Theo đó, hướng dẫn một số nội dung tuyên truyền, cụ thể như sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa của các Công ước về văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), nhất là Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Quá trình tham gia và những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các Công ước.
2. Tiếp tục tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là các chỉ thị, nghị quyết: Chỉ thị 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Kết luận 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết 23-NQ/TU, ngày 14/4/2015 của Tỉnh ủy về Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch 92/KH-UBND ngày 27/4/2017 của UBND tỉnh về Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế nói chung và di sản Huế nói riêng: Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quyết định 42/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050;…, nhất là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “…Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới... Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy”.
3. Tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của việc Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới; những thành tựu và hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong những thập niên qua hướng đến hành trình mới phát triển bền vững; biểu dương những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến trong xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao lòng tự hào, ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa Huế.
4. Những vấn đề đặt ra và những kiến nghị, đề xuất, nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa thế giới tại Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, cũng như tiếp tục bảo đảm thực thi nghiêm túc những cam kết với UNESCO trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - UNESCO hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.
5. Tập trung tuyên truyền về Lễ kỷ niệm và các sự kiện, hoạt động diễn ra xung quanh Lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - 2023) và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2003 - 2023) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.
6. Đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động hưởng ứng của các cơ quan, địa phương, đơn vị gắn với việc tuyên truyển, quảng bá và hưởng ứng các hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế 2023 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam, khai thác thế mạnh về danh thắng, các loại hình lễ hội, du lịch tâm linh, thu hút du khách.
7. Tăng cường tuyên truyền khẳng định vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế xứng đáng là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam; đồng thời đấu tranh, ngăn chặn các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền, lan tỏa những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sự kiện và tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động hưởng ứng; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 09/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm góp phần tổ chức thành công Lễ kỷ niệm cũng như các hoạt động bên lề./.