HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Sáng ngày 13 tháng 7 năm 2020, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Tham dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban tổ chức hội nghị; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh; Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân tỉnh; Hội luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh; đại diện lãnh đạo ban dân vận các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế; phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế…
Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; xác định phương hướng, đề xuất giải pháp để tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của công tác dân vận, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải, đối thoại tại tòa án, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Kết luận số 43-KL/TW ngày 07 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương số 25-NQ/TW, góp phần giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được quan tâm, lồng ghép với công tác dân vận cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đến nay, cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên ở cơ sở; số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 – 07 hòa giải viên/tổ. Từ năm 2014 đến năm 2019, các tổ hòa giải trên cả nước đã hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ việc (đạt tỷ lệ 80,9%), hòa giải không thành 167.367 vụ, việc.
Hội nghị cũng đã nghe phát biểu của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được trong công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án; việc xây dựng mô hình, kinh nghiệm trong hòa giải ở cơ sở; công tác dân vận, nhất là dân vận khéo, dân vận chính quyền, đối thoại các vụ việc tại tòa án; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở… Để hiểu rõ hơn nữa công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, Hội nghị đã được xem phóng sự “Hòa giải thành cần dân vận khéo”.
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Phạm Thị Ái Nhi, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã trình bày tham luận về “Kết quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí đã nêu lên một số kết quả đạt được trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục và kiến nghị, đề xuất để hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị thời gian tới Ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, quan tâm, tạo điều kiện để các hòa giải viên thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó coi hòa giải là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại./.
Tiên An
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” năm 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 17 tháng 7 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về triển khai Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” năm 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Với mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước. Ít nhất 40% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Ít nhất 30% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành.
Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
- Phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên.
+ Phát hành, hướng dẫn sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở (Bộ tài liệu) cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở do Bộ Tư pháp biên soạn; các tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
Phát hành các tài liệu dành cho đội ngũ tập huấn viên (tài liệu về phương pháp hướng dẫn kỹ năng bồi dưỡng cho hòa giải viên, bài giảng mẫu, tài liệu hỗ trợ khác).
- Xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.
+ Trên cơ sở rà soát, đánh giá, tiến hành bổ sung, thay thế hòa giải viên đối với những tổ hòa giải còn thiếu hòa giải viên hoặc có hòa giải viên hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở;
+ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên trên Cổng Thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
- Các nhiệm vụ, giải pháp khác.
+ Tổ chức hội nghị (diễn đàn) giao lưu, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trao đổi, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở;
+ Huy động nguồn lực từ xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở: huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác hòa giải ở cơ sở theo tinh thần nâng cao trách nhiệm xã hội của tổ chức, doanh nghiệp; khuyến khích Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, các trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư hỗ trợ tài liệu, tư vấn, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở; vận động và tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức mình tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở;
+ Kiểm tra việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở điển hình xuất sắc, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thực hiện Đề án; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án; tổng kết việc thực hiện Đề án và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Đề án.
Tiên An
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai
Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ
về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên
ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”
Ngày 04 tháng 6 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND triển khai Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Với mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.
Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Sở Tư pháp chủ trì tổ chức thực hiện chỉ đạo điểm tại 09 xã, phường, thị trấn thuộc 09 huyện, thị xã, thành phố, cụ thể:
- Phường Thủy Xuân, thành phố Huế;
- Xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
- Xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên do Bộ Tư pháp biên soạn.
- Phát hành, hướng dẫn sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp biên soạn (Bộ tài liệu) cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; các tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Phát hành các tài liệu dành cho đội ngũ tập huấn viên (tài liệu về phương pháp hướng dẫn kỹ năng bồi dưỡng cho hòa giải viên, bài giảng mẫu, tài liệu hỗ trợ khác).
2. Xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.
- Xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh (từ 03 - 05 người), cấp huyện (từ 04 - 08 người/01 huyện, thị xã, thành phố) từ nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật và các cá nhân khác đáp ứng tiêu chuẩn làm hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện.
3. Thực hiện chỉ đạo điểm: Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện điểm 09 đơn vị cấp xã thuộc 09 huyện, thị xã, thành phố.
4. Xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở.
- Trên cơ sở rà soát, đánh giá, tiến hành bổ sung, thay thế hòa giải viên đối với những tổ hòa giải còn thiếu hòa giải viên hoặc có hòa giải viên hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở.
- Đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên Cổng Thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
- Số hóa và đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật, trên mạng xã hội facebook, youtube, trang fanpage và các mạng xã hội khác..., các phương tiện phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở.
- Tiếp nhận, xử lý thông tin hai chiều, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải các vụ việc khó, phức tạp.
6. Các nhiệm vụ, giải pháp khác
- Tổ chức hội nghị (diễn đàn) giao lưu, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trao đổi, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở.
- Huy động nguồn lực từ xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở
- Kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở điển hình xuất sắc, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Tiên An
Hòa giải ở cơ sở:
Một số vấn đề cần hoàn thiện
Hòa giải ở cơ sở với hiệu quả giúp hóa giải các tranh chấp, mâu thuẩn trong cộng đồng dân cư, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, an toàn, bảo đảm trật tự xã hội cho người dân ở cơ sở là điều mà không ai có thể phủ nhận. Để phát huy tốt hơn vai trò của công tác này cũng như tạo một hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần xem xét hoàn thiện một số vấn đề để phù hợp với thực tiễn và nâng cao chất lượng công tác này.
1. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhận thức đầy đủ về hòa giải ở cơ sở phù hợp với bản chất tự nguyện, tự quản, tránh tình trạng hành chính hóa hay đặt lên vai hòa giải viên ở cơ sở trách nhiệm quá nặng.
Hòa giải ở cơ sở là hoạt động truyền thống của người dân nước ta từ xa xưa, xuất phát từ tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, vì vậy hoạt động hòa giải ở cơ sở rất tự nhiện, mộc mạc như chính đời sống hàng ngày của người dân. Đạo lý truyền thống này được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Hiểu được điều này để xác định đúng vị trí, vai trò của hòa giải ở cơ sở, tránh tình trạng một số cơ quan, cá nhân “hành chính hóa” hoạt động này, hay, đặt lên vai hòa giải viên cơ sở trọng trách quá nặng nề. Thực tế cho thấy, không ít địa phương khi nói đến hòa giải ở cơ sở và hoạt động hòa giải ở cơ sở là nghĩ ngay đến đến những vụ việc hòa giải lớn liên quan đến tranh chấp đất đai, hoặc mâu thuẩn dẫn đến gây gỗ đánh nhau… mà chưa nhìn nhận những vụ việc nhỏ phù hợp với bản chất của hoạt động này (xích mích nhỏ về lối đi, lời qua tiếng lại…). Hay, nói đến công tác hòa giải ở cơ sở là nói đến vấn đề biên bản, giấy tờ ghi chép, trong khi đó Luật Hòa giải ở cơ sở không yêu cầu biên bản hòa giải là bắt buộc và thực tiễn các vụ việc hòa giải với sự “tự nhiên, linh hoạt” của nó cũng không cần đến giấy tờ gì; có chăng là việc ghi chép nội dung hòa giải vào Sổ theo dõi công tác hòa giải theo quy đinh. Tuy nhiên, không ít chính quyền cấp xã đã yêu cầu Tổ hòa giải phải cung cấp biên bản, giấy tờ khi thống kê và làm các thủ tục liên quan đến công tác này, từ đó dẫn đến số liệu thống kê, báo cáo, theo dõi chưa ghi nhận đầy đủ thực tiễn sinh động của hòa giải ở cơ sở.
2. Đơn giản hóa thủ tục bầu hòa giải viên
Thủ bầu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, có thể nói khá “rườm rà”, phức tạp, cụ thể có 03 bước:
- Bước 1: Chuẩn bị bầu hòa giải viên (Trong thời hạn 20 ngày, trước ngày dự kiến bầu hòa giải viên): Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận dự kiến những người được bầu làm hòa giải viên; thống nhất thời gian bầu hòa giải viên; quyết định hình thức bầu hòa giải viên; quyết định danh sách Tổ bầu hòa giải viên; thông báo công khai danh sách bầu hòa giải viên.
- Bước 2: Tổ chức bầu hòa giải viên: Bầu hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp được tiến hành khi có trên 50% đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố trở lên tham dự; hoặc bầu hòa giải viên bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình trong thôn, Tổ dân phố.
- Bước 3: Kết quả bầu hòa giải viên: Trưởng ban công tác Mặt trận lập hồ sơ về kết quả bầu hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để xem xét, quyết định.
Thực tiễn cho thấy, hòa giải ở cơ sở là hoạt động hoàn toàn mang tính tự nguyện, các bên tranh chấp lựa chọn người có uy tín ở cơ sở để thực hiện hòa giải. Và thông thường, khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, người hòa giải chính thường là Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn trưởng, già làng, trưởng bản, chi hội phụ nữ. Từ thực tiễn đó và với yêu cầu thủ tục phức tạp như trên, có lúc, có nơi xảy ra tình trạng hình thức, hợp thức hóa trong tổ chức bầu hòa giải viên và ra quyết định công nhận Tổ hòa giải. Đa số cho thấy, thành viên Tổ hòa giải cũng chính là Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn trưởng, già làng, trưởng bản, Trưởng Ban công tác mặt trận, những người thuộc các tổ chức đoàn thể ở thôn, từ đó có tình trạng “một chân xỏ nhiều giày”.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đơn giản hóa khâu bầu hòa giải viên, thiết nghĩ Luật nên sửa đổi theo hướng không quy định về bầu hòa giải viên mà giao nhiệm vụ này cho Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn trưởng, già làng, trưởng bản, Trưởng Ban công tác mặt trận, những người thuộc các tổ chức đoàn thể ở thôn. Nhà nước (chính quyền cấp xã) chỉ quản lý, theo dõi, hướng dẫn hoạt động này bảo đảm theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Xác định khi nào thì một vụ việc hòa giải kết thúc
Điều 23 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định kết thúc hòa giải khi có một trong ba trường hợp sau: 1. Các bên đạt được thỏa thuận. 2. Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải. 3. Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.
Điều 14 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở nêu rõ điều kiện được hưởng thù lao theo vụ, việc của hòa giải viên là khi: 1. Vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc theo quy định tại Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở. 2. Hòa giải viên không vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 10 của Luật hòa giải ở cơ sở.
Như vậy, kết thúc vụ việc hòa giải là một trong những điều kiện để thanh toán thù lao vụ việc hòa giải. Tuy nhiên, thực tế diễn biến các vụ việc mâu thuẩn, tranh chấp trên thực tế lại khá phức tạp nên rất khó để xác định một vụ việc kết thúc hay chưa. Ví dụ: Anh A và chị B là vợ chồng, hai người có mâu thuẩn và đã nhờ hòa giải viên hòa giải, giúp đỡ. Hòa giải viên nhiệt tình giúp đỡ và đã giúp hòa giải thành. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau thì hai vợ chồng lại mâu thuẩn, lại nhờ hòa giải viên giúp đỡ. Trong trường hợp này, đây được xác định là một vụ việc hòa giải hay nhiều vụ việc hòa giải.
Từ thực tế đó, kiến nghị xem xét quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thực hiện thống nhất trên thực tế.
4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hòa giải ở cơ sở
Với tính chất hòa giải những vụ việc tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, thực tế cuộc sống diễn ra phong phú với rất nhiều các vụ việc được hòa giải hết sức sinh động. Và không phải vụ việc nào cũng được báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã; thông thường chỉ những vụ việc tranh chấp lớn mới được báo cáo chính quyền địa phương để ghi nhận. Vì vậy, số liệu về hoạt động hòa giải ở cơ sở có lúc chưa đầy đủ và chính quyền cũng chưa nắm hết tình hình thực tiễn của hoạt động này trên địa bàn để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Đề thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần thiết phải có biện pháp theo dõi, thu thập số liệu đầy đủ tại cơ sở. Và thuận lợi nhất, đó là thông qua Tổ trưởng Tổ dân phố (Trưởng thông,…) để nắm tình hình.