Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 3.142
Kết quả thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực năm 2023
Ngày cập nhật 13/12/2023

Thực hiện Kế hoạch số 488/KH-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Theo đó, kết quả phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực năm 2023 đã đạt được như sau:

 

1. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

- Tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2023, Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023, Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2023; tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững được thực hiện kịp thời; tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo học nghề ở các cơ sở giáo dục nghiệp và tìm cơ hội việc làm trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát danh mục nghề đào tạo, xây dựng các chương trình dạy nghề, đảm bảo cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng thực hành nghề và các kỹ năng mềm (về pháp luật lao động, an toàn lao động, kỹ năng làm việc kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp); đồng thời tập trung triển khai chương trình dạy nghề theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp và có sự tham gia của doanh nghiệp; nâng cao năng lực thực hành, năng lực tự tạo việc làm.

- Tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiêm túc thực hiện các nội dung tự đánh giá chất hàng năm làm cơ sở cho việc công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong toàn bộ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với mục tiêu và sứ mạng của đơn vị.

- Công tác giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được chú trọng theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã chuyển sang đào tạo theo hình thức tích lũy tín chỉ, mô đun kết hợp với đào tạo theo niên chế; tăng thời gian tự rèn luyện tay nghề và làm việc theo nhóm của học sinh, sinh viên.

- Công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, chính sách phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập được chú trọng. Đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập được hình thành và phát triển trong đó có nhiều đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Trong đó, có 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Thực hiện đúng các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với người học các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách miễn giảm học phí, chính sách liên thông trong giáo dục nghề nghiệp và liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học và công tác giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

- Ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, mua sắm thiết bị giáo dục nghề nghiệp tại Cao đẳng Giao thông Huế và Trường Cao đẳng Y tế Huế đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng tâm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia).

2. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo

- Tiếp tục đổi mới đạt hiệu quả tốt phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, gắn với xác định động cơ học tập đúng đắn cho học sinh. Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh trung học thông qua Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia; tham gia cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

- Tiếp tục tham gia triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và đúng quy định. Tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2023 đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mũi nhọn, phát triển tài năng; Triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học. Thực hiện Chương trình Giáo dục địa phương, Chương trình hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, đối với học sinh phổ thông và giáo dục thường xuyên. Năm học 2022-2023, Thừa Thiên Huế có 62 học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 03 học sinh được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc tế, là địa phương thứ 2 toàn quốc có số thí sinh trúng tuyển vào đại học năm 2022.

- Đã chú ý việc nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; triển khai xây dựng ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế có một trường học kiểu mẫu ở mỗi cấp học. Tiếp tục xây dựng Trường THPT chuyên Quốc học Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục; Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường kiểu mẫu, chất lượng cao của toàn quốc.

- Tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1882/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Chỉ đạo các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng triển khai hiệu quả mô hình đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trình độ trung cấp nghề kết hợp học văn hóa phổ thông nhằm tạo ra lực lượng lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ sở giáo dục phổ thông đang đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường với nhiều hình thức phong phú, đặc biệt chú trọng các lớp cuối cấp.

3. Lĩnh vực y tế

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023 – 2025. Triển khai Đề án số 863/ĐA-SYT ngày 13/3/2023 về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế từ hạng IV lên hạng III năm 2023, kết quả thực hiện như sau: có 74 viên chức được bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức hạng III, trong đó: Bác sĩ hạng III: 22; Bác sĩ Y học dự phòng hạng III: 03; Dược sĩ hạng III: 07; Kỹ thuật y hạng III: 09; Điều dưỡng hạng III: 29 và Hộ sinh hạng III: 04.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức y tế về mọi mặt: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế được cử đi đào tạo sau đại học, đào tạo liên thông lên đại học, đào tạo liên thông lên cao đẳng và đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn là 312/649 người.

4.Lĩnh vực văn hóa – thể thao - du lịch

- Đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ngành văn hóa và thể thao giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, sau khi hoàn thành trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý; xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý bảo đảm chuẩn hóa, đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu; chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ được phân công.

- Nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển đổi Trường Trung cấp Thể dục thể thao Huế thành Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh theo chủ trương sắp xếp, hoàn thiện cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh; hiện đã hoàn thành, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Tổ chức sắp xếp các trường trung cấp trực thuộc đảm bảo phù hợp với Nghị định 120/2020/NĐ-CP, theo hướng đồng bộ, tinh gọn, cơ cấu hợp lý. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo, tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề nghệ thuật truyền thống, bộ môn thể thao trọng điểm. 

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, kiện toàn các phòng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc; ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tổ chức bộ máy của ngành tiếp tục được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý; ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng cử công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo sau đại học.

- Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cao; tập trung đầu tư phát triển lực lượng vận động viên, huấn luận viên thể thao thành tích cao ở các bộ môn trọng điểm; mở rộng, tăng cường các môn thể thao xã hội hóa; thường xuyên quân tâm, phối hợp tổ chức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, thể thao cho công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở và các cơ quan, ban, ngành liên quan trong tỉnh.

5. Lĩnh vực khoa học và công nghệ

- Tham mưu, đề xuất nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh theo Đề án 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, công nghệ mới, công nghệ cao của các Sở, ban ngành, UBND các huyện/thị/thành phố, Bệnh viện Trung ương Huế, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Viện Nghiên cứu Phát triển, Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung, Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế và các trường đại học thành viên và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 và đã chọn ra 12 dự án xuất sắc trong tổng số 90 hồ sơ dự thi. Kết quả có 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 02 giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh và 01 giải thưởng Sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu.

- Tiếp tục hoàn thiện và thực thi thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ nhân lực KH&CN góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các thiết chế khoa học và công nghệ, các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tham gia sâu rộng vào hoạt động KH&CN của tỉnh.

6. Lĩnh vực công nghệ thông tin

- Triển khai thực hiện Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, Sở Thông tin và Truyền thông đang dự thảo nội dung kế hoạch Xây dựng hệ thống thông tin kết nối cung cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, góp phần phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động và giải quyết việc làm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu nguồn nhân lực.

- Đã triển khai Kế hoạch Bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số chuyên đề Xây dựng Văn hóa Chính quyền số; Kế hoạch Đào tạo chuyên sâu các kỹ năng cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; Kế hoạch Đào tạo Nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ công chức viên chức UBND cấp huyện, cấp xã; triển khai cho hơn 500 cán bộ công chức đăng ký tham gia tập huấn chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào Quý IV năm 2023.

7. Ban Dân tộc đã tham mưu và trình phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó, chú trọng cán bộ ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số có đầy đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức 10 lớp tập huấn với khoảng 219 lượt người tham dự, là các cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, 4 theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”.

- Công tác phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được UBND tỉnh ban hành tại Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 06/6/2022 thực hiện Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

- Các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, mở rộng mạng lưới, quy mô trường, lớp ở 4 cấp học. Số học sinh là con em người DTTS tốt nghiệp THPT tăng mạnh, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, nhất là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có số lượng học sinh thi đỗ đại học đông. Cùng với đó, Ban Dân tộc đã phối hợp cùng sở, ngành, địa phương có liên quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị triển khai đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh DTTS ở các cấp học, ngành học; duy trì và nâng cao tỷ lệ chuyên cần các lớp học 2 buổi/ngày, tập trung các giải pháp để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, dạy phụ đạo học sinh chưa đạt yêu cầu cần đạt (chuẩn kiến thức kỹ năng), bồi dưỡng học năng khiếu, học sinh giỏi, đạt được kết quả tích cực.

- Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là một trong những chính sách quan trọng đối với lao động dân tộc thiểu số nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và xóa đói, giảm nghèo. Nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS&MN đã triển khai các giải pháp linh hoạt gắn mục tiêu dạy nghề với tạo việc làm, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào DTTS&MN.

8. Sở Ngoại vụ đã phối hợp Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức Lớp cập nhật kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại dành cho công chức, viên chức tỉnh nhằm trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết cho những người làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

9. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

- Công tác đào tạo: Đã tiến hành tổ chức 16 lớp Trung cấp lý luận chính trị với số lượng 980 học viên (trong đó, có 13 lớp đào tạo từ năm 2022 với 816 học viên chuyển sang và 03 lớp mới thực hiện theo kế hoạch năm 2023 với 164 học viên). Phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III Đà Nẵng tiếp tục thực hiện 02 lớp với số lượng 112 học viên (chuyển tiếp từ năm 2022 sang).

- Công tác bồi dưỡng: Sở Nội vụ đã phối hợp Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức 15 lớp với số lượng 903 học viên. Trong đó, có 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên với 232 học viên, 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính với 154 học viên, 02 lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng với 105 học viên, 08 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp xã với 412 học viên; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức 01 lớp bồi dưỡng về công tác hội, đoàn thể 80 với  lượt người tham gia. Mặt khác, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ sở đào tạo cử 09 công chức, viên chức lãnh đạo tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp và 03 công chức, viên chức lãnh đạo tham dự lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở là đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và quy hoạch chức danh Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tổ chức tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế.*

10. Công tác phát triển nguồn nhân lực ở các địa phương được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, HĐND, UBND bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, điều hành của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động.

- Các địa phương đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn thống nhất nội dung, phương án tiến hành công tác đào tạo nghề đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

- Các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện đã phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, quân nhân xuất ngũ và người chấp hành xong án phạt tù để giúp các đối tượng có nghề nghiệp, có việc làm ổn định cuộc sống.

- Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ tư vấn học nghề, tìm kiếm việc làm cho người lao động tại các địa phương, giúp người lao động tìm kiếm việc làm trong tỉnh, trong nước và đi lao động nước ngoài theo hợp đồng./.

 

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày