Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 17/6/2024 về vụ cháy nhà dân tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực phụ trách tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 17/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung được giao, nhất là Công điện số 04/CĐ-CT ngày 30/5/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; trong đó tập trung rà soát, phân loại và có ngay giải pháp hữu hiệu về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cho thuê trọ, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất xử lý trách nhiệm (nếu có) của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ).
2. Công an tỉnh
Tiếp tục, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức rà soát, phân loại, kiểm tra, kiến nghị và có ngay các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các chung cư, nhà cho thuê trọ, ký túc xá, cơ sở lưu trú khác, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao,…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người dân, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh trong dịp nắng nóng. Theo phân cấp quản lý, tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở tôn giáo, di tích, đình, đền chùa (Trong đó, tập trung kiểm tra hệ thống điện; kiểm tra cách bố trí tài sản, phương tiện, lối thoát hiểm; sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại các nơi thắp hương, hóa vàng mã; tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, ban quản lý di tích trong việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn, tuyên truyền Luật phòng cháy, chữa cháy, các văn bản, quy định về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ...)
3. Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng theo phân cấp; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng theo thẩm quyền, chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép, nhất là đối với các loại hình nhà trọ, nhà ở cho thuê trọ,...
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nguy có cháy, nổ, nhất là vào thời điểm những ngày nắng nóng.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với lực lượng Công an tổ chức các chương trình tuyên truyền, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp cho học sinh, sinh viên, trẻ em trong thời gian nghỉ hè với hình thức phù hợp (đảm bảo 100% học sinh tham gia và nắm vững các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp; hoàn thành trong tháng 7/2024).
6. Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế yêu cầu ngành điện phân công cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, góp phần hạn chế cháy, nổ do điện gây ra (việc kiểm tra, hướng dẫn hoàn thành trước ngày 15/8/2024; giao Sở Công Thương chủ trì, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tập hợp).
7. Sở Tư pháp
Phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương có liên trong công tác xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; trả lời các khó khăn, vướng mắc (nếu có) liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy.
8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
Tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và khắc phục các tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi quản lý (trong đó tập trung rà soát, phân loại có ngay giải pháp hữu hiệu về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cho thuê trọ, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định).
Tổ chức rà soát và xử lý đối với các hành vi lấn chiếm đường giao thông cho xe chữa cháy, làm hư hỏng hoặc che lấp các trụ tiếp nước chữa cháy đô thị. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, thi công các công trình xây dựng tại địa phương; kịp thời phát hiện sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có vi phạm về trật tự xây dựng theo đúng quy định của pháp luật (theo phân cấp quản lý).
Chỉ đạo triển khai quyết liệt việc vận động 100% hộ gia đình tự trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy và mỗi gia đình có ít nhất có một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% nhà từ 02 tầng trở lên có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra (hoàn thành trước ngày 15/8/2024). Theo địa bàn quản lý, yêu cầu đơn vị quản lý các Nhà chung cư, Nhà tập thể, nhà trọ, cơ sở lưu trú, cơ sở có nguy có cháy, nổ cao,… phải tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ để Nhân dân nắm vững các kỹ năng thoát nạn, kỹ năng chữa cháy,… vận động, hướng dẫn hộ gia đình có “chuồng cọp” mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các phòng, ban và đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở tôn giáo, di tích, đình… tại địa phương (theo phân cấp quản lý). Trong đó, tập trung kiểm tra hệ thống điện; kiểm tra cách bố trí tài sản, hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm; sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại các nơi thắp hương, hóa vàng mã; tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, ban quản lý di tích trong việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn, tuyên truyền Luật phòng cháy, chữa cháy, các văn bản, quy định về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ....
9. Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định, điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu các cơ sở tôn giáo cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe...; lưu ý việc thắp hương, hóa vàng. Đồng thời bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra canh gác thường trực trong thời điểm khách đến thắp hương để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn, nhất là vào ban đêm.
10. Các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức tốt công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; rà soát toàn bộ các cơ sở, các công trình thuộc quyền và phạm vi quản lý, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; chấp hành nghiêm các kiến nghị của các Đoàn Thanh tra, Đoàn kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (nếu có). Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động (100% người làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở) phải được tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định của pháp luật); tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát, rà soát; kịp thời sửa chữa, bảo trì các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ./.