Theo đó, nhiệm vụ thực hiện công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người được đề ra cụ thể như sau:
1. Công tác truyền thông
- Tập trung xác định rõ đối tượng, nội dung và phương pháp truyền thông phù hợp nhằm mục tiêu trong năm 2024 kéo giảm số vụ phạm tội mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất cảnh ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao; mua bán người trong nội địa. Đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động sân khấu hóa, xây dựng pano, áp phích… (Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).
- Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với thông điệp quốc tế về phòng, chống mua bán người năm 2024 (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).
- Xây dựng sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình, tin, bài, phóng sự về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, chính sách, pháp luật và kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người của lực lượng chức năng trên các kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin, báo chí (Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).
- Tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người trên cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội chính thống của các sở, ban, ngành, địa phương (Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện); tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tại các địa bàn biên giới, vùng biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống mua bán người (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì thực hiện); thông tin cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” cho cộng đồng người Việt Nam nói chung và người Thừa Thiên Huế nói riêng ở nước ngoài (Sở Ngoại vụ chủ trì thực hiện); tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống mua bán người trong học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục, nội dung tập trung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong nội địa, mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động “việc nhẹ lương cao” (Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện); lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật và thực hiện phong trào xây dựng làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; tổ chức hội thảo, tuyên truyền, triển lãm phòng, chống mua bán người gắn với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch chủ trì thực hiện).
- Phát huy vai trò của lực lượng Công an cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người (Công an tỉnh chủ trì thực hiện). Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông gửi tin nhắn tuyên truyền về phòng, chống mua bán người (Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện).
2. Công tác phòng ngừa xã hội
- Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng tình hình, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người tại địa phương, làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, giải pháp phòng ngừa xã hội.
- Tổ chức lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân (như: vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...) không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành để trực tiếp chỉ đạo giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
(Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện)
3. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ
- Lực lượng Công an, chủ công là lực lượng Cảnh sát Hình sự phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của ngành về công tác nghiệp vụ cơ bản phòng, chống mua bán người, trong đó đặc biệt lưu ý tổ chức điều tra cơ bản lĩnh vực phòng, chống mua bán người xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, theo các chỉ tiêu, yêu cầu của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã đề ra. Triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản phòng, chống mua bán người đảm bảo toàn diện, từ đời thực đến không gian mạng; thực hiện hiệu quả nội dung liên quan đến tội phạm mua bán người thuộc phần mềm nghiệp vụ cơ bản và điều tra hình sự.
Xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, nắm tình hình, rà soát các đường dây, băng, nhóm, đối tượng nổi lên, số có tiền án, tiền sự, môi giới, “cò mồi” và nghi vấn hoạt động mua bán người; các trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày, lấy chồng nước ngoài, có con lai về thăm thân; số nạn nhân trở về địa phương; tập trung đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn “nội địa - khu vực biên giới - ngoại biên”; tăng cường thu thập thông tin trên “không gian mạng”, nắm chắc các hội, nhóm, đường dây trên không gian mạng liên quan đến tội phạm mua bán người; chú trọng phòng ngừa, phát hiện mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài nhằm mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), góp phần phòng ngừa mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động trên biển.
- Chú trọng công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; quản lý, rà soát, kiểm tra hành chính các lĩnh vực môi giới cho nhận con nuôi, kết hôn, lao động có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân..., các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như các cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú (nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn), nhà hàng, quán bar, massage, karaoke, vũ trường, khu công nghiệp, khu du lịch, địa bàn giáp ranh... để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán.
- Tiếp tục khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030” phục vụ công tác phòng, chống mua bán người; truy bắt, vận động đầu thú các đối tượng truy nã về mua bán người.
(Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện)./.