1. Anh Hải và anh Long ký hợp đồng mua bán vải. Theo thỏa thuận tại hợp đồng, vào ngày 18/6/2022 anh Hải sẽ giao đủ số lượng hàng tại nhà riêng cho anh Long. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do công việc gia đình phát sinh, anh Hải đã liên hệ đề nghị anh Long được giao hàng sớm 02 ngày tuy nhiên anh Hải không đồng ý với lý do anh đi công tác chưa về kịp, việc giao hàng phải do đích thân anh kiểm tra. Anh Hải cho rằng việc giao hàng vào thời điểm nào là do bên bán quyết định và việc anh liên hệ cho anh Long – bên mua chỉ để thông báo. Do không thống nhất được, hai anh tìm đến ông Hưng – hòa giải viên tại địa phương muốn biết anh Hải làm như vậy có đúng quy định hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 434 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán như sau:
1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.
2. Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.
3. Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
Như vậy, ông Hưng căn cứ quy định trên để giải thích cho anh Hải và anh Long hiểu về thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán. Anh Hải - bên bán phải giao tài sản cho anh Long - bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận, trong trường hợp anh Hải muốn giao hàng sớm thì phải có sự đồng ý của anh Long.
2. Chị Hằng – chủ cơ sở sản xuất nem chả ký hợp đồng mua bán với chị Loan với thỏa thuận chị Hằng - bên bán sẽ thực hiện giao tài sản cho chị Loan - bên mua trong 5 lần, mỗi lần 300 cái nem chả. Hai lần giao hàng đầu tiên, chị Hằng đều giao đúng thời gian và đảm bảo số lượng, chất lượng. Tuy nhiên tới lần giao hàng thứ 3, chị Hằng đã trễ một ngày, dẫn tới việc chị Loan không có hàng để tổ chức tiệc cưới và bị khách phàn nàn. Chị Loan cho rằng đây là lỗi của bên bán nên chị muốn hủy toàn bộ hợp đồng và yêu cầu chị Hằng phải bồi thường thiệt hại. Chị Hằng không đồng ý. Do không thống nhất được, hai chị tìm đến bà Hạnh – hòa giải viên tại địa phương để giải quyết. Bà Hạnh muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 436 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về phương thức giao tài sản như sau
1. Tài sản được giao theo phương thức do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì tài sản do bên bán giao một lần và trực tiếp cho bên mua.
2. Trường hợp theo thỏa thuận, bên bán giao tài sản cho bên mua thành nhiều lần mà bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, bà Hạnh căn cứ quy định trên để giải thích cho chị Hằng và chị Loan hiểu về phương thức giao tài sản trong hợp đồng mua bán. Trường hợp này, do đã thỏa thuận trong hợp đồng, chị Hằng - bên bán giao hàng cho chị Loan - bên mua thành 05. Trong lần thứ 3, chị Hằng đã thực hiện không đúng nghĩa vụ (giao trễ) nên chị Loan có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần giao hàng thứ 3 đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không hủy bỏ toàn bộ hợp đồng mua bán đã ký trước đó.
3. Công ty M ký hợp đồng mua bán với ông Quý, theo đó Công ty sẽ bán cho ông 100 m3 gỗ vào thời gian quy định. Đến thời hạn giao hàng, Công ty đã giao cho ông Quý 110 m3 gỗ và yêu cầu ông Quý thanh toán thêm 10 m3 gỗ này. Ông Quý từ chối với lý do ông chỉ thỏa thuận mua đủ số lượng là 100m3 và không có nhu cầu mua thêm. Hai bên tranh cãi một hồi nên đã thống nhất tìm đến ông Lương – hòa giải viên tại địa phương để giải quyết. Ông Lương muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 437 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về trách nhiệm do giao tài sản không đúng số lượng như sau
1. Trường hợp bên bán giao tài sản với số lượng nhiều hơn số lượng đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra; nếu nhận thì phải thanh toán đối với phần dôi ra theo giá được thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thỏa thuận thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
a) Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu;
b) Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại;
c) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc vi phạm làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Như vậy, căn cứ quy định trên, ông Lương cần giải thích để hai bên hiểu trường hợp Công ty - bên bán giao tài sản với số lượng nhiều hơn số lượng đã thỏa thuận thì ông Quý - bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra. Như vậy, ông Quý có quyền từ chối nhận 10 m3 gỗ này và chỉ thanh toán đúng số tiền của 100m3 gỗ đã thỏa thuận trong hợp đồng.
4. Ông Tăng ký hợp đồng mua bán với anh Hiệp, hai bên thỏa thuận ông Tăng sẽ cung cấp cho anh Hiệp 100 xe đạp ba bánh trẻ em. Tuy nhiên tới ngày giao hàng, sau khi kiểm tra lô hàng, anh Hiệp phát hiện ông Tăng giao thiếu các chi tiết như yên xe, bánh phụ, ghế sau… Do đó, anh Hiệp từ chối nhận hàng, hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu ông Tăng phải bồi thường thiệt hại do giao hàng không đúng theo thỏa thuận. Ông Tăng liên hệ tới anh Minh – hòa giải viên tại địa phương để hỏi. Anh Minh muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 438 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định trách nhiệm do giao vật không đồng bộ trong hợp đồng mua bán như sau
1. Trường hợp vật được giao không đồng bộ làm cho mục đích sử dụng của vật không đạt được thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
a) Nhận và yêu cầu bên bán giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoãn thanh toán phần hoặc bộ phận đã nhận cho đến khi vật được giao đồng bộ;
b) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất thỏa thuận giữa các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, kể từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng cho đến khi vật được giao đồng bộ.
Như vậy, căn cứ quy định trên, anh Minh giải thích để ông Tăng được biết trường hợp này, anh Hiệp có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu ông Tăng bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, anh Minh cũng cần hướng dẫn để anh Hiệp biết quyền khác là anh có thể nhận và yêu cầu ông Tăng giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu, đồng thời anh cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoãn thanh toán phần hoặc bộ phận đã nhận cho đến khi được giao đồng bộ.
5. Theo hợp đồng mua bán đã ký giữa ông Lâm và chị Tân thì ông Lâm – bên bán sẽ giao cho chị Tân – bên mua 1.000 đôi đũa được gia công từ gỗ bạch đàn. Tuy nhiên khi chị Tân kiểm tra số lượng, chất lượng hàng thì chị phát hiện ông Lâm chỉ giao đúng 500 đôi đũa làm từ gỗ bạch đàn, 500 đôi còn lại là đũa nhựa. Chị Tân đã nhanh chóng liên hệ tới bà Mai – hòa giải viên tại địa phương để hỏi phương án xử lý. Bà Mai muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 439 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại như sau
Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận.
2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại.
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, căn cứ quy định trên, bà Mai cần hướng dẫn để chị Tân được biết về các của mình trong trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại. Theo đó, chị có thể chọn một trong các quyền sau: nhận và thanh toán theo giá theo thỏa thuận tại hợp đồng hoặc yêu cầu ông Lâm giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu ông Lâm bồi thường thiệt hại.
6. Do nhu cầu sử dụng không nhiều nên chị Hoa quyết định mua một chiếc xe ô tô cũ tại gara gần khu vực chị sinh sống. Chủ gara ô tô đã khuyến cáo chị do chiếc xe đời cũ nên dàn lạnh thường xuyên bị hư hỏng, phụ tùng thay thế không có và gara xe không bảo đảm chi tiết này. Chị Hoa biết và vẫn đồng ý mua. Sau khi sử dụng 1 tuần, dàn lạnh của xe không hoạt động, chồng chị Hoa yêu cầu chị Hoa đem xe tới gara để sửa chữa và yêu cầu gara chịu trách nhiệm mọi phí tổn bồi thường. Chủ gara xe từ chối yêu cầu này và liên hệ ông Quốc – hòa giải viên tại địa phương để hỏi phương án xử lý. Ông Quốc muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 445 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về bảo đảm chất lượng vật mua bán như sau
1. Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.
3. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:
a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;
b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;
c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.
Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, căn cứ quy định trên, ông Quốc giải thích để chồng chị Hoa biết, trường hợp này, chị Hoa đã biết về việc dàn lạnh của xe thường xuyên bị hỏng, không có phụ tùng thay thế nhưng chị vẫn chấp nhận mua. Do đó, chủ gara có quyền từ chối và không cần chịu trách nhiệm khi dàn lạnh của xe bị hỏng.
7. Chị Đào rất thích mua một con rô bốt hút bụi để giảm khối lượng công việc nhà, nhưng chị băn khoăn sản phẩm có xứng đáng với giá tiền hay không, do đó chị đã đề nghị chủ cơ sở điện lạnh để được dùng thử sản phẩm trong 02 ngày, sau 02 ngày, nếu thích chị sẽ mua, nếu không thích chị sẽ trả lại đúng sản phẩm như lúc đã giao. Tuy nhiên, trong lúc dùng thử sản phẩm, con trai chị Đào đã vô ý làm hỏng một bên chổi của rô bốt hút bụi. Chị Đào đem trả lại cho chủ cơ sở nhưn chủ cơ sở buộc chị phải bồi thường phí sửa chữa do con chị làm hỏng, đồng thời bù thêm khoản tiền lợi ích trong thời gian dùng thử. Chị Đào không chấp nhận và gọi điện để hỏi anh Thái – hòa giải viên tại địa phương để hỏi. Anh Thái muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 452 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về mua sau khi sử dụng thử như sau
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử.
Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn dùng thử thì thời hạn này được xác định theo tập quán của giao dịch có đối tượng cùng loại.
2. Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời.
3. Trường hợp bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại vật cho bên bán và phải bồi thường thiệt hại cho bên bán, nếu làm mất, hư hỏng vật dùng thử. Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả hoa lợi do việc dùng thử mang lại.
Như vậy, căn cứ quy định trên, anh Thái giải thích để chị Đài được biết, trường hợp này, chị Đào không mua thì phải trả lại cho bên bán và chị phải bồi thường thiệt hại cho bên bán nếu đã làm hư hỏng vật dùng thử. Tuy nhiên, chị Đào không phải hoàn trả khoản tiền lợi ích do việc dùng thử mang lại như yêu cầu của chủ cơ sở.
8. Do cần tiền gấp nên ông Tùng đã bán cho anh Phong một chiếc xe gắn máy cổ. Trong hợp đồng, hai bên đã thỏa thuận ông Tùng có quyền được chuộc lại chiếc xe trong thời hạn 6 tháng, hợp đồng không có thỏa thuận nào về giá chuộc lại. Sau 05 tháng, sau khi đã chuẩn bị đủ tiền, ông Tùng liên hệ và đề nghị được chuộc lại chiếc xe, tuy nhiên lúc này, anh Phong không đồng ý với giá thị trường hiện tại mà yêu cầu chuộc với giá cao hơn giá đã mua. Ông Tùng không đồng ý và muốn nhờ ông Mạnh – hòa giải viên tại địa phương để giúp đỡ. Ông Mạnh muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 454 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về chuộc lại tài sản đã bán như sau
1. Bên bán có thể thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn chuộc lại không quá 01 năm đối với động sản và 05 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong thời hạn này, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, căn cứ quy định trên, ông Mạnh giải thích để hai bên hiểu, trường hợp này, do trong hợp đồng mua bán không có thỏa thuận khác, thì giá chuộc lại chiếc xe là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại. Do đó, anh Phong yêu cầu tiền chuộc cao hơn giá thị trường và giá mua là chưa phù hợp quy định.
9. Chị Ánh mua một chiếc điện thoại tại cửa hàng điện thoại di động với thời hạn bảo hành là 6 tháng. Chị mới sử dụng được 1 ngày thì chiếc điện thoại đột nhiên bị tắt nguồn. Chị Ánh đem điện thoại đến cửa hàng và được xác định là do lỗi của nhà sản xuất nên chị được bảo hành miễn phí trong thời gian 1 tuần. Tuy nhiên, sau 1 tuần sửa chữa, điện thoại của chị vẫn chưa sửa xong, do yêu cầu công việc, chị yêu cầu cửa hàng đổi cho chị một chiếc điện thoại mới. Chủ cửa hàng đã liên hệ anh Tuấn – hòa giải viên tại địa phương để hỏi yêu cầu của chị Ánh có phù hợp hay không. Anh Tuấn muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 448 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về sửa chữa vật trong thời hạn bảo hành như sau:
1. Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết.
2. Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua.
3. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
Như vậy, căn cứ quy định trên, anh Tuấn giải thích để chủ cơ sở được biết, trường hợp này, do bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn nên chị Ánh có quyền yêu cầu đổi điện thoại bị hỏng lấy điện thoại khác.
10. Vợ chồng anh Hà dự định ký kết hợp đồng mua bán xe ô tô bán tải thuộc sở hữu của anh chị với ông Hoàng. Tuy nhiên, anh chị thắc mắc, không rõ chi phí vận chuyển cũng như chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định như thế nào. Để giải đáp thắc mặc, anh chị đã liên hệ bà Hoài – hòa giải viên tại địa phương để được trả lời. Bà Hoài muốn biết pháp luật có quy định nào về trường hợp này hay không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 430 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng mua bán tài sản là:
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Đồng thời, Điều 442 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu như sau
1. Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo chi phí đã được công bố, quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.
3. Trường hợp không có căn cứ xác định theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng.
4. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu thì bên bán phải chịu chi phí vận chuyển đến địa điểm giao tài sản và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu.
Như vậy, căn cứ quy định trên, bà Hoài tư vấn, hướng dẫn để vợ chồng chị Hà được biết quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu theo Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định hiện nay.