Theo đó, thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 (Chương trình); Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát chức năng nhiệm vụ, hàng năm đề xuất triển khai các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó:
a) Chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện các nội dung tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Chương trình. Tập trung vào các nội dung:
- Tham mưu xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2024-2030” và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/4/2024.
- Tổ chức công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản.
- Nghiên cứu, tham mưu thành lập Khu Bảo tồn biển Bắc Hải Vân - Sơn Chà theo đúng quy định; tổ chức cứu hộ các loài động vật thủy sinh nguy cấp, quý hiếm; nuôi cấy bổ sung, phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn.
- Hình thành các khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản.
- Thực hiện quan trắc theo thời gian thực, cập nhật cơ sở dữ liệu trong Khu Bảo tồn biển.
- Kiện toàn lại các tổ chức thực hiện đồng quản lý như Chi hội Nghề cá, tổ, đội sản xuất trên biển gắn với quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản.
- Điều chỉnh, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản phù hợp theo hướng giảm dần các nghề khai thác có tính hủy diệt.
- Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã được phân cấp.
- Phối hợp với lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, các Chi hội Nghề cá ở cơ sở,… tăng cường tuần tra, kiểm soát, phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo thẩm quyền.
- Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân trong việc phát triển khoa học công nghệ trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Xã hội hóa công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.
- Tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản.
b) Chỉ đạo Ban Quản lý Cảng cá tỉnh tăng cường công tác quản lý tàu thuyền xuất và cập cảng đảm bảo theo quy định (các loại thủ tục giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình..). Kiểm soát các hoạt động nghề cá tại các cảng cá để triển khai công tác chống khai thác IUU.
c) Chỉ đạo Trung tâm giống nghiên cứu để sản xuất, sinh sản nhân tạo, ương nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học. Nhất là các loài bản địa, đặc sản, đặc hữu phục vụ công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tăng cường quản lý đất mặt nước, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, mặt nước để nuôi trồng, khai thác thủy sản ảnh hưởng đến môi trường, tập tính di cư sinh sản của đối tượng thủy sản, nguồn lợi thủy sản và giao thông nội địa trên sông, đầm phá.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan khác, gây ô nhiểm các thủy vực tự nhiên.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển theo ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính giám sát, kiểm tra đánh giá về kết quả quản lý và sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình.
4. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu kinh phí thường xuyên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm thực hiện Kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, các trang thông tin điện tử tổng hợp, các kênh truyền thông của Hue-S... tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh và Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và xã hội trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
6. Công an tỉnh
Đấu tranh, làm rõ và xử lý các hành vi tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bất hợp pháp trong công tác chống khai thác IUU; phối hợp với các sở, ban ngành, chính quyền các cấp để tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng điện, chất nổ, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác thủy sản bằng các nghề cấm. Quản lý các phương tiện ra, vào cửa biển đảm bảo theo quy định (các loại thủ tục giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình,...) để triển khai có hiệu quả công tác chống khai thác IUU.
8. Sở Công Thương
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; phối hợp với đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp để khai thác thủy sản.
9. Các sở, ban, ngành liên quan
- Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành và thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương theo dúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật.
- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động và sử dung có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để quản lý, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Lập phương án, kế hoạch để phối hợp các đơn vị, địa phương khác có liên quan thực hiện công tác quản lý khai thác, phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ.
- Phối hợp, thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. Tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định. Kiên quyết đấu tranh để tiến tới loại bỏ các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm. Tổ chức thanh tra công vụ đối với Ủy ban nhân dân cấp xã buông lỏng việc thực hiện quản lý thủy sản.
- Nghiên cứu thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ cộng đồng để hỗ trợ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quản lý theo quy định Luật Thủy sản 2017./.