Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 17.124
Tiểu phẩm về phòng, chống bạo hành trẻ em: MẸ KẾ
Ngày cập nhật 18/10/2021

 “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” luôn là câu châm ngôn trong việc khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết và quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em – những chủ nhân tương lai của nhân loại. Ở Việt Nam, quyền trẻ em đã và đang được toàn xã hội hết sức quan tâm. Thế nhưng hiện nay, không ít những vụ việc bạo hành mà nạn nhân là trẻ em bị phát hiện, xử lý, gây bức xúc trong toàn xã hội, điển hình như câu chuyện do chị Vân - giáo viên trường tiểu học N.H chia sẻ dưới đây:

 

Năm học mới này, lớp của chị Vân chủ nhiệm có 24 học sinh. Chị rất vui vì hầu hết các em đều có thành tích học tập tốt và ba mẹ các em tương tác khá tích cực với giáo viên. Tuy nhiên, dần dần, chị phát hiện ra trong lớp có một em học sinh tên là Na rất trầm tính, thường xuyên ngủ gục trong lớp, bị các bạn và thầy cô khác phê bình vì thiếu tinh thần học tập. Chị Vân đã nhắc nhở bé Na nhiều lần và bé chỉ im lặng, hứa sẽ không tái phạm nữa. Tuy nhiên sau đó, sự việc bé Na ngủ quên vẫn diễn ra nên chị Vân quyết định liên hệ tới phụ huynh để phản ánh và tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình em.

  Theo địa chỉ do nhà trường cung cấp, chị Vân tìm về nhà của gia đình bé Na, vừa dừng xe trước ngôi nhà số 18, chị đang còn loay hoay tìm chuông cửa thì bị giật mình bởi tiếng đổ vỡ loảng xoảng và tiếng la hét của người phụ nữ trong nhà. Định thần lại, chị nhìn qua khoảng trống của cửa sắt và bàng hoàng trước cảnh tượng trước mắt: bé Na đang nằm co ro trên nền nhà, xung quang vương vãi mảnh thủy tinh, một người phụ nữ tay bế con nhỏ chừng hơn một tuổi, tay kia cầm cán chổi dài vụt lấy vụt để xuống thân người bé Na khiến cô bé giãy lên đầy đau đớn. Chứng kiến cảnh tượng này, chị vô cùng giận dữ, hét lên:

- Chị kia, dừng lại mau, không được đánh Na.

Rồi chị quay sang hô hoán bà con xung quanh:

- Có ai không, giúp tôi với, có người bạo hành trẻ em ở đây.

Tiếng hô hoán của chị Vân khiến người phụ nữ kia giật mình, chị ta vội vàng đặt đứa nhỏ xuống ghế rồi nhanh tay khóa trái cửa và kéo rèm lại.

Sau khi nghe tiếng chị Vân, một số người vội chạy ra nhưng dường như họ đã quá quen với cảnh này. Một người hàng xóm ở sát nhà bé Na hỏi:

- Chị là ai thế? Chị có quan hệ gì với nhà này vậy?

- Thưa bác, cháu là giáo viên chủ nhiệm của bé Na, hôm nay cháu đến nhà bé Na muốn gặp ba mẹ Na để trao đổi chút việc thì thấy tình cảnh này…chị Vân đáp

Bà hàng xóm thở dài, kéo tay chị Vân sang một góc và bắt đầu kể.

- Con bé Na tội nghiệp đáng thương lắm chị ơi, từ ngày cái Sa - mẹ kế nó đẻ em trai, ngày nào nó cũng bị mẹ kế hành hạ, đánh mắng, ngày ít thì một trận, ngày nhiều thì ba bốn trận đòn roi. Có hôm, nó đi mua hàng gì đấy giúp mẹ mà mua nhầm, cô ta lại đánh nó nhừ tử, quát tháo khóc lóc ầm ĩ cả một vùng. Hàng xóm mấy lần nhắc nhở, khuyên can, mà cô ấy cứ bảo do nó hư nên phải dạy. Ba nó thì đi công tác suốt, biết gì đâu. Chao ơi, con bé mới tí tuổi đầu, gặp người lớn đều thưa gửi lễ phép, hư thế nào mà hư.

Chị Vân giật mình:

- Na mất mẹ hả bác, vậy ra người phụ nữ lúc nãy là mẹ kế sao? Chẳng trách lại đánh con tàn nhẫn như thế.

Chị Vân bùi ngùi nhớ lại, giờ thì chị đã hiểu tại sao Na luôn mặc áo dài tay trong mùa hè nóng nực, luôn cúi mặt khi nói chuyện với bạn bè, giáo viên. Phải chăng em muốn giấu đi những vết bầm tím, dấu vết của những trận đòn roi nghiệt ngã do mẹ kế gây ra?

Bà hàng xóm tiếp lời:

- Mẹ kế nó còn bắt nó làm việc nhà như người ở, đi chợ, nấu ăn, giặt – phơi quần áo, không cho nó lấy thời gian để học hành, nghỉ ngơi. Hôm qua tôi còn nghe mẹ nó tuyên bố cho Na nghỉ học luôn đấy. Đúng là khác máu tanh lòng cô ạ.

Càng nghe lời kể của người hàng xóm, chị Vân càng giận dữ, chị đã nghe kể nhiều về mẹ kế - con chồng, nhưng đây là lần đầu tiên chị chứng kiến, lại còn là học sinh của chị. Không thể im lặng cho qua, chị quyết định tìm đến sự giúp đỡ của bà Hòa – Hội trưởng hội phụ nữ của phường chị.

Sau khi nghe chị Vân kể về hoàn cảnh của bé Na, bà Hòa nói:

- Trước khi báo chính quyền, cơ quan chức năng can thiệp, hai bác cháu mình thử đến tìm hiểu ba mẹ của Na trước đã nhé, dù sao ngày mai cũng là chủ nhật, cháu Na cũng được nghỉ ở nhà.

- Vâng ạ - chị Vân đáp, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ liệu gia đình Na có chịu gặp mặt để nói chuyện hay không?

Vậy là ngay sáng hôm sau, bà Hòa và chị Vân đã đến trước nhà bé Na, sau nhiều lần bấm chuông, chị Sa – mẹ kế của Na mới chịu ra mở cửa.

- Các chị là ai vậy? chị Sa hắng giọng hỏi.

- Tôi là Vân cô giáo chủ nhiệm của Na, còn đây là bác Hòa, hội trưởng hội phụ nữ của phường, chúng tôi có thể gặp gia đình một lát không?

Dù thoáng ngần ngừ nhưng chị Sa vẫn ra mở cổng, vẻ mặt của chị không được tự nhiên, thoải mái cho lắm. Sau khi đã yên vị tại phòng khách, chị mở lời trước như sợ chị Vân sẽ hỏi lại chuyện hôm qua.

- Cái Na nhà tôi dạo này hơi bướng bỉnh, nhiều khi cãi lời ba mẹ nên tôi cứ phải mắng suốt. Có hôm nó còn nghịch dại làm bể ly nước, tôi giận quá nên có phạt vài roi. Trẻ con nhỏ không dạy, lớn sẽ hư thân phải không cô giáo?

Chị Vân cười nhạt

- Vâng, thương cho roi cho vọt mà chị. Nhưng, roi vọt đến mức của chị thì tôi nghĩ không còn là dạy dỗ nữa rồi. Chuyện hôm qua đâu phải là lần đầu phải không chị Sa? Tôi đã nghe hàng xóm nhà chị nói cả rồi.

Nụ cười chợt tắt trên gương mặt chị Sa, chị gằn giọng:

- Thứ hàng xóm nhiều chuyện, cô giáo đừng có tin.

Chị Vân có vẻ chẳng thèm để tâm tới lời nói của mẹ Na, chị quay vào nhà gọi lớn:

- Na ơi, cô Vân đây, ra cô bảo này.

Bé Na nghe cô gọi thì toan chạy ra, nhưng thoáng thấy ánh mắt liếc sắc như dao cau của mẹ kế thì chùn bước, bé ngập ngừng không biết phải làm sao.

Bà Hòa thấy vậy thì ôn tồn nói:

- Chị Sa xem kìa? cô giáo gọi mà học trò không nghe thì có được không?

Bị dồn vào thế bí, chị Sa đành ngọt nhạt:

- Na ra cô giáo bảo gì kìa.

Thấy mẹ đồng ý, Na vội vàng chạy ra, cái chân đau làm cô bé chạy tập tễnh rất đáng thương. Ôm lấy Na trong tay, chị Vân kẽ vén áo sau của Na lên, nhìn những vết bầm tím chạy dọc tấm lưng bé nhỏ mà tim chị như thắt lại. Mân mê cánh tay của Na, chị còn thấy nhiều vết trầy xước khác.

Bà Hòa chứng kiến hết cảnh đó, bà quay sang nói chuyện với chị Sa:

- Chị Sa à, tôi được biết chị là mẹ kế của bé Na. Tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh mẹ kế - con riêng của chị. Nhưng tôi nghĩ rằng, trẻ con vô tội, chúng không đáng bị hành hạ, đối xử như những gì chị đã làm với Na.

Chị Sa nghe vậy vội phân bua:

- Tôi không có, tôi chỉ đang dạy dỗ…

Không để chị Sa nói hết, bà Hòa đanh giọng ngắt lời:

- Chị có biết việc làm của chị là hành vi vi phạm pháp luật không? Nếu chúng tôi báo chính quyền, nhẹ thì chị bị xử phạt hành chính, nặng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chắc chị không biết điều này phải không?

Chị Sa tái mặt, yếu ớt phản đối:

- Nhưng tôi, tôi chỉ, đánh vài roi…

Bà Hòa nói:

- Để tôi chỉ cho chị thấy chị đã sai ở đâu nhé:

Bạo lực trẻ em là sử dụng những hành vi bạo lực thể chất và bạo lực tâm lý gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em, khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em năm  2016 quy định “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.” Đồng thời, đánh đập, hành hạ trẻ em cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại Luật Trẻ em năm 2016[1].

Hành vi bạo lực trẻ em có thể được xem xét xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền từ  5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng[2] hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm [3] tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của hành vi.

Lời bà Hòa vừa dứt, chị Sa đã bủn rủn chân tay, chị nhớ lại những lời mắng nhiếc, những trận đòn roi vô cớ trút xuống bé Na trước kia. Chị bần thần một lúc lâu. Thấy vậy, chị Vân tiếp lời:

- Ba của Na có lẽ không biết chuyện này phải không? Tôi nghe nói anh ấy thường xuyên vắng nhà, chị đã lợi dụng điều đó để hành hạ Na có phải không?

Lúc này, chị Sa đã gục mặt xuống, những lời trách cứ của chị Vân vây lấy chị. Chị hiểu rõ, thật ra bản thân không phải độc ác như thế. Chỉ là từ khi sinh con xong, chị cứ luôn cảm thấy chồng không thương con trai bằng Na, mỗi lần đi công tác về, anh chỉ hỏi thăm qua quýt, không quan tâm tới vợ mới sinh mà chỉ hỏi Na của ba đâu. Chị buồn bã, sự ghen ghét, đố kỵ từ ngọn lửa nhỏ âm ỉ ngày một lớn lên khiến chị đã trở thành một bà mẹ kế độc ác. Chị liếc mắt nhìn Sa, con bé cũng là con của chị, dù không chung dòng máu nhưng nó đã gọi chị là mẹ, chị cảm thấy xấu hổ vì bản thân đã cư xử không tốt với Na. Vừa giận mình, vừa thương Na, chị bỗng muốn ôm Na thật chặt và nói “Na ơi, mẹ xin lỗi, từ nay mẹ sẽ không bao giờ làm như thế nữa đâu”.

 


[1] Khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016

[2] Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

[3] Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm  2017)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày