghỉ hè và vốn rất thích kinh doanh nên Bông nói bố mẹ chuyển số tiền nói trên cho mình để kinh doanh bán hàng qua mạng. Ông Hồng và bà Tiên không đồng ý vì cho rằng cháu Bông còn nhỏ và số tiền này phải do ba mẹ định đoạt. Vì vậy, giữa bố mẹ và cháu Bông xảy ra mâu thuẫn. Hòa giải viên phải thực hiện hòa giải như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự như sau:
1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.
Như vậy, hòa giải viên căn cứ quy định tại Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình để giải thích cho ông Hồng và bà Tiên hiểu là đến nay cháu Bông đã 16 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng. Tuy nhiên, trong trường hợp này cháu Bông dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ.
4. Chị Vân có người chồng thường xuyên ăn nhậu say xỉn, không quan tâm gia đình, con cái, lại có tính cộc cằn, thô lỗ. Sau nhiều năm chung sống, chồng chị vẫn không thay đổi. Quá chán nản với cuộc sống không biết tương lai như thế nào, lại sợ con bị ảnh hưởng bởi lối sống buông thả của người cha, chi Vân muốn đơn phương yêu cầu ly hôn. Chị đề nghị cho biết, Tòa án căn cứ vào lý do nào để giải quyết cho ly hôn?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, có 03 căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn tương ứng với 03 trường hợp như trên. Đối với trường hợp chị Vân, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
5. Anh Phong và chị Thanh kết hôn với nhau và mới sinh được con trai chưa được 01 tháng. Do chồng đi làm xa, chị Thanh muốn nhờ bố mình đi đăng ký khai sinh cho cháu. Chị Thanh muốn biết ông ngoại đi đăng ký khai sinh cho cháu có cần phải có giấy ủy quyền không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 2 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật của hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định như sau:
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch, nghĩa là: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em, thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trong trường hợp ông ngoại đi đăng ký khai sinh cho cháu thì không cần có văn bản ủy quyền, nhưng ông ngoại phải thống nhất với anh Phong và chị Thanh về các nội dung khai sinh.
6. Anh Ba và chị Lành kết hôn được hơn 20 năm và có một người con trai 18 tuổi và một người con gái 13 tuổi. Con trai của anh Ba không muốn theo học đại học mà muốn học nghề sửa xe ô tô và đi làm, nhưng anh Ba không đồng ý, bắt buộc con trai anh phải thi vào trường đại học. Hai cha con cãi vã và xảy ra mâu thuẫn. Là hòa giải viên phải thực hiện hòa giải như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của con như sau:
1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
Như vậy, hòa giải viên căn cứ quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình giải thích để anh Ba hiểu con trai anh đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ theo nguyện vọng và khả năng của con mình. Anh Ba tôn trọng nguyện vọng của con, cho con được học nghề đảm bảo theo quy định.
7. Anh Hải và chị Hân kết hôn với nhau được hơn 12 năm và có 01 con trai và 01 con gái. Quá trình chung sống hai vợ chồng anh chị có ngôi nhà và diện tích đất 300m2. Một thời gian sau, anh Hải làm ăn thua lỗ, nên nợ một số tiền lớn. Anh Hải đã thực hiện chia tài sản chung với vợ nhằm để trốn việc trả nợ. Việc chia tài sản chung này có bị vô hiệu không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu như sau:
Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm trốn tránh việc trả nợ của anh Mạnh bị vô hiệu.
8. Anh Khiếu và chị Mây kết hôn được 8 năm mà vẫn chưa có con. Nhiều lần anh chị đi khám và bác sĩ chẩn đoán chị Mây không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Vì vậy, hai vợ chồng quyết định sẽ sinh con và nhờ người mang thai hộ. Chị Mây muốn em gái của mình là người mang thai hộ, anh Khiếu thì không đồng ý, vì muốn người ngoài mang thai hộ tránh nhiều chuyện về sau. Hai vợ chồng xảy ra cãi vã, mâu thuẫn. Là hòa giải viên phải thực hiện hòa giải như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.
Như vậy, hòa giải viên căn cứ các quy định nêu trên để giải thích cho anh Khiếu và chị Mây hiểu người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện tại khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó có điều kiện phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; người thân thích đó bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Những người này mới được mang thai hộ theo quy định của pháp luật.
9. Anh Thọ và chị Trâm kết hôn với nhau được gần 10 năm. Anh Thọ được anh chị em ruột cho anh một số tiền. Vì vậy, ngoài tài sản chung của vợ chồng, anh Thọ cũng muốn có tài sản riêng của mình. Anh Thọ muốn biết tài sản riêng của vợ chồng là những tài sản nào?
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Điều 10, Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và gia đình; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình.
- Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.
- Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.
Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật, gồm:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng.
10. Anh Ngọ và chị Quỳnh kết hôn đã hơn 10 năm nhưng không có con.Chị Quỳnh được bác sĩ chẩn đoán không thể mang thai. Hai anh chị muốn yêu cầu được mang thai hộ. Anh Ngọ muốn hỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần đảm bảo điều kiện gì?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 13 Nghị định số 98/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
1. Điều kiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
a) Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này;
b) Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
a) Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gồm:
- Công văn đề nghị Bộ Y tế công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 3a tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 98/2016/NĐ-CP.
- Tài liệu chứng minh đã thực hiện tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
b) Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo lập thành 01 bộ và gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Bộ Y tế.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Y tế phải xem xét hồ sơ và ra quyết định công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Bộ Y tế phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do gửi cơ sở đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để hoàn chỉnh hồ sơ.
3. Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 nêu trên.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đảm bảo điều kiện: Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này; tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.