Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.561.408
Truy cập hiện tại 8.587
Tiểu phẩm pháp luật: Hòa giải tranh chấp trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ
Ngày cập nhật 29/03/2022

Gia đình của ông Hoan hôm nay bỗng nhộn nhịp hơn ngày thường, người ra kẻ vào liên tục. Có người đi xe máy, có cả những người đi hẳn ô tô. Bà con sống xung quanh ai nấy đều lấy làm lạ, bởi nhà ông Hoan vốn neo người, gia đình thuộc diện khó khăn, sống khép kín ít khi giao lưu cùng ai. Thấy sự lạ, chị Thủy mới hỏi bà Tám sống cạnh nhà ông Hoan.

 

- Hôm nay nhà ông Hoan có việc gì mà đông người thế bà Tám nhỉ?

- À, tôi nghe phong phanh có mạnh thường quân ở Hà Nội về thăm, tặng quà cho cái Liên đấy – bà Tám trả lời.

Thì ra là vậy, chị Liên là con gái ông Hoan. Chị Liên vốn sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, thế nhưng số phận bất hạnh, năm lên 8 tuổi, chị Liên không may bị tai nạn, phải cắt bỏ hai chân. Từ đó, chị trở thành người khuyết tật, vì mặc cảm nên chị chỉ ở trong nhà và hầu như chẳng bao giờ tiếp xúc với ai. Vợ chồng ông Hoan thương chị, không muốn chị bị trẻ con, làng xóm trêu đùa nên cũng đóng cửa cài then, hạn chế tiếp khách và cũng chẳng tới nhà ai chơi. Khi chị Liên bước qua tuổi 30, chị thấy bố mẹ mình cũng đã già yếu, sức khỏe ngày càng suy giảm. Bản thân chị lâu nay chỉ ăn ở một chỗ dường như trở thành gánh nặng của cả gia đình. Thương bố mẹ nhưng cũng mặc cảm vì bản thân không lành lặn, chị sợ nếu chị có đi xin việc thì cũng chẳng nơi nào nhận, thế nên chị chỉ biết lên mạng xã hội để bày tỏ nỗi lòng.

Ở trên mạng, chị quen biết một thanh niên tên Tuấn, hằng ngày chị đều trò chuyện với Tuấn về cuộc sống. Lâu dần, hai người trở nên thân thiết, chị Liên bắt đầu tâm sự nhiều hơn về hoàn cảnh của gia đình và bản thân. Biết chị Liên là người khuyết tật, gia cảnh khó khăn, Tuấn không chê mà còn luôn động viên, an ủi, điều đó khiến chị rất cảm động. Có một lần Tuấn hỏi chị có muốn kiếm thu nhập giúp đỡ bố mẹ không, chị Liên mừng rỡ đồng ý mà không hề biết, chị sắp trở thành nạn nhân của một kẻ chuyên lừa đảo qua mạng.

Tuấn kể với chị Liên rằng những người khuyết tật như chị có thể làm những công việc nhẹ nhàng, như: đan lát, thêu thùa, máy vá. Thế là chị được Tuấn giới thiệu đến một trung tâm may mặc, chị có thể nhận sản phẩm về nhà để làm, tiền công trả theo sản phẩm, nếu chăm chỉ, chị cũng có thể kiếm được 2 triệu/tháng. Tuy nhiên, Tuấn chưa để chị Liên nhận việc ngay, mà chỉ giao cho chị một vài sản phẩm để làm mẫu. Từ đó, Tuấn thường xuyên đến nhà chị Liên để thăm hỏi hơn. Tuấn chụp ảnh chị Liên, chụp ảnh nhà cửa và bố mẹ của chị Liên, Tuấn còn hướng dẫn chị Liên trả lời các câu hỏi có sẵn khi Tuấn quay video. Tuấn nói mình làm như vật để làm tư liệu phục vụ công tác hỗ trợ người khuyết tật, chị Liên và gia đình tin tưởng nên cũng không hỏi gì thêm.

Đến hôm nay, gia đình chị vô cùng bất ngờ khi thấy đột nhiên có rất nhiều khách tới thăm hỏi chị. Tuấn là người dẫn họ đến nhà chị, Tuấn rành rọt giới thiệu tên, tuổi, hoàn cảnh của chị Liên, đồng thời cũng tự xưng là người giám hộ của chị. Tuy chị Liên và vợ chồng ông Hoan rất ngạc nhiên nhưng do tin tưởng Tuấn nên khi thấy Tuấn ra hiệu thì họ cũng không nói gì thêm. Sau một hồi trò chuyện, các vị khách lần lượt tới trao cho chị Liên nào quà, nào phong bì tiền. Người ít thì vài trăm, người nhiều thì mấy triệu. Vợ chồng ông Hoan chưa bao giờ được người khác cho tiền như thế thì vừa ngạc nhiên vừa lo, liền hỏi Tuấn phải làm sao thì Tuấn nói:

- Hai bác cứ nhận đi ạ, lát nữa cháu sẽ giải quyết.

Lát sau, khi mọi người đã về hết, Tuấn bảo vợ chồng ông Hoan đóng cửa lại. Tuấn tới bên chị Liên, thu hết phong bì tiền bạc lại vào một cái vali, Tuấn nói:

- Hai bác thông cảm nhé, bên cháu đang làm phóng sự về người khuyết tật, lúc nãy chỉ diễn thôi, phải làm phóng sự thì mới dễ xin việc cho Liên được. Còn quà cáp, trái cây thì gia đình mình cứ giữ lại để dùng tự nhiên nhé.

Vốn tính thật thà, hiền lành nên gia đình ông Hoan chẳng hề ngờ vực điều gì, Tuấn nói thêm:

- À, tuy nhiên, gia đình cần trả một khoản phí, gọi là phí giới thiệu công việc cho bên cháu ạ, số tiền là 2 triệu đồng, bác gửi giúp cháu bây giờ luôn nhé.

Chị Liên nghe vậy không chút ngờ vực, chị giục bố mẹ chạy sang nhà hàng xóm vay mượn cho đủ tiền để gửi Tuấn. Tới khi Tuấn cầm toàn bộ số tiền trên, cả nhà mới yên tâm thở phào. Tuấn cười nói ngọt nhạt, hứa hẹn với gia đình 2 ngày sau sẽ quay lại và dặn dò người nhà không được tiết lộ chuyện này với ai.

Thấm thoắt 3 ngày đã trôi qua, không thấy Tuấn trở lại, ông Hoan nói chị gọi điện cho Tuấn hỏi thăm, thì không ai bắt máy. Chị Liên nghĩ bụng có lẽ Tuấn đang bận nên không gọi nữa. Tới ngày thứ 5, chị Liên bắt đầu sốt ruột, chị gọi cho Tuấn nhưng đầu dây bên kia báo lại số máy này đã tạm khóa…Chị giật mình vội tìm trên mạng xã hội, nhưng chị đã bị Tuấn chặn tài khoản. Không còn cách nào liên lạc, gia đình chị bắt đầu nghĩ tới chuyện có phải Tuấn đã gặp vấn đề gì hay không?

Đang lo lắng thì đột nhiên thì bà Tám gọi ngoài cửa. Trong lòng đang rối bời nhưng vì lịch sự nên ông Hoan đành ra mở cửa, vừa bước vào nhà, bà Tám đã hồ hởi:

- Ôi cái Liên nhà mình lên mạng xã hội thành người nổi tiếng rồi nhé, bao nhiêu là mạnh thường quân xin số tài khoản để ủng hộ, có phải bữa trước người ta cũng đến cho tiền không? bây giờ có cái người nào lại kêu gọi tiếp đây này.

Chị Liên chột dạ, chị có bao giờ lên mạng van xin ai cho tiền đâu, chị luôn nghĩ bản thân mình tàn nhưng không phế, nên không thể vác mặt đi xin được. Thấy chị không tin, bà Tám liền lấy điện thoại ra đưa chị xem

- Này, cháu xem đi, bác nói có điêu đâu.

Chị Liên và vợ chồng ông Hoan đón lấy chiếc điện thoại từ tay bà Tám, sửng sốt khi nhìn thấy toàn bộ hình ảnh, video của mình đã bị Tuấn đưa lên mạng xã hội với cái tít “Cứu giúp cô gái khuyết tật nghèo khó đang nỗ lực để hòa nhập xã hội” để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, còn số tài khoản thì hiện lên tên của Tuấn. Chị Liên vô cùng tức giận còn mẹ chị thì bật khóc. Mọi người đều không thể ngờ Tuấn là kẻ lừa đảo, lợi dụng lòng tin và hoàn cảnh của chị Liên để lừa tiền của mạnh thường quân.

Quá bức xúc, chị Liên quyết định phải tìm mọi cách để gặp Tuấn, chị cùng ông Hoan và nhờ thêm cả bác Luận (tổ trưởng) thuê một chiếc xe, theo địa chỉ Tuấn cho ngày trước, tìm tới tận nhà trọ của Tuấn. May sao lúc này Tuấn vẫn đang ở nhà và chưa kịp chuyển trọ. Khi thấy chị Liên và ông Hoan, Tuấn có chút đổi sắc mặt, nhưng với tiểu sử lừa đảo chuyên nghiệp, Tuấn vẫn giữ được bình tĩnh, đon đả mời mọi người vào phòng. Chị Liên hất tay Tuấn hỏi:

- Tại sao anh lại lừa tôi, ai cho anh đăng ảnh, video của tôi lên mạng?

- Liên bình tĩnh, Tuấn phải đăng lên thì mọi người mới biết mà giúp đỡ chứ.

- Tôi không cho phép anh lợi dụng hoàn cảnh của tôi để trục lợi. Anh trả lại tiền cho mọi người và xóa ảnh của tôi ngay.

- Không được – Tuấn trở mặt.

Nhận thấy tình hình có vẻ căng thẳng, ông Luận phải can thiệp:

- Anh Tuấn này, tôi thấy anh có vẻ không hiểu tình hình rồi đấy. Anh có biết hành vi của anh là hoàn toàn sai trái và vi phạm pháp luật không?

Dừng một lát để Tuấn suy nghĩ, ông Luận tiếp lời:

- Điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;

b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;

c) Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;

d) Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;

đ) Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

- Như vậy, với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của chị Liên là người khuyết tật để đăng lên mạng xã hội nhằm trục lợi, anh sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đấy anh biết không? Chưa kể, anh còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm của anh gây ra nữa.

Ông Luận dứt lời, Tuấn cúi gằm mặt xuống không nói thêm lời nào nữa. Chị Liên là một người khuyết tật, nhưng chị không lợi dụng hoàn cảnh của mình để xin tiền người khác. Trái lại, Tuấn là kẻ khỏe mạnh, lại đi lừa đảo, lừa dối người khuyết tật để trục lợi, đó là một hành vi vô cùng sai trái và đáng lên án.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày