Đúng vậy, việc của trẻ em là phải ngoan, nhưng không phải đứa trẻ ngoan nào cũng sẽ nhận được tình yêu thương của ba mẹ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, vẫn không thiếu những gia đình mà ở đó, sự phân biệt “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại dai dẳng, là nguyên nhân của bi kịch bất hạnh không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em. Tư tưởng cổ hủ, lệch lạc đó chính là mầm mống cho hành vi bạo hành trẻ em, nhiều trường hợp đã dẫn tới những hậu quả vô cùng đáng tiếc mà nạn nhân chính là những trẻ em gái, những đứa bé vô tội.
Anh Sử kết hôn với chị Nhâm được 10 năm và có với nhau 4 mặt con. Dù những đứa trẻ rất khỏe mạnh và vô cùng ngoan ngoãn, nhưng anh Sử là một người nghiện rượu, không một ngày nào người ta không thấy anh lăm lăm chai rượu trong tay. Cứ uống say, anh lại về nhà gây sự, đánh đập vợ con. Mở đầu sự ồn ào đó, thường là câu chửi vợ:
- Mày là đứa vô dụng, không biết đẻ…
Hoặc:
- Nhìn nhà người ta xem, đếm xem bao nhiêu thằng con trai. Vì chúng mày mà ông sống nhục, không dám nhìn mặt tổ tiên..
Chị Nhâm nhẫn nhịn chịu đựng tình cảnh đó mà không lên tiếng, bởi chị nghĩ rằng mọi tội lỗi là do chị, do chị không sinh được con trai cho anh. Thậm chí có lần trong cơn say, anh ta đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh vợ, chị Nhâm đau đớn quá bỏ chạy, thế là anh Sử trút cơn giận lên những đứa con gái. Tiếng la hét, khóc lóc om sòm cả một bản. Lâu dần, bà con xung quanh không còn can gián, khuyên lơn nữa, bởi họ biết, những trận đòn đó của anh Sử còn lâu mới kết thúc. Đến khi nào chị Nhâm sinh được con trai thì mới hết cảnh đánh nhau…
Hôm nay, anh Sử lên phố huyện mua cặp dê giống, trong lúc dạo chợ, anh vô tình bắt gặp A Đinh. A Đinh bằng tuổi anh, nhưng sớm bỏ làng lên phố để làm ăn. Không biết làm ăn gì nhưng dạo này ai cũng khen anh ta rất khá. Thấy anh Sử, A Đinh rủ anh Sử vào uống nước nói chuyện phiếm. Rượu vào lời ra, anh Sử bắt đầu than vãn:
- Tôi khổ quá A Đinh ơi, lấy phải con vợ không biết đẻ, nó toàn mọc ra con gái, không có lấy một mụn con trai. Anh xem, con gái lớn thì gả chồng, nuôi chỉ phí cơm gạo, trông chờ gì ở thứ ấy…
Thêm một tợp rượu, anh ta tiếp:
- Ngứa mắt quá, chỉ muốn đuổi hết chúng nó đi thôi, nhìn nhà người ta mà xem, con trai đàn đống, tôi nhục quá. Tôi phải đuổi hết lũ chúng nó đi thôi.
Nghe anh Sử rên rỉ, A Đinh ra bộ thông cảm, anh ta chuốc cho anh Sử thêm vài ly rượu rồi ngọt nhạt:
- Đúng thật, nuôi chúng nó chỉ ăn hại, giá mà có ai xin, tôi cho luôn.
Thấy anh Sử có vẻ đồng tình, A Đinh giả lả tiếp:
- Anh Sử này, con trai thì thiếu, con gái lại thừa, giờ mà có ai nuôi bớt vài đứa để vợ chồng anh đẻ tiếp thì hay nhỉ.
- Ôi dời tôi lại cám ơn không hết – anh Sử ngà ngà trả lời.
Thấy anh Sử đã rơi vào bẫy của mình, A Đinh nói luôn:
- Cho thì uổng phí mấy năm nuôi dưỡng chúng, tôi có mối này, nhận con gái, mà còn trả tiền cho anh nữa, anh thích không?
Anh Sử nghe vậy thì giật mình:
- Thế là ..là..bán con à?
- Bậy nào, không phải bán, người ta không đẻ được, người ta muốn xin con nuôi, giờ anh cho người ta con thì người ta cám ơn, bồi dưỡng anh chút chút, bán thế nào mà bán.
Anh Sử nghe thế thì xuôi xuôi, hỏi tiếp:
- Thế con gái cũng thích à? Bán..à không…cho con thì nó cám ơn mình bao nhiêu con dê?
A Đinh cười nhạt:
- Cho anh 2 con dê giống luôn nhé.
A Sử nghĩ ngợi, một đứa con gái đổi lấy hai con dê, hai đứa là bốn con, ba đứa là sáu con...Vậy vẫn lời lắm, mà có khi ở với người ta, chúng nó lại sung sướng hơn mình thì sao. Nghĩ một hồi, A Sử nói:
- Được lắm, tám con dê đổi lấy bốn đứa con gái, hứa nhé!
A Đinh thấy anh Sử đồng ý thì vô cùng mừng rỡ, chuyến này, hắn lại giàu to...
Chuyến đi chợ huyện hôm đó về, anh Sử mua một mâm đầy thức ăn ngon và áo quần mới cho cả nhà. Chị Nhâm và mấy đứa trẻ vô cùng hoang mang, không hiểu tại sao hôm nay, ba của chúng lại tốt với chúng quá vậy, có đồ ăn lại có thêm áo quần đẹp. Sau khi cả nhà ăn no nê, lựa lúc mấy đứa con đi ngủ cả, anh Sử kéo tay vợ ra sân ngồi nói chuyện:
- Vợ này, hôm nay đi chợ huyện tôi gặp A Đinh, dạo này nó khá lắm..
Anh Sử tiếp:
- Chúng tôi có ngồi với nhau, nó bảo trên thành phố ấy, có nhiều người chả đẻ được, họ thèm con lắm đấy. Hay nhà mình làm phúc gửi con cho họ làm con nuôi nhỉ?
- Không được! chị Nhâm quát lớn - con tôi thì tôi nuôi, tôi không cho ai hết.
Anh Sử nóng mặt:
- Không được cũng phải được, tao đồng ý với nó rồi, một đứa đổi lấy hai con dê, tao đổi ba đứa, để lại con lớn thôi.
Chị Nhâm giàn giụa nước mắt:
- Anh làm thế khác nào là bán con, trời ơi là trời…
Sáng hôm sau, nhân lúc anh Sử lên rẫy, chị Nhâm vội vàng đi tìm cô Hạnh, cô Hạnh là cán bộ thôn, cô vốn là người kinh lên đây công tác theo chồng. Chị Nhâm tin rằng chỉ có cô Hạnh mới có thể cứu lấy chị và những đứa con của chị.
Nghe chị Nhâm nói sơ về tình hình xong, chị Hạnh hiểu ngay ra vấn đề. Chồng của chị là bộ đội biên phòng, chị đã từng nghe anh kể về những kẻ buôn bán trẻ em đội lốt dân bản. Chúng lừa lọc những người như anh Sử để che đậy tội ác của mình. Không thể ngồi im nhìn những đứa trẻ vô tội bị đưa vào chỗ chết, chị Hạnh hứa với chị Nhâm nhất định sẽ giúp chị giữ lại con, đồng thời giúp anh Sử tỉnh ngộ.
Mấy hôm sau, chị Hạnh cùng anh Đức – Trưởng Công an xã tìm đến nhà của anh Sử. Vừa gặp anh Sử, chị Hạnh nói luôn:
- Anh Sử, tôi nghe nói anh định gửi con gái cho A Đinh để làm con nuôi phải không?
- Vâng ạ - anh Sử lí nhí
Chị Hạnh thở dài:
- Thế chắc là anh chưa biết về quá khứ bất hảo cũng như tiền án tiền sự của A Đinh đâu anh Sử nhỉ?
Anh Sử nhíu mày, tiền án, tiền sự gì, anh không hiểu gì hết.
Anh Đức tiếp lời chị Hạnh:
- A Đinh đã bị tổ chuyên án công an tỉnh bắt vì tội buôn bán người rồi anh Sử ạ, từ năm 2019 đến nay, A Đinh đã bị đưa vào danh sách theo dõi do có nghi ngờ liên quan đến đường dây bắt cóc, buôn bán trẻ em qua biên giới. Hôm qua, khi hắn ta đang thực hiện giao dịch với tổ chức thì bị công an tóm gọn. Chúng tôi cũng đã thành công giải cứu hơn 10 đứa trẻ khỏi tay của chúng.
Anh Sử bàng hoàng, không tin nổi vào tai mình.
Chị Hạnh ôn tồn:
- Anh Sử có biết mua bán trẻ em là một trong những hành vi xâm hại trẻ em và cũng là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Luật Trẻ em không? [1]
- Chưa hết, việc anh và A Đinh thông đồng, bàn bạc đổi con gái lấy hiện vật khác để che dấu cho hành vi buôn bán trẻ em dưới 16 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật hình sự [2] và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm hoặc từ 12 năm đến 20 năm tùy vào mức độ của hành vi vi phạm.
Tai của anh Sử như ù đi. Đợi anh định thần lại, chị Hạnh mới tiếp lời:
- Anh Sử à, con gái hay con trai đều là con dứt ruột đẻ ra. Xã hội bây giờ người ta không nhìn vào giới tính để đánh giá một con người hay một gia đình đâu anh. Anh xem có biết bao người phụ nữ được người khác kính trọng vì học thức, đạo đức, cống hiến của họ cho xã hội, bên cạnh đó cũng có biết bao người đàn ông – như A Đinh chẳng hạn lại trở thành tội phạm, bị xã hội lên án. Gái hay trai, đều xứng đáng được yêu thương và nuôi dạy như nhau đó anh.
Lời nói của chị Hạnh đã giúp anh Sử tỉnh ngộ, lâu nay anh lầm lỡ trong tư tưởng lạc hậu, suýt nữa còn làm hại tới con ruột của mình. Từ nay, anh nhất định sẽ trở thành người cha tốt, con gái hay con trai, đâu còn quan trọng nữa.
[1] Khoản 2 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016
[2] Khoản 1, 2 Điều 151 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)