Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cách thức xử lý đối với vi phạm bạo lực gia đình, nhưng hòa giải ở cơ sở là một hình thức, một giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Bởi thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên đã kịp thời ngăn chặn những hành vi “giận quá mất khôn”, “giận cá chém thớt” của các cá nhân trong xã hội. Đồng thời, qua quá trình hòa giải, hòa giải viên đã giúp cho các thành viên trong gia đình nhận thức rõ những quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, trẻ em, người cao tuổi... và trách nhiệm, hậu quả của hành vi bạo lực gia đình do mình gây ra. Từ đó giải tỏa vướng mắc, ngăn ngừa tội phạm; xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong gia đình, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở còn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để cùng cấp ủy, chính quyền phòng, chống bạo lực gia đình, có thái độ nghiêm khắc và lên án hành vi bạo lực gia đình. Từ đó, khuyến khích những nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhất là phụ nữ, không e ngại, che dấu khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình mà có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết. Đối với người dân cũng chủ động thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện ra hành vi bạo lực gia đình.Và tiểu phẩm dưới đây là một góc nhìn như thế.
Đang đứng đợi nhận hàng, chị Hà nhìn thấy chị Sen nên bất ngờ hét to:
Chị Hà: Sen phải không? Lâu ngày quá không gặp, ở cùng thôn mà như mặt trăng với mặt trời hè! Cậu đi đâu đấy, dạo này có khỏe không?.
Nghe tiếng gọi tên mình, chị Sen ngẩn mặt lên thì thấy bạn thân nên cũng rất bất ngờ.
Chị Sen: Ừ, mình đây, lâu ngày quá không gặp?
Nhìn thấy vẻ mệt mỏi của bạn, trên mặt lại có vết bầm tím, chị Hà rủ bạn vào quán nước nói chuyện.
Chị Hà: Cậu ốm hay sao mà nhìn mệt mỏi thế? Mà sao mặt lại bầm tím thế kia? Có chuyện à? Kể mình nghe, có gì cần mình giúp không?
Chị Sen: Ốm đau gì đâu cậu, mình chỉ mệt tí thôi mà. À, mà thật ra mình cũng đang có chuyện buồn không biết tâm sự cùng ai. Mình có biết cậu làm ở Hội phụ nữ của xã, cậu có thể tư vấn cho mình chuyện này được không?
Chị Hà: Có chuyện gì vậy? Cậu cứ nói đi, mình luôn sẵn sàng giúp cậu. Nào, bây giờ cậu kể đầu đuôi ngọn ngành mình nghe.
Nghe bạn nói thế, chị Sen như được mở lòng bắt đầu tuôn ra những uốt ức của mình.Chị bắt đầu kể:
“Do không hợp tính cách, mình và em chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Sau nhiều lần bị mình mắng nên P (em chồng mình tỏ ra thù oán, tìm mọi cách làm hại mình). Biết chồng mình hay ghen nên P bóng gió rằng mình hình như có quan hệ thân mật với một người đàn ông trong thôn. P còn nói với anh trai nhiều lần bắt gặp chị dâu đi chơi với anh này và xúi giục anh Duy (chồng mình) về tra khảo, mắng nhiếc vợ. Tính hay ghen lại cả tin nên mỗi lần nghe P nói thế, chồng mình lại đi uống rượu về là chửi mắng vợ không tiếc lời, thậm chí có khi còn đánh đập vợ”.
Chị Sen vừa kể vừa khóc, giọng cứ nghẹn lại, đứt đoạn liên tục.
Chị Hà: chết thật bạn gầy thế này mà chồng cứ rượu chè, ghen tuông rồi đánh thì còn gì là người. Mà sao chồng bạn không biết thương yêu vợ con gì cả, cái gì cũng phải có chứng cứ, thấy tận mắt, chứ sao chỉ nghe lời em gái vậy?
Chị Sen: nếu không nghĩ đến mấy đứa nhỏ thì mình chết cho rồi, chứ sống với lão có ngày mình cũng bị đánh chết mất thôi. Mình cũng đã nói với lão, vợ chồng sống với nhau thì phải tin tưởng chứ sao lại nghe em gái. Mình cũng đã thề với lão nếu mình ngoại tình thì sét đánh chết. Nghe vậy, lão cũng bảo là tin mình. Nhưng cứ uống rượu vào nghe em gái nói khích vài câu là gây gỗ, đánh vợ.
Chị Hà: thật tức điên với những kẻ tham rượu chè, không có chính kiến, rồi còn hành hạ đánh đập vợ con thế này.
Chị Sen: khổ lắm cậu ạ. Có hôm say rượu, lão không chỉ đánh chửi mẹ con mình mà còn đuổi, nhốt mình và con bé ở ngoài nhà cả đêm. Có lần còn xé rách quần áo mình trước mặt con nữa. Tủi lắm cậu!Nhưng mình chẳng biết làm sao, một bên là chồng, một bên là em chồng, toàn người thân mà đối xử với mình như thế đó!
Chị Hà: không, không được! Có ông chồng nào cũng đánh vợ đánh con như thế đâu?
Chị Sen: thì lúc không uống rượu lão cũng thương vợ con. Chỉ tại rượu vào, lại nghe lời em gái là lão mất hết tính người như vậy đó.
Chị Hà: Lão ấy đánh cậu như thế mà cậu còn bênh được à? Ừ, lão thương cậu đến nỗi mặt mũi bầm tím ra thế kia? Không được. Cậu phải cứng rắn lên. Bây giờ cậu nghe mình, lên xã trình báo chính quyền cho họ xử lý lão và em gái lão một lần, để lão ấy ngộ ra mà bỏ cái thói rượu chè, ghen tuông rồi về vũ phu ấy đi và em chồng cậu cũng bỏ tật xúi giục anh trai thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Như vậy, gia đình cậu mới đầm ấm, hàng xóm yên ổn, mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn không học thói xấu từ lão ấy nữa.
Chị Sen: thôi, lỡ lấy phải người chồng ham rượu, cục cằn lại hay ghen thì đành chịu chứ, giờ biết làm sao? Số mình nó thế rồi, minh cũng muốn chịu đựng để yên nhà, yên cửa.
Chị Hà: không được, cậu nghĩ cho gia đình cậu nhưng cậu cũng phải nghĩ cho hàng xóm láng giềng, xã hội nữa chứ. Sống bên cạnh những người có nhiều tật xấu sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ cậu có hiểu không? Cậu phải để công an, chính quyền can thiệp, chồng cậu mới hiểu hành vi đó sai trái đến đâu, rồi còn sửa. Phải làm theo luật, chứ họ sinh ra luật để làm gì?
Chị Sen: vợ chồng đánh nhau thì có luật gì chứ? Mà ai người ta quan tâm đến chuyện gia đình đánh nhau?
Chị Hà: đúng là cậu lười đi sinh hoạt, họp hành với Hội phụ nữ nên chẳng có hiểu gì nhiều. Tớ nói cho cậu biết này hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng là một trong các hành vi bạo lực gia đình đấy. [1]
Điều 5 Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình như sau:
1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình còn là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy mức độ, tính chất hành vi đấy[2]. Chưa hết, đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng [3]
Điều 61Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.”
Ngoài ra, Bộ luật hình sự cũng quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác [4]
Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định tội hành hạ người khác như sau:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”
Đấy, cậu xem Nhà nước ta đã có hẳn các văn bản pháp luật cơ mà. Luật quy định rất rõ: đánh vợ, đánh con là có tội cậu biết không. Một lần thì có thể nhắc nhở, nhưng nhiều lần thì phải xử lý, cách ly gia đình, giáo dục.
Chị Sen: như vỡ ra được nhiều điều, vừa bình tĩnh trở lại, vừa có niềm tin vào một thứ gì đó rất tốt đẹp, nhưng cũng không khỏi xót xa… Hay…hay là cậu tới nhà mình gặplão ấy khuyên răn giúp mình trước xem sao? Biết đâu cậu nói khéo khéo thì lão nghe theo, bỏ bớt rượu chè. Mình nghĩ không có rượu chắc lão ấy không đánh vợ con đâu?!
Chị Hà: thôi được để tớ đến nhà cậu, tớ cũng là hòa giải viên của xã, để tớgiải thích, chứng minh cho chồng và em chồng cậu xem sao. Nếu không chịu nghe, vẫn rượu chè, đánh chửi vợ con, xúi giục anh trai đánh vợ thì tớ sẽ báo cho chính quyền đấy, lúc ấy đừng có trách đấy nhé. Bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ cũng là nhiệm vụ của Hội Phụ nữ chúng tôi đấy.
Chị Sen: vâng, cảm ơn bạn thân của tớ.
Chị Hà: Hội Phụ nữ và chính quyền sẽ ủng hộ cậu, bảo vệ cậu nhưng mà cậu phải kiên quyết, phối hợp thì mới có hiệu quả. Cậu nghe chưa?
Chị Sen: vâng, mình biết rồi.
Chị Hà: Thôi, cũng muộn rồi, mình về đây, hẹn tối gặp ở nhà cậu nhé!
Chị Hà đứng dậy cầm chiếc nón lá ra về, chị Sen nhìn theo bóng chị Hà xa dần trong tâm trạng tốt hơn, mong ước rằng nhờ bạn mà gia đình mình sẽ đầm ấm, hạnh phúc trong thời gian tới./.
[1] Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình
[2] Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP
[3] Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP
[4] Khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13