- Cho vay hộ nghèo: 1.480 lượt hộ vay/73.607 triệu đồng;
- Cho vay hộ cận nghèo: 6.123 lượt hộ vay/295.899 triệu đồng;
- Cho vay hộ mới thoát nghèo: 7.363 lượt hộ vay/412.459 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Đến ngày 31/10/2023, có 42.256 người (24.694 người thuộc hộ nghèo; 17.562 người thuộc hộ cận nghèo) được cấp thẻ BHYT với kinh phí 35,094 tỷ đồng. Có 72.219 lượt người nghèo, cận nghèo (37.341 lượt người nghèo; 34.878 lượt người cận nghèo) được khám chữa bệnh với kinh phí 60,4 tỷ đồng.
Chính sách trợ cấp xã hội cho đối tượng yếu thế: Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; năm 2023, thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 60 ngàn đối tượng với kinh phí hỗ trợ hàng tháng hơn 30 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền điện hộ nghèo: Năm 2023, đã hỗ trợ tiền điện cho hơn 10.000 lượt hộ nghèo với mức 55.000 đồng/tháng. Tổng kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo hơn 7 tỷ đồng.
Chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập: Thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Tính đến nay đã hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 30 ngàn lượt học sinh với kinh phí hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng.
Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Năm 2023, đã tuyển sinh và đào tạo là 3.331 người. Trong đó, nghề phi nông nghiệp là 2.655 người (150 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), nghề nông nghiệp là 676 người (102 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), như: ký hợp đồng với các đơn vị triển khai các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng để đào tạo nghề trong CTMTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có 1.201 người lao động nông thôn tham gia học nghề phi nông nghiệp với kinh phí hỗ trợ từ dự án khác và kinh phí đóng góp của người học. Giải quyết việc làm cho 17.034 người (trong đó có 1.586 lao động thuộc hộ nghèo, 1.560 lao động thuộc hộ cận nghèo); có 2.325 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (trong đó có 103 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo).
Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Ngoài 920 nhà sửa chữa, xây mới với kinh phí 48.120 triệu đồng, với nguồn kinh phí tạm ứng theo Nghị quyết số 78/NQ-HĐND ngày 21/8/2023, huyện A Lưới đang triển khai hỗ trợ nhà ở cho 437 hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 với kinh phí 22.860 triệu đồng. Tổng đến nay, có 1.946 đã, đang được xây mới, sửa chữa với kinh phí 92.209 triệu đồng.
Chính sách trợ giúp pháp lý: Hoạt động tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân các cấp: đã thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 24 người được trợ giúp pháp lý thuộc diện người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là bị can, bị cáo, bị hại, đương sự trong các vụ việc. Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý: qua các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý đã thu hút 2.054 lượt người tham dự, trong đó có đối tượng người thuộc hộ nghèo. Cấp phát miễn phí tại các đợt truyền thông hơn 11.050 tờ gấp pháp luật các loại nói chung, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân nói chung và người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn.
Hỗ trợ tiếp cận dịch vụ viễn thông: Hiện nay, có 35 trường học, trạm y tế tại địa bàn các xã thuộc huyện A Lưới, Nam Đông đã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ băng rộng cố định; 2.329 hộ nghèo và cận nghèo tại địa bàn 21 xã nghèo, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ sử dụng dịch vụ băng rộng cố định; 5.180 hộ nghèo và cận nghèo tại địa bàn các xã trên toàn tỉnh được hỗ trợ sử dụng dịch vụ di động.
Đánh giá các chỉ tiêu giảm nghèo: Số hộ nghèo 7.540 (23.127 khẩu), tỷ lệ: 2,27%; Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 là 2,27% và tỷ lệ giảm nghèo năm 2023 là 1,29%. Vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên: 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% của huyện A Lưới đều có tỷ lệ giảm nghèo từ 7% trở lên, đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó xã Hồng Bắc có tỷ lệ giảm cao nhất 27,83%. Có 02 xã có tỷ lệ nghèo dưới 25% (xã Hồng Bắc, xã Hồng Thượng). Hiện còn 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.
Chỉ tiêu về hỗ trợ đào tạo; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động: Năm 2023, lực lượng lao động toàn tỉnh là 615.143 người; trong đó lao động qua đào tạo là 432.137 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,25%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tính đến cuối tháng 11/2023, đã tuyển sinh 16.150 người, trong đó: 3.990 học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp THCS, THPT học trình độ cao đẳng, trung cấp và 12.160 người học trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70,25%. Đã giải quyết việc làm cho 17.034 người, trong đó có 2.325 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đạt mục tiêu đề ra.
Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Từ nguồn ngân sách và huy động sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể trong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Mặt trận tổ quốc Việt nam các cấp, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã, đang hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.946 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 92.209 triệu đồng, vượt chỉ tiêu đề ra.
Chỉ tiêu tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp: Căn cứ nguồn vốn được phân bổ, các sở, ngành và địa phương đã, đang xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo các cấp nhằm đảm bảo 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tham gia tập huấn nâng cao năng lực.
Nhìn chung, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện mục tiêu của các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn. Là năm then chốt, tăng tốc phấn đấu để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều thuận lợi đan xen nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,56%, số lượng xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% còn cao, số hộ nghèo và hộ cận nghèo không có khả năng lao động còn nhiều, nhóm hộ này được xác định là nhóm hộ không thể thoát nghèo, cần có chính sách hỗ trợ lâu dài; đồng thời tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn phụ thuộc vào tình hình biến động trong nước và thế giới, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người nghèo.
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,84%. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách tỉnh Thừa Thiên Huế phải chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp đồng bộ và sáng tạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tối đa các nguồn lực của trung ương, địa phương, cộng đồng và người dân, các nguồn xã hội hoá khác để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đến 2025./.