Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 4.012.568
Truy cập hiện tại 4.689
Sơ kết năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”
Ngày cập nhật 26/06/2023

Trong năm qua, tình hình hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không diễn biến quá phức tạp; số vụ, việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” không nhiều; không hình thành các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” có tổ chức, hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, liều lĩnh; không xảy ra các vụ trọng án liên quan đến đòi nợ, đòi nợ thuê xuất phát từ “tín dụng đen”. Tình trạng các đối tượng có hành vi xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, đe dọa, ném chất bẩn để gây áp lực đòi nợ, tình trạng đối tượng dán, rải tờ rơi giới thiệu cho vay tiền đều giảm hẳn, sau khi lực lượng Công an chủ công, phối hợp với các ban, ngành và quần chúng nhân dân tích cực ra quân triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, bóc gỡ các đường dây hoạt động “tín dụng đen”. 

 

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế xã hội, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan nên hoạt động “tín dụng đen” vẫn tồn tại và hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó, một số nguyên nhân và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu như: Một số đối tượng từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn Thừa Thiên Huế lưu trú hoạt động đơn lẻ hoặc 02 đối tượng với nhau cùng hoạt động cho vay và các nhóm đối tượng là người tại địa phương cũng hoạt động “tín dụng đen”; bọn chúng thường nhắm đến đối tượng vay là những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, buôn bán có thu nhập thấp, các đối tượng chuyên cờ bạc, nợ nần, thanh thiếu niên hư và thường cho vay với số tiền không lớn, thủ tục đơn giản. Bên cạnh tình hình trên, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn nổi lên một số hoạt động cho vay online qua các hội nhóm, mạng xã hội. Các đối tượng lợi dụng không gian mạng, tạo lập nhiều hội nhóm: “Vay tiền ở Huế”, “Vay nhanh tại Huế”, “Vay tiền nhanh nhất Huế”,... đăng tải nhiều bài viết cho vay lãi suất thấp, cho vay tiền góp theo ngày có nguy cơ tiềm ẩn hoạt động “tín dụng đen” và hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoạt động cho vay lãi nặng qua “App” thời gian qua tuy giảm những vẫn còn tiếp diễn, nhiều người dân khi tiếp cận các “App” cho vay tiền do nhận thấy thủ tục đơn giản, chỉ cần thao tác đăng ký trên điện thoại và nhận tiền ngay qua tài khoản nên đã đăng ký vay, thậm chí đã vay của rất nhiều “App”, trong khi người dùng không biết các ứng dụng cho vay có tính năng thu thập dữ liệu thông tin, chuyển toàn bộ danh bạ người vay về máy chủ. Do các đối tượng hoạt động cho vay tiền qua “App” tính lãi suất rất cao nên nhiều trường hợp người vay không trả được nợ dẫn đến việc các đối tượng cho vay gọi điện đến đe dọa, gọi đến người thân có trong danh bạ điện thoại để thông báo, ghép ảnh người vay với những hình ảnh phản cảm, thông tin sai sự thật rồi đăng lên mạng xã hội để đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây áp lực, buộc người vay trả nợ v.v… Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung tổ chức nhiều giải pháp, biện pháp để huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân cùng tham gia; chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương cấp huyện phối hợp Công an tỉnh triển khai các mặt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; tập trung điều tra, xử lý, nhanh chóng bắt giữ các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, góp phần giữ ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Một số kết quả nổi bật như sau:

1. Công tác quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện

Tiếp tục duy trì tổ chức thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2012 của ban Bí thư (Khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại văn bản 8841/VPCP-NC ngày 23/10/2020 của Văn phòng Chính phủ đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương; chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 27/12/2018 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội trong tình hình mới và tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 185/KHUBND ngày 08/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 - Chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch về tăng cường các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tiếp tục tổng rà soát tất cả đối tượng có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, từ đó triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

 - Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương các cấp tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đến bà con nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, tố giác các đối tượng dán, rải tờ rơi quảng cáo cho vay không thế chấp, có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen” qua Hue-S (Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh) để tiếp nhận, xác minh, xử lý.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhân viên. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác giáo dục để cán bộ, công chức, viên chức, bao che cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, không vay tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Kiên quyết xử lý đối với các cán bộ, công chức, viên chức, có biểu hiện tiếp tay, làm ngơ, tham gia các tệ nạn xã hội và có hành vi vi phạm pháp luật.

2. Công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự cho mọi tầng lớp nhân dân. Thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, thông báo tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chung và của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng. Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, lợi dụng các hình thức kinh doanh để hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó: Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo tình hình, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hệ lụy nguy hiểm của “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng phát, dán tờ rơi quảng cáo liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và tổ chức lực lượng bóc gỡ - trong thời gian từ 15/4/2022 đến 14/4/2023, lực lượng Công an đã phối hợp tổ chức hơn 128 buổi, lượt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với hơn 15.102 người tham dự để tuyên truyền về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phát trên loa, đài phát thanh tổng cộng hơn 67 bản tin với hơn 722 lượt; đã có 496 tin, 131 dữ liệu hình ảnh được truyền tải lên nhóm mạng xã hội và 67 bài viết đăng trên các trang báo thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả nguy hiểm của “tín dụng đen”. Các địa phương tổ chức hơn 12 đợt ra quân bóc gỡ tờ rơi giới thiệu cho vay, quảng cáo vay không thế chấp dán ở các cột điện, tường nhà dân, thu gom hơn 1312 tờ rơi tại các địa bàn công cộng.

3. Công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”

 - Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức, đối với nhiều đối tượng có nhiều nhu cầu khác nhau. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn, để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”; Chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ cho thuê tài chính, tư vấn hỗ trợ tài chính do đây là những lĩnh vực dễ biến tướng thành hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Ngày 17/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 10964/UBND-TH về việc kết thúc tạm ngừng đăng ký mới đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh và yêu cầu nghiêm túc thực hiện quy chế phối hợp quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; trong đó, có hoạt động dịch vụ cầm đồ theo Quyết định số 42/2020/QĐ-UBND ngày 15/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh hàng năm đã phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức các Hội nghị triển khai giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan Trung ương tại địa phương, trong đó đã lồng ghép tuyên truyền phổ biến các văn bản luật có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu rõ hành vi, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen”.

- Công an tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, không để tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Toà án để điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng phạm tội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm tạo khí thế tấn công loại tội phạm này và để giáo dục, phòng ngừa, răn đe.

- Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như: kinh doanh tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hoạt động tín dụng, xử lý vi phạm hành chính v.v… để phát hiện các sơ hở, thiếu sót bị đối tượng lợi dụng để hoạt động cho vay lãi nặng, qua đó tăng cường siết chặt quản lý. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong đó có Điều 201 - Bộ luật Hình sự (Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”) nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

4. Kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”

Từ kết quả của công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần cảnh giác của nhân dân đã được nâng lên. Các thông tin phản ánh, tố giác về tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đến các cơ quan chức năng ngày càng nhiều. Lực lượng Công an tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp kịp thời phát hiện các vụ việc, vụ án liên quan đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” và tiến hành điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Công tác đấu tranh được quan tâm chỉ đạo nên đã phát hiện, triệt phá, bắt giữ được nhiều đối tượng có hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và một số hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Trong thời gian từ 15/4/2022 đến 14/4/2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện, đấu tranh, xử lý hình sự 13 vụ/ 15 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (khởi tố điều 11 vụ/ 12 đối tượng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; 01 vụ/ 01 đối tượng về tội “Cố ý gây thương tích” và 01 vụ/ 02 đối tượng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”). Đồng thời, xử lý hành chính hơn 04 vụ, việc/ 06 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng” và hành vi “Phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan và là người có sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan cùng hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” phạt tiền tổng cộng 93.000.000 đồng. Một số vụ án, Chuyên án điển hình, nổi bật như:

 Vụ 1: Ngày 30/5/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ, xử lý đối tượng Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; trú tại kiệt 79 Minh Mạng, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Quá trình đấu tranh xác định trong khoảng thời gian từ 01/01/2022 đến 29/5/2022, Nguyễn Văn Thiện cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vay tiền, số tiền cho vay khoảng 1,25 tỷ đồng, tổng cộng 46 lượt vay, lãi suất từ 156%/ năm đến 3650%/ năm, thu lợi bất chính số tiền là 222.866.128 đồng.

Vụ 2: Ngày 17/6/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phá thành công Chuyên án trinh sát, bí số “622A” đấu tranh với hoạt động phạm tội Cho vay nặng lãi, bắt giữ, xử lý đối tượng Lê Thị Thúy An, sinh năm 1987, thường trú tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tạm trú tại K48/23 Hồ Học Lãm, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Quá trình đấu tranh, xác định từ 11/02/2022 đến 29/5/2022, Lê Thị Thúy An cho chị Lê Thị Thanh Thủy, trú tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vay tổng cộng 3.956.500.000 đồng với 91 lượt vay, lãi suất từ 173,4%/ năm đến 547,5%/ năm, số tiền thu lợi bất chính là 508.353.425 đồng.

Vụ 3: Ngày 14/9/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Lê Đức Anh, sinh năm 1995, trú tại Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tạm trú tại Phòng 519 Khu B, chung cư Vincoland, phường Xuân Phú, thành phố Huế về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Nguyên nhân do chị Nguyễn Thị Hồng Liên, sinh năm 1974, trú tại 37 Nguyễn Chí Diễu, thành phố Huế có vay tiền của đối tượng Lê Đức Anh, khi Lê Đức Anh gặp chị Liên đòi nợ thì giữa các bên xảy ra mâu thuẩn, ông Hồ Thanh Phương vào can ngăn thì bị đối tượng đánh gây thương tích phải nhập viện cấp cứu.

Vụ 4: Ngày 04/01/2023, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành phá Chuyên án trinh sát, bí số “123V” đấu tranh hoạt động Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, tiến hành bắt giữ 02 đối tượng là Lê Tuấn Anh, sinh năm 1972, HKTT tại 239- C8, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội và Lý Đức Lâm, sinh năm 1976, HKTT tại số nhà 06 ngõ 40 Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, cả hai cùng trú tại 11/02/106 Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, thành phố Huế. Qua khám xét thu giữ được nhiều tài liệu, vật chứng, phương tiện liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của Tuấn Anh và Lâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Xác định từ tháng 06/2021 đến tháng 01/2023, Tuấn Anh và Lâm đã cho nhiều người trên địa bàn tỉnh vay tiền, lãi suất cho vay từ 150%/ năm đến 421%/ năm, với hơn 1.192 lượt vay, tổng số tiền cả hai đối tượng giao dịch cho vay khoảng 15.500.000.000 đồng, số tiền thu lợi bất chính khoảng 3.000.000.000 đồng.

 Vụ 5: Ngày 22/3/2023, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam 02 đối tượng, gồm: Nguyễn Hữu Cường, sinh năm 1997, trú tại Kiệt 56 Hải Triều, phường An Cựu, thành phố Huế và Nguyễn Tài Vũ, sinh năm 1999, trú tại đường Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Trước đó, hai đối tượng Nguyễn Hữu Cường và Nguyễn Tài Vũ đến nhà chị Lê Mỹ Hiền, sinh năm 1999, ở tại địa chỉ 26/22 Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế để đòi nợ nhưng chị Hiền không có mặt tại nhà nên hai đối tượng đã dùng roi điện đe dọa mẹ ruột của chị Hiền lấy xe máy nhãn hiệu Sirius, biển số 75F1-096.80 đem về nhà./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày