Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 3.153
Huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị
Ngày cập nhật 13/12/2023

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về phương thức phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), qua đó cho phép thành phố Hà Nội huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị. Cơ chế TOD mang lại những lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và cho sự phát triển chung của Thủ đô. Đáng chú ý là TOD không chỉ là cơ chế thúc đẩy nguồn lực nội sinh cho phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là cơ chế vượt trội trong việc hài hoà lợi ích của các bên khi khai thác giá trị tăng thêm từ đất.

 

Theo cơ chế TOD, trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết đường sắt đô thị và khu vực TOD, thành phố Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng công trình ngầm, công trình trên cao trong khu vực TOD. Tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao tại khu vực TOD được đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga. 

Đối với các tuyến đường sắt đô thị còn lại dự kiến sẽ được xây dựng, mô hình TOD như trong dự thảo Luật Thủ đô sẽ giúp hình thành hàng chục khu vực TOD với diện tích lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta đất và không gian ngầm, không gian trên cao có thể được đưa ra đấu giá. Theo TS Lê Duy Bình, đây là nguồn lực nội sinh rất lớn có thể chuyển hoá thành nguồn vốn để đầu tư trở lại trực tiếp cho việc hình thành hệ thống giao thông công cộng vô cùng thiết yếu nhằm xây dựng Thủ đô thành một đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Góp phần tăng giá trị tài sản của người dân trong khu vực TOD

TOD là một cơ chế rất tiềm năng và có tính khả thi để tạo nguồn lực để Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển đường sắt đô thị. Hoàn thành đúng tiến độ các dự án đường sắt đô thị không chỉ mang lại lợi ích lập tức về giao thông, đi lại mà còn giảm bức xúc của người dân do các dự án giao thông đô thị kéo dài do quây tường, ngăn đường, lập các lô cốt xây dựng gây ách tắc giao thông vốn làm tăng chi phí xã hội, làm giảm sức cạnh tranh về thu hút du lịch và đầu tư của Thành phố.   

Việc hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD, và dựa trên nguyên tắc lấy đầu mối giao thông đường sắt đô thị làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng sẽ không chỉ  góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân về việc sử dụng công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Cơ hội mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư

Do TOD là giải pháp tổng thể về phát triển đô thị làm cơ sở cho quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông đường sắt đô thị làm điểm tập trung dân cư, nên ông Bình cũng cho rằng, việc thực hiện theo hình thức TOD sẽ mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư về bất động sản, phát triển đô thị nhờ các khu vực TOD được quy hoạch. Các khu vực TOD được quy hoạch xung quanh các nhà ga là các khu đất có có giá trị thương mại cao nhờ tính kết nối với toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị, và đều là các khu “đất vàng” hay có tiềm năng trở thành khu “đất vàng” trong tương lai. 

Bằng phương thức TOD, thành phố Hà Nội sẽ có quyền chủ động hơn về tài chính do giảm được sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay, và do vậy có quyền chủ động hơn trong việc lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà thầu và điều kiện đối với các nhà thầu. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý tạo các cơ hội và điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thiết kế, xây dựng và vận hành, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường sắt đô thị, cung ứng các dịch vụ kỹ thuật, phần mềm, tín hiệu cho các tuyến đường sắt đô thị.

Từ đó, cơ hội để hình thành một ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, các doanh nghiệp cung ứng nguyên, nhiên vật liệu cho quá trình xây dựng như sắt, thép, xi măng, cấu kiện nhà ga… cũng sẽ được hình thành nhờ tính chủ động hơn của chủ đầu tư trong việc quyết định về lựa chọn nhà thầu hay các nhà cung cấp cho các công trình xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

Lợi ích cho Nhà nước 

Bên cạnh mang lại lợi ích cho người dân, cơ hội cho doanh nghiệp, mô hình TOD sẽ góp phần khắc phục được một hạn chế hiện nay là việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng, và các hạn chế của quy định pháp luật hiện tại chưa cho phép Nhà nước có thể thu được chênh lệnh địa tô sau khi Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng. Như vậy, lợi ích cụ thể nhất giá trị tăng thêm từ đất mà Nhà nước thu hồi được sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc phát triển các khu đô thị, tổ hợp bất động sản và sau đó xây dựng các tuyến đường sắt để kết nối các khu đó.

Ngoài khả năng tăng mức thu hồi giá trị tăng thêm từ đất, mô hình TOD  cũng cho phép Nhà nước khai thác được giá trị từ khoảng không gian ngầm, không gian trên cao, ví dụ như các khu không gian ngầm, không gian trên dưới quảng trường ga, các nhà ga. Các khu vực này vẫn thuộc sở hữu Nhà nước và có thể được khai thác thương mại lâu dài để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Mô hình TOD cho phép huy động được nguồn lực từ tư nhân để cùng đối tác với nguồn vốn từ Nhà nước để xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Do vậy, nguồn lực nội sinh sẽ được phát huy. Việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cũng sẽ giúp giảm bớt yêu cầu chi từ ngân sách Nhà nước, giảm yêu cầu phải vay nợ, giảm nợ công. Các rủi ro đội giá công trình cũng có thể được kiểm soát tốt hơn. Đồng thời, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước mà đáng lẽ ra phải đầu tư cho cơ sở đường sắt có thể được sử dụng cho các mục đích, công trình khác như y tế, giáo dục, văn hoá, khoa học, môi trường.

TOD sẽ tạo cơ chế để thành phố Hà Nội sớm kết nối với các không gian tăng trưởng mới, phát huy tiềm năng của các dự án trọng điểm đang được triển khai khác. Nhìn chung, cơ chế về TOD như quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp như đã đề ra trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày