Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.565.337
Truy cập hiện tại 11.418
Tiểu phẩm pháp luật: Không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia: Vì sự an toàn của chính mình và mọi người
Ngày cập nhật 24/06/2021

Phân đoạn 1:

Trời vừa mới tờ mờ sáng, người đứng cách xa nhau vài bước chân còn chưa chắc nhìn rõ mặt, lại thêm hơi sương khá dày, dự báo một ngày nắng to. Ông Hoàng đã thức dậy từ sớm, đang ngồi trong phòng khách uống trà ngắm trời đất và mấy chậu cây cảnh. Ông ăn vận bảnh bao, mặc hẳn đồ vest, có thắt “mực”. Thỉnh thoảng đưa tay nhìn đồng hồ, ông gọi lớn: Bà xong chưa, nhanh kẻo trễ. Từ trong nhà có tiếng vọng ra “Ông đừng có hối, còn sớm, 5 phút nữa”. Như thành quy luật, đúng 30 phút sau, bà Mai từ trong phòng đi ra, trông bà đẹp hẳn, từ áo quần, tóc tai, đến khuôn mặt, đúng là khác hẳn ngày thường. Bà Mai mặc áo dài đỏ, tóc bối cao, trông bà thật sự sang trọng. Ông Hoàng liếc mắt nhìn, sắc mặt không thay đổi, miệng càu nhàu “bà thật rườm rà quá, đi đâu cũng lâu” rồi đứng dậy, vuốt quần áo chỉnh tề, đi ra khởi động xe máy. Bà Mai lật đật chạy theo “đàn ông gì cứ ràm ràm, thô lỗ, không có mắt”. Hai ông bà chỉnh tề yên vị trên chiếc xe ga lead đỏ, chạy ra khỏi nhà, hướng đến làng bên. Hôm nay, ông bà Hoàng Mai đi ăn cưới con gái nhà ông bác.

Phân đoạn 2:

Đúng là đám cưới nên lúc nào “cũng vui quá xá là vui”. Ông Hoàng lâu ngày gặp lại bà con, bạn bè lại càng vui hơn. Trong suốt đám cưới, ông phụ trách việc đón tiếp khách, phải nói cứ trung bình một bàn là ông lại cụng một ly, vị chi ít nhất ông cũng uống hơn 20 ly, chưa kể sau đó người ta đến mời “đáp lễ”, rồi gần tàn tiệc lại ngồi mâm “ấm cúng” trong gia đình, bạn bè thân. Bà Mai thật sự ngao ngán, không thể cản nổi ông Hoàng.

“Rượu vào lời ra”, ông Hoàng cười nhiều và nói cũng nhiều hơn hẳn ngày thường. Tất cả những người trong bàn “ấm cúng” người thì cười, người thì nói, người thì “1, 2, 3 vô, vô”, người thì gõ đũa  xuống bàn nghêu ngao hát, kết hợp với âm nhạc xập xình của đám cưới. Tạo nên một khung cảnh thật sự “hỗn loạn”, “đinh tai nhức óc”.

Góp phần vào sự hỗn loạn đó, giọng ông Hoàng lớn át hẳn những người khác: mấy chú nói răng chơ, bỏ bia rượu trong các đám tiệc sao được, lâu lâu mới có ngày vui, không bia không rượu thì còn chi nữa, có mà làm sinh nhật cho bọn trẻ con à.

Giọng  một người khác: thì tui nói rứa, tui nhớ xem ti vi, có người đề nghị nên hạn chế bia rượu trong các đám tiệc, kỵ giỗ của ta vì vui thì ít mà sau đó họa mới lớn.

Họa chi mà lớn?, chú đừng có nói bậy. Rượu bia là văn hóa.

Câu chuyện có vẻ rôm rả hẳn, cả bàn hầu như đều tham gia ý kiến về chủ đề có nên hạn chế bia rượu hay không.

Bà Mai ở trong nhà, trông chừng ông Hoàng nãy giờ, thấy ông Hoàng hoa tay múa chân: mấy chú nghe này, rượu bia là văn hóa của người Việt ta, là nét văn hóa truyền thống hẳn hoi, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, “chén rượu là đầu cuộc vui”, “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Ông bà ta đã nói hẳn hoi rồi, có gì mà phải bàn cãi nữa. Thôi “zô” đi.

Mọi người lại đồng loạt 100%.

Một người trông có vẻ trẻ tuổi, thuộc hàng con cháu, sau khi đặt ly xuống bàn, tiếp tục câu chuyện: nói vậy chứ bữa ni uống rượu bia mà đi xe là bị phạt nặng lắm đó mấy bác, phải cẩn thận đó.

Lại giọng ông Hoàng: phạt chi mà phạt, lâu lâu người ta mới có ngày vui, cũng phải thông cảm chớ.

Mọi người lại đồng loạt “zô 100%”.

“Nghe nói có mấy mẹo để tránh bị thổi nồng độ cồn đó mấy chú”. Cả hội lại rôm rả bàn về mẹo trốn “cồn”. Nào là kẹo giải rượu, đánh răng súc miệng, nín thở hoặc thở mạnh trước khi thổi vào máy, thổi nhẹ vào máy hoặc hít ngược vào phổi, nhai kẹo cao su,…

Buổi tiệc chỉ thật sự kết thúc khi bàn cuối cùng của hội “thân hữu” rã đám, người nào cũng trong tình trạng “mềm nhũn”, trời lúc này đã về chiều. Khi những người đàn ông đã tìm cho mình “một người một chốn” để nằm nghỉ hoặc ra về, những người phụ nữ vẫn tiếp tục công việc “thu dọn chiến trường” với mâm chén ngổn ngang.

Sau khi phụ giúp mọi người dọn dẹp cơ bản đâu vào đó, bà Mai vào lay ông Hoàng dậy để trở về nhà. Phải mất một lúc lâu bà mới kéo được ông dậy, pha cho ông một ly nước chanh để dã rượu, tỉnh táo hơn. Lúc này ông bà mới ra về. Nhìn ông Hoàng vẫn còn ‘say men nồng”, trong lòng bà Mai dấy lên một sự lo lắng mơ hồ, hết sức bất an.

Phân đoạn 3:

Trời lúc này đã tối hẳn, đèn đường bật sáng, gió mát thổi liên tục làm ông Hoàng có vẻ tỉnh táo hơn tí chút. Ông chở bà Mai trên xe mô tô, đoạn chỉ còn cách nhà chừng hơn 2 km thì trông chừng có đội cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, có khá nhiều người bị thổi rồi. Trong lòng hơi lo lo, ông Hoàng cố gắng làm ra vẻ “tỉnh” nhất có thể, dự định đi lướt qua đội cảnh sát giao thông. Ngồi phía sau, lòng bà Mai như có lửa đốt, phản xạ tự nhiên bà đưa tay níu chặt áo ông Hoàng.

 Thế nhưng, “tuýt”. Tiếng còi của chú cảnh sát giao thông ra hiệu cho xe ông Hoàng dừng lại. “Thôi xong”, tiếng bà Mai rên lên khe khẽ. Ông Hoàng mặt cắt không còn hạt máu, người tự nhiên tỉnh táo hẳn.

Sau khi ra hiệu lệnh dừng xe, chào và kiểm tra giấy tờ xe. Anh cảnh sát giao thông hướng dẫn ông Hoàng thổi vào máy đo nồng độ cồn. Bao nhiều mẹo lúc chiều bàn nhau giờ bay biến đâu cả. Ông Hoàng thổi vào máy và kết quả hiện lên rất rõ ràng: 0,35 miligam/1 lít khí thở.

Biết là khó thoát, ông Hoàng bắt đầu năn nỉ: mấy anh thông cảm, hôm ni nhà có đám cưới cháu gái ruột nên tui có vui, uống chút. Nhà lâu lâu mới có tin vui nên hơi quá.

Anh cảnh sát giao thông: thưa bác, con đang thi hành nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật, bác điều khiển xe khi đã uống rượu bia thì bị xử phạt. Thật ra, đây cũng là biện pháp để giúp bác ngăn ngừa trường hợp xấu có thể xảy ra là gây tai nạn giao thông cho minh và cho người khác. Đến lúc đó, hậu quả còn nặng nề hơn rất nhiều.

Biết là khó xin, với nghe anh cảnh sát giao thông nói cũng có lý, bà Mai kéo kéo ông Hoàng, ra hiệu là thôi. Bà Mai hỏi: vậy anh có thể cho biết chúng tôi bị xử phạt như thế nào, có nặng lắm không?

- Thưa hai bác, theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 thì hành vi "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là bị nghiêm cấm. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Trường hợp vi phạm thì theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, cụ thể trong trường hợp này, bị xử phạt hành chính từ 04 - 05 triệu đồng, áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.

Xin mời hai bác xem lại biên bản và ký. Việc hôm nay cũng là bài học kinh nghiệm, nếu lần sau có uống rượu bia thì chúng ta đi xe taxi, grap hoặc nhờ người không uống rượu, bia chở về nhà. Pháp luật hiện nay quy định rất nghiêm, chỉ cần có uống rượu bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì bị xử phạt, chứ không phải cứ vượt quá nồng độ cho phép mới xử phạt như trước đây. Và việc hôm nay, hai bác cũng nên xem đây là một may mắn để phòng ngừa rủi ro, tai nạn không đáng có.

Sau khi nghe anh cảnh sát giao thông giải thích cặn kẽ, có tình có lý, ông bà Hoàng Mai cũng thôi bứt rứt trong lòng mà cảm thấy thoải mái hơn hẳn. Đúng rồi, sự việc hôm nay thật sự là bài học kinh nghiệm và cũng là một sự may mắn. Tất cả vì sự an toàn của chính mình và mọi người mới là quan trọng nhất./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày