Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 17.215
Tiểu phẩm: Tài sản của ai?
Ngày cập nhật 18/10/2021

Nhân vật:

Ông Việt: láng giềng xóm trọ

Anh Thắng và chị Yến: 2 vợ chồng trọ trong xóm ông Việt

Bà Minh: Hòa giải viên

Sáng sớm ngày Chủ nhật, cư dân trong khu xóm nhỏ nhà ông Việt đã ồn ào tiếng cãi nhau của hai vợ chồng chị Yến và anh Thắng.

 

Chị Yến: Anh ký vào giấy ly hôn đi, tài sản chia đôi.

Anh Thắng (vẻ mặt tức giận): Này, cô đừng đòi chia chác gì, trong cái gia đình này chẳng có cái gì là của cô cả nhé. Cô không công ăn việc làm, suốt ngày chỉ ở nhà ăn bám, tôi nuôi báu cô thế là đủ rồi, đừng có nghĩ đến việc chia tài sản.

Chị Yến (lý sự lại): Ở nhà thì không làm việc à? Tôi hỏi anh, ai là người chăm con, ai nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ cho anh mỗi ngày.

Anh Thắng: Mấy việc đấy ai chẳng làm được, không có cô tôi cũng tự làm được những việc đấy.

Chị Yến: Tôi không nói nhiều, tất cả là tài sản chung, anh bán xe đi rồi tiền chia đôi.

Anh Thắng: Cô đừng có già mồm…

Đang định nói tiếp thì ông Việt hàng xóm  xuất hiện, ngắt lời.

Ông Việt: Thôi thôi, hai đứa có để cho làng xóm được yên không? Không ở với nhau được nữa thì giải tán.

Chị Yến: Đấy bác xem, suốt ngày kêu cháu ăn bám, nói ra nói vào, cháu mệt mỏi với cuộc sống này lắm rồi. Đồng ý bỏ nhau, nhưng tài sản thì anh ta không chịu chia, đàn ông gì mà “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

Anh Thắng: Đo đếm như nào, cô không đi làm thì biết cái quái gì, cô tưởng ra ngoài kiếm 6 triệu 1 tháng đơn giản à? Giỏi thì cô ra ngoài kiếm tiền đi.

Ông Việt: Thôi được rồi, bây giờ thế này, trong xóm này có bà Minh là hòa giải viên, bà ấy làm hòa giải mấy chục năm nay rồi, để tôi gọi bà ấy đến giải thích cho mà nghe.

Nói xong ông Việt chạy sang ngõ bên, gọi bà Minh.

Ông Việt (và bà Minh cùng đến): Đây đây, bà Minh là hòa giải viên, đã từng hòa giải rất nhiều tranh chấp vợ chồng nên bà ấy hiểu luật, bà nói cho các cháu đây hiểu.

Bà Minh: Các cháu ở đây đã lâu, con cái cũng đã có với nhau, có mâu thuẫn gì ta cùng tháo gỡ, giải quyết, chứ to tiếng làm gì ảnh hưởng hang xóm, láng giềng.

Anh Thắng: Cháu cố lắm rồi, cả ngày đi làm mệt mỏi, cô ta ở nhà có mỗi việc nấu cơm cũng không xong, hôm nào cũng lý do con thế nọ, con thế kia để chống chế.

Chị Yến: Đấy bác thấy đấy anh ta cứ đi thì thôi, chứ về đến nhà đòi cơm bưng nước rót, đòi hỏi đủ kiểu, cháu bận chăm con chưa kịp phục vụ thì tỏ ra khó chịu, đá thúng đụng nia, nói ra nói vào là cháu ăn bám, vô tích sự.

Anh Thắng (quay ngoắt lại vợ): Cô không ăn bám thì uống nước lã, hít khí trời mà sống hả? (quay sang bà Minh): Giờ cháu không cần bác hòa giải gì cả, cháu quyết ly hôn, cháu không thể chịu đựng được nữa, đã không gánh vác kinh tế cùng chồng lại còn không giúp đỡ được gì. (Lại quay sang vợ), Tôi nói cho cô biết, đừng hòng lấy được của thằng này cái gì, tôi nuôi báu cô từng ấy năm là quá đủ rồi.

Bà Minh (nhẹ nhàng, ôn tồn): Bình tĩnh, hết sức bình tĩnh. Bác nói Thắng nghe này, vợ cháu không phải mớ rau, con cá mà cháu nói bỏ là bỏ được đâu. Các cụ có câu “một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng”, sống với nhau từng ấy năm, có con có cái với nhau mà nói bỏ nhau nhẹ tênh như thế là không được đâu. Cháu phải suy nghĩ nghiêm túc việc này.

Bà Minh (quay sang hỏi Yến): Thế giờ nguyện vọng của cháu là gì?

Chị Yến: Bọn cháu xích mích đã lâu, không hòa hợp để sống tiếp với nhau nữa. Cháu cũng muốn ly hôn, sống với anh ý cứ kể công kể cán, coi thường cháu. Từ lúc cưới xong, cháu có bầu không đi làm được chỉ ở nhà chăm con, mình chồng cháu đi làm. Giờ đến lúc định ly hôn thì lại nói cháu không có công sức gì, không được chia cái gì hết.

Anh Thắng (hùng hổ): Lúc cô đến với tôi tay trắng, thì giờ ra đi cũng tay trắng, thế thôi.

Bà Minh: Thắng này, cháu có biết tiền thuê ôsin, giúp việc ở gia đình có con nhỏ là bao nhiêu tiền một tháng không?

Anh Thắng: Ý… cô… là?

Chị Yến: Cháu cũng nghĩ thế cô ạ, giờ cháu thuê người trông con cũng mất 5 triệu một tháng, mà cháu có đi làm thì lương cũng chỉ được bằng ấy thôi, mà thuê ôsin lại không yên tâm, không biết thế nào. Mình ở nhà vừa chăm con, vừa cơm nước nhà cửa thì hơn. Sau này con lớn cháu cũng gửi trẻ để đi làm.

Bà Minh: Giờ tôi nói cho anh Thắng biết nhé, lao động tại nhà như vợ anh và lao động có thu nhập như anh thì xác định công sức đóng góp là như nhau.

Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Nên là dù cái Yến nó không đi làm chỉ ở nhà nội trợ thì thu nhập của chồng cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng, cái xe máy cũng là tài sản chung.

Anh Thắng: Làm gì có chuyện đó, cháu thấy vô lý.

Bà Minh: Vô lý cái gì, giờ việc nội trợ không là làm việc thì ngồi chơi hay sao? Thậm chí còn vất vả hơn đi làm ý, thế anh đã làm thay vợ ngày nào chưa?.

Chị Yến (vẻ mặt thỏa mãn): Đấy, cháu bảo rồi anh không nghe. Mà cả số tiền đợt cưới nhau nữa, bố anh ta tuyên bố là cho hai vợ chồng làm ăn, thì cũng phải chia đôi.

Bà Minh: Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng, như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Như vậy, căn cứ quy định pháp luật tại khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014  thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Anh Thắng: Cái gì cơ, nghĩa là 11 triệu bố cháu cho thì cũng là tài sản chung?

Bà Minh: Nếu bố anh đã tuyên bố cho hai vợ chồng thì nó chẳng là chung, pháp luật quy định rất rõ rồi.

Chị Yến: Giờ anh đã thấy thỏa mãn nguyện vọng chưa?

Anh Thắng (vẻ mặt bần thần, ngồi suy nghĩ một hồi): Thế thì chẳng ly hôn nữa…(quay sang lườm vợ) tranh cãi mệt người, cô nhìn cái gì? Thôi vào bếp mà nấu cơm đi.

Chị Yến: Hôm nay tôi không nấu, anh tự vào bếp một hôm để anh biết công việc hàng ngày của tôi nó vất vả thế nào.

Bà Minh (ủng hộ Yến): Đúng đấy, chủ nhật anh Thắng được nghỉ thì làm thử 1 ngày việc nhà và trông con xem sao, sau đó nói đến chuyện cái Yến ăn bám hay không. Còn ngày hôm nay bác thuê cái Yến cả ngày sang nhà ông anh trai giúp bác làm mấy mâm cỗ giỗ. Cứ để bố con nó ở nhà với nhau.

Chị Yến: Vâng ạ, cháu đồng ý. Thế bác cháu mình đi luôn nhỉ.

Anh Thắng im lặng không nói lại gì và như đã hiểu vấn đề.

Bà Minh: Thắng ạ, đã là vợ chồng phải biết tôn trọng nhau, cùng bảo ban nhau làm ăn thì mới khấm khá được chứ chỉ lo của tôi của cô thì khó mà bền vững, xây dựng gia đình hạnh Việt mới khó chứ bỏ nhau thì dễ lắm. Cháu là đàn ông, vẫn được ví là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho vợ con. Cô rất mong cháu suy nghĩ thấu đáo.

Anh Thắng: Vâng ạ, cháu cám ơn cô đã giúp cháu hiểu được vấn đề. Quả thật cháu  hơi vội vàng và có lời lẽ không phải với vợ. Cháu sẽ nói để cô ấy hiểu để vợ chồng chung sức, bảo nhau làm ăn.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày