1. Kết quả đạt được trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về công tác trẻ em
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, chính sách phù hợp với các quyền trẻ em, từng bước hoàn thiện thể chế thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em và đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong tình hình mới. Triển khai thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các Sở, Ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và đuối nước trẻ em.
Các đơn vị, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh để xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và đuối nước trẻ em phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đến các cấp ủy Đảng, cán bộ, công chức, viên chức, trẻ em và gia đình về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em. Xây dựng chuyên đề và phổ biến kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em và các quy trình xử lý khi xảy ra đuối nước, bạo lực và xâm hại trẻ em... Triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trực quan qua sách, báo, bảng tin, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, Website, kênh phát thanh, hội thi, hội diễn,… của nhà trường, cơ sở giáo dục; qua các buổi nói chuyện, tọa đàm, các hoạt động sân khấu hóa, trong các giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và các buổi sinh hoạt lớp... Xây dựng phong trào “Đội tuyên truyền nhỏ” trong mỗi nhà trường, mỗi lớp học, tuyên truyền đến từng học sinh về nguyên nhân, tác hại và cách phòng, chống bạo lực trong học đường.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội đồng Đội và Hội bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh tổ chức diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói Thừa Thiên Huế năm 2021 với chủ đề “Trẻ em tham gia bảo vệ quyền trẻ em”. Thông qua Diễn đàn nhằm giúp các em nói lên được tiếng nói của bản thân với người lớn, thể hiện quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề xã hội, trong đó, có các quyền liên quan đến trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em; trẻ em với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; trẻ em trên môi trường mạng và trẻ em lao động sớm, từ đó có những giải pháp thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại địa phương thời gian đến. đồng thời, tạo điều kiện để trẻ em thực hiện đầy đủ 4 nhóm quyền cơ bản: quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được tham gia và quyền được bảo vệ. Diễn đàn đã thu hút hơn 150 trẻ em đại diện cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh tham gia đồng thời các em cũng đã được lắng nghe các ý kiến trao đổi của các cô chú lãnh đạo tỉnh đặc biệt là ý kiến phát biểu của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi trực tiếp về các vấn đề mà các em kiến nghị để có sự thay đổi.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tuyên truyền và nhận thức tầm quan trọng trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Đồng thời, tiến hành chỉ đạo tổ chức rà soát và kịp thời phát hiện xử lý khi có trường hợp trẻ em bị đuối nước, bạo lực và xâm hại xảy ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thường xuyên công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa xâm hại trẻ em; thực hiện tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh thông tin kịp thời về tình hình học tập. Xây dựng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh một cách thiết thực và phù hợp; tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh tham gia và tránh xa các tệ nạn xã hội.
Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh trong học đường và 100% cơ sở giáo dục Mầm non đạt trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh – Truyền hình đã tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực trong gia đình. Đặc biệt trong các dịp Tháng hành động vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi 1/6, kỳ nghỉ hè... tuyên truyền trong việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cảnh báo những hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động trẻ em đến các tầng lớp trên địa bàn nhận biết, tham gia phòng, chống, ngăn chặn một cách hiệu quả. Ngoài ra, chỉ đạo Đài các cấp huyện đã tiếp và phát sóng kịp thời, đầy đủ các chương trình tuyên truyền công tác và các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Sở Y tế đã quán triệt và chỉ đạo Trung tâm Giám định y khoa thực hiện tốt công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; không ngừng nâng cao năng lực kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tập trung và chỉ đạo các phòng chuyên môn nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời, thụ lý giải quyết nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Thường xuyên nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, quy trình, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, và các biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tăng cường giám sát, phản biện trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ngay tại địa bàn dân cư; tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào, các cuộc vận động do các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai.
Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em; tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em bảo đảm thực chất; tăng cường trách nhiệm theo dõi việc giải quyết của các cơ quan và phản hồi cho trẻ em kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị; đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thường xuyên chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp tăng cường giám sát việc phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em: tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, hỗ trợ trẻ em, gia đình có trẻ em là nạn nhân của các vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em liên quan đến việc phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền; kịp thời kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện việc tăng cường các biện pháp phòng chống xâm hại, tại nạn thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19; Hàng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em của địa phương, trong đó có nội dung thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em theo quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật Trẻ em; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 5, Điều 35 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh nơi công cộng, từng bước trang bị hệ thống kỹ thuật giám sát an ninh, nhất là tại khu vực trường học, khu vui chơi, giải trí của trẻ em.
3. Xây dựng các mô hình tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em
Kế thừa kết quả hoạt động xây dựng các mô hình điểm bảo vệ chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng từ năm 2013 đến nay 5 mô hình: Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng (xã Phú Diên – huyện Phú Vang); Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng (xã Phong Sơn - huyện Phong Điền); Mô hình phòng ngừa trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng (phường Phú Hậu - Thành phố Huế); Mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng (phường Hương Sơ - Thành phố Huế và xã Hồng Thượng - huyện A lưới).
Các đơn vị trên đều có kế hoạch xây dựng, thành lập câu lạc bộ quyền trẻ em. Các câu lạc bộ được thành lập từ các mô hình có sự tham gia sinh hoạt của khoảng 200 đối tượng là cán bộ xã, thôn, phụ huynh có trẻ em và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (khoảng 40 đối tượng/1 câu lạc bộ). Nội dung các buổi sinh hoạt cũng đa dạng, tùy theo thực tế hoạt động và yêu cầu của cấp xã, cấp huyện đề nghị. Thông qua các hoạt động của mô hình, đặc biệt qua các buổi giao lưu sinh hoạt câu lạc bộ, các em được vui chơi, học hỏi nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ.
Hội đồng Đội tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các liên đội duy trì thường xuyên hoạt động của các Câu lạc bộ, đội, nhóm trong nhà trường học. Tính đến nay, toàn tỉnh có 446 Câu lạc bộ trong trường học, thông qua các hoạt động chương trình sinh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu được rèn luyện, trải nghiệm và thu thập kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, trang bị cho giới trẻ những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống xung quanh, biết sống yêu thương, giúp đỡ trong cộng đồng. Tạo một môi trường năng động, một không gian giải trí lành mạnh và bổ ích cho các bạn trẻ, thắt chặt hơn tình cảm giữa bạn bè, anh em, thầy cô và gia đình.
Với mục đích loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại các gia đình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện và thị xã xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn cho trẻ em. Qua khảo sát nhận thấy do điều kiện đời sống của người dân còn thấp, kiến thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em còn hạn chế, nhà ở đa số là nhà cấp 4 đã được xây dựng lâu năm, các trang thiết bị điện chưa đảm bảo được an toàn, việc sắp đặt các đồ dùng sinh hoạt trong nhà và ngoài sân còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích trẻ em. Từ kết quả khảo sát, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện và thị xã đã phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi bằng tờ rơi, panô, áp phích và sổ tay về Ngôi nhà an toàn và phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em cho mọi người dân và trẻ em trên địa bàn. Tổ chức các buổi sinh hoạt, thảo luận chuyên đề cho gia đình, các cụm dân cư và trẻ em đang sống trong các cơ sở tập trung, các Câu lạc bộ trẻ em và những điểm trẻ em thường hay tập trung để phổ biến và hướng dẫn những kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, cách nhận biết các vật dụng có thể gây nguy hại cho trẻ, và cách sơ cấp cứu trước khi đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất... Tổ chức các nhóm cộng tác viên đã được tập huấn gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp các gia đình khó khăn và các gia đình không đạt các tiêu chí về Ngôi nhà an toàn trẻ em để tuyên truyền, tư vấn, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn để loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em.
Từ chuyển biến về nhận thức, nhiều gia đình đã quan tâm, chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi mua sắm và lắp đặt các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình nhằm góp phần quan trọng trong việc phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Đến nay, 10 mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại các huyện và thị xã vẫn tiếp tục duy trì, thực hiện và tiến hành đánh giá tốt.
4. Công tác chỉ đạo, giám sát và phối hợp liên ngành
Thường xuyên chỉ đạo các ngành có liên quan, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nhằm hạ thấp tỷ lệ tai nạn thương tích trẻ em ngay tại gia đình, cộng đồng , đặc biệt là trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Chỉ đạo lồng ghép và vận động các hộ gia đình đăng ký, cam kết thực hiện Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em vào phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”.
Thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích, tạo các sân chơi phù hợp cho các em trong dịp nghỉ hè nhằm tránh xa các tệ nạn xã hội đặc biệt là phòng tránh tai nạn thương tích, tại nạn đuối nước.
5. Giải pháp đảm bảo trong việc thực hiện quyền và an toàn cho trẻ em
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành; các cấp chính quyền địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác truyền thông, đặc biệt về các quy định pháp luật về trẻ em, các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.
Đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng phương tiện truyền thông, đăng tin, bài trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tiếp tục bám sát thực tiễn cơ sở, tuyên truyền xuất phát từ của cơ sở, tập trung hướng về cơ sở; Nâng cao chất lượng tuyên truyền đồng thời phải nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp, đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên của các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.
Biên soạn kịp thời các tài liệu về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em của tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân và bản thân trẻ em.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Thủ tướng Chính và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Chương trình, kế hoạch, dự án của Trung ương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Quan tâm đầu tư nguồn lực, huy động sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Cân đối ngân sách nhà nước và nguồn huy động xã hội để thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đem lại lợi ích thiết thực cho trẻ em. Đặc biệt, các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc và giúp đỡ nhiều hơn, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bạo lực, xâm hại./.