Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 3.155
Một số kết quả đạt được về phát triển xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 13/12/2023

1. Về giáo dục - đào tạo

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo đã tập trung triển khai thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục - đào tạo gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Qua đó, nội dung, chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp giáo dục được đổi mới theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, phát huy phẩm chất, năng lực và tính tích cực của học sinh, sinh viên, đảm bảo hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Các trường phổ thông đã tập trung vào các yếu tố đổi mới thông qua việc hướng dẫn học sinh tự học; xây dựng các tập thể học sinh tự quản, đổi mới không gian lớp học để hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Giáo viên chuyển từ vai trò người truyền đạt kiến thức sang người tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ hoạt động dựa theo sách giáo khoa và sách giáo viên.

Đến nay, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục được rà soát, sáp nhập hợp lý, tinh gọn, phù hợp giữa các ngành học, cấp học, quy mô học sinh và theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Toàn tỉnh, hiện có 570 trường mầm non và phổ thông, trong đó, có 206 trường mầm non, 194 trường Tiểu học, 131 trường THCS, TH và THCS và 39 trường THPT, THCS và THPT và trường TH, THCS và THPT, 9 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và 1 trung tâm GDTX cấp tỉnh. Ngoài ra, hiện có 145 trung tâm học tập cộng đồng phường, xã và 53 trung tâm Ngoại ngữ - Tin học. Tỉnh rất quan tâm công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, đầu tư, kiểm tra, do đó đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 404/570 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,9% (mầm non 118/206 trường, đạt 57,3%; tiểu học 172/194 trường, đạt 88,7%; THCS 96/131 trường, đạt 73,3%; THPT 18/39 trường, đạt 46,2%).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ và năng lực ngày càng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện thường xuyên. Công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp và thi trung học phổ thông quốc gia được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế.

Đại học Huế tiếp tục khẳng định là một trung tâm lớn đào tạo đại học và sau đại học của cả nước. Đang tập trung phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia; triển khai Đề án phát triển Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế theo mô hình Trường - Viện cấp quốc gia, hướng tới đạt chuẩn quốc tế và Đề án phát triển Trường Đại học Sư phạm trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia. Đại học Huế đã tham gia vào các mạng lưới giáo dục thế giới, là thành viên chính thức và liên kết của 18 tổ chức quốc tế; thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 400 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới. Thực hiện 25 dự án, chương trình và dự án hợp tác quốc tế do các trường đại học và tổ chức quốc tế tài trợ. Trong những năm gần đây, Đại học Huế luôn có thứ hạng khá cao trên các bảng xếp hạng đại học. Theo bảng xếp hạng đại học Châu Á 2023 do tổ chức QS (Quacquarelli Symonds Ltd.) công bố ngày 08/11/2022, Đại học Huế được tăng xếp hạng vào top 351- 400 Châu Á, thứ 61 khu vực Đông Nam Á và thứ 6 Việt Nam. Thứ hạng trên Webometrics có xu hướng tăng dần qua từng năm và luôn nằm trong top 07 Đại học tốt nhất Việt Nam.

2. Về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Với vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh được đầu tư, ngày càng hoàn thiện trên cả 03 tuyến: Trung ương, tỉnh và tuyến cơ sở.

Bệnh viện Trung ương Huế phát huy hiệu quả vai trò là hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, là bệnh viện hạng đặc biệt, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, hướng đến mục tiêu là Trung tâm Y học cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế. Đã tập trung mở rộng, nâng cấp Bệnh viện Quốc tế lên quy mô 500 giường, cùng với các Bệnh viện đa khoa của tỉnh, các bệnh viện chuyên ngành trở thành tổ hợp trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của cả nước, có trình độ kỹ thuật y học hiện đại tương đương các trung tâm y tế lớn trong khu vực Đông Nam Á. Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế là đại học trọng điểm về đào tạo nguồn nhân lực y tế, là trung tâm Trường - Viện theo mô hình các nước tiên tiến trên thế giới, có hệ thống tổ chức khá hoàn thiện, quản lý theo tiêu chuẩn ISO, có nguồn nhân lực trình độ cao, hoạt động theo cơ chế tự cân đối tài chính. Bệnh viện Đại học Y Dược - Đại học Huế được trang bị một số máy móc hiện đại, như: CT Scan đa lát cắt, chụp X quang số hoá, máy MRI 1.5 Tesla, máy xét nghiệm tự động... Bệnh viện đã thực hiện nhiều kỹ thuật y học mới, tiên tiến mũi nhọn, chuyên sâu và là một trong những đơn vị dẫn đầu khu vực miền Trung, Tây nguyên về số lượng dịch vụ kỹ thuật được áp dụng trong khám, chữa bệnh của tất cả các chuyên khoa.

Mạng lưới y tế của tỉnh đã và đang được sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức và quản lý, đảm bảo hoạt động chất lượng, hiệu quả. Tuyến tỉnh hiện có 03 bệnh viện đa khoa, 07 bệnh viện chuyên khoa. Có 7/9 trung tâm y tế được xếp hạng II, 138/141 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 98%. 100% trạm y tế đều tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế cho các đối tượng bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 06 tuổi, người nghèo, gia đình chính sách... 100% trạm y tế tổ chức triển khai tốt các kỹ thuật xử lý và cấp cứu thông thường.

Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khoẻ và tầm vóc của người dân, trong đó chú trọng đến đối tượng bà mẹ và trẻ em. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%, các loại vắc xin mới được đưa vào sử dụng phổ biến. Thừa Thiên Huế là tỉnh thứ hai của khu vực miền Trung - Tây nguyên được công nhận loại trừ bệnh sốt rét (kể từ ngày 20/12/2022). Các loại dịch bệnh được khống chế kịp thời, đặc biệt đã khống chế được dịch bệnh nguy hiểm như: Covid-19, dịch tả, SARS, cúm A (H5N1, H1N1), sốt xuất huyết, …Trên 95% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt và nhiều năm không phát hiện trẻ bị đần độn. Tỉnh được công nhận thanh toán được bệnh phong. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả tích cực, nhiều năm tỷ lệ nhiễm HIV ở mức dưới 0,3%.

Đối với dịch bệnh Covid-19, tỉnh cũng như các địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bám sát diễn biến thực tế của dịch bệnh qua các giai đoạn để đưa ra các nguyên tắc chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19.

Các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe tâm thần... được triển khai rộng khắp và thu được nhiều kết quả. Chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh vẫn duy trì ở mức cao. Phụ nữ có thai được quản lý thai tốt, 92,6% phụ nữ sinh con được khám thai hơn 4 lần. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh tuần đầu đạt tỷ lệ 83,7%; tỷ lệ cán bộ y tế chăm sóc sau sinh tại nhà tuần đầu đạt 83,7%. Những năm gần đây Thừa Thiên Huế tập trung nâng cao chất lượng dân số, các hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản được tuyên truyền rộng rãi.

3. Về khoa học - công nghệ

Với sự quyết tâm, cố gắng trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành nên hoạt động khoa học - công nghệ những năm qua đã có chuyển biến đáng kể. Hạ tầng và thiết chế khoa học - công nghệ ngày càng hoàn chỉnh với các trường đại học, cao đẳng; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành, địa phương; đang từng bước hình thành 03 Khu Công nghệ thông tin tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương; xây dựng Đề án phát triển Viện Công nghệ Sinh học; Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế. Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh trở thành thành viên của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Trong giai đoạn 2012 - 2021, có 177 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh đã được triển khai, trong đó lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn và nông nghiệp chiếm ưu thế với lĩnh vực xã hội - nhân văn 46 nhiệm vụ, lĩnh vực nông nghiệp 46 nhiệm vụ, tiếp đến là khoa học y dược 35 nhiệm vụ, khoa học kỹ thuật và công nghệ 26 nhiệm vụ, khoa học tự nhiên 24 nhiệm vụ.

Khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Đặc biệt, đã hành và khai thác có hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC). Trong 4 năm liền (năm 2019 - 2022) đạt “Giải thưởng Sao Khuê" và giành giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022; đặc biệt đã được vinh danh ở hạng mục “Chính phủ số” của tổ chức Công nghiệp điện toán khu vực châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) tại Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ số.

4. Về việc làm, thu nhập, giảm nghèo

Công tác giảm nghèo được triển khai với nhiều giải pháp: Các chính sách về tín dụng ưu đãi; chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; chính sách cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; huy động nguồn viện trợ xã hội, nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn viện trợ khác để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế… Đã bước đầu triển khai có hiệu quả phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” phù hợp với tình hình thực tiễn các địa phương trên toàn tỉnh; đến nay, các huyện, thị xã, thành phố Huế đã tổ chức phát động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 7,95% (năm 2012) xuống còn 2,79% (ước đạt năm 2023).

Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình xóa nhà tạm; chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được cải thiện, đáp ứng được phần nào nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trình độ học vấn được nâng lên, tỷ lệ lực lượng lao động đã hoàn thành bậc học THPT tăng từ 25,88% (2011) lên 31,57% (2020); năng suất lao động được nâng lên đáng kể với tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 10,8%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo giai đoạn 2013 - 2023 đạt gần 70%; hàng năm tạo việc làm mới cho hơn 16.700 lao động. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2013 đến nay đã giới thiệu việc làm và cung ứng lao động trên 170.000 lao động, trong đó, đưa hơn 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

5. Về an sinh xã hội

Phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, Thừa Thiên Huế luôn đảm bảo để những người có công với cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng ổn định.Việc giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận, xác nhận người có công, đề nghị giải quyết chế độ đối với người có công và thân nhân đã được thực hiện kịp thời. Trên địa bàn tỉnh có gần 89.000 người có công với cách mạng, trong đó có hơn 19.000 liệt sĩ, hơn 13.000 thương bệnh binh, 2.468 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 4.300 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, gần 3.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và gần 50.000 người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương… Tổng số người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 16.895 người, với tổng số tiền chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng hơn 27 tỷ đồng. Công tác điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe đối với người có công và thân nhân người có công luôn được quan tâm. Hằng năm, toàn tỉnh có hơn 7.000 lượt người có công và thân nhân hưởng chế độ điều dưỡng, chăm sóc phục hồi sức khỏe.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, tự thiện được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, ủng hộ tích cực, đã trao tặng hàng ngàn sổ tiết kiệm, hàng chục ngàn xuất quà, mỗi năm có hàng ngàn lượt đối tượng chính sách, người có công được vay vốn, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức, cơ quan nhận phụng dưỡng suốt đời. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã ban hành các chế độ, quy định mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 28/2021/NQ-HĐND, ngày 26/8/2021 “Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và định mức tiền ăn hàng tháng cho đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Hiện nay, toàn tỉnh có 57.959 đối tượng, người chăm sóc được hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng, với kinh phí khoảng 39 tỷ đồng/tháng. Có 24 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 1.384 đối tượng.

Quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), xác định BHYT, BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, các cấp ủy, chính quyền, ngành y tế, bảo hiểm xã hội, các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách BHYT, BHXH, nhất là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BHXH, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT. Số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tăng: năm 1995 (năm thành lập BHXH tỉnh) số người tham gia BHXH bắt buộc là 34.840 người; số người tham gia BHYT là 125.879 người (chiếm 12,75% dân số); đến năm 2023 số người tham gia BHXH bắt buộc là 127.435 người, tăng gấp 3,7 lần so với năm 1995; số người tham gia BHYT là 1.160.447 người (chiếm 99,2% dân số); có 20.262 người tham gia BHXH tự nguyện. Việc giải quyết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng được triển khai tích cực, kịp thời.

6. Về bảo vệ tài nguyên môi trường

Các cấp, càng ngành đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế có 9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải thực hiện xử lý. Trong đó: đã có 8/9 cơ sở được công nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để. Theo Quyết định 1788/QĐ-TTg, ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế có 8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải thực hiện xử lý. Trong đó: Bãi rác thị trấn Sịa, Bãi rác Khe Tre, Bãi rác Phú Hải đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt; mục tiêu 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là 96%, trong đó khu vực đô thị là 99% và khu vực nông thôn là 93%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt trên 90%.

Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động bảo vệ môi trường góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Năm 2019 Thủ tướng Chính Phủ đã gửi thư biểu dương hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” năm 2019; UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 22 tập thể, 36 cá nhân và tặng giấy chứng nhận cho 20 cá nhân “Đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; Tỉnh Đoàn đã trao 70 giải thưởng cho các tập thể đạt kết quả xuất sắc trong cuộc thi xây dựng thôn, bản, làng, tổ dân phố “xanh - sạch - sáng”, trường học “xanh - sạch – sáng”.../.

(Theo Báo cáo số 420-BC/TU ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Tỉnh ủy về tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mớitheo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày