TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017), BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG,
CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HOẶC TRỪNG PHẠT TÀN BẠO,
VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân không?
1. Anh Quân ở phường AH, thành phố H hỏi: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Vậy, để không làm oan người vô tội, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 8 Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân như sau:
Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết.
Như vậy, việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân được quy định như viện dẫn trên.
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể được quy định như thế nào trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015?
2. Chị An có em trai đang bị tạm giữ vì có hành phạm tội. Chị An lo lắng trong thời gian em trai bị tạm giữ sẽ bị bức cung hoặc bị dùng nhục hình. Do đó, chi An hỏi: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể được quy định như thế nào trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể như sau:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.
Như vậy, việc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể được quy định như viện dẫn trên.
Công dân Việt Nam có thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác không?
3. Chị Mai hỏi: Việc bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân được quy định như thế nào trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015? Công dân Việt Nam có thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật.
Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.
Như vậy, việc bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân được thực hiện như viện dẫn trên. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác theo quy định nêu trên.
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được quy định như thế nào trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015?
4. Anh Quốc ở phường AH, thành phố H hỏi: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được quy định như thế nào trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.
Việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Như vậy, anh Quốc có thể tham khảo quy định nêu trên để nắm được vấn đề cần hỏi.
Trong hoạt động tố tụng hình sự, người bị tạm giữ trái pháp luật thì có được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự hay không?
5. Anh Bách hỏi: Trong hoạt động tố tụng hình sự, người bị tạm giữ trái pháp luật thì có được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự hay không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 31 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự như sau:
1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
2. Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Căn cứ quy định nêu trên, người bị tạm giữ trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Người bắt, giữ, giam người khác trái pháp luật mà làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thì bị xử lý hình sự như thế nào?
6. Anh Tuấn cho biết: Bác của anh Tuấn là ông Năm bị bắt giam trái pháp luật. Ông Nam là trụ cột gia đình nên kính tế gia đình của ông lâm vào khó khăn khi ông bị bắt. Do đó, anh Tuấn hỏi: Người bắt, giữ, giam người khác trái pháp luật mà làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thì bị xử lý hình sự như thế nào?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 30 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người bắt, giữ, giam người khác trái pháp luật mà làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Quy định về tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
7. Để đưa người thân vào làm việc ở cơ quan, Anh Tiến là trưởng phòng một đơn vị sự nghiệp đã đe dọa, ép buộc viên chức N phải thôi việc. Hành vi của anh Tiến đã có dấu hiệu phạm tội gì? Anh Tiến có bị xử lý hình sự hay không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 32 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật, như sau:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, hành vi nêu trên của anh Tiến đã có dấu hiệu của tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật, theo đó hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Nếu phạm tội đối với 02 người trở lên; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Quy định về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
8.Ông Phúc và bà Mai là đồng nghiệp nên bà Mai biết ông Phúc có hành vi vi phạm pháp luật. Để cản trở bà Mai khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của mình, ông Phúc đã đe dọa dùng vũ lực đối bà Mai. Do đó, bà Mai hỏi: Hành vi của ông Phúc có thể bị xử lý hình sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 166, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Trả thù người khiếu nại, tố cáo;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
d) Dẫn đến biểu tình;
đ) Làm người khiếu nại, tố cáo tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, hành vi đe dọa dùng vũ lực của ông Phúc nhằm cản trở bà Mai thực hiện việc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của ông Phúc đã phạm tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo và bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội có tổ chức; trả thù người khiếu nại, tố cáo; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi; dẫn đến biểu tình; làm người khiếu nại, tố cáo tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quy định về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân
9. Chị Oanh ở phường AH, thành phố H hỏi: Ông B có hành vi dùng vũ lực để cản trở anh T thực hiện quyền tự do ngôn luận đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này nhưng ông B vẫn tiếp tục vi phạm. Vậy, hành vi của ông B có bị xử lý hình sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, hành vi của ông B sẽ bị xử lý hình sự theo quy định nêu trên.
Quy định về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
10. Chị Ánh không đồng ý ly hôn nên anh Bảo chồng chị đã có hành vi hành hạ, ngược đãi và uy hiếp tinh thần chị. Anh Bảo đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục hành vi nêu trên. Do đó, chị Ánh hỏi: Hành vi của anh Bảo có thể bị xử lý hình sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau:
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Bảo có thể bị bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
11. Chị Mai cho biết: Hàng xóm của chị là bà Phương đang sống với con trai là anh Dũ. Anh Dũ thường xuyên có hành vi ngược đãi, đối xử tồi tệ và bỏ đói mẹ ruột của mình. Do đó, chị Mai hỏi: Hành vi của anh Dũ có thể bị xử lý hình sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy, hành vi ngược đãi, đối xử tồi tệ và bỏ đói mẹ ruột của anh Dũ đã có dấu hiệu của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Với hành vi đó, anh Dũ có thể bị xử phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Quy định về tội bắt cóc con tin
12. Anh Vinh ở phường AC, thành phố H hỏi: Hành vi bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin có thể bị xử lý hình sự về tội danh nào theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 301 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 103 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội bắt cóc con tin như sau:
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 04 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
Như vậy, anh Vinh có thể tham khảo quy định nêu trên để biết được vấn đề mình quan tâm.
Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình hay không?
13. Chị Tuyết ở phường AH, thành phố H hỏi: Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình hay không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên như sau:
1. Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;
b) Lập hồ sơ vụ án hình sự;
c) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
d) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;
đ) Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
e) Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng;
g) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Căn cứ quy định nêu trên, Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư có quyền hỏi cung bị can khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra không?
14. Anh Bảo ở phường TL, thành phố H hỏi: Cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư có quyền hỏi cung bị can khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Khoản 4 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;
- Lập hồ sơ vụ án hình sự;
- Hỏi cung bị can; lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại, đương sự;
- Tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án.
Căn cứ quy định nêu trên, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền hỏi cung bị can.
Người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì có bị xử lý hình sự không?
15. Người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì có bị xử lý hình sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự theo quy định nêu trên.
Quy định về tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật
16. Anh Phúc ở phường TD, thị xã HT hỏi: Chị N đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước thì có bị xử lý hình sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 372 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điểm u khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật;
c) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt khác;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, hành vi của chị N có thể bị xử lý hình sự theo quy định nêu trên.
Cán bộ điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có được lập hồ sơ vụ án hình sự khi được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hay không?
17. Anh Sanh ở thị trấn KT, huyện NĐ hỏi: Cán bộ điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có được lập hồ sơ vụ án hình sự khi được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hay không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Theo khoản 3 Điều 40 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cán bộ điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân khi được được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;
- Lập hồ sơ vụ án hình sự;
- Lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người làm chứng, bị hại, đương sự;
- Tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;
- Giao, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Căn cứ quy định nêu trên, cán bộ điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân khi được được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền lập hồ sơ vụ án hình sự.