Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 4.012.215
Truy cập hiện tại 2.817
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
Ngày cập nhật 26/06/2023

Thực trạng hiện nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục thường cao hơn các hình thức xâm hại trẻ em khác. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại được phát hiện đã được các cơ quan, đơn vị liên quan có thẩm quyền can thiệp, xử lý, chăm sóc và bảo vệ kịp thời; bên cạnh đó các cơ quan chức năng đã phối hợp và tập trung các biện pháp điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm xâm hại trẻ em nhằm răn đe các đối tượng phạm tội.

Theo số liệu thống kê các vụ xâm hại xảy ra thì khoảng 90% số vụ được phát hiện những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với gia đình và nạn nhân và trên 25% vụ việc xâm hại tình dục đã có sự đồng thuận của nạn nhân. Từ năm 2021 đến 30/4/2023 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 53 trẻ em bị xâm hại, so với cùng kỳ liền kề (từ 1/1/2020 đến 30/4/2022) tăng 04 vụ (tăng 11%). Kết quả xử lý hình sự 37/39 đối tượng, xử lý hành chính 5 vụ/31 đối tượng.

Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trong những năm gần đây diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ nạn nhân bị xâm hại đến từ người thân, quen khá cao. Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Nếu trước đây, đối tượng xâm hại thường lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của gia đình, sự non nớt, thiếu hiểu biết của trẻ em để lừa gạt hoặc dùng vũ lực đe dọa, uy hiếp để xâm hại trẻ em; thì hiện nay các đối tượng xâm hại thường tiếp cận, dụ dỗ, mua chuộc trẻ em; đáng lưu ý là việc lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để tiếp cận, lừa gạt để thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần, sự phát triển của trẻ em mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội.

Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em luôn được chú trọng triển khai. Từ năm 2021 đến 30/4/2023, công tác tuyên truyền triển khai Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp và xây dựng kế hoạch, triển khai truyền thông về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em, tập trung vào các nội dung phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Thường xuyên định hướng tuyên truyền nội dung liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em trong tình hình mới vào hội nghị giao ban báo chí hàng tháng, giao ban khối xuất bản - in - phát hành.

Đặc biệt vào các dịp Tết cổ truyền, Tháng hành động vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, kỳ nghỉ hè... UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực trong gia đình. Đồng thời đã biểu dương, giới thiệu gương điển hình tiên tiến trong việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cảnh báo những hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động trẻ em đến các tầng lớp trên địa bàn nhận biết, tham gia phòng, chống, ngăn chặn một cách hiệu quả. Ngoài ra, chỉ đạo Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, xã tiếp và phát sóng kịp thời, đầy đủ các chương trình tuyên truyền công tác và các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thường xuyên quán triệt Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 5/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Hằng năm, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục Luật Trẻ em tại các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong toàn ngành. Hướng dẫn thực hiện 3 cấp độ bảo vệ trẻ em từ cấp độ phòng ngừa (gồm các biện pháp áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại) đến cấp độ hỗ trợ (gồm các biện pháp áp dụng với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em) và cấp độ can thiệp (gồm các biện pháp áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt). Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh với giáo viên để nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và các vướng mắc phát sinh, kịp thời can thiệp, tư vấn giải quyết thấu đáo nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh; thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em. Đội ngũ cán bộ, giáo vên phụ trách công tác giáo dục, tuyên tuyền pháp luật nói chung, Luật trẻ em nói riêng ở các đơn vị trường học được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảng dạy, tuyên truyền Luật trẻ em và năng lực thực hiện quyền trẻ em tại các đơn vị trường học.

Ngành Văn hoá và Thể thao phối hợp, chỉ đạo các đơn vị tổ chức các buổi thi tìm hiểu về di sản và các khóa trải nghiệm cùng di sản cho các học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh. Đã tổ chức đón 72.135 các em học sinh trên tổng số 125.750 lượt khách đến tham quan. Hằng năm, các đơn vị Bảo tàng Lịch sử tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế miễn, giảm vé cho các em đến đọc sách, tham quan nhân tháng hành động vì trẻ em và dịp lễ, tết, dịp hè,... Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức các cuộc thi cho học sinh thi vẽ tranh, qua đó tuyển chọn các tác phẩm đạt giải để tổ chức triển lãm,... Cấp thẻ thiếu nhi cho gần 2.000 trẻ em. Phục vụ thiếu nhi: 30.000 lượt bạn đọc/90.000 lượt sách báo mỗi năm. Tổ chức 10 cuộc “Vui đọc, vui học” tại phòng Thiếu nhi cho gần 2.000 lượt bạn đọc. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thu hút 10.327 bài thi của học sinh từ 91 trường trên địa bàn tỉnh tham gia. Thi giới thiệu sách trực tuyến có 170 bài của 30 trường tham gia. Thi thiếu nhi vẽ tranh theo sách có 140 em ở 19 trường tham gia. Ngoài ra còn tổ chức phục vụ sách lưu động tại tại 9 trường Trung học cơ sở, Tiểu học với tổng số 13.905 lượt sách báo luân chuyển; 4.500 đầu sách luân chuyển; phục vụ 4.635 lượt bạn đọc.

Ngành Thông tin và Truyền thông đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Trang thông tin điện tử tổng hợp, cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế thông tin, tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới các nội dung liên quan đến công tác giáo dục, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; khuyến khích, vận động gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.

Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan như Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… thường xuyên tuyên truyền pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em tại các trường học, từng địa bàn dân cư đặc biệt là các vùng sâu vùng xa nơi dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu là điều kiện dễ xảy ra các hành vi xâm hại trẻ em…

Quyền tham gia của trẻ em ngày càng được các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể quan tâm, đã tổ chức Diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói Thừa Thiên Huế năm 2021 với chủ đề “Trẻ em tham gia bảo vệ quyền trẻ em” với sự tham gia của các địa phương; thông qua hoạt động đã tạo được một sân chơi riêng để các em phát huy quyền tham gia của mình vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp cho các em được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập và trong quá trình sinh hoạt đội, nhóm. Thông qua Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” đã giúp các em nói lên tiếng nói của bản thân với người lớn, thể hiện quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề xã hội liên quan đến mình; đồng thời, tạo điều kiện để trẻ em thực hiện đầy đủ 4 nhóm quyền cơ bản: quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được tham gia và quyền được bảo vệ. Qua các tiểu phẩm hoặc các ý kiến trình bày, các em đã nói lên sự hiểu biết của mình về Luật trẻ em cũng như quyền trẻ em, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được chia sẻ sự hiểu biết và nói lên ước muốn, nguyện vọng của bản thân mình cũng như lắng nghe ý kiến của các cấp lãnh đạo trong việc quan tâm, chăm sóc giáo dục các em trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2021 – 2022, các ngành, địa phương chủ động tổ chức tập huấn, lồng ghép vào các chương trình đào tạo nhiệm vụ chuyên môn, đa dạng hóa nội dung các lớp tập huấn nâng để cao nhận thức, năng lực, kỹ năng về bảo vệ chăm sóc trẻ em, phù hợp với tình hình hình thực tiễn, cụ thể: tổ chức 19 lớp tập huấn triển khai Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em cho gần 2.000 cán bộ, công chức viên chức phụ trách công tác trẻ em cấp huyện, 100% cán bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cấp xã, thôn trưởng, tổ trưởng và đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức 07 lớp tập huấn lồng ghép kỹ năng phòng chống các loại tai nạn thương tích như do bỏng, điện giật, đuối nước, ngộ độc thức ăn, tai nạn giao thông và 6 lớp tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em... cho phụ huynh và các trẻ em nòng cốt các địa phương nhằm góp phần hạn chế tình trạng bị tai nạn thương tích, tử vong do tai nạn thương tích; tổ chức 17 lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho gần 1.500 cán bộ, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các Chi hội, đoàn thể về hướng dẫn quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và một số kỹ năng cần thiết trong thực hiện quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức 10 lớp tập huấn Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng với gần 900 cán bộ phụ trách lĩnh vực người khuyết tật cấp huyện, cấp xã; cán bộ y tế thôn/tổ, cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em; người dân; gia đình có người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tham dự./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày