Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.576.239
Truy cập hiện tại 3.203
Kết quả thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn tỉnh năm 2023
Ngày cập nhật 13/12/2023

Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2022 thực hiện Đề án giai đoạn 2022-2027 và Kế hoạch số 477/KH-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2022 thực hiện Đề án 407 trong năm 2023, trong đó, xác định mục tiêu “từ năm 2023, đảm bảo 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án 407 được tổ chức truyền thông trên địa bàn toàn tỉnh, từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đến khi thông qua, ban hành VBQPPL”.

 

Nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của toàn thể cán bộ, Nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, Sở Tư pháp đã tổ chức 02 Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 với sự tham gia của 120 đại biểu là đại diện Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức đấu giá, công chứng trên địa bàn tỉnh. Qua Hội thảo đã ghi nhận, tổng hợp toàn bộ các tham luận, ý kiến góp ý có chất lượng để báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp theo thời gian quy định.

Bên cạnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các dự án Luật thuộc chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, 2024 và các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, dự thảo Quyết định của UBND tỉnh năm 2023 thuộc phạm vi Đề án 407 cũng đã được Sở Tư pháp tổ chức đăng tải toàn văn dự thảo nhằm kịp thời truyền thông và lấy ý kiến góp ý có hiệu quả đảm bảo tính khả thi, hợp Hiến và phù hợp với tình hình thực tế khi các dự án Luật được ban hành.

Nhằm kịp thời thông tin, truyền thông rộng rãi các dự thảo Luật đang trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân, Sở Tư pháp đã thực hiện biên soạn, cấp phát tờ gấp pháp luật về “Một số nội dung sửa đổi, bổ sung chính của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” và “Một số nội dung mới tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” với số lượng 15.000 tờ/loại. Giới thiệu một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong các dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trên ấn phẩm Bản tin Tư pháp (1.000 cuốn). Các tài liệu nêu trên đều được cấp phát miễn phí đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng 5,6/2023, tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật tổ chức tại 09 huyện, thị xã, thành phố; qua đó, đã thực hiện cung cấp đề cương về “Một số kỹ năng về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội” nhằm cung cấp, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức và viên chức tại các huyện, thị xã, thành phố các kiến thức và kỹ năng thẩm định, tổ chức, triển khai thực hiện để đánh giá các dự án, dự thảo VBQPPL...cũng như các kỹ năng về giao tiếp, phát ngôn, thuyết trình và soạn thảo được các văn bản truyền thông chính sách.

Tại địa phương, Sở Tư pháp đã ban hành công văn yêu cầu Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp để đăng tải trên Trang/Cổng Thông tin điện tử cấp huyện và Trang/Cổng Thông tin điện tử các xã, phường, thị trấn. Đông thời chủ động lựa chọn các hình thức tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp như biên soạn, cấp phát tài liệu (tờ gấp, bản tin pháp luật…), phát sóng, phát thanh trên hệ thống loa, đài truyền hình, truyền thanh ở cơ sở nhằm thông tin rộng rãi đến nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp về dự thảo chính sách, VBQPPL. Kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.

Công tác phối hợp truyền thông các dự thảo VBQPPL là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra tại Kế hoạch triển khai Đề án 407 năm 2023 của UBND tỉnh. Do đó, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến các dự thảo VBQPPL đến Nhân dân được quan tâm thực hiện có hiệu quả; nhiều cơ quan, địa phương đã chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông của địa phương để xây dựng chuyên mục riêng nhằm phát sóng, giới thiệu và định hướng sự quan tâm của dư luận tới các dự thảo VBQPPL thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện đăng tải công khai các thông tin về địa chỉ, email, số điện thoại tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị tại trụ sở và trên Cổng/Trang thông tin điện tử để tăng cường việc tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản biện xã hội về dự thảo chính sách, pháp luật giữa cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản và kịp thời tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của cá nhân, thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.

Nhìn chung, qua 01 năm triển khai Đề án 407, các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách trong công tác xây dựng VBQPPL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước đi vào nề nếp. Việc thực hiện Đề án 407 đã có những tác động, ý nghĩa tích cực nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyền thông chính sách tới toàn thể công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; thu hút được công chức, viên chức và Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách, qua đó phát huy được trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận xã hội đối với những chính sách có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến quản lý nhà nước, quyền lợi của Nhân dân. Trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều, các cơ quan, địa phương đã đảm bảo công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo chính sách theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày