Thời gian đầu mới cưới, anh H và chị B sống với nhau rất hạnh phúc. Anh chị được bố mẹ hai bên mua cho một căn nhỏ tại thành phố gần trường để đi dạy. Hơn một năm sau mãi hai anh chị vẫn chưa có con. Chị B bắt đầu thấy lo lắng, chị bàn với anh H để hai vợ chồng đi khám kiểm tra xem thế nào, nhưng anh H không đồng ý vì anh cho rằng mới thời gian ngắn chưa có con cũng là đều bình thường, với lại vợ chồng mình còn trẻ, còn có thời gian để dạy thêm tăng thu nhập, tiết kiệm, dành dụm tiền để nuôi con. Chị B nghe vậy cũng thấy đỡ lo hơn và nghĩ chồng mình nói vậy cũng đúng. Thế là ngày ngày hai vợ chồng đi dạy, chiều tối và cuối tuần còn dạy thêm nên thời gian cứ thế trôi qua. Đến nay hai anh chị cưới nhau cũng được 3 năm, đến giờ vẫn không có con. Chị B một lần nữa bàn chuyện đi khám để kiểm tra sức khỏe của hai vợ chồng thế nào. Lần nay, anh H cũng thấy sốt ruột nên đồng ý việc đi khám.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng anh H đến bệnh viện Đại học Y để khám. Sau quá trình khám bệnh, làm một số xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ kết luận chị B không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nghe tin này chị như chết lặng cả người, thiên chức làm mẹ của một người phụ nữ vô cùng thiêng liêng và cao quý, nhưng chị lại không có. Hai hàng nước mắt tuôn rơi, chị đau lòng đến tột độ. Nhìn thấy chị như vậy anh H cũng rất đau lòng, anh chỉ biết ôm chị vào lòng để an ủi.
Anh H rất buồn, nhưng cũng không biết phải làm như thế nào. Một ngày, anh H đọc được bài báo liên quan đến vấn đề mang thai hộ. Anh sẽ về bàn với vợ về việc mang thai hộ cho hai vợ chồng. Nghe chồng nói về vấn đề nhờ người mang thai hộ cho hai vợ chồng, chị B thấy vui lắm. Và điều đầu tiên hai vợ chồng chị B nghĩ đến là sẽ nhờ ai là người mang thai hộ. Chị B nói với chồng sẽ nhờ em gái của chị mang thai hộ, nhưng anh H lại không đồng ý. Anh H muốn nhờ người ngoài mang thai hộ để có gì dễ yêu cầu hơn. Hai vợ chồng không thống nhất về nhờ người mang thai hộ, dẫn đến mâu thuẫn và tranh cãi nhau. Mỗi lần bàn đến vấn đề mang thai hộ, hai anh chị lại tranh cãi, không thống nhất được, đôi lúc cả hai cảm thấy mệt mỏi và không biết có thể tiếp tục thực hiện việc làm này.
Chị B nhớ đến chị có quen chị Phạm Thị M, là hòa giải viên và là một người rất am hiểu pháp luật. Chị cùng với chồng tìm đến chị M để hỏi về vấn đề mang thai hộ. Đến nhà chị M, hai vợ chồng đã trình bày lại toàn bộ sự việc cho chị M biết và hỏi chị về pháp luật quy định về người mang thai hộ, về mang thai hộ như thế nào? ChịM giải thích để cho hai vợ chồng chị B hiểu về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.”
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”.
Một nội dung quan trọng nữa là giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ phải lập Thỏa thuận về mang thai hộ, thỏa thuận phải có các nội dung cơ bản sau đây: thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình; cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật Hôn nhân và gia đình; việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý (theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Như vậy, người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Nghe xong, vợ chồng chị B và anh H đã hiểu và việc chị B nhờ em gái chị mang thai hộ là đúng theo quy định của pháp luật về mang thai hộ.
Hai vợ chồng cảm ơn chị M và xin phép ra về, hai người như được trút đi gánh nặng trĩu trên đôi vai. Hy vọng phép nhiệm màu sẽ đến với anh chị, điều hạnh phúc giản đơn mà anh chị luôn mơ ước sẽ sớm thành hiện thực. Tương lai đang còn ở phía trước nhưng đã có cánh cửa mang tên niềm tin và hạnh phúc mở ra chào đón anh chị. Anh nắm lấy bàn tay của chị, tiếp thêm sức mạnh để hai vợ chồng quyết đồng lòng tìm đến hạnh phúc.