Phân đoạn 1: Tại công viên
(Nhân vật: vợ chồng ông Mạnh và bà Huyên)
Ông Mạnh và bà Huyên kết hôn với nhau cũng gần 20 năm, hai ông bà sinh được người con gái đặt tên là Duyên, đến nay Duyên cũng đã 10 tuổi. Sau khi sinh Duyên, Bác sĩ nói bà Huyên không thể sinh thêm con được, nên ông Mạnh và bà Huyên dành hết tình cảm, chăm lo cho Duyên từng chút một. Một buổi sáng, như thường ngày, ông Mạnh và bà Huyên dậy sớm đi tập thể dục. Ra đến công viên, nghe thấy tiếng khóc, ông bà phát hiện được đứa bé tầm 5 tháng tuổi bị bỏ rơi.
Ông Mạnh: bà ơi, có đứa bé con ai mà bị bỏ ở đây.
Bà Huyên: chao ôi, nhìn đáng yêu thế này mà ai nở bỏ con mình ở đây, nhanh nhanh ông ơi, đưa đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe cho bé.
Ông Mạnh: đúng rồi, đi nhanh bà, tôi còn phải đến cơ quan Nhà nước để trình báo.
Sau một thời gian, cơ quan chính quền địa phương thực hiện các thủ tục về trẻ bị bỏ rơi, nhưng vẫn không có người đến nhận con. Ông Mạnh và bà Huyên thấy thương cho đứa bé tội nghiệp bị bỏ rơi, nên hai ông bà nhận bé gái làm con nuôi và đặt tên là Ân, ông bà xem đây như là một ân huệ trời ban cho hai ông bà. Ông bà chăm sóc và yêu thương Ân như con ruột của mình. Thấm thoát thời gian trôi nhanh, bé Ân năm nào cũng đã lớn, chuẩn bị vào đại học. Duyên cũng đã ra trường và đi làm tại một công ty nước ngoài. Duyên cũng biết quan tâm đến ba, mẹ nhưng có cái cũng hay ghen tỵ với em, vốn vì từ nhỏ Duyên được bố mẹ yêu thương, cưng chìu, giờ có thêm em Ân về nhà, Duyên thấy mình ít được ba mẹ yêu thương nên có chút buồn và tủi thân.
Phân đoạn 2: Tại nhà ông Mạnh và bà Huyên
(Nhân vật: vợ chồng ông Mạnh và bà Huyên, Duyên và Ân)
Duyên: thưa ba mẹ con mới đi làm về.
Ông Mạnh: mẹ con đang ở trong bếp, con vào phụ giúp mẹ dọn cơm trưa rồi ăn cơm.
Duyên: con mới đi làm về, việc nhiều con mệt lắm, sao ba không gọi Ân phụ mẹ đi.
Ông Mạnh: Ân đang bận ôn thi, em sắp thi đại học rồi, con phụ mẹ giúp em có sao đâu.
Bà Huyên: mẹ xong rồi, con không cần phụ giúp mẹ đâu, con rửa tay, gọi em xuống ăn cơm.
Duyên: dạ mẹ.
Duyên đi lên lầu gọi Ân xuống ăn cơm.
Duyên: Ân, em đang làm gì đó, không xuống ăn cơm à. Lần sau học bài cũng cố gắng tranh thủ xuống phụ giúp mẹ nấu cơm ăn nghe.
Ân: dạ, em biết rồi chị, chị đi làm về rồi hả.
Duyên: ừ, nhanh mà xuống ăn cơm, ba mẹ đợi.
Cuộc sống đang rất hạnh phúc, tưởng như mọi điều tốt đẹp. Tai họa bỗng ập xuống khi ông Mạnh và bà Huyên không may bị tai nạn và qua đời. Hai chị em vô cùng đau buồn, nổi đau quá lớn, Duyên không thể chấp nhận được. Duyên đau buồn và mọi tức giận đều đổ lên đầu em gái, Duyên cho rằng vì Ân mà bố mẹ bị tai nạn chết. Ân cũng đau khổ không ngừng, bố mẹ đã mang lại sự yêu thương và chính là ân nhân suốt cuộc đời của Ân, Ân chưa báo hiếu được, bố mẹ lại ra đi, để lại cho em biết bao nhiêu đau thương và luyến tiếc. Nghĩa tình của ba mẹ Ân làm sao trả hết.
Phân đoạn 3: Tại nhà của hai chị em Duyên và Ân
(Nhân vật: Duyên và Ân)
Ân: chị, chị dậy ăn chút cháo cho khỏe người đi chị.
Duyên: tau không ăn.
Ân: chị sao vậy, chị phải ăn để còn có sức, bố mẹ đã mất rồi, dặn hai chị em mình phải yêu thương, chăm sóc nhau.
Duyên: tau không cần, hai chị em mình cũng không phải là ruột thịt, nên không cần phải yêu thương nhau.
Ân: chị mà như vậy ba mẹ ở chín suối cũng không được yên tâm. Em rất yêu thương chị và lúc nào cũng xem chị như chị ruột của mình, chị đừng đuổi em đi nha chị.
Duyên: mày chỉ là con nuôi nên cũng không được chia tài sản gì của bố mẹ đâu.
Ân: em cũng là con của ba mẹ, em cũng có quyền được hưởng tài sản.
Duyên: Mày là con nuôi, không có quyền gì.
Ân: Thôi, lúc nào chị bình tĩnh, chị em mình nói chuyện sau, giờ chị nghỉ ngơi đi nhé!
Trong lòng Duyên cũng thương Ân, nhưng mà sự tức giận vì cái chết của ba mẹ, không thể nào làm cho chị nguôi ngoai được. Thời gian chị đau ốm, Ân luôn quan tâm, chăm sóc cho chị, nhiều khi chị cũng muốn nói nhẹ nhàng với em, nhưng chị không thể. Chị biết nhờ có Ân, một phần giúp chị vượt qua nổi đau này. Nhưng nghỉ đến ba mẹ, chị lại thấy căm giận. Không muốn cho Ân một chút tài sản gì của ba mẹ.
Phân đoạn 4: Tại nhà của hai chị em Duyên và Ân
(Nhân vật: Duyên, Ân và chị Hà)
Trong lòng đang nghỉ vu vơ thì Duyên nghe thấy tiếng của chị Hà hàng xóm bên tai mình.
Chị Hà: em đã khỏe hơn chưa Duyên?
Duyên: em cảm ơn chị, em cũng đỡ hơn nhiều rồi chị.
Chị Hà: mọi chuyện cũng đã qua, em hãy bớt đau buồn, để ba mẹ ra đi được thanh thản, giờ còn hai chị em, hãy thương yêu và chăm sóc nhau.
Duyên: em không thể nào quyên được, vì Ân mà ba mẹ mới mất.
Chị Hà: mỗi người có một số phận, không phải lỗi tại ai hết em à.
Duyên: em biết ba mẹ luôn lo cho Ân, vì nó gọi điện thoại nói đau nên ba mẹ mới hấp tấp chạy về nhà, dẫn đến tai nạn, lỗi tại nó (nói đến đây Duyên khóc ngất).
Chị Hà: em hãy bình tĩnh, nghe chị nói, không phải lỗi của Ân, em đừng nói vậy, Ân đã đau lòng lắm rồi. Thời gian em ốm đau, Ân cũng lo lắng lắm, nhiều lần qua nhà chị nhờ chị giúp, trông coi em cho nó, khi nó đi học, nó học xong cũng lật đật nhanh về chăm sóc cho em, không dám đi đâu.
Duyên: nhiều khi em không muốn nhìn thấy nó nữa, không để nó hưởng tài sản của bố mẹ luôn.
Chị Hà: em nói vậy là sai rồi, tình cảm mới quan trọng, vật chất không là gì, giờ chỉ còn hai chị em nương tựa vào nhau, hãy yêu thương nhau để ba mẹ được yên lòng em à.
Theo quy định của pháp luật thì con đẻ, hay con nuôi đều được nhận tài sản do bố mẹ để lại hết em à. Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651(người thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (thừa kế thế vị) của Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Do bố mẹ em không để lại di chúc nên được thừa kế theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”.
Như vậy, hai chị thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau, có nghĩa là tài sản của bố mẹ em để lại sẽ được chia đều cho hai chị em.
Duyên: con nuôi vẫn được hưởng di sản thừa kế như con đẻ hả chị?
Chị Hà: đúng rồi em, nhưng chỉ có hai chị em tranh giành tài sản làm gì em, tình cảm mới là đều quan trọng nhất, “anh em như thể tay chân”, em đau mà Ân lo mất ăn, mất ngủ, chăm sóc em từng li từng tí, nhìn mà thương lắm.
Duyên: em không có ý tranh giành tài sản gì hết, nhưng mà em tức giận, không muốn chia cho Ân, giờ em cũng đã hiểu một phần nào rồi chị à.
Chị Hà: em hiểu là chị vui rồi, Ân nó tình cảm lắm, thương ba mẹ và chị như ruột thịt.
Duyên: dạ, em cảm ơn chị nhiều, nhờ có chị mà em nói ra được nhiều điều, giờ thấy nhẹ nhàng, dễ thở hơn rồi chị à.
Chị Hà: em cố gắng lên nhé, Ân về rồi kìa.
Ân: em chào chị Hà, thưa chị em mới đi học về.
Chị Hà: em đi học về rồi hả, em vô xem dọn cơm cho hai chị em ăn, trưa rồi chị về đã nghe.
Ân: dạ, em cảm ơn chị nhiều ạ.
Chị Hà: hàng xóm, láng giềng với nhau mà, em đừng nghĩ ngợi nhiều.
Nói xong chị Hà ra về, trong lòng Duyên cũng đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhìn thấy Ân, Duyên không còn hằn học, tức giận nữa, mà tình thương bao phủ lấy chị. Giờ chị hiểu, chỉ có Ân mới có thể giúp chị và hai chị em chị sẽ luôn bên nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chị nhìn nơi xa, khẽ nhoẻn một nụ cười và nói thầm với chính mình “ba mẹ hãy yên nghĩ nhé, con và em sẽ luôn yêu thương nhau, luôn nhớ về ba mẹ”./.