Khung cảnh trước mắt thật ngổn ngang. Mấy cái nồi bị vất lăn lóc trong góc nhà, tô chén bị vỡ văng khắp nơi,… và kinh khủng nhất là chị Hòa, mái tóc dài rũ rượi xuống mặt, nước mắt ngắn dài, trên khuôn mặt còn hằn dấu vết ngón tay do bị đánh, chị ngồi dài dưới nền nhà, thấy cửa mở, chị nhìn với ánh mắt đờ đẫn, vừa cười, vừa khóc một cách ngây ngô. Anh Thịnh thấy bà Hạnh vào nhà thì bỏ đi khỏi cửa, gương mặt còn hiện rõ nét hằn học.
Lại gần con gái, bà không khỏi xót xa, lòng người mẹ như xát muối. Đây không phải là lần đầu tiên bà trông thấy cảnh này, nó đã diễn ra khá nhiều lần trong năm nay, nhưng bà biết làm thế nào?
Anh Thịnh chị Hòa vốn dĩ quen nhau từ thời còn là học sinh cấp 3. Sau khi hết thời học sinh, hai người theo đuổi những công việc riêng. Anh Thịnh theo nghề lái xe đường dài. Chị Hòa học Cao đẳng du lịch và làm lễ tân ở một khách sạn. Sau thời gian gặp lại nhau, anh chị có tình cảm và tổ chức kết hôn, gắn bó với nhau hơn 3 năm nay. Khoảng gần một năm trước đó, chị Hòa tự dưng phát bệnh tâm thần, lúc nhớ lúc quên, rồi dần dần trở nên ngây ngô. Gia đình đưa chị đi khám và chữa bệnh nhưng bệnh tình chưa thuyên giảm. Lúc đầu, anh Thịnh cũng thương vợ, lo lắng cho vợ nhưng rồi qua một thời gian, anh cảm thấy chán nản người vợ này, anh bỏ nhà đi theo xe thường xuyên, mỗi lần về nhà cũng cảm thấy khó chịu và đánh đập chị Hòa. Trong một lần tỉnh táo, chị đã nói với mẹ trong nước mắt “mẹ ơi, mẹ có thể giúp con ly hôn không?”. Bà ngẩn người ra mà không biết phải giải quyết như thế nào.
Bà Hạnh hiểu tình cảnh con gái mình và cũng không dám trách con rễ. Tuy nhiên, tình cảnh này diễn ra liên tục, bà không đành lòng. Sau khi bà Hạnh đã dọn dẹp đống đỗ vỡ, giúp con gái ổn định lại tâm trí và đi vào giấc ngủ, lúc này anh Thịnh mới trở về, mặt vẫn còn hằn những nét bực tức.
Bà Hạnh chỉ tay vào bộ bàn ghế, thẳng thắng: Thịnh, con ngồi xuống đây nói chuyện. Mẹ nghĩ tình cảnh vợ con bệnh như vậy không biết đến bao giờ mới khỏi. Con thì thường xuyên đi xa nhà. Với lại như hiện nay, chắc tình cảm của hai đứa cũng không còn. Vợ con đã bị bệnh, thần kinh không ổn định, mẹ nghĩ con nên làm đơn ly hôn với vợ con, để mẹ chăm sóc nó; con cũng còn trẻ, còn xây dựng gia đình mới.
Anh Thịnh đắn đo: mẹ để con suy nghĩ đã, con vẫn chưa muốn ly hôn với vợ con.
Bà Hạnh khó hiểu: con còn tỉnh cảm với vợ con ah? Vậy tại sao con lại đánh đập nó ra như thế, đây đã là lần thứ bao nhiêu mẹ chứng kiến rồi, lại còn khi không có ai thì anh đối xử với nó thế nào nữa.
Anh Thịnh im lặng không nói gì.
Bà Hạnh mang nặng nỗi suy tư, bà không trở về nhà mà đi thẳng đến nhà ông Hoàng, vốn nổi tiếng là người có uy tín, làm việc có trước có sau, hiểu biết, đã giúp hòa giải, tư vấn nhiều vấn đề cho bà con trong xóm.
Sau khi nghe bà Hạnh kể lại sự tình, ông Hoàng trầm ngâm: đúng là nên cho chị Hòa ly hôn để bà chăm sóc, chứ như vậy thì không ổn thật, để lâu dài e là có chuyện. Nhưng tại sao anh Thịnh lại không chịu?
Bà Hạnh nêu suy nghĩ: tôi nghĩ hay do nó sợ mất nhà mất đất? vì đất đó là vợ chồng tôi cho con gái (chị Hòa) để hai đứa ổn định cuộc sống sau khi cưới.
Ông Hoàng gật gù: có thể là như vậy lắm, để tôi tìm hiểu thêm vấn đề này với quy định pháp luật xem làm thế nào để chị Hòa được ly hôn. Vài hôm nữa tôi lại gặp chị.
Sau khoảng gần 10 ngày, ông Hoàng đến tìm nhà bà Hạnh. Ông cho biết, đã tìm hiểu qua bạn bè anh Thịnh với cả nói chuyện với anh Thịnh thì ông được biết, anh Thịnh vốn dĩ đã chán cảnh vợ cứ “ngây ngây dại dại”, anh đã có “bồ”, nhưng chưa muốn ly hôn vì do mảnh đất là của vợ, anh ta đang tìm cách để không bị “trắng tay”.
Còn về vấn đề ly hôn, tôi cũng đã tìm hiểu, hỏi cán bộ phường, bà yên tâm, đây này: Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, chị Hòa bị bệnh tâm thần, còn là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của chị. Vậy thì chị là mẹ, chị có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Bà Hạnh nghe vậy mừng quá, cám ơn ông Hoàng rối rít. Với bà, sức khỏe con gái mới là quan trọng nhất, đã đến lúc bà phải giúp đỡ con để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân “khốn khổ” và có thể giúp chị ổn định thần kinh, chữa hết bệnh./.
Lối thoát
Anh Tùng và chị Trang quen nhau, yêu nhau hơn 7 năm, từ khi anh chị còn là sinh viên đến khi ra trường, đi làm. Khi anh Tùng đưa chị Trang về ra mắt gia đình thì cả nhà anh Tùng rất vui. Tuy nhiên, khi anh Tùng đặt vấn đề cưới xin thì mẹ anh quyết liệt phản đối với lý do bà đã đi xem thầy, thầy bảo nếu hai người lấy nhau thì anh Tùng sẽ chết sớm. Sau thời gian dài thuyết phục mẹ không được, anh Tùng và chị Trang sử dụng phương án “gạo nấu thành cơm” để buộc gia đình phải thừa nhận.
Chính vì vậy, anh Tùng và chị Trang đã thuê nhà sống chung với nhau và có chung một bé gái 2 tuổi. Tuy nhiên anh chị lại chưa đăng ký kết hôn. Thấy cháu gái dễ thương, thương cháu, mẹ anh Tùng đã “xuôi xuôi”, có ý định tán thành cho 2 con.
Tuy nhiên, đến lúc này, sau thời gian chung sống, giữa chị Trang và anh Tùng lại phát sinh nhiều mâu thuẫn do anh chị vốn dĩ khác nhau về hoàn cảnh sống và tính cách. Anh Tùng quen sống trong cảnh được mẹ “phục vụ” cho mọi việc, không bao giờ “đụng tay đụng chân” việc nhà, có phần lười nhác, ham chơi. Mặc dù khi về sống chung với chị Trang và có con nhỏ, chị nhiều lần nhắc nhở, “cằn nhằn” nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, thời gian “đi chơi” nhiều hơn ở nhà, một mình chị Trang phải vừa chăm con, vừa lo việc nhà, nhiều lúc nói đến anh Tùng còn tỏ thái độ bực bội, không biết lỗi. Chị Trang đã quá chán nản với cảnh chồng ham chơi, dạo gần đây chị lại biết anh còn có bồ. Khi chị nói về vấn đề này, ban đầu anh còn chối nhưng sau thì có thái độ thách thức, coi thường vợ con. Chị Trang đã nhờ bạn bè khuyên giải nhưng không kết quả, ngược lại anh Tùng càng tỏ thái độ tức giận.
Chị Trang sống trong cảnh mệt mỏi, chị thấy không lối thoát, có lúc cảm thấy stress cao độ. Một lần mẹ anh Tùng ghé đến thăm cháu, chị có nói muốn ly hôn với anh Tùng thì mẹ anh có ý “bắt” cháu, bà nói xa nói gần “nó là con thằng Tùng, là cháu mẹ, con không có đủ điều kiện tốt để nuôi cháu, nên để nó theo cha”. Trước tình cảnh đó, chị Trang càng cảm thấy hoang mang, lo sợ.
Một buổi chiều, chị đi làm về sớm, chị bồng con sang nhà bà Hòa - là một người có uy tín ở trong xóm, có tiếng là “sống biết trước biết sau”, đã giúp tư vấn, hòa giải cho nhiều trường hợp mâu thuẫn, xích mích ở địa phương. Gặp bà, chị Trang kể lại mọi chuyện và không tránh khỏi những lúc “tủi thân”, phải dừng lại để ổn định tâm lý. Bà Hòa hết sức thông cảm với tình cảnh của chị Trang, bà hứa sẽ tìm hiểu để giúp đỡ chị.
Bà Hòa tìm gặp mẹ anh Tùng để nói chuyện. Bà Hòa nói rõ, khi anh Tùng chị Trang muốn cưới nhau bà đã ngăn cản, nay hai đứa sống chung, có con chung, anh Tùng đã không giúp đỡ còn “nặng nhẹ”, “này nọ” với chị Trang, vì tình, vì nghĩa, là mẹ anh Tùng, nếu thương cháu thì bà nên khuyên giải con trai, không nên dồn ép chị Trang vào đường cùng. Là phận phụ nữ với nhau, bà hãy hiểu và thông cảm cho chị Trang nhiều hơn, bà có thể đến xem sự vất vả của chị Trang như thế nào và sự ham chơi, thiếu trách nhiệm của con trai như thế nào?
Bà Hòa lại tiếp tục tìm gặp cán bộ tư pháp phường để hỏi về trường hợp của chị Trang, chị có thể yêu cầu ly hôn không và việc giải quyết nuôi con như thế nào.
Sau khi đã gặp những người cần gặp, tìm hiểu những vấn đề cần thiết, bà Hòa hẹn gặp chị Trang và đến thăm gia đình chị. Vào một chiều tối, đã gần 8 giờ tối, bà đến nhà thì gặp chị Trang đang “đầu bù tóc rối” lo cho cháu bé. Bà hỏi “Con đang bận việc à, cháu bé làm sao thế, bố cháu đã về chưa?”. Chị Trang vừa mặc áo quần cho con vừa trả lời “Bà thông cảm, cháu bị ốm nên cứ nôn liên tục, con cũng đã dọn xong rồi. Chồng con giờ này chưa về đâu bà ạ, phải đến nữa đêm”. Bà Hòa nhìn chị Trang thương xót “thế con đã ăn cơm chưa”, “dạ chưa, lát nữa con ăn. Mời bà ngồi”.
Sau khi giúp chị Trang dọn dẹp cho nhà cửa đỡ “lộn xộn” và cháu bé đã ngủ, lúc này bà mới nói chuyện với chị Trang.
- Bà đã tìm hiểu các quy định pháp luật rồi, nếu chồng con vẫn không thay đổi và con đã quyết tâm ra đi thì con vẫn có thể nhờ Tòa án giải quyết ly hôn. Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn thì Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, nghĩa là không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Nếu có yêu cầu về con và tài sản thì sẽ giải quyết như sau:
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Như vậy, nếu con nhờ Tòa án giải quyết thì về tài sản, hai vợ chồng cũng không có gì nên chắc không cần nhờ giải quyết.
Về con cái, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định. Có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Sau khi nghe bà Hòa giải thích mọi lẽ, chị Trang cảm thấy như có lối thoát, vẫn còn có cách để giải quyết ổn thỏa mọi việc, ổn định lại cuộc sống của bản thân và của cả con.
Về phần mẹ anh Tùng, sau cuộc gặp gỡ với bà Hòa, mặc dù có phần hơi bực bội vì cảm giác như bị “lên mặt” nhưng những lời lẽ cứng rắn, thuyết phục của bà Hòa cũng làm bà phải suy nghĩ lại. Bà đã lén đến xem cuộc sống của gia đình con trai như thế nào thì quả thật như lời bà Hòa nói. Bà cảm thấy giận con trai và đã khuyên giải nó, để xem nó có thay đổi không.
Với sự giúp đỡ, tư vấn, hòa giải của bà Hòa, dù mọi người trong cuộc vẫn chưa có quyết định cuối cùng cho mình, nhưng đã có những “lối mở” để đi tiếp trong thời gian tới.
(Ghi chú: nội dung pháp luật nêu trên được quy định tại Điều 53, 81, 82 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13)./.