Theo đó, nhằm đạt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 100% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên giao tiếp tốt với khách du lịch nước ngoài…Tại Kế hoạch đã đề ra các nội dung cụ thể như sau:
Hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Rà soát, tích hợp và bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Triển khai, hướng dẫn Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch, bao gồm: Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch; Tài liệu hướng dẫn công nhận điểm du lịch nông thôn và cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh. Tiếp tục rà soát xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch nông thôn
Phát triển, nâng cao chất lượng điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục nâng cao chất lượng điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn hiện có trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Tập trung phát triển xây dựng mới các điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng phát triển ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận mang đặc trưng từng địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; Tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nhằm duy trì, phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch...
Tập trung khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; phát triển các sản phẩm du lịch mới
Tập trung phát triển xây dựng mới các điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo đề án Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch tỉnh. Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch gắn với làng nghề, các sản phẩm OCOP, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương. Triển khai xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm gắn với lợi thế của địa phương. Tổ chức đánh giá, công nhận mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch, công nhận các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tuyên truyền, tập huấn và nâng cao năng lực về du lịch nông nghiệp, nông thôn
Tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng đối tượng (cán bộ quản lý cấp xã, chủ thể và cộng đồng...) tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn
Áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không rác thải. Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, văn hóa...; xây dựng các công cụ, câu chuyện sản phẩm nhằm giới thiệu, quảng bá cho các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn...
Triển khai áp dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động quảng bá du lịch nông thôn. Hỗ trợ số hóa các điểm đến và xây dựng bản đồ số kết nối mạng lưới điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức thí điểm và vận hành triển lãm thực tế ảo về du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng các hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn
Tổ chức sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch, các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (youtube, facebook, ...) giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn.