Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 1.767
Sơ kết 05 năm thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 15/12/2023

Sau khi Luật Tiếp cận thông tin được ban hành, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh tổ chức các Hội nghị triển khai Luật cho 120 người là lãnh đạo chủ chốt các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế.

 

Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, thông qua việc thực hiện các Chương trình, Đề án liên quan tới công tác PBGDPL, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã tổ chức 20 Hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho 1.260 lượt người là cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tập huấn viên, Tuyên truyền viên pháp luật về những nội dung liên quan đến việc triển khai, thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan. Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã đầu tư, nâng cấp và ứng dụng mạng xã hội, mạng viễn thông trong công tác tiếp nhận, cung cấp thông tin theo yêu cầu của tổ chức, Nhân dân. Biên soạn, cấp phát miễn phí 70.000 tờ gấp pháp luật phục vụ công tác truyền thông cho cán bộ, Nhân dân tại cơ sở.

Để bảo đảm, thực hiện trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin (bao gồm công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân tại cấp cơ sở, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã giới thiệu đề cương“Hướng dẫn thực hiện quyền tiếp cận thông tin - thúc đẩy xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” tại Hội nghị điểm về bồi dưỡng công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại cấp xã nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân nắm bắt kịp thời những quy định của Luật Tiếp cận thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định.

Nhìn chung, việc tập huấn kỹ năng cung cấp thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin chủ yếu lồng ghép qua Hội nghị tập huấn kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hoặc thông qua Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật tại 09 huyện, thị xã, thành phố do Hội đồng PBGDPL tỉnh thực hiện. Thông qua các Hội nghị này, 100% cán bộ, công chức làm đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị đã được bồi dưỡng cho những người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cho báo chí tại các sở, ban, ngành, cơ quan trong tỉnh, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức và viên chức tại các huyện, thị xã, thành phố các kiến thức và kỹ năng về giao tiếp, phát ngôn, thuyết trình và cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhìn chung, tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Điều 17 (nội dung thông tin công khai), Điều 18 (hình thức, thời điểm công khai thông tin) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, địa phương. Trong đó, 100% các cơ quan thực hiện công khai thông tin qua Trang thông tin điện tử.

Các cơ quan, địa phương đã cơ bản bảo đảm được trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết cho việc cung cấp thông tin. Công tác văn thư, lưu trữ, thống kê được các cơ quan nhà nước kiện toàn, thực hiện theo đúng quy định về công tác văn thư, lưu trữ; tăng cường ứng dụng các phần mềm điện tử trong giải quyết hồ sơ, công việc, số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu, đẩy nhanh tiến độ công việc, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Bố trí phòng làm việc và các phương tiện hỗ trợ để phục vụ cung cấp thông tin, như: máy phô tô, máy fax, máy vi tính nối mạng Internet, máy tính xách tay. Về việc tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin, các cơ quan, địa phương hiện nay chưa bảo đảm được trang thiết bị, tuy nhiên đã bố trí công chức, viên chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này theo quy định tại Nghị định số 13/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, ban hành và thực hiện công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm cho Nhân dân. Hình thức công khai chủ yếu qua Trang/Cổng thông tin điện tử; niêm yết công khai ở bảng niêm yết. Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, một số cơ quan chuyên môn đã ban hành Quy chế cung cấp thông tin theo tính chất đặc thù của ngành. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện công khai thông tin theo quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế. Một số cơ quan, đơn vị đã xây dựng kênh/chuyên mục riêng biệt nhằm tiếp nhận ý kiến của tổ chức, cá nhân (Sở Xây dưng, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Tư pháp,…).

Thực hiện thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; từ năm năm 2017 đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế đã xây dựng chức năng hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, cấp huyện, các xã, phường bao gồm tăng, giảm cỡ chữ, đọc văn bản bằng giọng nói, với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trang Thông tin điện tử. Tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Thực hiện chủ trương ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 18 lớp tập huấn để tuyên truyền phổ biến các chế độ, chính sách có liên quan đến người khuyết tật với 1.200 lượt người tham gia, trong đó lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm cung cấp thông tin đối với người khuyết tật trong các chương trình tập huấn.

Các hình thức cung cấp thông tin phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 2 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh áp dụng, triển khai. 100% các cơ quan nhà nước có Trang thông tin điện tử và được cập nhật thông tin thường xuyên. Hệ thống phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh ở cơ sở của địa phương thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, văn bản chỉ đạo của các cơ quan nhà nước. Thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, miền núi được chú trọng tại các địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới.

Có thể nói, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, chuẩn bị triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin được UBND các cấp quan tâm, trong đó chú trọng việc quán triệt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của công tác cung cấp thông tin. Công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành được Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan nhà nước thực hiện bằng nhiều hình thức, qua đó người dân nắm được quy định cơ bản về quyền được tiếp cận thông tin cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin theo quy định. Việc triển khai Luật được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất đã góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của Nhân dân, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước

Các tin khác
Xem tin theo ngày