1. Ông Hòa mua mảnh đất tại phường A đã 5 năm, nay ông đến xây nhà để ở. Ngôi nhà mới 3 tầng khang trang. Mùa mưa năm đó, mưa lớn, nước mưa thoát theo đường ống nước đổ sang nhà bên cạnh là nhà ông Bình, làm xói mòn đất nền móng nhà ông Bình. Lúc này, ông Bình mới để ý tìm hiểu và phát hiện ra đường thoát nước được nối từ tầng 3 nhà ông Bình đổ thẳng sang đất nhà ông. Ông Bình yêu cầu ông Hòa phải khắc phục, tháo dỡ, dịch chuyển đường ống nước về phần đất của ông Hòa, không để ảnh hưởng đến nền nhà của ông. Ông Hòa trả lời lại ông không biết, nhà này ông đã thuê thiết kế, thi công hoàn thiện trọn gói nên giờ ông chịu, không khắc phục được. Nghe ông Hòa lý sự kiểu “để mặc” như vậy, ông Bình như “dầu thêm vào lửa”, lớn tiếng với ông Hòa, hai bên to tiếng và có khả năng dẫn đến vụ ẩu đả. Ông Minh là hòa giải viên và cũng là Tổ trưởng Tổ dân phố đã đến kịp thời để can ngăn. Ông Minh đề nghị cho biết pháp luật có quy định như thế nào về việc thoát nước mưa để ông áp dụng vào hòa giải vụ việc này?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 250 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa như sau:
Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.
Điều 13 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 170 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.
Ông Minh căn cứ quy định trên để phân tích cho ông Hòa hiểu rõ nghĩa vụ của mình trong việc lắp đặt đường dẫn nước từ công trình xây dựng của mình không được chảy xuống nhà ông Bình. Trường hợp ông Hòa xâm phạm quyền này của ông Bình thì ông Bình có quyền yêu cầu ông Hòa phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Ngoài việc phân tích các quy định pháp luật, hòa giải viên khuyên giải hai bên, vì tình làng nghĩa xóm,”bán anh em xa, mua láng giềng gần” để giúp hai bên tự nguyện hòa giải mâu thuẫn.
2. Nhà bà Hoa có hai mặt tiền, một mặt ở cạnh con đường lớn, một mặt ở đường kiệt, phía con đường lớn, bà Hoa sử dụng để buôn bán thức ăn, phía sau giáp con đường kiệt là khu vực bếp, rửa chén bát. Quán ăn của bà Hoa rất đông khách, có lẽ vì vậy mà tại khu vực bếp, vệ sinh thải ra nhiều nước thải. Qua thời gian, nước thải chảy tràn ra con đường đường kiệt, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con trong kiệt. Bức xúc trước tình trạng trên, chị Hương đôi lần có ý kiến, góp ý với chị Hoa, đề nghị cải tạo lại khu vực bếp, vệ sinh để nước thải không tràn ra đường đi. Bà Hoa bỏ ngoài tai tất cả, thậm chí khó chịu với chị Hương và thầm nghĩ do “ghen ăn tức ở” mà làm khó dễ. Góp ý không được, chị Hương đã đề nghị Tổ hòa giải vận động để bà Hoa thay đổi sau nghĩ, không làm ảnh hưởng chung đến bà con trong khu vực vì việc nước thải chảy tràn ra đường liên tục, đọng thành vũng, kể cả trong mùa nắng. Chị Xuân là hòa giải viên được phân công thực hiện vụ việc này, chị đề nghị cho biết có quy định pháp luật trong trường hợp này không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 251 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải như sau:
Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.
Điều 13 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 170 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.
Căn cứ các quy định trên, chị Xuân phân tích để bà Hoa hiểu nghĩa vụ của mình trong việc thoát nước thải đúng nơi quy định, nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng. Đó là quy định pháp luật. Trường hợp bà Hoa không chấp hành mà gây thiệt hại thì cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Ông Sanh có mua mảnh đất ngay phía sau nhà ông Sơn. Khi ông Sanh đến làm nhà và bắt điện, nước, do vị trí khu đất nằm sau nhà ông Sơn nên muốn lắp đặt điện, ống nước thì phải qua đất nhà ông Sơn. Ông Sanh đã đề nghị ông Sơn nhưng ông Sơn còn do dự, sợ gây thiệt hại đến một số tài sản đã xây dựng trong khu vườn. Ông Sanh nhờ Hòa giải viên vận động, thuyết phục để ông Sơn hỗ trợ ông lắp đặt điện, ống thoát nước. Hòa giải viên căn cứ vào quy định nào để hòa giải?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:
Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.
Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác như sau:
Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Hòa giải viên căn cứ các quy định trên để giải thích cho ông Sơn và ông Sanh hiểu rõ về quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề và mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác đã được Bộ luật dân sự ghi nhận. Trường hợp khi bên hưởng quyền (ông Sanh) gây thiệt hại do thực hiện việc lắp đặt đường ống nước, mắc dây tải điện thì phải bồi thường thiệt hại.
4. Ruộng lúa của ông Hoàng ở phía dưới ruộng lúa của ông Hành. Khi nước được trạm thủy nông bơm về, ruộng nhà ông Hoàng không có nước chảy đến do không có lối dẫn nước, bị chận ngang ruộng lúa nhà ông Hành. Ông Hoàng lấy cuốc bới đập để nước chảy từ ruộng nhà ông Hành sang. Ông Hành phát hiện sự việc, hai bên lời qua tiếng lại, ông Hành cho rằng ruộng lúa nhà ông mới bón phân, ông Hoàng phá vỡ bờ ruộng dẫn nước từ ruộng của ông sang thì phần phân bón của ruộng ông cũng chảy sang ruộng nhà ông Hoàng. Ông Hoàng thì bảo ông chỉ lấy nước cho ruộng vì không có lối dẫn nước, không hề nghĩ đến việc mới bón phân của ruộng lúa nhà ông Hành. Hòa giải viên tiếp nhận vụ việc và đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 253 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác như sau:
Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.
Hòa giải viên căn cứ các quy định trên để giải thích cho ông Hoàng và ông Hành hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc tạo lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu trong canh tác. Trường hợp người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.
5. Ông Thành có mảnh đất rộng hơn 500 m2 thuộc quyền sử dụng. Ông dự định chia thành 3 lô để cho 3 người con. Tuy nhiên, nếu chia như vậy thì sẽ có 01 lô không có lối đi. Trong khi đó, lô đất không có lối đi này nằm kề bên diện tích đất của nhà bà Lan có con đường lớn phía trước. Ông Thành đã trao đổi với bà Lan về việc bà Lan mở cho lối đi qua trong trường hợp ông phân chia thành 3 lô đất. Bà Lan không đồng ý, ông Thành viện dẫn quyền về lối đi đã được quy định bởi pháp luật, bà Lan không cho là vi phạm pháp luật. Bà Lan nhất quyết không chấp nhận. Hai bên phát sinh mâu thuẫn. Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật gì để hoà giải trong trường hợp này?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau:
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
Hòa giải viên căn cứ quy định trên để giải thích cho ông Thành hiểu, quyền về lối đi qua của chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác không áp dụng trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau. Khi chia bất động sản thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong. Do đó, yêu cầu và lập luận của ông Thành đối với bà Lan về lối đi chung là không phù hợp với quy định pháp luật. Ông Thành nên xem xét lại việc phân chia đất để đảm bảo lối đi cần thiết.