Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.965.338
Truy cập hiện tại 2.042
Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh
Ngày cập nhật 23/10/2024

Ngày 16 tháng 9 năm 2024, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 58-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, để đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện có hiệu quả Kết luận 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định 895/QĐ-TTg, ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị 29/CT-TTg, ngày 23/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Hướng dẫn 13-HD/BTGTW, ngày 19/7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận 61-KL/TW, Chỉ thị 13-CT/TW.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim trời. Cán bộ, đảng viên “nói không với tiêu thụ động vật hoang dã”, không thực hiện các hành vi săn bắt, bẫy, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, các loài chim trời và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Thực hiện tốt chức năng giám sát và vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tố giác các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi săn, bẫy, tiêu thụ động vật rừng và các loài chim hoang dã.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng. Rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng. Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác; đình chỉ, xử lý nghiêm minh các dự án vi phạm quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp được giao đất nhưng sử dụng không hiệu quả; xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm.

Chú trọng phát triển rừng trồng đa loài bằng các loài bản địa, rừng ngập mặn; trồng rừng sản xuất theo mô hình gỗ lớn và chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Bảo vệ và quản lý nghiêm ngặt, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên. Triển khai các biện pháp bảo vệ, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng; khai thác hợp lý, bền vững và hình thành các vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Thực hiện hiệu quả chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thực hiện phân cấp, phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định phát luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và nghiên cứu xây dựng các chính sách của tỉnh để quản lý hiệu quả diện tích rừng, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên… trên địa bàn tỉnh.

3. Chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, truy quét, kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, chợ, điểm kinh doanh, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã… để phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về săn, bắt, bẫy, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, trưng bày để kinh doanh các loài động vật hoang dã trái phép, nhất là kiểm soát chặt chẽ tình trạng vận chuyển, mua bán chim dạo và săn bắt các loài chim hoang dã, di cư.

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng đất ngập nước, khu tràm chim… Tiếp tục tổ chức triển khai chặt chẽ cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày mẫu vật động vật hoang dã không bảo đảm nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

4. Tăng cường đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật hoang dã, các loại lâm sản trái pháp luật; nghiên cứu tăng cường chế tài, đơn giản thủ tục tố tụng để xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, nhất là hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật.

5. Tổ chức thực hiện

- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nghiêm Chỉ thị này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện.

- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; xem xét thông qua một số chính sách phù hợp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

- Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững và bảo tồn động vật hoang dã, gắn với nghiên cứu xây dựng các chính sách của tỉnh.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng” và phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác” hằng năm.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường định hướng, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, các loài chim trời.

- Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày