Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.565.160
Truy cập hiện tại 11.287
Tiểu phẩm pháp luật: Người dân có được giám sát cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ?
Ngày cập nhật 24/06/2021

Phân đoạn 1:

Một buổi sáng mùa hè oi bức, mới 6 giờ sáng mà ánh nắng đã chói chang hòa lẫn trong tiếng ve ngân ra rả. Trời không một gợn mây, xanh thẳm bao la. Lan Anh uể oải vươn mình trên giường. Vậy là còn khoảng một tháng hơn là nghỉ hè rồi và còn phải “chiến”  thêm 2 môn thi nữa là kết thúc đời sinh viên năm 3, chuẩn bị lên năm 4, và “out” ra khỏi trường Đại học Kinh tế Huế. Cả đêm qua thức học bài giờ người như rã rời, đầu cứng hơn cục đá đông. “Ngày mốt lại đi thi rồi, hôm nay nghỉ ngơi tí đã”. Lan Anh thầm nghĩ. Chợt như nhớ ra điều gì, Lanh Anh ngồi bật dậy, tìm điện thoại “thông minh nhất xứ sở táo đỏ” lên, lục tìm danh bạ, bấm số Văn Hoàng.

Chưa đầy 10 giây bên kia giọng nam uể oải “a lo, gì đó bạn”.

“Trời nóng quá hì”.

 “Ừ, thì sao?”.

“Thì tìm cách giải nhiệt chứ sao trăng gì. Đi biển đi, 10 phút nữa qua đây chở bạn. Để gọi thêm cho tụi Liên Thanh, Thùy Linh nữa”.

“OK”.

Vậy là sau khoảng 15 phút nhóm bạn học cùng lớp Lan Anh, Văn Hoàng, Liên Thanh, Thùy Linh lên đường. Bốn người trên hai “chiến mã” airblack lao đi về hướng mặt trời mọc.

Phân đoạn 2:

Đi gần đến biển Thuận An, xe của Văn Hoàng chở Lan Anh bị “tuýt còi” của cảnh sát giao thông. Liên Thanh và Thùy Linh đi phía sau mặt tái mét.

Sau khi đưa tay chào, kiểm tra giấy tờ xe, một chú cảnh sát giao thông cho biết Văn Hoàng vi phạm lỗi chạy quá tốc độ cho phép và lập biên bản.

Ở cách đó không xa, Liên Thanh và Thùy Linh lo lắng nhìn nhau, nữa muốn chạy đến xem thế nào nữa lại thấy “sợ sợ”.

Liên Thanh móc tay vào túi quần lấy điện thoại quay lại cảnh chú cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ với hai người bạn của mình. Thùy Linh lo ngại “ê, quay vậy có bị chi không? Coi chừng “người ta” tịch thu điện thoại của mình đó”. Liên Thanh vẫn vừa quay vừa nói “có ai làm chi mô mà tịch thu, chỉ là quay video rứa thôi mà”.

Lan Anh nhìn lại đằng kia thấy bọn bạn của mình đang quay video mà cứ “lên ruột lên gan”, chửi thầm “bọn điên này, đã bị phạt rồi còn quay video, “gây thù chuốc oán”, muốn bị phạt nặng nữa chắc”.

Chú cảnh sát giao thông lập xong biên bản, đưa Văn Hoàng xem và ký. Văn Hoàng thấy lỗi của mình là chạy quá tốc độ quy định 9 km/h. 

Lúc này, chú cảnh sát quay nhìn Liên Thanh và Thùy Linh, Liên Thanh rõ ràng đang “chĩa” cái “trái táo sứt mẻ” về phía chú cảnh sát giao thông, bất ngờ bị nhìn thì lúng túng giả vờ đưa lên quay bầu trời. Ở đằng này, Văn Hoàng và Lan Anh thấy rõ diễn biến, người cứ “cứng đơ”.

Nhìn thấy diễn biến của “bọn trẻ”, chú cảnh sát giao thông buồn cười quá không nhịn được, bảo: “Mấy bạn có chi mà lo lắng, cứ tự nhiên quay phim mấy chú”. Vừa nói chú vừa cười và đưa tay chào để vào “video”. Thấy chú cảnh sát giao thông cởi mở, Lan Anh nổi máu “anh hùng” hỏi: “Chú ơi, vậy bọn cháu có được phép quay video cảnh chú làm nhiệm vụ không? Như vậy có bị xem là xâm phạm quyền bí mật, đời sống riêng tư không chú?” .

Chú cảnh giao thông vui vẻ, giải thích luôn “một tràng”: đó là quyền của các cháu. Thật ra, Hiến pháp đã quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình[1]. Bên cạnh đó, lực lượng Công an nhân dân, hoạt động cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.[2]. Như vậy, mọi nguời đều được bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật của cá nhân và gia đình. Tuy nhiên khi Công an giao thông đang thi hành công vụ, cụ thể là xử phạt vi phạm hành chính của người vi phạm thì đây là việc làm công, không phải đời sống riêng tư và bí mật cá nhân. Và việc người dân quay clip lại trong trường hợp này là thực hiện quyền giám sát của mình.

Việc giám sát này được quy định cụ thể tại Thông tư của ngành Công an[3]. Mục đích là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì Nhân dân phục vụ. Ngành Công an công khai các thông tin trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; công tác đăng ký, cấp biển số xe; công tác chỉ huy, điều khiển giao thông; công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây: đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; đăng Công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ; thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Nhân dân được tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cụ thể : tham gia ý kiến về chủ trương, biện pháp và sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tham gia ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của Nhân dân theo quy định pháp luật) ; tham gia ý kiến về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ; đề nghị biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt; kiến nghị, phản ánh các trường hợp cán bộ, chiến sỹ thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ. Người dân tham gia ý kiến thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an ; thông qua điện thoại, hòm thư góp ý; thông qua Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập; thông qua các cuộc điều tra xã hội học; thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.

Không chỉ có trách nhiệm của Ngành Công an, Nhân dân cũng phải có trách nhiệm tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng cách tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông. Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông. Bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không đảm bảo an toàn giao thông hoặc bị hư hỏng, bị xâm hại thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Thông báo các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh Công an nhân dân; chống người thi hành công vụ và các hành vi khác vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Tham gia và hưởng ứng các phong trào giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông. Hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. Tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. Việc giám sát thực hiện thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

 Phân cảnh 3:

Chú cảnh sát giao thông sau khi thuyết trình «mớ» kiến thức «giám sát» gần như nằm lòng, nhìn thấy nhóm bạn Văn Hoàng, Lan Anh, Liên Thanh, Thùy Linh nhìn mình “say sưa”, như thể bị thôi miên, có đứa ánh mắt còn long lanh, tâm phục khẩu phục, bất giác lúng túng, bật cười, “các bạn có gì thắc mắc nữa không?”. Thùy Linh nhanh nhẩu “Dạ không, chú nói hay quá, cảm ơn chú, nhờ chú nói bọn cháu mới biết về quy định giám sát cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ được quy định rõ ràng như vậy.”.

Ánh mặt trời như “thúc” sau lưng, Văn Hoàng khèo khèo mấy bạn và nói “Cám ơn chú đã giúp bọn cháu hiểu thêm về pháp luật giao thông. Cũng trễ rồi, bọn cháu phải đi đã. Một lần nữa, xin cảm ơn chú”.

Cả nhóm lên đường, đồng loạt đưa tay vẫy chào các chú cảnh sát giao thông. Hôm nay cứ tưởng “họa” ai ngờ lại là “hên”. Hy vọng với kiến thức được bổ sung, sẽ giúp các bạn sinh viên bước vào cuộc thi thật tốt và nhất là hành trang vào đời sẽ thêm vững chãi./.

 

 


[1] Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013.

[2] Khoản 5 Điều 3 Luật công an nhân dân năm 2014

[3] Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày