Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 17.176
Tiểu phẩm về phòng, chống bạo hành trẻ em: CÔ GIÁO NHƯ MẸ HIỀN
Ngày cập nhật 18/10/2021

Cùng với xu thế phát triển của xã hội ngày nay, tình trạng bạo lực học đường, bạo hành trẻ em liên tục xảy ra, là nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Không chỉ là bạo hành về thể chất, mà sự tấn công về mặt tinh thần cũng khiến cho trẻ em bị giảm lòng tự trọng, sự tự tôn nhân phẩm, cản trở sự phát triển tinh thần của trẻ và đi ngược lại truyền thống giáo dục hết sức tốt đẹp của dân tộc ta. Điển hình như câu chuyện dưới đây: 

Năm học này, cô giáo Hoa được phân công chủ nhiệm lớp 4C - đây là lớp học được nhà trường chọn làm lớp điểm, để được vào lớp này thì em học sinh đều có thành tích cao, hạnh kiểm tốt. Tuy nhiên, điều cô giáo vui mừng hơn là khi cô được biết, hầu hết gia đình của các học sinh đều rất khá giả, phụ huynh đặc biệt đầu tư và quan tâm tới việc học của con. Tại buổi họp phụ huynh đầu năm, đa số mọi người đều nhất trí đề nghị cô giáo mở lớp “bồi dưỡng” để bổ sung thêm kiến thức cho các cháu, cô Hoa vui vẻ nhận lời. Sau khi kết thúc buổi họp, một người đàn ông trong trang phục khá giản dị, hơi bạc màu rụt rè nán lại, vẻ như muốn gặp riêng cô.

- Thưa cô giáo, tôi là Tùng, phụ huynh của em Sơn, lúc nãy mọi người bàn nhau gửi cháu cho cô dạy, tôi không có ý kiến gì. Tôi chỉ xin phép cô cho cháu Sơn tự học tại nhà, bởi vì…bởi vì… - sau một hồi ngập ngừng, người đàn ông khó nhọc nói tiếp - vì hoàn cảnh gia đình không tốt lắm nên cháu tự học ở nhà cũng được ạ.

Cô Hoa nghe vậy thì thoáng nghĩ “có phải trình bày hoàn cảnh để xin miễn học phí không? sao cả lớp ai cũng đồng ý mỗi người này thì không nhỉ?”. Cô ngờ vực quan sát vị phụ huynh rồi nói:

- Vâng, tùy anh thôi ạ! Rồi quay đi

Kể từ ngày hôm đó, dường như trong đầu cô giáo, em học sinh tên Sơn bỗng nhiên trở thành một “học sinh cá biệt”. Vì em không tham gia lớp học củng cố thêm kiến thức, nên Sơn không thể trả lời các câu hỏi của cô giáo. Trong tiết học, cô giáo ra câu hỏi, các bạn đều đưa tay xin phát biểu, trừ Sơn, thế nhưng cô Hoa vẫn cố tình gọi:

- Mời em Sơn trả lời câu hỏi của cô.

Sơn giật mình, luýnh quýnh, em lo lắng đưa mắt trả lời cô:

- Dạ thưa cô, em…em…em không biết đáp án ạ.

- Em học hành kiểu gì vậy Sơn – cô Hoa quát lớn – câu hỏi dễ như thế, bạn nào cũng trả lời được, mà em không biết, có phải em không theo dõi lời giảng của cô không? Vậy thì mời em ra khỏi lớp, tự học ở hành lang ngay cho cô.

Sơn hoang mang, buồn bã bước ra khỏi lớp trong sự chỉ trỏ, trêu ghẹo của đám bạn, em cố gắng quay lại mong cô đổi ý, nhưng ánh mắt cô giáo dường như chẳng quan tâm gì tới Sơn. Vậy là, trong những ngày, những tuần kế tiếp, Sơn dường như trở thành cái gai trong mắt cô giáo, hết viết kiểm điểm, lại bị phạt trực nhật, có một lần, trong buổi sinh hoạt lớp, cô Hoa thẳng thừng bêu tên Sơn ra trước cả lớp:

- Trong lớp chúng ta, ai cũng tốt cả, chỉ có bạn Sơn là rất kém, cô đề nghị bạn Sơn phải biết phấn đấu, đừng để trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến thành tích chung của cả lớp.

Nghe những lời cô giáo phê bình, cậu bé Sơn tội nghiệp chỉ biết cúi gằm mặt khóc thầm. Còn cô Hoa, cô chắc mẩm sau sự việc này, Sơn sẽ phải đăng ký học ở lớp bổ sung kiến thức của mình. Thế nhưng, Sơn vẫn không đi, sự ác cảm trong lòng cô Hoa ngày một lớn thêm.

Thời gian thấm thoắt tới ngày 20/11, cả lớp ai cũng được bố mẹ chuẩn bị những món quà, bó hoa to đẹp để tặng cô giáo. Nhìn học sinh xúm xít xung quanh mình tặng quà, cô Hoa không khỏi sung sướng. Chỉ khi tới lượt Sơn, cô ngạc nhiên nhìn “món quà” trên tay em, đó chỉ là một hộp kẹo dẻo được bọc sơ sài bởi tờ báo cũ. Cô cảm thấy khá thất vọng, cô lạnh nhạt nói:

- Cô cám ơn, nhưng cô không ăn kẹo, em đem về chia cho gia đình đi.

Cả lớp cười ồ lên, các cậu bạn khác mỉa mai Sơn là đồ nhà quê, Sơn rất buồn bã, nước mắt cứ thế không ngừng rơi.

Những lời nói chê bai của cô giáo vô tình khiến Sơn trở nên cô lập trong lớp. Cô giáo tỏ vẻ ghét Sơn ra mặt, dù em bị cận thị và khá thấp nhưng cô vẫn sắp xếp cho Sơn ngồi bàn gần cuối lớp.

- Thưa cô, mắt em hơi yếu, em xin phép cô cho em ngồi bàn trên được không ạ? Sơn xin phép cô giáo.

- Không, em ngồi trên sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác, mắt yếu thì đeo kính, lớp mình có phải mỗi em mắt yếu đâu - Cô giáo thẳng thừng trả lời Sơn.

Dần dần, Sơn hiểu được tại sao cô giáo ghét mình, Sơn bắt đầu thấy sợ phải đi học, sợ phải gặp bạn bè, nhất là cô giáo. Sơn nản lòng, dù em có cố gắng học đến mấy, em vẫn không làm vừa lòng cô giáo Hoa. Sự chán nản khiến Sơn bỏ bê bài vở, từ một cậu học sinh thành tích khá, Sơn tụt hạng dần. Đỉnh điểm có lần Sơn còn tự ý bỏ tiết học của cô Hoa. Cô giáo đem chuyện của Sơn báo với thầy Hùng – tổ trưởng  và ngỏ ý muốn thầy có ý kiến để chuyển Sơn sang lớp khác. Sau khi nghe cô giáo trình bày, thầy từ tốn nói:

- Ý của cô Hoa, tôi sẽ lưu tâm, tuy nhiên đang chuẩn bị kết thúc học kỳ I, cứ để các em thi xong rồi sẽ tính.

Cô giáo Hoa không biết, thầy Hùng vốn là hàng xóm của gia đình Sơn, tính tình cậu bé thế nào, ông là người nắm khá rõ, vì vậy, ông quyết định tìm gặp gia đình Sơn để hỏi thăm.

Ông Tùng sau khi nghe thầy Hùng nói chuyện thì khá bất ngờ, nhưng sau đó ông nhanh chóng hiểu ra, chính mình là nguyên nhân khiến con trai bị cô giáo đối xử như vậy. Ông buồn rầu nói:

- Tại sao giáo viên trẻ bây giờ lại có thể cư xử như vậy được thầy nhỉ, còn đâu câu nói “cô giáo như mẹ hiền” nữa, chẳng trách, Sơn nó cứ đòi bỏ học, hay cáu gắt với ba mẹ, lại còn bỏ cơm, bỏ bữa đi chơi game.

Thầy Hùng an ủi:

- Anh đừng lo, tôi sẽ trực tiếp làm việc với cô giáo Hoa.

Cô giáo Hoa nhận được điện thoại của thầy Hùng thì khá vui mừng, cô chắc mẩm sẽ đẩy được Sơn đi lớp khác. Nhưng không ngờ, khi gặp thầy, cô lại bị thầy dội ngay “một gáo nước lạnh”:

- Cô Hoa công tác trong ngành giáo dục cũng được 4-5 năm rồi, tôi không nghĩ có một ngày tôi lại phải nói những điều này với cô?

- Thầy, ý thầy là gì ạ? Cô Hoa ấp úng.

- Cô có biết, việc đối xử phân biệt, kỳ thị, cô lập học sinh chỉ vì hoàn cảnh gia đình hay xuất thân của chúng không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, mà còn là một trong những hành vi vi phạm pháp luật, đã được quy định tại Luật Trẻ em không? [1]

Chưa để cô giáo Hoa kịp giải thích, thầy Hùng tiếp lời:

- Nếu vì những hành vi kỳ thị của cô, mà em Sơn bỏ học, cãi lời cha mẹ, trở thành một đứa trẻ hư hỏng thì bản thân cô cũng sẽ chịu sự xử lý của pháp luật mà cụ thể ở đây là xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng [2] cô có biết không? Cô Hoa à, không chỉ đánh đập mới gây tổn hại cho trẻ em, mà chính những lời nói phân biệt của giáo viên cũng ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của một đứa trẻ. Đó là một hình thức bạo hành đáng bị lên án. Tôi hi vọng cô Hoa đây sẽ hiểu được những điều tôi muốn nói.

Cô giáo Hoa im lặng, cô đã hiểu được cái sai của bản thân mình. Cô chợt nhớ tới ánh mắt của Sơn những lúc bị cô giáo cư xử nặng lời, cô cảm thấy vô cùng xấu hổ, xấu hổ với các em học sinh của mình, với các thầy cô khác và đặc biệt là với chính bản thân… Sau một hồi suy nghĩ, cô giáo Hoa đáp lời thầy Hùng:

- Em cám ơn thầy đã chỉ dạy cho em, em nhất định sẽ tìm Sơn để xin lỗi, và từ nay, trong cuộc đời nhà giáo của em, bất kỳ học sinh nào cũng đều được yêu thương, đối xử bình đẳng như nhau, nhất định như vậy.

 


[1] Khoản 8 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016

[2] Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày