Theo đó, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai từ nay đến cuối năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự ở các cấp, các ngành, địa phương theo các quy định hiện hành của pháp luật; chuẩn bị các phương án để xem xét kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp và cơ quan tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoạt động từ ngày 01/7/2024, trong đó lưu ý phải đảm bảo nguyên tắc tổ chức mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện, kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có, không để gián đoạn trong tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai, nhất là những tháng tới là thời kỳ cao điểm về bão, mưa lũ.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài khí tượng Thuỷ văn tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác nhất diễn biến thiên tai, nhất là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và của cả cộng đồng; đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
5. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các Trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế trong phòng, chống thiên tai nhằm trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ, đề tài, ứng dụng khoa học và công nghệ, thông tin, kỹ thuật, tài chính nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế
a) Chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ; xác định trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”.
b) Nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ứng phó thiên tai, sự cố của từng sở, ngành, từng địa phương; tổ chức tập huấn, diễn tập, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo các tình huống, phương án, kế hoạch đã xây dựng.
7. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Công điện số 45/CĐ-TTg ngày 07/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 5139/UBND-NN ngày 21/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác chủ động phòng, chống thiên tai và sạt lở trên địa bàn tỉnh./.