Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 8.037
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT SƯ
Ngày cập nhật 12/09/2020

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT SƯ

 

1. Ông Hòa đang có tranh chấp về đất đai, ông muốn thuê luật sư giúp ông khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Ông đề nghị cho biết, luật sư thực hiện những dịch vụ phapslys gì và luật sư hành nghề có bị chi phối bởi các vấn đề gì không hay chỉ tuân thủ theo pháp luật?

Trả lời:

Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Luật luật sư số 65/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 và khoản 37 Điều 1 của Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư) quy định các vấn đề trên như sau:

1. Chức năng xã hội của luật sư

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

3. Nguyên tắc hành nghề luật sư:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

- Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

- Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Như vậy, ông Hòa yên tâm về hoạt động của luật sư. Luật sư hoạt động tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản nêu trên và không bị chi phối bởi các yếu tố khác. Hoạt động của luật sư có ý nghĩa xã hội quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Ông có thể tham khảo về các dịch vụ pháp lý của luật sư để nhờ luật sư tư vấn, thực hiện.

2. Bà Thoa và chồng muốn ly hôn, giữa hai người có những vấn đề tế nhị khó nói và bà muốn giữ bí mật. Bà Thoa dự định nhờ luật sư giúp đỡ về mặt pháp lý để tiến hành việc ly hôn nhưng còn lo ngại bị lộ các thông tin mà bà không muốn người khác biết. Bà đề nghị cho biết, pháp luật có quy định luật sư không được tiết lộ bí mật của khách hàng không và những hành vì gì luật sư không dược làm?

Trả lời:

Điều 9 Luật luật sư số 65/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư) quy định nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:

1. Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);

2. Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật;

3. Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

4. Sách nhiễu, lừa dối khách hàng;

5. Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

6. Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;

7. Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

8. Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật;

9. Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng;

10. Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.

Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

Trên đây là những hành vi nghiêm cấm luật sư thực hiện, trong đó có nghiêm cấm tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, chị Thoa có thể yên tâm để nhờ luật sư tư vấn, giúp đỡ về mặt pháp lý trong vụ việc của mình.

3. Chị Sương trú tại huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Chị muốn thuê luật sư tại Hà Nội để đại diện cho chị trong một vụ tranh chấp dân sự. Chị hỏi: Luật sư ở tỉnh/thành này có thể hành nghề tại tỉnh/thành khác không và họ có những quyền gì?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 21 Luật luật sư số 65/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư) quy định Luật sư có các quyền sau đây:

1. Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và quy định của pháp luật có liên quan;

2. Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;

3. Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư;

4. Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

5. Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

6. Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư.

Theo các quy định về quyền của luật sư như trên, luật sư được hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt nam và cả ở nước ngoài. Do đó, chị Sương có thể mời luật sư ở bất kỳ tỉnh/thành nào để giúp đại diện cho chị.

4. Chị Bình hỏi: Em trai chị bị tạm giữ vì có liên quan đến vụ án hình sự. Chị có thể mời luật sư bào chữa cho trai chị không?  

Điều 22 Luật luật sư số 65/2006/QH11 quy định phạm vi hành nghề luật sư như sau:

Trả lời:

1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện tư vấn pháp luật.

4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư.

Căn cứ quy định trên, chị Bình quyền mời luật sư tham gia bào chữa cho em trai chị là người đang bị tạm giữ.

5. Anh Toàn cho biết, anh đã nhờ luật sư C đại diện cho mình trong vụ việc dân sự. Tuy nhiên, khi vụ việc chưa kết thúc thì luật sư C đặt vấn đề với anh Toàn về việc chuyển giao vụ việc của anh cho luật sư khác làm thay. Anh Toàn không đồng ý và đề nghị cho biết: Luật sư có quyền chuyển giao vụ việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay không?

Trả lời:

Điều 24 Luật luật sư số 65/2006/QH11 quy định về nhận và thực hiện vụ, việc của khách hàng như sau:

1. Luật sư tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ, việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ, việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng.

2. Khi nhận vụ, việc, luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

3. Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.

Căn cứ quy định trên, Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng. Trong trường hợp trên, anh Toàn có thể yên tâm vụ việc của anh không được chuyển giao cho luật sư khác nếu anh không đồng ý.

6. Ông Thịnh thuê luật sư thuộc Văn phòng luật sư A tư vấn pháp lý trong vụ việc đàm phán giao kết hợp đồng thương mại. Luật sư nhận vụ việc đã cam kết không tiết lộ thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, ông Thịnh vẫn lo ngại các nhân viên có liên quan trong Văn phòng luật sư A có thể tiết lộ thông tin vụ việc này. Pháp luật có quy định về trách nhiệm giữ bí mật thông tin của tổ chức hành nghề luật sư không?

Trả lời:

Điều 25 Luật luật sư số 65/2006/QH11 quy định về bí mật thông tin như sau:

1. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.

Theo quy định trên, ông Thịnh có thể yên tâm về việc giữ bí mật thông tin của nhân viên trong Văn phòng luật sư A vì pháp luật đã yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.

7. Chị Thanh thuê luật sư đại diện cho mình trong vụ việc ly hôn. Luật sư đã gửi chị một hợp đồng dịch vụ pháp lý với các nội dung như: Tên, địa chỉ khách hàng; tên, địa chỉ luật sư; nội dung dịch vụ, thời hạn thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, phương thức và mức thù lao, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp. Các nội dung hợp đồng như trên đã đầy đủ chưa?

Trả lời:

Điều 26 Luật luật sư số 65/2006/QH11 quy định về thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý như sau:

1. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.

2. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;

b) Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng;

c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

d) Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có);

đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

e) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Như vậy, luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Hợp đồng gồm các nội dung chính như giới thiệu ở trên. Đối chiếu với quy định này, luật sư của chị Thanh đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

8. Luật sư K được bà Nga thuê để tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà trong vụ án hành chính. Bà Nga đề nghị cho biết, trong thời hạn bao nhiêu ngày, luật sư sẽ được cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng?

Trả lời:

Điều 27 Luật luật sư số 65/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 14 Điều 1 của Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; khoản 3 Điều 509 của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13) quy định về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư như sau:

1. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng và Luật Luật sư.

2. Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong trường hợp người tập sự hành nghề luật sư đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì khi liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức, luật sư hướng dẫn xuất trình Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giấy tờ xác nhận có sự đồng ý của khách hàng.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

Căn cứ quy định trên, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

 

 

 

 

 

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

(Các vấn đề được quy định tại Chương VII, VIII, IX)

 

1. Ông Thi là Tổ trưởng Tổ dân phố K hỏi: Các biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong trường hợp nào?

Trả lời:

Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định các biện pháp ngăn chặn như sau:

1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Trên đây là quy định về các biện pháp ngăn chặn. Ông Thi có thể tham khảo để biết mục đích và trường hợp áp dụng các biện pháp này.

2. Ông Sinh cho biết, tại địa phương của ông có trường hợp bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Vậy việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện khi nào và người nào có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp?

Trả lời:

Khoản 1 và 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định như sau:

1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:

a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

2. Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Trên đây là các trường hợp và người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Ông Thi tham khảo để biết và tuyên truyền pháp luật cho bà con ở địa phương.

3. Con trai bà Cảnh bị giữ người theo lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bà Cảnh đề nghị cho biết, con trai bà vô tội, không có liên quan gì đến tội phạm, con bà có được trả tự do không và khi nào thì được trả về?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định như sau:

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người chỉ huy tàu bay, tàu biển phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người và các nội dung khác theo quy định.

Căn cứ quy định trên, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, con trai bà Cảnh có thể bị tạm giữ (theo quyết định tạm giữ), bắt người bị giữ hoặc được trả tự do tùy theo tình hình thực tế vụ việc và quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp con trai bà thật sự vô tội thì cơ quan có thẩm quyền sẽ trả tự do cho anh.

4. Ông Sung trú tại xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, hỏi: Trường hợp người dân phát hiện có người đang thực hiện tội phạm thì có được bắt và tước vũ khí, hung khí của người bị bắt không?

Trả lời:

Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định bắt người phạm tội quả tang như sau:

1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Căn cứ quy định trên, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Sau khi bắt người thì phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

5. Ông Thà trú tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang hỏi: Trường hợp người dân bắt người đang bị truy nã thì phải giải người bị bắt đến cơ quan nào?

Trả lời:

Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định bắt người đang bị truy nã như sau:

1. Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Như vậy, khi người dân bắt người đang bị truy nã thì phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

6. Con trai bà Quýt có quyết định khởi tố bị can trong vụ án hình sự. Bà hỏi, khi con trai bà bị bắt giam, có sự chứng kiến của chính quyền nơi cư trú không và có bị bắt giam vào buổi tối không?

Trả lời:

Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định bắt bị can, bị cáo để tạm giam như sau:

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

2. Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

Căn cứ quy định trên, khi tiến hành bắt tạm giam con trai bà Quýt tại nơi cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến và việc bắt người không được thực hiện vào ban đêm.

7. Chị Thùy có chồng bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp. Chị đề nghị cho biết, sau khi bắt giữ người, có quan chức năng sẽ thực hiện ngay những việc gì?

Trả lời:

Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt:

1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

2. Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.

Trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết; nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.

Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất.

3. Trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt chuyển giao người bị bắt cho cơ quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất.

Trên đây là những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận của cơ quan chức năng. Chị Thụy tham khảo để biết và hỗ trợ chồng mình cũng như cơ quan chức năng trong hoạt động tố tụng.

8. Anh Thanh được mời chứng kiến việc bắt người. Anh có phải ký tên vào biên bản giữ người không? Biên bản phải có những nội dung cơ bản gì?

Trả lời:

Điều 115 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 quy định biên bản về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người như sau:

1. Người thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, thi hành lệnh hoặc quyết định bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm giữ, bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tài liệu, đồ vật bị tạm giữ, tình trạng sức khỏe và ý kiến, khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt; thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc.

Biên bản được đọc cho người bị giữ, người bị bắt và người chứng kiến nghe. Người bị giữ, người bị bắt, người thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt và người chứng kiến cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật của người bị giữ, người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Khi giao, nhận người bị giữ, người bị bắt phải lập biên bản.

Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 nêu trên, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao biên bản lấy lời khai, tài liệu, đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khỏe của người bị giữ, người bị bắt và những tình tiết xảy ra khi giao nhận.

Căn cứ quy định trên, anh Thanh là người chứng kiến việc giữ người phải ký tên vào biên bản giữ người; trường hợp có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên. Biển bản giữ người gồm những nội dung chính như trên.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày